Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: Vì sao đối tượng cần đọc nhất lại ngại đọc?

Ngày đăng: 01/08/2011 - 09:08

Dự thảo Đề án “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030” do Bộ VHTTDL xây dựng hiện đang được triển khai lấy ý kiến của Sở VHTTDL các tỉnh, thành và rộng rãi dư luận.

Đề án là bước cụ thể hóa thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”.

Học sinh, sinh viên... ít đọc (!)

“Nhiều năm qua, một môi trường đọc thuận lợi cho người dân ở mọi trình độ, lứa tuổi, kể cả người khiếm thị đã được hình thành. Đã có nhiều chương trình sách đưa về phục vụ nông thôn, cơ sở, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã cấp hàng trăm tỉ đồng thông qua chương trình này để cung cấp sách báo cho các thư viện công cộng...”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cho biết.

 Số lượng người hoàn toàn không đọc ở VN hiện chiếm tỉ lệ khá cao so với thế giới (26%); trong khi số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh thoảng đọc là 44%.

_MG_1111

Các nhà nghiên cứu, cán bộ nghỉ hưu vẫn là những đối tượng ham đọc

Ảnh: Phương Linh

Dự thảo đề án cũng nêu, theo kết quả điều tra xã hội học, khoảng 59 % học sinh, sinh viên và 56,8% người trưởng thành sử dụng thời gian rỗi để đọc sách. Khoảng 20 % gia đình có thư viện, tủ sách trong gia đình; 25% người được điều tra đã dành thời gian đọc sách trên một giờ/ ngày...

Đáng chú ý là những hạn chế của văn hoá đọc hiện nay. Theo dự thảo đề án, việc đọc mới tập trung ở một số đối tượng, chủ yếu là các nhà nghiên cứu, các cán bộ nghỉ hưu. Hai đối tượng cần đọc nhất trong xã hội là học sinh, sinh viên, những người làm công tác quản lý lại là những người ngại đọc, ít đọc nhất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hướng lớn tới chất lượng giáo dục – đào tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay.

Hạn chế thứ hai được nêu rõ, số lượng người hoàn toàn không đọc ở VN hiện chiếm tỉ lệ khá cao so với thế giới (26%); trong khi số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh thoảng đọc là 44%.

Xu hướng đọc cũng đang có những biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ thích đọc truyện tranh với nội dung đơn giản, vô bổ, thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập, sách chữ ... Xu hướng văn hóa nghe- nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc. Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình của học sinh, sinh viên chiếm tới 55%...

Trong khi đó, môi trường đọc tại VN lại chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Mạng lưới thư viện, tủ sách công cộng đã phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu. Số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú nhưng cũng ngày càng thiếu ấn phẩm chất lượng cao. Sách báo mang ý nghĩa giáo dục còn ít, nặng về giải trí rẻ tiền, chạy theo thị hiếu tầm thường.

Nâng tỉ lệ đọc thường xuyên từ 30% lên 40% vào năm 2015

Nguyên nhân của những hạn chế nói trên, theo dự thảo đề án, là do sự “chuyển mình” từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp với nhiều áp lực đã khiến không ít đối tượng không có thời gian rảnh rỗi.

Giáo dục, đào tạo trong nhà trường chưa chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh, sinh viên phương pháp đọc sách, khai thác và sử dụng thông tin, đặc biệt là các kỹ năng sử dụng thư viện phục vụ học tập, nghiên cứu. Chất lượng các xuất bản phẩm chưa đảm bảo. Lợi thế của văn hóa nghe – nhìn khiến cho văn hóa đọc bị lu mờ...

Một vấn đề đáng lưu ý là dù trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, văn hoá đọc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đáng chú ý là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông đang khiến cho việc kiểm soát chất lượng thông tin trở nên khó khăn, hiện tượng nhiễu tin và thông tin rác là vấn nạn khó khắc phục... “Với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu thế phát triển tất yếu các xuất bản điện tử - tài liệu số cùng với việc sử dụng ngày một rộng rãi mạng Internet, văn hóa đọc sẽ là sự tích hợp giữa văn hóa đọc truyền thống với văn hóa nghe –nhìn...”, dự thảo đề án dự báo.

Hướng đến mục tiêu chung là xây dựng và duy trì việc đọc trở thành thói quen của mọi tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai, dự thảo đề án nêu các chỉ tiêu: nâng tỉ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỉ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15% vào năm 2020. Đi kèm là các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Cũng theo nội dung dự thảo, quá trình thực hiện đề án được phân chia thành từng giai đoạn. Từ 2011-2015 là giai đoạn xây dựng các tiền đề nhằm khôi phục và đặt nền móng cho văn hoá đọc phát triển. Từ 2015-2020 là giai đoạn hình thành phong trào đọc trong xã hội.

Phương Hà

Theo Vanhoa online


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả