Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc trong cách mạng Việt Nam
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ trở thành sức mạnh, là động lực chủ yếu của dân tộc, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ: Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch, là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Theo Người: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”1; “Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ”2.
1. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thấy động lực cách mạng từ quảng đại quần chúng và xác định nhiệm vụ tổ chức, tập hợp, đoàn kết Nhân dân, coi đây là chiến lược xuyên suốt, nhất quán, là cội nguồn của sức mạnh trong mọi thời kỳ cách mạng.
Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cương lĩnh hàm chứa những luận điểm về xây dựng khối đại đoàn kết bao gồm lực lượng của nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam. Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: Đảng phải thu phục đại bộ phận công nhân và làm cho giai cấp công nhân đóng vai trò lãnh đạo dân chúng, phải thu phục đại bộ phận giai cấp nông dân, đồng thời “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m (cách mạng, B.T.) thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”3.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/1930) chủ trương coi công nhân, nông dân (trung nông và bần nông) là động lực chính của cách mạng, thành lập các đoàn thể quần chúng, gắn kết chặt chẽ vận mệnh dân tộc, phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng Lào, Campuchia, đặt phong trào đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hội nghị ra Án nghị quyết về vấn đề phản đế, trong đó nhận định: Ở Đông Dương có nhiều lực lượng phản đế cần phải liên hiệp lại làm một phong trào cách mạng thống nhất để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu giải phóng cho xứ Đông Dương và xác định việc tổ chức phản đế là một nhiệm vụ cần kíp của Đảng.
Sau khi Án nghị quyết về vấn đề phản đế ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Chỉ thị xác định: Hội phải bảo đảm tính chất công nông đồng thời phải mở rộng đến các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thật sự là của toàn dân: công nông “là hai động lực chính căn bản cho sự sắp xếp hàng ngũ lực lượng cách mạng”4, và “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”5.
Những quan điểm của Đảng về Hội Phản đế Đồng minh chính là những quan điểm về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong một mặt trận thống nhất.
Sau bài học của phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh năm 1930 và từ thực tế khôi phục phong trào cách mạng những năm 1931-1935, đến Đại hội đại biểu lần thứ nhất (tháng 3/1935), Đảng ta khẳng định, nguồn gốc sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng và đã ra nghị quyết thành lập tổ chức Phản đế liên minh với Điều lệ mở rộng và linh hoạt hơn: bất kỳ người nào, vô luận là đàn ông, phụ nữ, già trẻ, tôn giáo, xu hướng chính trị hoặc đoàn thể chỉ cần thừa nhận Nghị quyết, Điều lệ và thường xuyên nộp hội phí thì được thừa nhận là hội viên.
Trong những năm 1936-1939, trước nguy cơ chiến tranh đe dọa toàn nhân loại, những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, phương hướng, mục tiêu chủ yếu và trước mắt của cách mạng Việt Nam và Đông Dương lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, phát xít và chiến tranh; đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương: đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong một mặt trận rộng rãi, hoạt động công khai trên báo chí, đấu tranh nghị trường, đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống cho người lao động.
Trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939-1945, những quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với kiến lập một hình thức Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi có bước phát triển đột biến.
Trước tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Nhân dân Việt Nam và Đông Dương đứng trước nguy cơ tồn vong dưới sự cai trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, Đảng chủ trương tập trung giải quyết nhiệm vụ cấp bách là giải phóng dân tộc. Trên cơ sở đó, Đảng chủ trương tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi “thống nhất lực lượng dân tộc là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc Pháp”6. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải lấy việc thống nhất lợi ích quốc gia và quyền lợi mỗi người dân làm động lực; xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nhân dân mỗi nước, đồng thời giữ vững và tăng cường đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương; mở rộng, thu hút đông đảo các thành phần, các tổ chức, đảng phái, cá nhân có mưu cầu độc lập cho xứ sở; tổ chức mô hình Mặt trận Dân tộc thống nhất phù hợp; khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Dân tộc thống nhất phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ quan điểm chỉ đạo trên, Đảng đã lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận phản đế, tiếp theo là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), huy động sức mạnh toàn dân tộc, phát huy tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chớp thời cơ tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945).
Sau Cách mạng Tháng Tám, dân tộc Việt Nam đồng thời phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), với tư tưởng chỉ đạo “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”, Đảng chủ trương bảo đảm, tăng cường và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kháng chiến và kiến quốc”. Trong đó, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về Kháng chiến kiến quốc (tháng 11/1945), Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 12/1946), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947) của Tổng Bí thư Trường Chinh là những văn kiện quan trọng, đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, thể hiện nhất quán quan điểm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Từ việc xác định khối đại đoàn kết toàn dân tộc “không những cần thiết cho kháng chiến thắng lợi mà còn cần thiết cho kiến thiết dân chủ mới thành công”7, cho tới thực tiễn “Xây dựng được khối đoàn kết toàn dân tộc cả nước một lòng đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc, có Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy liên minh công - nông là nòng cốt”8 chính là một nhân tố cơ bản đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), để thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng chủ trương phát huy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 9/1954) nêu rõ: “mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất (…). Tất cả những người trước đây tuy đã từng giúp Pháp và ngụy chống ta, nhưng nay công khai tỏ lòng ủng hộ Hiệp định Giơnevơ, tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì ta đều cần tranh thủ làm cho họ đứng sang phía ta”9. Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964) nêu rõ: toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta “đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa (…). Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”10.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chiến lược được xác định, Đảng chủ trương xây dựng các hình thức Mặt trận Dân tộc thống nhất thích hợp ở mỗi miền: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” ở miền Bắc; “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” và “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam” ở miền Nam. Tuyên ngôn, chương trình, nghị quyết của các hình thức Mặt trận này đều quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân Việt Nam siết chặt hàng ngũ trong Mặt trận, đoàn kết thực hiện mục tiêu đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, với các hình thức phù hợp đã đi vào thực tiễn, tạo nên sức mạnh vĩ đại của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng đề ra đường lối, chủ trương đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên chặng đường mới, Đảng chủ trương thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền Bắc - Nam thành một Mặt trận chung lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm cơ sở để tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 18/4/1983, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Chỉ thị đề ra những nội dung hoạt động theo chức năng của Mặt trận, bao gồm: tuyên truyền, vận động Nhân dân tăng cường đoàn kết theo đường lối của Đảng nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận với chính quyền nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; phản ánh nguyện vọng, ý kiến của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, góp phần xây dựng luật pháp và chính sách liên quan đến các tầng lớp nhân dân, cùng các đoàn thể tổ chức thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Chương trình hành động của Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (từ ngày 31/01 đến 03/02/1977) và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983) đều kêu gọi tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò trong tổ chức và vận động thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới
Những năm 80 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước, đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã hoạch định đường lối đổi mới. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đại hội chỉ rõ bốn bài học kinh nghiệm lớn, trong đó bài học đầu tiên là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc”11, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 8B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Nghị quyết xác định bốn quan điểm chỉ đạo nhằm đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân: Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân. Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng. Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên Đảng nêu khái niệm mới về khối liên minh công - nông - trí thức, đồng thời khẳng định: liên minh công - nông - trí làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết dân tộc và công tác xây dựng Mặt trận, ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nghị quyết nhấn mạnh: Đất nước ta đang đứng trước thời cơ mới và những thách thức mới. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, làm thất bại âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, chúng ta phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đoàn kết dân tộc trở thành một nội dung quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển xã hội. Vì vậy, phải tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam, thực hiện đoàn kết, xây dựng Mặt trận ở tầm cao mới, chiều sâu mới, tạo ra nguồn lực mới phát triển xã hội, phát triển đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) tiếp tục khẳng định tinh thần của Đại hội VII và nhấn mạnh phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài; có cơ chế và cách làm cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”12.
Bước sang thế kỷ XXI, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đã nêu cụ thể hơn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”; “lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng”; “trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”13. Đại hội nhấn mạnh: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”14.
Nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội IX, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, coi đại đoàn kết dân tộc là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễn trong công cuộc đổi mới, tư duy đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng được phát triển lên một bước mới. Cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân” được bổ sung, hoàn chỉnh thành “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, với ý nghĩa mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết không chỉ Nhân dân trong nước mà cả cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tổng kết 20 năm đổi mới, vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc là một trong những quan điểm lớn của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006), một trong bốn thành tố tạo thành chủ đề Đại hội: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đại hội khẳng định: “đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”15.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xã hội xuất hiện nhiều giai tầng với những lợi ích khác nhau; đồng thời, do nhận thức rõ đặc thù của Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, tôn giáo, Đảng đã tìm ra “mẫu số chung”, đó là điểm tương đồng: Về chính trị, hướng đến mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Về kinh tế, là sự phát triển hài hòa các lợi ích (cá nhân, tập thể, cộng đồng, xã hội...) vì sự phát triển chung của đất nước. Về tư tưởng là chủ nghĩa yêu nước chân chính của mọi tầng lớp nhân dân. Về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh là sự hướng thiện, tôn trọng những giá trị văn hóa, đạo đức mang tính nhân bản; là sự giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng; là sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011) tiếp tục nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”16. Đại hội chỉ rõ, trong thời kỳ hiện nay, đại đoàn kết toàn dân tộc “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”17.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) bổ sung đặc trưng về “tính dân tộc” so với Cương lĩnh 1991: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 01/2016), một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”18.
Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận thống nhất là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đây là một trong những công tác cơ bản được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình vận động cách mạng, gắn liền với sự trưởng thành của Đảng, gắn bó với Nhân dân, trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng và dân tộc Việt Nam. Chiến lược đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất được xây dựng phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử đã huy động được sức mạnh của tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo vào cuộc đấu tranh giành, giữ chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453, 616.
3, 6, 7, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 2, tr. 4; t. 6, tr. 544; t. 12, tr. 214; t. 15, tr. 301-302; t. 25, tr. 106-108.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 227.
8. Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 225.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 213.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 43-44.
13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 123-124, 86.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 40-41.
16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 48, 239-240.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158.
Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức
PGS.TS. Vũ Quang Vinh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực