Viết về Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 05/06/2024 - 09:06

Cuốn sách là nguồn tư liệu quý giá với những góc nhìn khách quan, thời sự về 56 ngày đêm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời là những hồi ức, cảm nhận, suy ngẫm của nhà báo, nhà văn Thép Mới về cuộc chiến và cuộc sống tại vùng đất Tây Bắc sau hòa bình lập lại.        

Cuốn sách Viết về Điện Biên Phủ

 “Ai lên Điện Biên Phủ trước hết sẽ cảm thấy càng yêu mến nước ta rộng lớn, đất ta giàu có và nhân dân ta lao động cần cù… Cao nguyên Điện Biên cách mặt biển 800 thước, mỏm cao như Mường Phăng vào mùa lạnh nước đóng thành băng, chung quanh núi và đồi trùng điệp, rừng cây hạt dẻ trẻ và khỏe cao thẳng tắp, tiếp đến là những đồng cỏ phây phây. Con sông Nậm Rốm vượt đá băng rừng, từ Tuần Giáo chạy về, qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, bồi nên cánh đồng bát ngát Mường Thanh rồi đổ về sông Nậm Hu, một nhánh của sông Cửu Long ở Thượng Lào”, “Trận đánh Điện Biên đã bắt đầu từ khi địch nhảy dù xuống. Bộ đội ta đã diệt chúng hàng đại đội. Những trận truy kích như bay của quân ta đánh đuổi bọn giặc ở Lai Châu rút về. Trận lớn Mường Pồn tiêu diệt ba đại đội địch, có chiến sĩ Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng cho đồng đội bắn giặc ở thế cao hơn…. Từ đấy, vòng vây của quân ta ngày càng siết chặt. Từ đấy, trong khung cảnh hùng tráng của Điện Biên đã bắt đầu một thiên anh hùng ca mới của dân tộc” - cuốn sách mở đầu bằng khung cảnh hùng tráng của vùng đất Điện Biên anh hùng qua lời văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, ấn tượng như vậy.

Rời xa khung cảnh hùng tráng của núi rừng Tây Bắc, tác giả sẽ đưa người đọc “gặp gỡ” những chiến sĩ, pháo binh, dân công hỏa tuyến và cả những đồng bào hậu phương. Đó là những chiến sĩ cơ giới đánh thắng địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, điển hình như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; những chiến sĩ pháo binh trẻ của ta, vốn cũng là bộ binh đã từng vác súng trường và ôm bộc phá đánh giặc “làm cho địch khiếp sợ trọng pháo và cao xạ pháo Việt Nam cũng như chúng đã khiếp sợ bộ binh Việt Nam” - lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là những dân công hỏa tuyến làm lán, căng bạt, đun nước uống, nước rửa mặt cho thương binh, là những người bê cáng chạy như bay qua quả gò bị giặc ném bom mà anh thương binh nằm trên cáng vẫn yên giấc tốt…

Ngược lại với tinh thần cách mạng “đẹp vô ngần” của người chiến sĩ Điện Biên, của lớp lớp những người con ưu tú Việt Nam, Thép Mới cũng dành những trang viết nhất định để “nói chút ít về chúng nó” - những kẻ đầu sỏ, tướng lĩnh, quân lính được ông gọi chung là bọn khuyển ưng đế quốc. Thái độ vênh vang, thói hung hãn, sự ác ôn của chúng cuối cùng đã được trả lời bằng sự rỗng tuếch trong mục đích chiến đấu của binh lính Pháp, bằng những làn sóng ngầm nổi dậy trong lòng chính trong hàng ngũ những người lính quân đội tay sai Mỹ ở miền Nam Việt Nam và dâng lên quật đổ mưu đồ dã man, hắc ám của phố Uôn, Lầu Năm góc và Nhà trắng Mỹ, để rồi phải thất bại đau đớn, Điện Biên Phủ trở thành “sự tan vỡ của ảo mộng” như một số tác giả Pháp đã gọi.

Hòa bình lập lại, Điện Biên Phủ hằn sâu trong mình vết tích của chiến tranh tàn khốc, song mỗi dịp trở lại Tây Bắc, tác giả như được chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất, con người nơi đây, cuộc sống đã dần hồi sinh, đồng bào các dân tộc Điện Biên ngày càng “tha thiết tin yêu chính quyền nhân dân”, họ hiểu rằng “hòa bình hôm nay là một hòa bình mới, cuộc đời sau chiến thắng là một cuộc đời mới”. “Tinh thần Điện Biên Phủ mới, rèn luyện qua hai lần kháng chiến, chắp cánh cho toàn dân ta “như đại bàng tung cánh vượt Trường Sơn” tiến quân vào thời kỳ mới, đẩy tới sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân theo quy mô lớn, tốc độ cao”.

Qua sự khắc họa của nhà văn, nhà báo Thép Mới, mùa xuân Điện Biên Phủ thực sự là mùa xuân tràn đầy tinh thần lạc quan chiến đấu và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. “Mắt ta sáng chí căm thù, bảo vệ đồng quê, ta tiến bước! Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi. Đời chúng ta, đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!”. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, “đó là tinh thần quyết thắng vươn lên và vươn tới mãi của những Điện Biên Phủ mới xây dựng tương lai bằng lao động và tài năng sáng tạo của dân tộc anh hùng. Bàn tay Điện Biên Phủ, khối óc Điện Biên Phủ sẽ làm nên tất cả”.

Tập hợp các bài viết của tác giả về Điện Biên Phủ tại những thời điểm khác nhau, từ những trang viết trực tiếp tại chiến trường giữa khói lửa đạn bom năm 1954, cho đến những trang viết tươi vui, phấn khởi khi hòa bình đã trở lại trong những ngày mùa xuân năm 1958, khi “Tôi được trở lại Điện Biên - thành trì của quyết tâm - giữa mùa hoa ban nở và giữa lúc mỗi người thật thà yêu nước đều có ý thức xây dựng cho chắc ở mình một quyết tâm mới”, hay những trang viết đăng trên báo Nhân dân năm 1964, 1973, 1979, 1984, thì mỗi bài viết ấy đều là những hồi ức không lặp lại về Điện Biên Phủ, và khi kết hợp với nhau lại tạo thành một nội dung có kết cấu khá hoàn chỉnh, nhịp nhàng, nhẹ nhàng mà lôi cuốn.

Là một tư liệu lịch sử quý với văn phong độc đáo, đầy cảm xúc về Điện Biên Phủ, cuốn sách giúp bạn đọc trẻ tuổi hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, tự hào về khí phách Điện Biên, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước và trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay.

Bình luận