Trận “so găng” cuối cùng

Ngày đăng: 20/12/2012 - 10:12

Đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá! B52 là “pháo đài bay” bất khả xâm phạm! Đó là tư duy của Mỹ, kiểu tư duy của một kẻ cường bạo luôn tôn sùng và dựa dẫm vào sức mạnh của vũ khí. Song cái sai lầm cốt tử của Mỹ là đã quên mất ý chí quật cường của con người Việt Nam quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, đất nước mình. Điều ấy thể hiện rất rõ trong cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm cuối năm 1972.


xac-may-bayb52

Xác chiếc máy bay B52 của giặc Mỹ đến gây tội ác ở Hà Nội bị quân dân Thủ đô bắn tan xác

ngày 22-12-1972

Hai tháng trước khi chính quyền Nixon liều lĩnh đặt con bài cuối cùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam lên bàn bằng việc sử dụng sức mạnh của B52 ném bom rải thảm xuống Thủ đô Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã đạt được một Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Từ Washington DC, Nixon lớn tiếng tuyên bố với dân chúng Mỹ rằng, cơ hội cho cuộc chiến ở Việt Nam đã đến và ông ta quyết không để tuột nó. “Tiền hô, hậu ủng”, tại cuộc họp báo về Hiệp định Pari ở Washington DC, cố vấn Kissinger khẳng định: “Hòa bình đã nằm trong tầm tay”. Một tháng sau, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra và Nixon tái đắc cử. Ngay lập tức ông ta trở mặt. Cử tri Mỹ ngỡ ngàng vì họ đã bị bộ máy tuyên truyền của Nixon đánh lừa. Họ đã tin vào lời hứa của Nixon, đã bỏ lá phiếu cho hòa bình, nhưng Nixon và bộ máy của ông ta lại đem sức mạnh của bom đạn đặt lên bàn Hội nghị. Song những hành động lá mặt lá trái của người đứng đầu chính quyền Mỹ thì không làm cho Việt Nam bất ngờ.

Xét về tầm nhìn chiến lược, từ sáu năm trước khi Mỹ đem B52 ra Hà Nội, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chỉ thị cho bộ đội Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B52 khi con “át chủ bài” của không lực Hoa Kỳ mò ra đánh bom xuống đèo Mụ Giạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ năm 1967, đã có nhận định thiên tài rằng: sớm muộn gì Mỹ cũng đem B52 ra đánh Hà Nội. Nhất định Mỹ sẽ thua nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội…

Nhờ những chỉ đạo sáng suốt đó, hơn ba tháng trước khi Mỹ dội bom Hà Nội, các phương án đánh B52 đã hoàn tất và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã có các nhận định rất chuẩn xác về sự bội ước của chính quyền Mỹ sau khi Nixon tái đắc cử cũng như khẳng định Mỹ sẽ đem B52 ra Hà Nội ngay khi việc ký Hiệp định Pari đổ vỡ. Trong khi đoàn đàm phán Việt Nam trở lại thủ đô nước Pháp, một kế hoạch sơ tán lớn người dân ra khỏi Hà Nội và kế hoạch đánh B52 đã được tập huấn và chuẩn bị chu đáo ở các đơn vị phòng không, không quân. Diễn biến trên bàn Hội nghị đúng như ta dự đoán, Mỹ đổ lỗi cho Việt Nam thiếu thiện chí và đàm phán bị đình trệ. Ngày 14-12-1972, Nixon ra “tối hậu thư” cho chúng ta phải quay lại bàn đàm phán trong 72 giờ nhưng ông ta cũng đồng thời phê chuẩn một kế hoạch tập kết lớn vào Hà Nội, Hải Phòng với một lực lượng vũ khí khổng lồ gồm: 193 máy bay B52, 999 máy bay chiến thuật tổng cộng lên tới 3.920 lượt chiếc. Ông ta ra lệnh cho Đô đốc hải quân Mỹ Thomas Moorer, Trưởng ban tác chiến chiến dịch: Đây là cơ hội để ông sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta một cách có hiệu quả để giành thắng lợi.

Mặc dù sở hữu một lượng vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt cả trái đất, nhưng vì sao Mỹ vẫn sử dụng B52 như một vũ khí răn đe siêu đẳng? Trước hết, đây là “pháo đài bay” mà theo như tuyên truyền của bộ máy chiến tranh Mỹ, nó là “bất khả xâm phạm”. Không một loại vũ khí phòng không nào với tới nó. Nó đi và đến trong vô hình. Mỗi chiếc B52 có thể mang từ 150 đến 200 quả bom… Phải nói, bộ máy tuyên truyền đồ sộ của không lực Hoa Kỳ đã thực sự biến B52 thành “con ngáo ộp” trong nhận thức của người dân trên thế giới. Sử dụng B52, sức tàn phá của nó còn lớn hơn vũ khí hạt nhân nhưng lại tránh được sự phản đối của dư luận tiến bộ trên thế giới. Thâm ý của Mỹ là như vậy. Và quả thực chỉ trong 12 ngày đêm khốc liệt ấy, Mỹ đã rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương một lượng bom mà sức công phá của nó bằng 5 quả bom hạt nhân mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Dư luận thế giới sôi sục lên án. Nhưng nhiều bạn bè của Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí cả những người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc cũng đã không thể hình dung nổi hình thù Hà Nội ra sao sau 12 ngày đêm chìm trong lượng bom đạn tàn khốc đó.

Về phía Việt Nam, chúng ta đã không hề bị động và “ngộp thở” trước “con ngáo ộp” B52. Trên thực tế, B52 đã xuất hiện và tham chiến trên chiến trường miền Nam từ nhiều năm trước. Tuy chưa bắn rơi được nó bằng vũ khí thông thường nhưng B52 không có gì là quá ghê gớm. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, các lực lượng vũ trang của ta đã tạo nên một thế trận thiên la, địa võng với 30 trận địa tên lửa, 100 trận địa pháo cao xạ các tầng, huy động lưới lửa của 3 sư đoàn phòng không, 23 tiểu đoàn tên lửa, 13 trung đoàn cao xạ, 4 trung đoàn không quân, 4 trung đoàn rađa… Ngoài ra còn phối hợp hỏa lực của hàng ngàn trận địa của bộ đội địa phương vòng ngoài như: Quân khu Việt Bắc, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Tả Ngạn…, lực lượng dân quân tự vệ của các nhà máy, xí nghiệp trên khắp địa bàn Hà Nội. Và ngay từ đêm 18-12-1972, khi 67 chiếc máy bay B52 cùng hơn 100 máy bay chiến thuật hộ tống cất cánh từ đảo Guam, Utapao và các sân bay khác nhằm vào Hà Nội, hành tung của chúng đã bị các chiến sĩ rađa tài giỏi của chúng ta phát hiện từ trước khi chúng gây tội ác hơn một giờ đồng hồ.

Cuộc tập kích dã man này được Mỹ đặt mật danh là Linebacker II. Thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi khi cho hàng đàn máy bay F4D bay trước thả hàng hàng loạt bó hợp kim nhôm lơ lửng trên nền trời Hà Nội, tạo ra một dải sóng giả rộng gần 20 cây số, dày 2 cây số và phủ kín vùng trời dài đến 70 cây số. Nhưng những người lính chiến Việt Nam, với tài trí thông minh và linh hoạt tuyệt vời, đã vạch sóng tìm địch mà đánh.

Vậy bí quyết nào giúp những người lính nông dân của chúng ta đánh dập đầu loại “pháo đài bay” mà Mỹ từng rêu rao là bất khả xâm phạm? Các chiến sĩ rađa của tiểu đoàn 59, đoàn tên lửa phòng không 261, đơn vị bắn rơi chiếc B52G đầu tiên vào lúc 20 giờ 18 phút ngày 18-12 lịch sử trên cánh đồng Phù Lỗ, Đông Anh kể rằng, có hai phương án họ đã tập nhiều lần. Phương án thứ nhất là không bật máy dò tìm mà đánh thẳng vào vùng nhiễu. Giống như hai anh mù thụi nhau. Phương án này rất ít hiệu quả. Phương án thứ hai là vạch nhiễu tìm kẽ hở, bật máy bắt tín hiệu B52, đây là phương án chắc ăn, nhưng khi mình bật máy cũng chính là giơ sườn cho các loại tên lửa của hàng trăm máy bay chiến thuật nhằm tới. Ăn nhau có khi chỉ ở cái “tích tắc”. Sự phối hợp giữa các trắc thủ với pháo thủ phải thật ăn ý. Khi rađa đã “ trói” được B52 thì tên lửa phải cất cánh tiêu diệt chúng trước khi chúng kịp đánh vào trận địa. Đánh B52 không khó, khi xác định được loại nhiễu và nắm được cách bố trí đội hình của chúng.

12 ngày đêm dũng cảm ấy, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, 42 máy bay chiến thuật. Đặc biệt xuất sắc là lần đầu tiên trên thế giới, phi công Việt Nam đã bắn rơi 2 chiếc B52. Đêm 27-12, phi công Phạm Tuân đã bắn rơi 1 chiếc và đêm hôm sau, phi công Vũ Phạm Thiều, người con dũng cảm của Hà Nội đã tiêu diệt thêm 1 chiếc B52 cũng trên bầu trời tỉnh Sơn La. Vũ Phạm Thiều đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến oanh liệt này. Trận không kích bằng B52 vào Hà Nội và một số tỉnh, thành phố cuối năm 1972 là trận “so găng” cuối cùng của đế quốc Mỹ trên miền Bắc Việt Nam nhưng chúng đã bị “nốc ao” nhục nhã, phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn đánh phá miền Bắc và ký vào bản Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trận “Điện Biên Phủ trên không” là bản hùng ca tuyệt đẹp đánh gục ý chí xâm lược của Mỹ, kẻ đại diện cho chủ nghĩa thực dân mới đang âm mưu áp đặt sự cai trị của nó trên thế giới. Bản anh hùng ca ấy là sự tiếp nối đầy hào sảng bản anh hùng ca của trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954. Hiệu ứng của hai bản hùng ca ấy đã góp phần quyết định làm thay đổi chiến lược toàn cầu của hai đế quốc hùng mạnh bậc nhất của hai thời kỳ lịch sử.

Bốn mươi năm nhìn lại cuộc chiến đấu tưởng như không cân sức giữa quân dân ta trên mặt trận Hà Nội cuối tháng 12-1972 với một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, mỗi người chúng ta càng tự hào về ý chí quật cường, lòng yêu nước vô bờ bến và tài trí Việt Nam.  

Nguyễn Trọng Tân

          

  

       

 

Bình luận