Vài nét về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước trong xã hội hiện đại

Ngày đăng: 06/05/2016 - 12:05

Thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đã đưa xã hội loài người phát triển sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của tri thức và công nghệ kỹ thuật hiện đại. Theo đó, nhiều vấn đề mặc dù vẫn giữ nguyên bản chất vốn có nhưng cũng đã có những thay đổi theo xu hướng chung của xã hội hiện đại, trong đó có quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước.

Trong xã hội hiện đại, chính trị nói chung, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước nói riêng, về bản chất và khía cạnh chính trị của vấn đề vẫn mang tính giai cấp, do lợi ích của giai cấp, tầng lớp cầm quyền chi phối, nhưng những biểu hiện và ở khía cạnh kỹ thuật của vấn đề thì đã có những xu hướng thay đổi mạnh mẽ do những phát triển mới của thế giới (như cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, v.v.) mang lại:

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang làm thay đổi căn bản tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, trực tiếp đưa đến những biến đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, lối sống và cả chính trị, nhà nước, v.v.. Nếu ở thế kỷ XVIII việc chế tạo ra máy móc chủ yếu là mô phỏng sự vận động của chân tay con người, thì từ giữa thế kỷ XX đến nay việc chế tạo ra máy móc đã mô phỏng được bộ não người. Từ đó nảy sinh vô vàn những sáng tạo chưa từng có, đưa loài người tiến lên một thời đại mới với hệ thống công nghệ cao và lực lượng sản xuất mới. Sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại diễn ra với tốc độ rất nhanh và quy mô rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thông tin, sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới và tự động hóa, v.v.. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại như vậy đang có những ảnh hưởng ngày càng trực tiếp đến chính trị, chính sách từ những vấn đề gốc rễ là quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và nó làm gia tăng sức mạnh, phạm vi và khả năng kiểm soát của quyền lực phi truyền thống; làm thay đổi chức năng (chức năng giao tiếp và huy động chính trị, v.v.) và cấu trúc (tạo ra sự phân tán quyền lực, v.v.) của các thể chế quyền lực; làm thay đổi các chức năng của Nhà nước (chức năng điều tiết và cung ứng dịch vụ công, v.v.); làm thay đổi phương thức và hình thức vận hành quyền lực (từ cưỡng ép là chủ yếu sang thuyết phục là chủ yếu và xuất hiện hình thức “chính phủ điện tử”). Hơn nữa, sự phát triển khoa học - công nghệ hiện đại đã tạo ra những phát triển mới về phương pháp luận nghiên cứu và triển khai của khoa học xã hội, tạo ra những cuộc cách mạng về thể chế, về chức năng của các thể chế chính trị, nhất là thể chế nhà nước.

Toàn cầu hóa với nghĩa chỉ những thay đổi được tạo ra bởi các liên kết và trao đổi (trên nhiều lĩnh vực) giữa các cá nhân, tổ chức và quốc gia trên quy mô toàn cầu - là quá trình tăng lên mạnh mẽ những sự tác động và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đồng và cá nhân trong quá trình tồn tại và phát triển. Toàn cầu hóa như vậy đang ảnh hưởng đến quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thông qua các thể chế chính trị, nhà nước, thể hiện ở chỗ: làm thay đổi cách tiếp cận và quan niệm về độc lập và chủ quyền của nhà nước quốc gia; làm thay đổi mô hình tổ chức và hoạt động, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước, cơ cấu và chủ thể của quyền lực nhà nước, đa dạng hoá các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước; làm xuất hiện các chủ thể quyền lực mới là giới kinh doanh và xã hội dân sự, sự cạnh tranh giữa các chủ thể quyền lực cũ và mới ngày càng rõ rệt; làm thay đổi việc phân bố quyền lực quốc tế, đa dạng hoá chủ thể thực thi các cơ cấu quyền lực quốc tế; tạo cơ hội cho các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và tập đoàn xuyên quốc gia tham gia thực thi quyền lực.

Kinh tế tri thức, với nghĩa loại hình kinh tế, là loại hình kinh tế dựa trên sự phát triển cao của lực lượng sản xuất hiện đại, khi tri thức trở thành nguồn lực chủ yếu và quan trọng nhất của lực lượng sản xuất. Kinh tế tri thức, với nghĩa ngành kinh tế, là ngành sản xuất và dịch vụ mà giá trị chủ yếu được tạo ra bởi tri thức. Kinh tế tri thức, với nghĩa nền kinh tế, là nền kinh tế mà ở đó phần lớn các ngành sản xuất và dịch vụ trở thành ngành kinh tế tri thức, tri thức trở thành yếu tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng giá trị sản phẩm. Kinh tế tri thức như vậy đang ảnh hưởng đến quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, thể hiện ở chỗ: làm thay đổi quan niệm và khái niệm quyền lực, làm phong phú thêm những mục tiêu, nguồn lực, phương thức giành, giữ và thực thi quyền lực theo hướng đề cao tri thức và lao động tri thức; làm xuất hiện những quyền lực mới như quyền lực mềm (cơ sở và nguồn lực chủ yếu của quyền lực chủ yếu là tri thức), quyền lực thông minh và quyền lực công chúng, v.v.; đòi hỏi nâng cao năng lực và phương thức quản lý của nhà nước theo hướng tạo dựng ảnh hưởng và thu hút người dân vào các quá trình chính trị, tôn trọng các quyền con người và quyền công dân, chia sẻ giữa nhà nước và công dân, nâng cao tính linh hoạt của cơ chế phản hồi trong sử dụng quyền lực, v.v.; làm thay đổi chế độ sở hữu sức lao động (tư liệu sản xuất chủ yếu) theo hướng có lợi cho người lao động và việc thực hiện quyền làm chủ của họ, nâng cao vị thế của lao động trí tuệ; làm thay đổi chức năng và nhiệm vụ, tổ chức và phương thức quản lý của nhà nước và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội có liên quan.

Quyền lực mềm, cơ sở của quyền lực nói chung và quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước nói riêng trên tiền đề của sức mạnh kinh tế và quân sự, có xu hướng chuyển dần sang sức mạnh của tri thức, thể hiện ở chất lượng và hiệu quả của đường lối của đảng (đảng cầm quyền), chính sách, pháp luật của nhà nước, sự tham gia chính trị của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Quyền lực dựa trên kinh tế và quân sự (quyền lực cứng) không còn là yếu tố duy nhất quyết định năng lực quốc gia. Quyền lực mềm (sức mạnh, năng lực, hình ảnh tổng hợp quốc gia) ngày càng trở thành cơ sở quan trọng cho quyền lực do hiệu ứng, hiệu quả của nó mang lại1.

Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước hiện đại không chỉ cần đến sức mạnh kinh tế, quân sự mà còn cần đến sức mạnh của sự thu hút, hấp dẫn bởi các giá trị văn hóa, tư tưởng, năng lực lãnh đạo, quản lý, tham gia chính trị, chất lượng của thể chế, sự ổn định và an toàn của môi trường (môi trường sống, môi trường xã hội, môi trường chính trị - xã hội, môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, v.v.). Trong hoạt động chính trị và nhà nước, người ta ngày càng cần đến và sử dụng tính chính đáng, tính giá trị của quyền lực, sự ủng hộ của người dân đối với các thể chế quyền lực và thực thi quyền lực2.

Quyền lực mềm thể hiện trong các mối quan hệ giữa người lãnh đạo, quản lý với nhân viên, giữa người cầm quyền với người dân, v.v.. Quyền lực của một nhà lãnh đạo, quản lý sẽ lớn hơn nếu người đó có thể làm cho những người khác chia sẻ và đóng góp vào hệ giá trị (quan niệm, định hướng, tầm nhìn, đạo đức, tính cách, v.v.). Trong xã hội hiện đại, cưỡng bức không còn là sự lựa chọn ưu tiên. Với ưu thế tạo ra sự đồng thuận, việc huy động vốn xã hội với chi phí ít nhất và đặc biệt là huy động được sự tham gia tự nguyện lớn nhất của xã hội, các mục tiêu thúc đẩy quyền làm chủ của người dân đạt được nhanh hơn thông qua sự kết hợp quyền lực cứng với quyền lực mềm thành quyền lực thông minh.

