Vài suy nghĩ nhỏ nhân kỷ niệm 70 năm “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943 - 2013)
Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời cách đây 70 năm (1943), là một bước tiến lớn của Đảng trong việc lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, đã vạch ra phương hướng trước mắt và lâu dài cho nền văn hóa mới của dân tộc Việt Nam, với phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng” - ba nguyên tắc lớn mà Đảng ta đã đề ra cho cuộc vận động văn hóa nói chung và cuộc vận động văn nghệ nói riêng ở nước ta lúc bấy giờ.
Hội thảo "70 năm Đề cương văn hóa Việt Nam"
Khi mới thành lập, Đảng ta mới chỉ tập trung giành quyền lãnh đạo chính trị, chưa có điều kiện lãnh đạo văn hóa. Đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Đảng bắt đầu giành quyền lãnh đạo văn hóa, văn nghệ. Đề cương văn hóa Việt Nam được công bố là một bước tiến của Đảng trong việc lãnh đạo mặt trận văn hóa - văn nghệ. Vấn đề có tính nguyên tắc mà Đề cương văn hóa nhấn mạnh là vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, chỉ có Đảng mới hướng cuộc vận động cách mạng văn hóa Việt Nam vào con đường đúng đắn và đạt tới đích cuối cùng.
Đề cương văn hóa ra đời đã có tác dụng thức tỉnh và thu hút đông đảo anh chị em hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đi theo cách mạng. Hội Văn hóa cứu quốc ra đời. Sách báo chính trị phát triển mạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng đạt hiệu quả cao. Anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ tin tưởng vào đường lối, chủ trương Đảng. Nhiều nhà văn đã thấm nhuần tư tưởng chính trị mà Đề cương văn hóa đã nêu và có những tác phẩm kịp thời phục vụ cách mạng, như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Như Phong, Tô Hoài...
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra một trang sử mới của lịch sử dân tộc ta, đồng thời tạo thế mới cho các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh mẽ. Tháng 11-1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được triệu tập tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đọc diễn văn khai mạc Hội nghị, nêu bật nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, lấy sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải biết tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa Việt Nam với ba tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Người chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Tháng 7-1948, trong thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hoá gánh một phần rất quan trọng…. Nhiệm vụ của văn hoá chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”1. Cũng trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng đã trình bày bản báo cáo quan trọng: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, phân tích sâu hơn, cụ thể hơn những quan điểm cơ bản của Đảng trong Đề cương văn hóa Việt Nam. Bản báo cáo đã nêu lên chỗ mạnh, chỗ yếu của văn hóa Việt Nam, nhắc nhở anh chị em có thái độ khoa học trong việc xóa bỏ những cái lạc hậu, lỗi thời, tiếp thu những cái hay, cái tiến bộ của nền văn hóa truyền thống để lại và từ bên ngoài đưa vào. Tổng Bí thư Trường Chinh còn làm rõ thêm những vấn đề chung quanh tính chất và nhiệm vụ của văn hóa dân chủ mới; đồng thời, góp ý giải quyết một số vấn đề cụ thể như: quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền, đặc điểm của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, sự cần thiết của phê bình văn học… Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất đã họp, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TW phát biểu tại Hội thảo "70 năm Đề cương văn hóa Việt Nam"
Nhận định về vai trò của Đề cương văn hóa Việt Nam, phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm Đề cương văn hóa ra đời, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Điều quan trọng của Đề cương văn hóa là đã nêu khá sớm phương hướng chung của cách mạng văn hóa Việt Nam, vị trí của cách mạng văn hóa trong cách mạng Việt Nam nói chung. Đề cương còn đề ra cho giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam ngoài nhiệm vụ chung với toàn dân là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, còn có sứ mệnh thiêng liêng là giải phóng văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Từ đó, đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của giới trí thức nước nhà là chiến đấu trên mặt trận văn hóa để xây dựng một nền văn hóa mới, tích cực góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng nước Việt Nam mới”. Đồng chí Trường Chinh khẳng định, việc nghiên cứu Đề cương văn hóa và theo dõi tác động tích cực của nó suốt mấy chục năm qua “càng thấy rõ tính cách mạng, tính khoa học và tính nhất quán của đường lối văn hóa của Đảng. Cuộc sống không ngừng đứng một chỗ. Cần phát triển Đề cương văn hóa theo hướng đúng trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời, cần tích cực đấu tranh bảo vệ đường lối văn hóa của Đảng, phê phán kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hoang mang, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời quần chúng, những biểu hiện của tư tưởng tự do tư sản trong lý luận, phê bình và sáng tác”.
Mấy chục năm qua, phấn đấu theo phương hướng mà Đảng đã đề ra trong Đề cương văn hóa Việt Nam, nhân dân ta, các nhà trí thức, các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ nước ta đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, văn nghệ mới. Văn hóa, văn nghệ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong Cách mạng tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, bên cạnh những yếu tố tích cực, trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ cũng nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực. Nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguyễn Minh Ý
________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.577.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực