Để có tác phẩm xứng tầm của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 18/12/2014 - 07:12

chibo-hoctapHCM2013Tôi rất vui mừng và thực sự bị cuốn hút vào cuộc hội thảo này.

Trước hết, Ban Tổ chức Hội thảo đã đặt vấn đề đúng. Trong văn học, nghệ thuật, còn có vấn đề nào quan trọng và đáng bàn bằng việc sáng tạo ra tác phẩm có giá trị lâu dài. Đó là việc trung tâm và cấp bách số một đối với mỗi nghệ sĩ. Phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật là giấc mơ của mọi văn nghệ sĩ. Đó là sự kết tinh đẹp đẽ của tài năng và tâm huyết. Làm nghệ sĩ mà không mơ ước đạt được những đỉnh cao sáng tạo, theo tôi, chưa phải là nghệ sĩ đích thực. Cần phải nuôi khát vọng lớn. Còn làm được đến đâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cho nên nếu có ai đó nói rằng, có tác phẩm hay là có tất cả, tôi nghĩ, không phải là không đáng.

Lịch sử nghệ thuật là con đường vắt qua các tác phẩm có giá trị lâu bền. Đó là lịch sử của những dấu ấn nghệ thuật không phai mờ trong ký ức của con người. Trong kho lưu trữ của nghệ thuật, không có chỗ cho những tác phẩm làng nhàng, nhạt nhẽo, vô vị. Và nghệ sĩ, tự vẽ chân dung của mình đậm nhạt đến đâu, tùy thuộc vào ảnh hưởng của tác phẩm đối với xã hội đến đó.

Văn học, nghệ thuật là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống. Tôi là người hoạt động chính trị, đối với văn học, nghệ thuật tôi chưa am hiểu nhiều. Nhưng là người được Đảng phân công làm công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội nhiều năm, trải qua nhiều thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất, tôi hiểu rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của văn học, nghệ thuật đói với việc xây dựng tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh chiến đấu của người lính. Theo ngôn ngữ của các nhà quân sự, tôi nghiệm thấy văn học, nghệ thuật cũng là một binh chủng hùng hậu và có sức mạnh to lớn.

Tôi nói như vậy để bày tỏ tình cảm đối với văn học, nghệ thuật nói chung và về vấn đề các đồng chí thảo luận hôm nay. Về vấn đề này, tôi xin góp một vài suy nghĩ dưới góc nhìn của một người đọc về một số vấn đề sau đây:

- Tài năng,

- Vốn sống,

- Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng đạo đức xã hội.

Về tài năng: Tử điển Bách khoa định nghĩa: Tài năng là sự kết hợp hoàn thiện nhất các năng lực nhất định đối với một hoạt động nhất định, giúp con người đạt được những thành tựu xuất sắc, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội. Tài năng biểu thị chất lượng cao của năng lực, có thể biểu hiện trong bất cứ lĩnh vực nào, thông qua đào tạo chu đáo và luyện tập công phu, hoạt động thực tiễn, phát triển tối đa các tố chất tương ứng.

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng. Nói về văn học, nghệ thuật mà không nói đến tài năng thì coi như chưa nói gì cả. Lảng tránh vấn đề tài năng tức là quay lung lại với văn học, nghệ thuật. Tài năng thực sự bao giờ cũng rất hiếm. Tài năng xuất chúng càng hiếm hơn. Không quý trọng và tạo điều kiện cho tài năng phát triển thì xã hội không thể phát triển được. Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”1. Đó là một bước phát triển quan trọng trong tư duy lãnh đạo văn học, nghệ thuật. Chúng ta cần phải tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với trí thức, văn nghệ sĩ, bao gồm cả một hệ thống các giải pháp đồng bộ: đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, tôn vinh, phát thuy. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chính là làm việc đó. Vấn đề con lại là, cá nhân văn nghệ sĩ phát huy tài năng của mình như thế nào? Trước kia, đã có bao nhiêu tài năng tàn lụi, uổng phí, đã có bao nhiêu tiếng kêu vì “sinh bất phùng thời” (tức là “sinh không gặp thời”). Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo đã xóa đi bi kịch đó. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, ai có tài, có tâm giúp nước, đều được đón nhận, đều được cống hiến và tạo điều kiện để cống hiến, phát huy hết tài năng của mình. Đó là một cuộc gặp gỡ, giữa khát vọng và tài năng. Khát vọng về lý tưởng xã hội và lý tưởng nghệ thuật. Không có khát vọng lớn thì không có các tác phẩm lớn. Các nghệ sĩ lớn, đều là mẫu mực đáng kính về vấn đề này, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng nghệ thuật.