Quyền lực thông minh là khả năng xác định bối cảnh, lợi dụng các xu hướng và sự dụng hợp lý quyền lực cứng và quyền lực mềm để đạt được hiệu quả cao nhất trong lãnh đạo, quản lý và tham gia chính trị - nơi sự tham gia có tính tự giác được đặt lên hàng đầu. Việc sử dụng quyền lực thông minh đòi hỏi cùng lúc phải có một quyền lực cứng đủ mạnh để cưỡng chế hoặc thể hiện năng lực cưỡng chế khi cần thiết và sự nhạy cảm chính trị, sự sáng tạo và linh hoạt của người cầm quyền. Quyền lực thông minh càng phù hợp với điều kiện quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này không có nghĩa là quyền lực lãnh đạo, quản lý mất đi vị trí và vai trò của nó, nhưng nó phải được tồn tại dưới một hình thức hợp lý và phù hợp hơn. Với quyền lực thông minh, người lãnh đạo, quản lý phải chú trọng nhiều hơn đến việc tạo ra ảnh hưởng và sức thu hút người dân vào các mục tiêu chính trị của mình. Bởi việc sử dụng quyền lực thông minh thể hiện được sự tôn trọng quyền con người, quyền cá nhân, dễ được chấp nhận và tạo được hiệu ứng tâm lý tích cực hơn. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa nhà nước và người dân mang tính hai chiều, khi nhà nước tôn trọng và bảo vệ các quyền cho người dân thì người dân cũng tôn trọng, bảo vệ và hỗ trợ nhà nước, xem việc ủng hộ nhà nước là trách nhiệm của mình nhằm thực hiện các mục tiêu chung.

Quyền lực thông minh trong lãnh đạo, quản lý đòi hỏi chính quyền có đủ bản lĩnh để lắng nghe, chia sẻ, ủng hộ và hỗ trợ trong các vấn đề chính đáng của người dân. Quyền lực thông minh chỉ có được trên cơ sở một chính quyền minh bạch và hiệu quả, hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, có hiệu lực cao và một nền kinh tế phát triển bền vững. Nhà nước thể hiện đủ năng lực và nguồn lực để duy trì các giá trị cơ bản, duy trì trật tự xã hội và mở ra những tầm nhìn cho sự phát triển chung. Việc sử dụng quyền lực thông minh đem lại hiệu quả cao, huy động được sự đồng thuận và vốn xã hội. Trong cơ quan nhà nước, người lãnh đạo, quản lý dù được bầu ra dưới hình thức nào cũng phải làm việc nhân danh người dân và chịu trách nhiệm trước người dân. Những chính sách, quyết định đưa ra có sự đóng góp của người dân luôn có cơ hội vượt qua những khó khăn và đạt đến thành công.

Quyền lực thông minh tạo ra cơ chế phản hồi linh hoạt hơn trong lãnh đạo, quản lý và tham gia chính trị. Người dân có điều kiện đưa ra các phản biện và yêu cầu, giúp cho các chính sách sát với thực tế và đa dạng hơn. Cơ chế phản hồi này giúp cho chính quyền củng cố được cả quyền lực cứng và quyền lực mềm của mình theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và nguyện vọng của người dân. Việc xây dựng và củng cố quyền lực thông minh của cả chính quyền và người dân sẽ hoàn thiện dần các kỹ năng làm chủ, từ đó giúp cho việc phân tích các tình huống chính trị chính xác hơn và chất lượng của việc làm chủ được nâng cao. Với cơ chế phản hồi hiệu quả và thiết thực, sử dụng quyền lực thông minh là một phương thức để cân bằng giữa tính hiệu quả của nhà nước với sự tham gia của người dân, tiết kiệm chi phí triển khai chính sách. Một quốc gia muốn có được quyền lực thông minh, bên cạnh sự hấp dẫn về chính sách và pháp luật, nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền, cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ, có trách nhiệm và đạo đức, biết và dám chịu trách nhiệm trước người dân. Việc sử dụng quyền lực thông minh dựa rất nhiều vào năng lực và uy tín, sức hấp dẫn của những người lãnh đạo, quản lý.

