Đẩy mạnh thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 11/06/2013 - 16:06

Vận dụng sáng tạo một luận điểm rất quan trọng của C.Mác, V.Lênin trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp tự giác của triệu triệu quần chúng, chỉ một năm rưỡi sau ngày Toàn quốc kháng chiến và để trực tiếp cổ vũ, động viên toàn dân biến lòng yêu nước nồng nàn, ý chí xả thân cứu nước, tinh thần tự lực, tự cường, kiến thiết đất nước, ngày 1/5/1948, ngày 11/6/1948 và ngày 1/8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua yêu nước, lời kêu gọi Thi đua ái quốc và Lời kêu gọi phát động Thi đua ái quốc.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước được thể hiện nổi bật trong ba tác phẩm quan trọng này, thể hiện trong các bài nói của Người tại các Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc I, II, III, IV và trong gần 30 bài nói, thư gửi các Hội nghị thi đua của các ngành, các lực lượng, các giới trong giai đoạn từ năm 1951 đến 1968.

Tìm hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc về các hoạt động cụ thể như chỉ đạo, hướng dẫn, động viên, tặng thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với từng ngành, từng đơn vị, địa phương và từng người, thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trước hết được thể hiện ở việc xác định mục đích của thi đua. Vào năm 1948, theo Bác, mục đích chung của phong trào thi đua yêu nước là: Kháng chiến thắng lợi, kiến thiết thành công hay nói cách khác, đất nước được độc lập hoàn toàn, nhân dân được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc. Còn mục tiêu thi đua cụ thể phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng lực lượng, từng địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ. Động lực tinh thần của thi đua là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo. Ý chí quật cường xả thân bảo vệ Tổ quốc. Đó là 3 lợi ích (cá nhân, tập thể, xã hội) được xử lý hài hoà. Cho nên, “người yêu nước thì phải thi đua. Người thi đua là người yêu nước nhất”. Động lực quan trọng này quyết định tính chất của thi đua: Thi đua yêu nước. Do vậy, để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ động lực này phải làm tốt công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục ý nghĩa, mục tiêu của thi đua.

Cần quán triệt sâu sắc ba ý nghĩa quan trọng của thi đua mà Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở: Thi đua là yêu nước, Thi đua là đoàn kết, Thi đua là cải tạo bản thân.

Lực lượng tham gia thi đua là toàn dân: “Sĩ, nông, công, thương, binh gái, trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước. Mọi người dân, mọi tổ chức của hệ thống chính trị đều phải tham gia thi đua: 

Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là một phương thức lãnh đạo, cho nên các cấp uỷ phải thực sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước. Khi lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phải gắn chặt với lãnh đạo phát động, nuôi dưỡng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Lãnh đạo thi đua yêu nước là một khoa học, nghệ thuật. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước thể hiện tập trung trên những vấn đề sau: 

- Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực, giới… mà xác định được tên của phong trào thi đua. Tên của phong trào thi đua phải thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đặc điểm bản sắc của một phong trào, đồng thời dễ nhớ, dễ hiểu, có tính hấp dẫn. Ví dụ: “Góp đá cho Trường Sa” ; “Tình nguyện xanh”; “Điện, đường, trường, trạm, chợ”;  “Xây dựng nông thôn mới”...

- Xây dựng kế hoạch với hệ thống các chỉ tiêu và giải pháp thi đua. Theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh là “Kế hoạch một, biện pháp 20, quyết tâm 30!”

- Tổ chức quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, biện pháp cho các đối tượng tham gia thi đua. Dân chủ thảo luận, đóng góp bổ sung, hoàn thiện kế hoạch thi đua từ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, biện pháp, phân công người phụ trách, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu thi đua.

- Tổ chức lễ phát động thi đua, chú ý động viên mọi đơn vị, mọi người đăng ký, giao ước thi đua với tinh thần yêu nước, tự giác, trách nhiệm cao. Chú ý trong lễ phát động thi đua phải đưa ra được khẩu hiệu hành động của phong trào, thực sự là khẩu hiệu cổ vũ mọi người hành động cụ thể nhằm tới đích cụ thể,...

- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, động lực tinh thần của phong trào thi đua là lòng yêu nước. Khoa học nghệ thuật lãnh đạo phong trào thi đua cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tổ chức kiểm tra thi đua (cả kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, coi trọng hình thức kiểm tra chéo).

- Lãnh đạo, quản lý các cấp phải thực sự đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý phong trào thi đua yêu nước. Tập trung vào mấy khâu sau:

+ Từng nhiệm kỳ, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trung tâm hoặc nhiệm vụ quan trọng cấp bách cần xác định phát động phong trào thi đua cụ thể để Hội đồng thi đua cấp mình tham mưu, xây dựng kế hoạch thi đua thật tốt. Nếu có nhiệm vụ đột xuất thì cần phát động thi đua đột kích để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột xuất. 

+ Phải chỉ đạo giáo dục cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thực sự nêu gương đi đầu trong thực hiện chỉ tiêu thi đua mình đăng ký. Nếu cán bộ chủ chốt các cấp thực sự là tấm gương thi đua, nhất định có tác dụng động viên, cổ vũ mọi người nói theo, làm theo.

