Xây dựng nền tư pháp dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý

Ngày đăng: 29/02/2016 - 09:02

Cải cách tư pháp là nhiệm vụ đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để bám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác cải cách tư pháp, các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khi xác định những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đều nhắc đến nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách tư pháp…

xay dung tu phap

Ngành tư pháp với tầm vóc mới

Công tác cải cách tư pháp thực tế đã được thực hiện ở nước ta ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thông qua các hoạt động xây dựng và hoàn thiện bộ máy các cơ quan tư pháp, khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp. Trong công tác lãnh đạo, Đảng ta cũng ra nhiều nghị quyết, chỉ thị riêng về công tác tư pháp, cải cách tư pháp để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Nổi bật nhất là Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, các cơ quan liên quan đã có rất nhiều nỗ lực thể chế hóa đường lối, chủ trương cải cách tư pháp thành các nguyên tắc Hiến định, quy định của pháp luật để triển khai thực thi trong thực tiễn cuộc sống.

Hiến pháp năm 2013 là văn bản quan trọng nhất thể hiện rõ tư tưởng cải cách tư pháp, đưa những nội dung cốt lõi của cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng thành những nguyên tắc cơ bản nhất, bắt buộc phải thực hiện trong công tác tư pháp. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ cơ quan thực hiện quyền tư pháp là tòa án nhân dân; xác định rõ nguyên tắc tranh tụng; quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Chủ trương của Đảng về tổ chức tòa án theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính cũng được thể hiện rõ khi Hiến pháp năm 2013 không còn nhắc đến các tòa án nhân dân địa phương. Chủ trương này được thể hiện rất rõ trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 khi quy định thêm cấp Tòa án nhân dân cấp cao (hiện đã thành lập được 3 tòa án nhân dân cấp cao ở 3 khu vực) chuyên xét xử phúc thẩm các vụ án sơ thẩm do tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử, giám đốc thẩm và tái thẩm. Tòa án nhân dân tối cao được tổ chức lại theo hướng tinh gọn hơn, rút gọn số lượng thẩm phán để chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tổng kết, hướng dẫn xét xử…

Như vậy, với việc Hiến định những nội dung quan trọng nêu trên, chủ trương cải cách tư pháp đã mang lại tầm vóc mới cho ngành tư pháp. Tuy không theo mô hình tam quyền phân lập, nhưng bằng những nội dung cải cách ấy, tư pháp đã được định hình rõ ràng hơn là một nhánh trong thực hiện quyền lực của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thể hiện rõ sự phân công và kiểm soát quyền lực Nhà nước, với vai trò trung tâm của tòa án nhân dân và trọng tâm là hoạt động xét xử.

Cải cách tư pháp là nhiệm vụ lâu dài

Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI được trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh: Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được thể chế trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế tình trạng oan, sai.

Tuy đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua, nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI cũng nghiêm túc nhìn nhận, việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan, sai, tồn đọng án, bỏ lọt tội phạm. Do vậy, Đảng ta đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thực tế cho thấy, một số chủ trương lớn về cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, đòi hỏi các cơ quan liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt hơn hoạt động tổng kết thực tiễn, xây dựng các đề án, dự án cải cách tư pháp để tiếp tục thể chế hóa những nội dung còn dở dang và thể chế hóa các chủ trương đã được Đảng ta quyết định tại Đại hội XII, đặc biệt là việc phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Một trong những bất cập trong tổ chức mô hình tòa án hiện nay là việc duy trì tòa án nhân dân cấp huyện, nghĩa là vẫn theo xu hướng tổ chức tòa án theo đơn vị hành chính. Một phần không nhỏ tòa án nhân dân cấp huyện thực tế không có nhiều vụ, việc pháp lý để giải quyết, nhưng vẫn phải duy trì cả một hệ thống từ cơ sở vật chất tới bộ máy nhân sự để vận hành. Trái lại, một số tòa án nhân dân cấp huyện lại phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn, gây quá tải với các thẩm phán, cán bộ tòa án ở đó. Điều đó đặt ra yêu cầu phải cải cách mô hình tổ chức sao cho vừa thuận tiện nhất cho nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng vừa đáp ứng được yêu cầu hiệu quả công việc, tinh gọn bộ máy, bố trí nhân sự theo đúng yêu cầu và tính chất công việc.

Nguyên tắc tranh tụng tuy đã được Hiến định rõ ràng, được thể hiện rất rõ trong các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp, từ các luật về tổ chức cho tới các luật về thủ tục tố tụng, nhưng việc triển khai thực hiện cũng cần đòi hỏi tinh thần quyết tâm rất lớn của đội ngũ cán bộ tòa án nói riêng và cán bộ tư pháp nói chung để vượt qua những tư tưởng bảo thủ cố hữu, vượt qua sự bất bình đẳng giữa một bên là các cơ quan buộc tội với một bên là bị can, bị cáo và những người tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, để thẩm phán tuyên án thực sự dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Có như vậy, tòa án mới thực sự làm tốt vai trò là cơ quan trung tâm trong hoạt động tư pháp, tránh xử oan người vô tội, xử sai hay bỏ lọt tội phạm, bảo vệ tốt nhất công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu, rộng, mạnh mẽ. Do vậy, hoạt động cải cách tư pháp không chỉ hướng tới đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước, mà còn phải phục vụ tốt nhất cho sự hội nhập của đất nước, của doanh nghiệp và của từng người dân; bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hay từ Việt Nam ra quốc tế. Cùng với đó, hoạt động cải cách tư pháp cũng cần hướng tới bảo đảm thực hiện đúng những cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương, hoặc theo thông lệ, tập quán quốc tế.

Cả kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước cho thấy, nhiệm vụ cải cách tư pháp là nhiệm vụ liên tục, lâu dài, trọng tâm và xuyên suốt. Do vậy, có thể Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 sẽ kết thúc vào năm 2020, nhưng sự nghiệp cải cách tư pháp sẽ còn được kế thừa và tiếp tục theo suốt chiều dài phát triển của nền tư pháp nước nhà. 

CHIẾN THẮNG

Theo báo Quân đội nhân dân


 

Bình luận