Quyền lực công chúng - quyền lực của số đông, không chính thống nhưng có ảnh hưởng to lớn trong xã hội, được hình thành và phát triển với sự hỗ trợ của máy móc và công nghệ truyền thông trực tuyến; thể hiện thông qua các trang web và mạng xã hội, là dịch vụ nối kết các thành viên trên internet với nhiều mục đích, không phân biệt không gian và thời gian3 - cũng làm cho phạm vi và mức độ tác động của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước có sự thay đổi. Cùng với lượng thông tin được cập nhật liên tục, sự trải nghiệm trực tiếp và hiệu ứng lan truyền nhằm đúng đối tượng, số lượng các thành viên ngày càng tăng. Công nghệ truyền thông có thể tạo ra và xử lý một lượng thông tin nhiều hơn rất nhiều so với khả năng của con người. Các thông tin được lưu trữ, liên kết trong một mạng lưới không giới hạn. Thông tin có thể được trao đổi tức thời với chi phí cực thấp. Mạng xã hội tạo dựng quyền lực của mình thông qua việc tạo cơ hội cho người dùng tìm kiếm thông tin, thu hút nhiều người tham gia, sử dụng nó như một tiện ích ưa chuộng nhất.

Các mạng xã hội có thể khơi dậy tranh luận, tạo nên các làn sóng thông tin, dư luận xã hội đối với nhiều vấn đề chính trị, chính sách công. Sức mạnh này đang dần dần biến thành một loại quyền lực thực sự. Hiệu ứng xã hội mà quyền lực này đem lại có thể làm thay đổi nhận thức của cá nhân, nhóm xã hội về các vấn đề chính trị. Sự tham gia của công chúng về các vấn đề chính trị qua mạng xã hội đang ngày càng tạo sức ép đối với việc thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước nói chung, đối với đảng (đảng cầm quyền) và nhà nước nói riêng.

Các trang mạng xã hội với lực lượng thành viên đông đảo, ý kiến phong phú, trải nghiệm đa dạng và nguồn thông tin không hạn chế, nếu được quản lý tốt sẽ trở thành công cụ làm chủ của người dân. Nhiều vấn đề chính trị, chính sách công nếu được quản lý và khai thác theo chiều hướng tiêu cực sẽ làm nảy sinh nhiều cơ hội lớn cho người dân trong việc tạo ra và tiếp nhận thông tin, thúc đẩy dân chủ và tiến bộ xã hội, mặc dù quyền lực công chúng đòi hỏi các chủ thể của nó phải có đạo đức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội rất lớn.

Những yếu tố trên đang ngày càng làm thay đổi phương thức thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước hay làm thay đổi phương thức lãnh đạo, quản lý và tham gia chính trị của cán bộ, công chức và người dân. Đó là việc hình thành các chủ thể, thể chế và cơ chế quản lý mới như4:

- Hình thành và phát triển nhanh chóng các chủ thể, thể chế và cơ chế quản lý toàn cầu trên nhà nước (suprastate global governance) hay các thể chế và cơ chế quản lý đa quốc gia. Hàng loạt các tổ chức khu vực và quốc tế từng tồn tại hoặc mới hình thành ngày càng được trao thêm nhiều trách nhiệm mới, rộng lớn hơn. Thậm chí các tổ chức quốc tế này còn được gọi là những cơ quan, thể chế quản lý toàn cầu. Các thể chế này có khả năng đưa ra những quan điểm và quyết định khác với các nhà nước quốc gia. Sự cần thiết, vai trò và tầm quan trọng của các thể chế, cơ chế quản lý toàn cầu là rất lớn, trở thành những thiết chế quyền lực với các cách thức tổ chức và thực thi quyền lực thực sự. Mặc dù các thể chế, cơ chế quản lý toàn cầu còn có giới hạn về mức độ và khả năng phát huy tác dụng, về tổ chức bộ máy và nhân viên, các nguồn lực tài chính và các cơ sở luật pháp, nhưng ngày càng tác động mạnh mẽ đến nhà nước quốc gia ở các góc độ và khía cạnh khác nhau, làm giảm thiểu quyền lực nhà nước quốc gia và đặt nhà nước quốc gia trước những cạnh tranh và thách thức mới.    

