Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực trên nhiều lĩnh vực trọng yếu: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục… trong đó, hội nhập kinh tế giữ vị trí then chốt. Là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán khu vực nói riêng.
Sau hơn một thập niên ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận với quy mô hơn 642 công ty và quỹ đầu tư niêm yết (mức vốn hóa đạt khoảng 39% GDP), trên 1.000.000 tài khoản của nhà đầu tư, 105 công ty chứng khoán, 46 công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, nếu so sánh với các thị trường chứng khoán trong khu vực như Malayxia, Thái Lan, Inđônêxia, Philíppin thì thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về chất và lượng. Chính vì vậy, muốn hội nhập thành công vào thị trường chứng khoán khu vực ASEAN thì Việt Nam cần phải có một chiến lược tổng thể để hoàn thiện các tiền đề nội lực và lộ trình hội nhập với một mô hình hợp lý, chú trọng làm rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn tiến trình hội nhập vào loại thị trường đặc biệt này.
Cuốn sách Tiến trình hội nhập thị trường chứng khoán Việt Namvào thị trường chứng khoán ASEAN đến năm 2020 do TS. Trần Quang Phú chủ biên, sẽ cung cấp cho bạn đọc một cách có hệ thống các tiền đề lý luận và thực tiễn về quá trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập vào thị trường chứng khoán ASEAN.
Chỉ với 282 trang sách khổ 14,5 x 20,5cm, tác giả đã hệ thống hóa các quan điểm hiện đại về vai trò của thị trường chứng khoán đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia; về kinh nghiệm hội nhập thị trường chứng khoán khu vực của một số quốc gia chuyển đổi (cụ thể là hội nhập thị trường chứng khoán của Cộng hòa Séc, Ba Lan vào EU); hội nhập thị trường chứng khoán khu vực của một số quốc gia trong khu vực ASEAN (như Inđônêxia, Malayxia, Philíppin); về thực tiễn tạo lập tiền đề và quá trình hội nhập vào thị trường chứng khoán khu vực ASEAN của Việt Nam; và từ việc phân tích một cách khoa học, cụ thể về những hạn chế trong quá trình tạo lập các tiền đề nội lực và hội nhập thị trường chứng khoán ASEAN của thị trường chứng khoán Việt Nam, tác giả đã đưa ra một số phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập thị trường chứng khoán Việt Nam vào thị trường chứng khoán khu vực ASEAN đến năm 2020.
Chắc chắn cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, nhà hoạch định trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, xây dựng mô hình hội nhập cũng như kiểm soát quá trình hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam vào thị trường chứng khoán khu vực ASEAN sao cho đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
NGUYỄN THỊ THÚY