+ Cán bộ chủ chốt rất coi trọng tác phong trực tiếp kiểm tra phong trào. Khi kiểm tra phải tập trung vào phát hiện những lệch lạc trong các khâu chỉ đạo, quản lý phong trào, phải uốn nắn ngay. Rất chú ý kiểm tra phát hiện những biểu hiện thi đua hình thức, phô trương, lãng phí để kiên quyết chỉ đạo sửa chữa, khắc phục. Quan trọng nhất khi kiểm tra thi đua phải phát hiện được những nhân tố mới, điển hình và có giải pháp để nhân rộng điển hình (bằng nhiều hình thức tuyên truyền nhân tố mới).

+ Cần làm thật tốt khen thưởng định kỳ trong sơ kết, tổng kết. Nhưng quan trọng nhất là phải làm tốt nhiệm vụ khen thưởng đột xuất, khen thưởng tại chỗ. Khen thưởng phải trúng, đúng, kịp thời. 
+ Khi sơ kết, tổng kết cần nắm chắc 3 tiêu chí cơ bản, chủ yếu để đánh giá kết quả, hiệu quả một phong trào thi đua:

  1. a.Hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Được việc)
  2. b.Mọi thành viên tham gia phong trào thi đua đều tiến bộ, trưởng thành (từng mặt toàn diện) (Được người).
  3. c.Mọi tổ chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương đều vững mạnh (Được tổ chức). 

- Năng lực lãnh đạo, quản lý phong trào thi đua - khoa học nghệ thuật lãnh đạo thi đua - thể hiện trên mấy vấn đề sau:

+ Phải giáo dục và động viên như thế nào để “ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến kiến quốc” (Hồ Chí Minh).

+ Cần phải chỉ đạo phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng công tác tư tưởng, nhất là báo chí xuất bản và văn hoá văn nghệ nhằm cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước. Trong bài nói chuyện trong lễ bế mạc Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:  "...Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu…

Trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào miền Bắc và cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam có những người, những việc vô cùng anh dũng, oanh liệt. Đó là những “đề tài” cực kỳ phong phú để cổ vũ đồng bào ta và để giáo dục con cháu ta.

Miêu tả cho hay, cho thuần khiết, cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác, v.v.. Đó cũng là một trách nhiệm của các cán bộ văn nghệ…” (1).

+ Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua đòi hỏi phải tổ chức, hướng dẫn, động viên như thế nào để phong trào phát triển sâu rộng, sôi nổi, tạo được cao trào: “Phong trào thi đua ái quốc phải ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt (quân sự, kinh tế, văn hoá) mọi tầng lớp nhân dân”, “phong trào thi đua ái quốc sôi nổi”.

Để có thể nắm vững và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chúng ta cần biết học tập những bài học lịch sử của các phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Pháp, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong kháng chiến chống Mỹ, ví dụ: Phong trào “Gió Đại phong”, “Sóng Duyên hải”, “Cờ Ba nhất”,… Những phong trào này đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, ra lời kêu gọi; đích thân tổ chức Ban thi đua và bổ nhiệm Trưởng ban thi đua; đích thân kiểm tra chỉ đạo, uốn nắn; đích thân trao huy hiệu của Người để thưởng cho những nhân tố mới, điển hình, người tốt, việc tốt.

Nhìn lại lịch sử là cách tốt nhất để đi tới tương lai. Nếu chúng ta trực tiếp nghiên cứu lịch sử các phong trào thi đua yêu nước do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo, chắc chắn chúng ta sẽ thấm thía những tư tưởng của Người về phong trào thi đua yêu nước và có quyết tâm thực hiện bằng được tư tưởng của Người để lãnh đạo, chỉ đạo thành công phong trào toàn dân thi đua yêu nước trong thời kỳ mới.

Đại hội XI của Đảng ta đã quyết định đường lối, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Để thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc từ sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hoá Việt Nam, sức mạnh của sự ổn định tư tưởng chính trị xã hội, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nền kinh tế độc lập dân giàu nước mạnh, sức mạnh kinh tế của một quốc gia công nghiệp hiện đại, sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy từng bước hiện đại (riêng quân chủng Hải quân và quân chủng Phòng không - Không quân tiến ngay lên hiện đại); sức mạnh của đường lối đối ngoại độc lập, đa phương, đa dạng, Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với mọi quốc gia, vì hoà bình, độc lập, tiến bộ xã hội. 

Do đó, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đề nghị Nhà nước ta chính thức đứng ra tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam”.

Ban Thi đua khen thưởng Trung ương quán triệt sâu sắc hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước để xây dựng kế hoạch thi đua, xác định rõ mục tiêu, những chỉ tiêu lớn cho từng khối, lực lượng, từng giới (kinh tế, xã hội, văn hoá, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc) và xây dựng hệ thống các giải pháp, các biện pháp nuôi dưỡng, đẩy mạnh phong trào thi đua, tạo nên hai cao trào vào năm 2015 và 2020!

Trong kế hoạch thi đua này, cần tập trung vào tổ chức phát động và đẩy mạnh thi đua vào thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá của chiến lược kinh tế - xã hội, vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Các cấp uỷ,  chính quyền và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua yêu nước lần này nhất định sẽ phát triển sôi nổi, rộng khắp và giành thắng lợi vẻ vang./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.391-392.

 

PGS.TS Đào Duy Quát

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản

Bình luận