Nhưng cũng cần phải nói lại cho công bằng. Với câu hỏi làm thế nào để tài năng phá triển lâu bền, có ích, thì chỉ có bản thân văn nghệ sĩ mới tìm được câu trả lời xác thực nhất. Tại sao có những trường hợp khi mới xuất hiện thì lấp lánh, nhiều triển vọng, nhưng càng về sau càng mờ nhạt, thậm chí phải bỏ nghề? Nguyên nhân có nhiều nhưng chắc chăn có vấn đề rèn luyện. Rèn luyện về khát vọng, về văn hóa và về vốn sống. Dù xã hội có quan tâm, tạo điều kiện đến đấu cũng không thể thay thế sự tự rèn luyện của bản thân văn nghệ sĩ. Không tự rèn luyện thì tài năng không phát triển được. Rèn luyện qua sách vở, qua nhà trường, qua giao tiếp. Nhưng không có gí thay thế được rèn luyện trong thực tiễn. Tôi xin nêu vấn đề để các đồng chí cùng trao đổi.

Về vốn sống: Tôi được các đồng chí ở Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong gần 1.000 nhà văn của hội, hơn 98% nhà văn sống ở thành phố và các trung tâm hành chính. Cả nước chỉ còn 2% nhà văn đang sống ở nông thôn. Ở trung tâm công nghiệp, các trọng điểm kinh tế, các tuyến đường, các cửa khẩu, các làng bản xa xôi… đang vắng bóng nhà văn. Các hội chuyên ngành khác chắc chắn cũng có tình hình như vậy. Thế thì làm sao hiểu biết đầy đủ cuộc sống của đất nước ta hiện nay. Đối với mỗi nhà sáng tác, những bản thành tích, những con số thống kê, những bản báo cáo điển hình là hoàn toàn không đầy đủ cho việc hiểu biết và khám phá con người; hoàn toàn không đủ đối với việc nắm bắt dòng chảy và bản chất của đời sống ngày hôm nay. Thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước ta mấy chục năm qua đã xuất hiện những con người mới. Đó là những con người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa nghìn đời với canh tác nông nghiệp, với văn hóa làng xã nhưng đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đó là những con người Việt Nam đang sánh bước cùng nhân loại. Trong sự nghiệp đó, những thói quen mới, những tập quán mới, những phẩm chất mới đang được hình thành. Hơn nữa, chúng ta làm công nghiệp trong cơ chế thị trường. Sẽ có bao nhiêu thử thách, níu kéo, những vật vã trong quá trình đi lên. Hơn - thiệt, được - mất, đúng - sai, là những vấn đề được đặt ra hằng ngày cho từng con người, cả xã hội đang được thử thách về mặt nhân cách. Đó là cuộc bứt phá đi lên để tạo dựng những giá trị mới, Sự nghiệp đổi mới đất nước cung cấp biết bao chất liệu quý báu cho văn nghệ sĩ. Biết bao tấm gương cao đẹp vươn lên trong lao động sáng tạo nảy nở trên mọi lĩnh vực của đời sống. Chính họ là chủ thể của xã hội ta hiện nay. Những mảng sáng, những nhân tố tích cực, những việc làm đầy tình nghĩa, những sự hy sinh thầm lặng, những bộ óc dám nghĩ dám làm, đó là những nhân tố quyết định cho xu hướng phát triển của xã hội ta, đất nước ta ngày hôm nay. Chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh đang được phát huy trong xây dựng hòa bình. Nếu không đến với họ, không chia sẻ và thấu hiểu cuộc sống của họ, chúng ta dễ bị nhiễu trước những chuyện tiêu cực được phản ánh hằng ngày trên mặt báo. Đi thế nào thì tùy theo đặc điểm của từng ngành, từng người, nhưng nhất thiết phải đi. Đi với thái độ dấn thân, nhập cuộc hết mình, đi với góc nhìn và tầm nhìn đúng đắn thì nhất định chúng ta sẽ tìm ra chủ đề, nhân vật, và cũng nâng cao và làm mới tư tưởng, tình cảm của chúng ta nữa. Chúng ta đã có những tác phẩm đầy xúc động lòng người về chiến tranh, nhất định chúng ta sẽ có những tác phẩm ghi dấu đẹp đẽ về sức vươn tới của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cố nhân đã nói: vạn sự không có sự nào qua được chữ thời. Đó là xu thế tất yếu của lịch sử có sức mạnh chi phối toàn bộ cuộc sống xã hội, cộng đồng, con người. Không hiểu thời thì hành động mù quáng, hoặc rơi vào phiêu lưu, cực đoan, điên rồ hoặc bị rớt lại, bị đào thải. Chỉ trên cơ sở hiểu đúng thời đại mà mình đang sống mới giúp chúng ta tìm ra bản chất của những chuyển động to lớn, mạnh mẽ, đang diễn ra trên đất nước ta. Trên cái dòng chảy lớn đó, ta nhận ra những nguyên mẫu cho sáng tạo nghệ thuật.

Cái mới trong xã hội ta hiện nay, theo tôi, là ở trong mấy chữ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nội hàm của cuộc sống mà chúng ta cần xây dựng, vươn tới là ở trong mấy chữ ấy. Để đạt mục tiêu chiến lược đó, Đảng ta tiến hành đổi mới toàn diện đất nước ta, vừa tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển nông thôn mới, chủ động hội nhập quốc tế, vừa phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc tổ quốc. Đó là những đại sự cuốn hút toàn bộ sức lực, trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của nhân dân ta. Và đó cũng là bức tranh toàn cảnh cuộc sống của đất nước ta ngày hôm nay.

Dân tộc ta đứng về mặt lịch sử, có thể nói là một dân tộc đã từng bị tước đoạt. Bị tước đoạt xương máu, thời gian, thời cơ, sức lực, bị tước đoạt độc lập, tự do. Chúng ta chiến đấu hết đời này sang đời khác là để chống lại sự tước đoạt đó. Nay là lúc chúng ta có thể bắt tay vào đại sự xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bảo đảm cho ai cũng được ấm no, được học hành như Di chúc của Bác Hồ đã viết. Sự nghiệp đó đang được tiến hành trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng. Ở đó đang diễn ra sự đan chéo giữa cơ hội và thách thức, tối và sáng, được và mất. Một bối cảnh chung như vậy diễn ra cụ thể, sinh động ngay trong từng gia đình, từng dòng họ, từng làng xã có truyền thống hiếu học…, từng cơ quan, đến toàn xã hội. Nó buộc con người phải đối diện với mình trước biết bao câu hỏi. Đây là thực tiễn chưa từng có. Tất cả những vấn đề đó cần phải đi sâu tìm hiểu, phân tích, tổng hợp, tích lũy lâu dài và công phu. Và phải trở đi trở lại nhiều lần để chuyển hóa chất liệu của đời sống thành vốn sống, cảm xúc, hưng phấn sáng tạo. Có thế mới hy vọng dựng nên cuộc sống và con người Việt Nam ngày hôm nay với những dấu ấn lịch sử, không thể trộn lẫn với bất cứ thời đại nào khác.

Tôi biết các tổ chức hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức cho anh em đi thực tế. Nhưng điều kiện kinh phí hạn hẹp, chưa đi được sâu, nhất là chưa có quy hoạch để “cắm chốt” nhà văn ở những địa bàn chiến lược. Tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương, nhất là các cơ sở kinh tế, các nhà doanh nghiệp nên tạo điều kiện để văn nghệ sĩ có thể về thâm nhập thực tế lâu dài.

Trong hoạt động nghệ thuật, kích thích, nuôi dưỡng hứng thú, niềm say mê sáng tạo là rất quan trọng. Trong đó có vấn đề phê bình. Khen đúng, chê đúng không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị mà còn làm cho tác giả tự tin, phấn chấn, tự hoàn thiện. Hoạt động lý luận, phê bình của chúng ta mấy năm gần đây có chuyển biến bước đầu. Nhưng công tác quảng bá tác phẩm còn gặp rất nhiều khó khăn. Có gì buồn hơn đối với người sáng tác là tác phẩm không đến tay người đọc. Tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm, trước hết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch đầu tư, củng cố hệ thống thư viện các cấp, đầu tư cho các nhà hát, các rạp chiếu phim để đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng rộng rãi, đáp ứng quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân.

Về văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng đạo đức xã hội: Tác phẩm văn học, nghệ thuật có sức mạnh to lớn, nuôi dưỡng tư tưởng, tình cảm đạo đức con người, thỏa mãn khát vọng của con người về các giá trị chân, thiện, mỹ. Nó nâng đỡ, an ủi, khích lệ con người trong cuộc sống riêng tư, chia sẻ với con người những tâm tư thầm kín nhất, giúp con người trả lời những câu hỏi về lẽ sống, lối sống, những cách ứng xử tinh tế, ấm áp giữa con người với con người, giữa gia đình, làng xóm, dòng họ, bạn bè quốc tế, con người với thiên nhiên… Văn học, nghệ thuật có tác dụng to lớn hình thành hệ giá trị giúp con người tự điều chỉnh, vừa hoàn thiện nhân cách, vừa tăng sức đề kháng để chống lại mọi cái xấu, cái ác.

Tác dụng của văn học, nghệ thuật càng to lớn, trách nhiệm của văn nghệ sĩ càng nặng nề. Tôi được biết, đời sống văn học, nghệ thuật gần đây, bên cạnh xu hướng lành mạnh, tích cực là chủ yếu, đã xuất hiện những biểu hiện lệch lạc, cần được uốn nắn kiên quyết và kịp thời.

Trong lý luận, phê bình, có xu hướng đề cao quá mức chức năng giải trí, giao tiếp mà coi nhẹ chức năng giáo dục, có một số trào lưu lý luận ở nước ngoài được truyền bá vào trong nước chưa có sự phân tích thấu đáo, chỉ rõ cái gì hay, cái nào dở để tiếp thu có chọn lọc. Báo chí đã lên tiếng phê phán những khuynh hướng giải  thiêng các giá trị văn hóa của dân tộc, của cách mạng, đòi thay thế trung tâm văn hóa ngàn đời của dân tộc bằng các thứ rác rưởi được gọi là bên lề. Điều đáng ngạc nhiên và nghiêm trọng là nó diễn ra ngay trên bục giảng ở một số trường đại học. Phải trở lại những vấn đề có tính nguyên tắc. Đổi mới văn học, nghệ thuật là mở rộng không gian suy tưởng, không gian sáng tạo, tiếp thu mọi tinh hoa nhân loại để bổ sung, chuyển hóa, làm giàu văn hóa dân tộc. Đổi mới không phải là thay màu, càng không phải là phủ nhận và giải thiêng. Và không thể nhân danh “đổi mới” để biến tương lai con em chúng ta thành nơi thí nghiệm những quan điểm sai trái.

Trong sáng tác, có xu hướng rút lui vào hình thức, tuyệt đối hóa hình thức, bịt kín mối giao cảm giữa tác phẩm và công chúng. Như vậy, theo định nghĩa về tài năng đã nói ở trên, người ta vô tình hoặc cố ý đã thủ tiêu chức năng xã hội của tài năng. Hoặc cũng có xu hướng khai thác một chiều, cường điệu cái xấu, cái ác. Như vậy tác phẩm cũng không phản ánh đúng bản chất của hiện thực, không thấy hết mối quan hệ biện chứng của cuộc sống. Tôi tán thành nội dung bản Báo cáo đề dẫn, coi tác phẩm nghệ thuật là thể thống nhất và hoàn chỉnh của tư tưởng, nghệ thuậtngôn ngữ. Cắt rời chỉnh thể đó, tuyệt đối hóa một yếu tố nào đó tức là không còn coi tác phẩm văn nghệ là một sinh mệnh hoàn chỉnh và thống nhất.

Trước những vấn đề đạo đức, lối sống đang có chiều hướng xuống cấp như hiện nay, chúng ta hoan nghênh mọi tác phẩm mang tính phản biện xã hội sâu sắc, đi sâu mổ xẻ, phân tích, lên án đến tận ngõ ngách mọi hành trạng và nguyên nhân của cái xấu, cái ác. Phê phán một cách thuyết phục. Nhân danh cái tốt, cái thiện để phê phán. Và không bao giờ để mất niềm tin yêu con người. Trong những nhân vật phản diện, dù chỉ le lói một chút ánh sáng, một chút hoàn lương thì cũng phải nhen nhóm cho nó, tiếp dưỡng khí cho nó, thổi niềm tin vào cho nó. Làm được như vậy một cách có nghệ thuật, thì nhất định tác phẩm sẽ được công chúng tiếp nhận.

Chúng ta khuyên khích các văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm về những nhân tố mới, những nhân tố tích cực, những mặt sáng sủa. Những sáng tác về những cái sáng sủa, tích cực, mới mẻ cũng phải đi vào chiều sâu của thế giới nội tâm với một nghệ thuật nhuần nhuyễn và hấp dẫn. Ca ngợi mà đơn giản, sơ lược, hời hợt thì cũng không thuyết phục được ai.

Hơn bao giờ hết, cuộc sống đang chờ đợi ở văn nghệ sĩ. Đất dụng võ cho các tài năng luôn rộng mở.

Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Trích trong “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014.

--------

1. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Tlđd, tr.9.



Bình luận