Khai thác chung tài nguyên trên biển có lợi và có hại gì cho chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia ven biển? Nếu có hại thì tại sao đã xuất hiện hàng trăm thỏa thuận khai thác chung tại rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới? Nếu có lợi thì tại sao rất nhiều quốc gia ven biển lại phải thận trọng đến như vậy trước khi đi đến thỏa thuận khai thác chung? Và đặc biệt quan trọng là làm thế nào để trong khi hợp tác khai thác chung, các quốc gia ven biển vẫn bảo vệ được chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của mình?
Qua việc phân tích cơ sở pháp lý quốc tế của việc hợp tác khai thác chung và thực tiễn khai thác chung trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, cuốn sách Vấn đề hợp tác khai thác chung trong luật pháp và thực tiễn quốc tế sẽ là tài liệu tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên.
Theo các tác giả: hợp tác khai thác chung tài nguyên trên biển được hiểu là sự thỏa thuận giữa các quốc gia nhằm khai thác các nguồn tài nguyên nằm xuyên qua đường ranh giới biển đã được xác định hoặc trong vùng có yêu sách chủ quyền chồng lấn của các quốc gia đó. Hợp tác khai thác chung cũng là giải pháp dàn xếp tạm thời, không phương hại đến các yêu sách của các bên và không làm ảnh hưởng đến thỏa thuận cuối cùng giải quyết vấn đề tranh chấp về quyền chủ quyền và chủ quyền lãnh thổ. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác có liên quan đến hợp tác khai thác chung trong luật pháp và thực tiễn quốc tế sẽ được thể hiện và phân tích rõ trong cuốn sách.
Cuốn sách được chia thành 3 chương:
Chương I: Cơ sở pháp lý quốc tế của việc hợp tác khai thác chung trên biển
Chương II: Thực tiễn về khai thác chung trên thế giới
Chương III: Những nguyên tắc và nội dung bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trong hợp tác khai thác chung