Trọng trách trước dân

Ngày đăng: 24/10/2013 - 09:10


Thấm thoắt đã qua nửa nhiệm kỳ hoạt động, các đại biểu Quốc hội đã có đủ thời gian để thể hiện sự hoạt động của mình trước cử tri và người dân cũng đã có thời gian kiểm nghiệm việc bỏ lá phiếu của mình khi bầu các đại biểu vào Quốc hội.
 

anh tin 24-10

Ngày 21-10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những kỳ họp được người dân mong đợi nhất bởi dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và xem xét rất nhiều đạo luật liên quan thiết thực đến cuộc sống của người dân như Luật đất đai (sửa đổi); Luật tiếp công dân; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)... Bên cạnh việc thảo luận các báo cáo về vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách... theo thông lệ, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; kết quả thực hiện từ 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện đến hết năm 2015; báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Quốc hội sẽ thực hiện việc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, kỳ họp này sẽ là kỳ họp dài nhất của Quốc hội khóa XIII tính đến thời điểm này và cũng là kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều hơn cả (tổng cộng 10 ngày). Trọng trách trước dân đã được đặt trên vai các đại biểu Quốc hội và tại kỳ họp này, trọng trách đó càng nặng nề.

Thấm thoắt đã qua nửa nhiệm kỳ hoạt động, các đại biểu Quốc hội đã có đủ thời gian để thể hiện sự hoạt động của mình trước cử tri và người dân cũng đã có thời gian kiểm nghiệm việc bỏ lá phiếu của mình khi bầu các đại biểu vào Quốc hội. Để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này của Quốc hội, nhiều ngày qua, các cuộc tiếp xúc với cử tri đã được tổ chức ở mọi miền của Tổ quốc, trong đó có những nơi bão lũ vừa đi qua. Trong muôn vàn nỗi khó khăn của vùng bị thiên tai, các đại biểu Quốc hội đã có dịp được chia sẻ nỗi mất mát của các gia đình có người thân bị tử vong, những cánh rừng cao su bị gãy do bão, những vạt sắn bị lũ có nguy cơ không cho thu hoạch… Những cuộc gặp gỡ giữa đại biểu của dân với cử tri tại vùng lũ đầy xúc động thể hiện trọng trách của đại biểu Quốc hội trước dân.

Trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước ta, Quốc hội được hiến định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Quốc hội có ba chức năng cơ bản là lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, đại biểu Quốc hội là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Cử tri hy vọng, với trọng trách của mình, tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ sáng suốt xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các dự án luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật, được sống, lao động, học tập, công tác trong môi trường thuận lợi.

Trọng trách của người đại biểu Quốc hội trước nhân dân theo quy định của pháp luật là rất cao cả, vinh quang, nhưng cũng hết sức nặng nề. Sức nặng trách nhiệm các “ngón tay bấm nút” biểu quyết của đại biểu Quốc hội thật lớn. Để có những lần bấm nút chính xác, cử tri mong muốn các đại biểu của dân hãy hành động theo ý chí và nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Mỗi đại biểu hãy đừng quên mình là đại diện cho rất đông cử tri đã tín nhiệm khi bầu mình vào cơ quan quyền lực của đất nước. Mỗi đại biểu khi về với kỳ họp hãy mang theo tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của cử tri, có những ý kiến đóng góp có chất lượng và đúng với sự kỳ vọng của cử tri đã bầu cho mình.

Đỗ Phú Thọ

Theo QĐND




Bình luận