Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách mới: Tri thức Đông Nam Á. Đây là công trình nghiên cứu, biên soạn công phu và tâm huyết của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á do Giáo sư Sử học Lương Ninh và Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Vũ Dương Ninh đồng chủ biên.
Với gần 1.000 trang sách, cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin và tư liệu phong phú, toàn diện và tiêu biểu nhất về khu vực và từng quốc gia trong khu vực, đã tạo nên Đông Nam Á với vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trên bản đồ địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hoá thế giới.
Cuốn sách gồm hai phần chính: Phần thứ nhất: Đại cương Đông Nam Á, trình bày khái quát về khu vực, phác họa bức tranh tổng thể về văn hoá, lịch sử hình thành và phát triển của Đông Nam Á. Phần thứ hai: Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, giới thiệu lần lượt về quốc gia: Brunây, Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Mianma, Philippin, Thái Lan, Việt Nam, Xingapo, Đông Timo với những đặc trưng tiêu biểu địa lý, tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hoá, chính trị… Đặc biệt, Phần mục từ là một nội dung rất thú vị, hấp dẫn để bạn đọc tìm hiểu, khám phá.
Phạm vi kiến thức mà cuốn sách đề cập khá rộng, cô đọng và đặc sắc; trong đó có một nội dung rất hay, đó là về văn hoá. Văn hoá Đông Nam Á đa dạng nhưng thống nhất và có sự giao thoa lẫn nhau. Sự thống nhất thể hiện trên những nét tương đồng về địa lý, tự nhiên và quá trình lịch sử không quá khác biệt (hầu hết các nước Đông Nam Á đều từng là thuộc địa của các thế lực thực dân, đế quốc), nhưng cũng không vì thế mà làm mất đi những đặc trưng riêng biệt của mỗi quốc gia.
Nếu như người dân Vương quốc Thái Lan luôn tự hào về hệ thống ngôn ngữ của mình thì nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Campuchia cũng đã nổi tiếng thế giới. Nền văn hoá Thái Lan có thể tồn tại và phát triển rực rỡ như ngày nay là nhờ "món quà tặng vô giá": ngôn ngữ tiếng Thái mà Vua Rama Khamheng đã sáng tạo ra từ năm 1283. Nhìn chung, ngôn ngữ của xứ sở áo cà sa vàng này có thể chia làm ba loại: ngôn ngữ của thường dân, ngôn ngữ hoàng tộc và ngôn ngữ nhà chùa.
Ngôi đền Ăngco Vát, có thể nói là một biểu tượng, hình tượng tiêu biểu nhất cho nghệ thuật kiến trúc của đất nước Campuchia. Được xây dựng vào đầu thế kỷ XII, ngôi đền núi này được xử lý theo một bố cục cân đối, hài hoà đến hoàn hảo. Không những chuẩn xác về mặt cấu trúc, Ăngco Vát còn rất lộng lẫy với một khối lượng khổng lồ những phù điêu trang trí. Riêng các mô típ chạm khác trên tường bao quanh ngôi đền đã dài hàng kilômét, phù điêu nổi thấp trên tường của dãy hành lang thứ nhất dài gần hai nghìn mét, các hình vũ nữ cũng có tới hơn hai nghìn mà không bị lặp lại ở một hình nào. Không những được coi là hình mẫu hoàn thiện nhất của loại hình đền núi Khmer, mà Ăngco Vat còn được coi là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Campuchia cũng như của thế giới.
Trong nền văn hoá Malaixia, sự đa dạng, phong phú của văn học, nghệ thuật cho bạn đọc hiểu rõ về lịch sử, văn hoá, tập quán, tín ngưỡng cũng như tâm tư tình cảm của con người nơi đây. Văn học Malaixia có sự hoà quyện chặt chẽ giữa văn học dân gian và văn học viết, có sự gắn kết với nền văn học chung của cả thế giới Mã Lai. Thể loại văn học được coi là độc đáo nhất và đáng lưu ý nhất của Malaixia là truyện sử (sejarah), ra đời vào khoảng thế kỷ XV.
Còn câu nói vui: "Ăn xôi, thổi khèn, ở nhà sàn cao, ấy chính là người Lào" phần nào cũng phản ánh được những nét cơ bản về văn hoá Lào. Hình thức sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc Lào là ca, múa, nhạc. Đến bất cứ đâu trên đất nước Lào tươi đẹp cũng có thể bắt gặp những chàng trai Lào thổi khèn và những cô gái Lào ca hát trong những ngày vui, ngày hội hay ở ngay những nơi thuận tiện. Người Lào say mê thực sự đối với âm nhạc, ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hát, làm những động tác chân và tay nhẹ nhàng, uyển chuyển theo điệu nhạc, thậm chí theo nhịp gõ của bất cứ một vật gì.
Và Việt Nam, bên cạnh một nền văn học đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc thì người dân nước Việt cũng đã xây dựng cho mình một nền nghệ thuật hết sức đặc sắc. Các công trình xây dựng từ cung điện của vua đến dinh thự của quan lại, đền đài, chùa quán nhiều không thể kể hết. Chùa chiền dựng lên khắp nơi và trở thành biểu tượng của nghệ thuật Phật giáo, các chùa thường gắn liền với các tháp lớn, cùng với đó là nghệ thuật đúc chuông, tượng rất phát triển. Âm nhạc, sân khấu phát triển với các nhạc cụ phong phú, các loại hình văn hoá truyền thống như dân ca, chèo, hề, tuồng, cải lương, hát bội... mang đậm bản sắc dân tộc và nét đặc thù của mỗi địa phương...
Với Tri thức Đông Nam Á, bạn đọc sẽ có thể trang bị cho mình những kiến thức, thông tin bổ ích và toàn diện nhất về các quốc gia Đông Nam Á.