Quan hệ giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là một loại quan hệ dân sự phổ biến trong xã hội. Chúng được thiết lập, thực hiện và bảo vệ theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, là nguyên tắc tự do thỏa thuận và nguyên tắc bình đẳng. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng với thương nhân, người tiêu dùng thường ở vị trí yếu thế, bởi sự hạn chế về thông tin, về kiến thức chuyên môn, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như sự hạn chế về khả năng đàm phán hợp đồng và khả năng chịu rủi ro khi mua sản phẩm.
Để bảo đảm sự bình đẳng trong quan hệ giữa người tiêu dùng với thương nhân cần thiết phải có sự bảo vệ người tiêu dùng bằng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Nhà nước, các tổ chức xã hội.
Do vậy, nghiên cứu vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết để đánh giá thực trạng hoạt động của tổ chức này, từ đó đưa ra một số giải pháp tổng thể bảo đảm cho các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động thực sự có hiệu quả. Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động chính sách và giới sinh viên, độc giả quan tâm đến lĩnh vực này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ người tiêu dùng do TS. Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên chính Khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội chủ biên.
Cuốn sách gồm ba chương và bảy phụ lục.
Chương I: Cơ sở pháp lý của việc xác định vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chương II: Quá trình hình thành và các hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
Chương III: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.
Các phụ lục là những trường hợp cụ thể trong hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh và địa phương.