Văn học Việt: Giành lại vị thế ở sân nhà
Không phải bây giờ mà cách đây hàng chục năm, thị trường văn học Việt Nam từng chứng kiến cuộc đổ bộ của các nền văn học Pháp, Anh, Mỹ; xa hơn nữa là văn học Nga. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường văn học của chúng ta lại đón nhận thêm những nền văn học mới nhưng cũng rầm rộ không kém là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Vậy, văn học Việt Nam đang đứng ở đâu trong dòng chảy này?
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn có lượng độc giả lớn nhất hiện nay của Việt Nam
“Vùng trũng” của văn chương thế giới
Tại Hội nghị quốc tế Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từng thừa nhận: “Nền văn học của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng nhập siêu quá nhiều. Số lượng tác phẩm văn học Việt được dịch ra nước ngoài so với số tác phẩm nước ngoài dịch và phát hành tại Việt Nam chỉ như muối bỏ biển”.
Có thể nhận thấy tình trạng “nhập siêu” như nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn đang tồn tại trong thị trường văn học Việt Nam. Dẫu vậy, dù chưa thực sự mạnh mẽ nhưng văn học Việt cũng đang có những chuyển biến tích cực không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
Tạp chí Mekong Review vừa công bố tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của nhà văn Nguyễn Bình Phương là một trong 2 tác phẩm văn chương của Việt Nam sẽ được tạp chí này dịch sang tiếng Anh. Trước đó không lâu, tiểu thuyết Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng được dịch sang tiếng Hàn.
Có thể nói, năm vừa qua là một năm mà văn chương Việt có những thành tựu đáng kể khi đã tạo được tiếng vang thông qua những giải thưởng quốc tế. Đó là giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin ở Đức trao tặng cho tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Trong một cuộc giao lưu gần đây tại TPHCM, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng cho biết, có một thực tế vẫn thường được nhắc đến khi nói về văn học Việt Nam. Đó là “vùng trũng của văn chương thế giới”, thậm chí là “vùng trũng của vùng trũng”. Tuy nhiên, nhà văn Cao Đăng khẳng định, những năm gần đây có một số nhà văn Việt Nam xứng đáng được nước ngoài biết tới, ít nhất là hay hơn rất nhiều một số nhà văn nước ngoài đang được dịch ở Việt Nam.
Nhà văn Cao Đăng chỉ ra thực trạng: Có một sự bất công cực lớn trong xuất bản. Với những nhà văn Anh, Mỹ, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ; mặt khác họ được sinh ra ở một đất nước giàu có, có nền xuất bản mạnh, có cả một bộ máy xuất bản và quảng bá tác phẩm.
Do đó, những tác phẩm viết ra, nếu được đầu tư về mọi mặt thì họ trở nên nổi tiếng rất dễ dàng khi được xuất bản với ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh. “Nhưng nếu đọc một cách công tâm, các bạn sẽ thấy, nói thẳng ra là chẳng có gì đặc sắc cả so với những thứ khác mà các bạn có thể đọc được ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có những truyện ngắn hay hơn một số truyện ngắn của Mỹ. Chỉ có điều, nhà văn Việt Nam nằm ở vùng trũng, viết bằng tiếng Việt nên chỉ có người Việt đọc thôi”, nhà văn Cao Đăng nói.
Sách văn học là một dòng chảy lặng lẽ, giá trị của nó mang lại cũng như sức mua không phải được tính trong ngày một ngày hai. Đây là dòng sách bán lâu dài, vậy nên, trên thực tế, sách văn học vẫn là mảng sách không thể thiếu đối với nhiều đơn vị xuất bản. Đơn cử là NXB Phụ nữ, ngoài một phòng biên tập sách văn học Việt Nam, đơn vị này còn chú trọng tất cả các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, thơ, nghiên cứu, phê bình văn học… Theo tiết lộ, mảng sách văn học Việt Nam chiếm khoảng 20% - 25% trong tổng số đề tài sách và chiếm 20% - 40% tổng doanh thu của NXB Phụ nữ.
Văn học Việt “thua trên sân nhà”?
Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc bản quyền của Công ty sách Nhã Nam, mỗi cuốn sách có một đối tượng độc giả khác nhau, so sánh sức mua của văn học Việt Nam với văn học nước ngoài là một so sánh khập khiễng. Mặc dù chiếm tỷ lệ không cao trong tổng lượng xuất bản phẩm, nhưng văn học Việt Nam luôn là một trong những mảng mà đơn vị này quan tâm.
