Xúc tiến thương mại ở Việt Nam ngày càng khẳng định là công cụ không thể thiếu trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xúc tiến thương mại ngày càng trở thành phương thức hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhằm tận dụng những cơ hội và hạn chế những thách thức từ các cam kết quốc tế trong việc mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là miền núi, biên giới và hải đảo.
Đối với Việt Nam, xúc tiến thương mại còn là lĩnh vực mới mẻ, chính vì vậy, vẫn chưa thể định hình một cách bài bản về mặt lý luận lẫn thực tiễn, đặt ra cho nhà quản lý, giới khoa học quan tâm đến lĩnh vực xúc tiến thương mại nhiều việc phải làm. Cũng chính vì thế, dù đã có những công trình nghiên cứu, bài viết đề cập tới lĩnh vực xúc tiến thương mại nhưng cho đến nay, chưa có cuốn sách nào đề cập một cách toàn diện, đầy đủ về lĩnh vực này.
Trước yêu cầu đó, Tiến sĩ luật học Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, qua thực tế công tác cùng nhiệt huyết khoa học đã viết cuốn sách với tiêu đề: Xúc tiến thương mại - Lý luận và thực tiễn.
Trong cuốn sách, sau khi khái quát những vấn đề lý luận về hoạt động xúc tiến thương mại, tác giả đã giới thiệu hệ thống xúc tiến thương mại hiện hành ở nước ta cùng những hoạt động chính của nó; từ đó, đặt ra những yêu cầu về quản lý nhà nước, phương thức hỗ trợ và một số kỹ năng cơ bản về xúc tiến thương mại mà các tổ chức doanh nghiệp cần quan tâm.
Cuốn sách được xây dựng nhằm mục đích đóng góp một phần nhận thức đầy đủ những vấn đề cơ bản về xúc tiến thương mại, từ cách tiếp cận khoa học và thực tiễn. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu, giảng dạy, học tập, ứng dụng, qua đó góp phần làm cho hoạt động xúc tiến thương mại còn non trẻ ở Việt Nam hoàn thiện về lý luận, phong phú về thực tiễn, bắt nhịp với xu thế hội nhập toàn cầu.