- Hình thành và phát triển các chủ thể, thể chế, cơ chế quản lý, điều tiết toàn cầu dưới nhà nước (substate global governance). Đó là các mối liên kết trực tiếp xuyên biên giới giữa các chủ thể quyền lực dưới nhà nước, đưa ra những sáng kiến chính sách không qua chính phủ trung ương. Các địa phương thuộc các quốc gia, khu vực khác nhau thực hiện hoạt động kết nối, hợp tác xuyên biên giới một cách trực tiếp và độc lập. Các thể chế và cơ chế quản lý, điều tiết dưới nhà nước này ngày càng tác động mạnh mẽ đến nhà nước quốc gia ở các góc độ và khía cạnh khác nhau, làm giảm thiểu quyền lực nhà nước quốc gia và đặt nhà nước quốc gia trước những cạnh tranh và thách thức mới.    

- Hình thành và phát triển các chủ thể, thể chế, cơ chế quản lý, điều tiết toàn cầu trên cơ sở thị trường. Các thể chế thị trường ngày càng có vai trò quan trọng trong quản trị toàn cầu, các thể chế này càng quan trọng và cần thiết khi các cơ quan quản lý trong khu vực công tồn tại khiếm khuyết hay bất cập. Các sáng kiến chính sách được hình thành từ khu vực tư nhân cũng có ảnh hưởng ngày càng lớn. Các diễn đàn sáng kiến chính sách được hình thành, ngày càng đóng góp tích cực vào việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các nhà nước, chính phủ. Công việc quản lý, điều tiết xã hội không còn là việc riêng của khu vực nhà nước, khu vực công nữa. Các thể chế và cơ chế quản lý trên cơ sở thị trường ngày càng tác động mạnh mẽ đến nhà nước quốc gia, làm giảm thiểu quyền lực nhà nước quốc gia và đặt nhà nước quốc gia trước những cạnh tranh và thách thức mới.

- Mở rộng sự tham gia chính trị của các tổ chức xã hội. Theo đó, các tổ chức xã hội do người dân tự tổ chức nhằm phát huy năng lực sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng để tương tác với nhà nước nhằm đạt tới nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm. Đó là những hội, nhóm và tổ chức khác nhau, độc lập tương đối, đóng vai trò là các thành tố dân chủ tham gia, “bổ khuyết” cho những “thiếu hụt” của các cơ quan dân chủ đại diện. Nguyện vọng và lợi ích của người dân không những được thể hiện trong chính sách, pháp luật của nhà nước, mà còn thông qua tôn chỉ, mục đích, sự phối hợp của các tổ chức xã hội, thúc đẩy người dân tham gia quản lý xã hội. Trong điều kiện trình độ dân trí cao, hoạt động quản lý của nhà nước được chuyển dần cho các chủ thể phi nhà nước.

Sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác quản lý xã hội thể hiện ở những phương diện như: (1) Tập hợp nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên, hình thành nhu cầu chính sách; chia sẻ, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao khả năng thỏa mãn nhu cầu; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thành viên và ảnh hưởng lớn hơn ra cộng đồng, xã hội. (2) Tham gia đánh giá, khuyến nghị của người dân với nhà nước về phát triển và quản lý xã hội; xây dựng, giám sát, phản biện các cơ chế, chính sách và luật pháp về chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển và quản lý xã hội. (3) Hỗ trợ hoạt động của chính phủ trong việc gia tăng số lượng và chất lượng các dịch vụ công, giảm áp lực cho nhà nước. (4) Thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và là cầu nối giữa đảng (nhất là đảng cầm quyền), nhà nước với công dân. (5) Góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện đối ngoại nhân dân.

- Hình thành các thể chế, cơ chế quản trị toàn cầu như là sự tương tác chính trị giữa các chủ thể quyền lực xuyên quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến nhiều nhà nước hoặc khu vực khi quyền lực của nhà nước quốc gia không còn đủ điều kiện và năng lực giải quyết. Nói cách khác, quản trị toàn cầu đề cập sự tương tác chính trị cần thiết để giải quyết vấn đề ảnh hưởng đến nhiều hơn một nhà nước hoặc khu vực khi quyền lực nhà nước quốc gia không còn đủ mạnh để phát huy tầm ảnh hưởng. Yêu cầu về tổ chức hành động tập thể ngày càng được ưu tiên, nhất là sự tích hợp của quản lý đa phương dẫn đến sự hình thành những mô hình mới cho các tổ chức đại diện và quản lý phụ thuộc lẫn nhau, hướng tới giải quyết những vấn đề toàn cầu. Việc tìm kiếm các mô hình tổ chức và cơ chế quản lý mới trên quy mô toàn cầu, cũng như không trở lại với các nguyên tắc và mô hình nhà nước theo tinh thần của Hòa ước Westphalia5, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập và liên kết quốc tế vì những lợi ích chung ngày càng trở nên cần thiết.

Đối tượng của quản trị toàn cầu lúc đầu chỉ bao gồm những vấn đề có nguồn gốc từ địa chính trị và lý thuyết quan hệ quốc tế, quốc phòng và an ninh, ngoại giao và thương mại; nhưng về sau do tác động của sự phát triển mới của thế giới đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như quản trị môi trường, quản trị hành tinh, vượt ra khỏi mối lo ngại và năng lực giải đáp của các nhà nước quốc gia, bỏ qua những rào cản về chính trị và xã hội, hướng tới những hành động tập thể khẩn cấp toàn cầu.

Cấp độ và phương thức vận hành của quản trị toàn cầu hiện nay còn bất cập cả về các cơ sở pháp lý và đạo lý, các dữ liệu thông tin và phương pháp quản lý dân chủ, nhưng nhu cầu mở rộng kết nối và xử lý các đề xuất, sáng kiến của các đảng chính trị, các chính phủ và các tổ chức xã hội rất lớn. Một trong những điều kiện để xây dựng chế độ quản trị dân chủ toàn cầu là phát triển các nền tảng cho các trao đổi về việc xây dựng pháp luật và giải quyết hài hòa các mục tiêu của quản trị toàn cầu.

PGS. TS. Lê Minh Quân

GVCC. Phó Vụ trưởng Vụ các trường chính trị

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Chú thích:

1. Quan điểm quyền lực mềm ở phương Tây với việc nâng cao tri thức, tăng cường truyền thông và tạo dựng lòng tin để củng cố quyền lực gần với quan điểm “dĩ đức phục nhân” của phương Đông. Quyền lực mềm được nhắc đến lần đầu năm 1973 trong cuốn sách Quyền lực và thịnh vượng của Klaus Knorr và phát triển thành lý thuyết vào cuối thế kỷ XX với những nghiên cứu của J. Nye và Lukes. Khái niệm quyền lực mềm sau đó được J. Nye phát triển như là khả năng tạo ảnh hưởng với người khác bằng cách tác động đến hệ thống giá trị, làm thay đổi cách suy nghĩ và khiến họ mong muốn điều mà mình mong muốn; là khả năng đạt thứ mình mong muốn thông qua sự hấp dẫn người khác.

2. Từ đầu những năm 1990, khái niệm “quyền lực mềm” đã nhanh chóng phổ biến trong chính trị, nhất là chính trị quốc tế và làm thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế hiện đại. Từ chỗ mọi người quan tâm đến khả năng thuyết phục và lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác, hiện mọi người ngày càng quan tâm đến “khả năng thuyết phục và lôi cuốn” của các đảng phái và chính quyền đối với người dân bằng chất lượng và hiệu quả của đường lối, chính sách và các dịch vụ công do chúng mang lại.

3. Quyền lực công chúng ban đầu được dùng để chỉ các blogger (những người chuyên viết blog) với những ảnh hưởng ngày càng tăng đối với xã hội. Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông đã khiến thế giới truyền thông dịch chuyển từ “quyền lực thứ tư” - quyền lực của báo chí sang “quyền lực thứ năm” - quyền lực của công chúng, góp phần điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chính trị, quyền lực chính trị.

4. Tham khảo John Baylis & Steve: The globalization of world politics - An introduction to international relations, Oxford University Press Inc., New York, 2001.

5. Hòa ước Westphalia được ký kết năm 1648 khi kết thúc cuộc chiến tranh (1618-1648) ở Thánh chế La Mã và cuộc chiến tranh (1568-1648) giữa Tây Ban Nha với Hà Lan. Từ đó, một hệ thống trật tự chính trị mới bắt đầu được thực thi ở trung tâm của châu Âu, dựa trên khái niệm “nhà nước có chủ quyền chi phối một quốc gia”, sau này gọi là chủ quyền Westphalia.

 

Bình luận