Ông Minh cho biết: “Chúng tôi xuất bản văn học Việt Nam một cách tương đối có hệ thống, từ các tác giả trước 1930 - 1945 trong một chuỗi danh tác, đến các tác giả văn chương đương đại Việt Nam như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh..., rồi các tác giả thuộc lớp kế cận như Phan Việt, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Hoàng Diệu, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa...”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng, sẽ là chủ quan khi nhận định về văn học Việt Nam là “nhập siêu” và “thua trên sân nhà”. Điều này cần có sự nghiên cứu toàn diện và so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Ông Nhựt bày tỏ: “Văn học Việt vẫn hiện diện đều đặn trên kệ sách, với sự xuất hiện liên tục của các tác giả trẻ và tâm huyết. Sự phổ biến của những dòng sách dịch ngôn tình, đam mỹ… không nên quy thành số lượng để cho rằng mang tính đặc trưng của thị trường văn học Việt. Đơn cử từ các tác phẩm dự thi “Văn học tuổi 20 lần 6”, chúng tôi khẳng định đã nhận ra một lớp người viết trẻ có suy nghĩ chín chắn, tầm nhìn rộng, tinh thần nhân văn sâu sắc, yêu quý gốc rễ văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi kiên trì trên con đường này, nhằm góp phần phát triển văn học trong nước”.
Bà Trần Hải Ngọc, Phó Giám đốc Công ty sách Đinh Tị, cho biết: “Để giành lại vị thế trên sân nhà, trước hết chúng ta cần có sự chung tay của cả xã hội, để nghề viết trở thành một nghề đáng quý và các tác giả sống được bằng nghề viết. Sau đó là sự trau dồi hơn từ chính các tác giả trẻ, những người viết chuyên nghiệp, biến việc sáng tác văn chương trở thành một thói quen, một kỹ năng chứ không chỉ là chờ cảm hứng đến rồi mới viết. Khi có những tác phẩm chất lượng rồi, tôi nghĩ rằng, các độc giả luôn sẵn lòng đón nhận”.
Theo chia sẻ của bà Trần Hải Ngọc, trong thời gian tới, Đinh Tị vẫn tìm kiếm, đón nhận, hỗ trợ bản thảo của các cây viết trẻ cũng như tiếp cận tác phẩm của những nhà văn tên tuổi, để gìn giữ và lan tỏa những áng văn của họ rộng rãi hơn. Được biết, sau nhà văn Ma Văn Kháng, đơn vị này cũng vừa mới ký bản quyền với nhà văn Chu Lai và dự kiến sẽ xuất bản các tác phẩm của ông trong năm 2019.
Trong khi đó, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, nhìn nhận: Đúng là Việt Nam đang “nhập siêu” trong lĩnh vực văn hóa, đang thâm hụt về văn hóa, trong đó có lĩnh vực văn học. Và vì “nhập siêu” nên chúng ta “thua trên sân nhà” là đương nhiên! Chúng tôi còn lo lắng bản sắc Việt sẽ biến mất, vì chúng ta bảo tồn những cái cũ trong khuôn khổ “bất biến” và ít sản sinh ra cái mới, hoặc ít có môi trường để bản sắc nảy nở, thích nghi và biến đổi phù hợp với đời sống con người Việt hiện nay.
Để văn hóa Việt nói chung và văn học nói riêng, không chỉ “giành lại vị thế trên sân nhà”, mà còn để tồn tại thực sự có ý nghĩa, được công chúng bạn đọc Việt Nam và thế giới thừa nhận, theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, văn học Việt cần có một lực lượng sáng tác chuyên nghiệp, sống chết với nghề, làm nghề thực sự! Quan trọng hơn, Nhà nước cũng cần đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực sáng tác, dịch thuật, quảng bá và đầu tư bài bản cho môi trường văn hóa để văn học và văn hóa được nảy nở và phát triển. Các NXB cần trân trọng và đầu tư cho mảng văn học Việt Nam. Bạn đọc là người đọc công tâm và có ý thức trân trọng văn học Việt”.
Hồ Sơn
Theo SGGP.VNHồ Sơn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên