Từ đầu thế kỷ XXI, ngoại giao kỹ thuật số, thường được gọi tắt là ngoại giao số, đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong tổng thể chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, bởi các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành những công cụ có sức mạnh to lớn, với khả năng truyền tải thông tin gần như tức thời, tính tương tác cao, phạm vi lan tỏa rộng, mức độ ảnh hưởng sâu sắc. Vì những lợi ích vượt trội ấy, các quốc gia đã không ngần ngại rót vốn đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại, trong đó phải kể đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Cuốn sách Trí tuệ nhân tạo và ngoại giao số: Thách thức và cơ hội gồm 14 chương, tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học công phu của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và ngoại giao đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cung cấp những thông tin và góc nhìn mới mẻ về chủ đề ngoại giao số.
Các chuyên gia đã vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để nêu bật các tác động qua lại giữa internet và ngoại giao, AI và ngoại giao số, đồng thời nêu lên các chủ đề mới về chương trình nghị sự ngoại giao như an ninh mạng, ngoại giao Twitter, quyền riêng tư, hay việc sử dụng các công cụ internet để thực hành ngoại giao.
Bên cạnh đó, bằng cách xem xét hiện tượng ngoại giao số từ mọi góc độ, các chuyên gia không những chỉ ra các mối nguy hiểm mới từ xu hướng phát triển này, mà còn gợi ý nhiều cách thức chống lại những mối hiểm nguy đó.
Theo đánh giá của nhiều học giả, Trí tuệ nhân tạo và ngoại giao số - Thách thức và cơ hội là một công trình nghiên cứu tóm lược nhiều kiến thức trong lĩnh vực AI và ngoại giao số theo cách thức cô đọng và dễ hiểu; bổ sung và làm sâu sắc hơn các góc nhìn mới về vai trò cũng như tác động của AI đối với ngoại giao số ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà ngoại giao, cũng như các chuyên gia công nghệ và đông đảo bạn đọc hứng thú với đề tài này.