Liệu có một dòng văn học mới của lớp trẻ?

Ngày đăng: 16/06/2014 - 07:06

Từ văn xuôi cho đến thơ, thời gian gần đây đang có những biến đổi mạnh mẽ. Liệu rằng, đây có phải dấu hiệu manh nha một dòng văn học mới mà những người cầm bút trẻ đã và đang tạo ra không?

1-di qua thuong nho

Thơ chuyển mình từ “hiện tượng xuất bản”?

Sau “hiện tượng xuất bản” thơ vạn bản của một tác giả trẻ phía Nam đầy bất ngờ, đã có không ít nhìn nhận cũng như dự đoán về “hướng đi” tương lai của thơ trẻ được truyền thông và những người cầm bút đưa ra. Rằng, liệu đây có phải là cú hích xuất bản thơ, rằng liệu có phải thời của thơ trẻ đã lên ngôi, hay nhu cầu độc giả đang tha thiết với kiểu thơ này?...

Và chỉ một thời gian ngắn, dự đoán này ít nhiều đã đúng.

Ngay trong những tháng đầu năm 2014, vài tập thơ có tạng và chất giọng giông giống “Đi qua thương nhớ” của Phong Việt, có thể kể đến như: Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người của Lương Đình Khoa, Lối rẽ nào cũng gặp nhớ thương của Trần Việt Anh… Điều đáng chú ý là, việc in ấn và ra tập thơ không phải do tác giả chủ động mà do một công ty truyền thông gợi ý và đảm nhiệm. Khác với số phận ban đầu của tập thơ từng tạo ra “hiện tượng xuất bản”- tác giả chủ động tìm đối tác in ấn và phát hành. Thậm chí chấp nhận lấy nhuận bút bằng sách. Như vậy có thể thấy, các đơn vị truyền thông đã nắm bắt rất nhanh nhu cầu của độc giả và họ nhìn thấy “cơ hội” ở thơ.

Mặc dù những tập thơ “cùng tạng” chưa tạo được bứt phá thực sự ấn tượng về con số xuất bản như tập thơ mở màn đi trước nhưng đã và đang dần được độc giả đón nhận một cách hăm hở.

Phần lớn độc giả của các tập thơ trên là những người trẻ. Họ tìm đến tập thơ vì sự đồng cảm, nuôi dưỡng cảm xúc, trở về ký ức… rất gần gũi, thân thương.

Có thể ai đó sẽ đặt ra câu hỏi, có phải vì thành công ngoài mong đợi của Đi qua thương nhớ mà rồi đây các nhà thơ sẽ “đầu tư”, sẽ tập trung và sẽ thi nhau cho ra đời “tạng” thơ như thế. Tạng thơ ấy là gì; là thứ thơ mà cảm xúc làm chủ đạo. Trong đó có một chút đổ vỡ, mong manh, một chút triết lý, nuối tiếc hoài niệm những năm tháng đã đi qua. Chủ thể của thơ cũng thường là người trẻ, họ không hẳn vấp ngã bởi những bồng bột non nót, không phải nhìn cuộc sống bằng màu hồng tươi đẹp nhưng cũng không phải quá từng trải để chai lì và biết chấp nhận một cách nhẹ nhàng mọi sóng gió cuộc đời… Câu hỏi này không phải không có căn cứ và không loại trừ sẽ có nhiều người cầm bút “bị ảnh hưởng”, thậm chí “bắt chước”.

Song, không phải “vơ đũa cả nắm”, khách quan mà nói tập thơ của Phong Việt không và chưa phải là chuẩn mực, là một công thức hoàn hảo của sự thành công để áp dụng cho mọi trường hợp. Mặc dù sau đó, độc giả cầm trên tay những tập thơ mới và khá ngạc nhiên vì cách thể hiện và giọng điệu giông giống. Đây thực sự chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Bởi kiểu thơ này, trước nay nó vẫn tồn tại trong mọi ngõ ngách của đời sống, mọi ngõ ngách của truyền thông. Chỉ có điều nó xuất hiện lẻ tẻ, hiện diện đâu đó và người đọc vẫn âm thầm đón nhận bằng nhiều cách. Âm thầm thích và truyền cho nhau dưới nhiều hình thức, có thể trên mạng, trên báo in… Và sự khác biệt ở chỗ, là giờ đây những bài thơ nằm rải rác ấy đã được tập hợp lại và hoàn thiện trong một cuốn sách in cầm tay.

Tất nhiên, cũng có cả những người cầm bút hoàn toàn “đứng ngoài” tạng thơ trên. Họ vẫn làm thơ theo con đường riêng của mình. Các tập thơ vì thế cũng lần lượt ra đời và chịu chung số phận như trước nay.

Liệu có một dòng “Văn chương cảm xúc” của lớp trẻ đang manh nha?

Không biết giữa thơ và văn xuôi thì thơ đến trước hay đến sau. Nhưng thực tế cho thấy, kiểu tác phẩm tạm gọi là dòng “văn chương cảm xúc” (thường đề cập về tình yêu với một chút buồn, một chút tiếc, một chút triết lý… với cảm xúc làm chủ đạo) đã và đang làm mưa gió ở lĩnh vực văn xuôi, có thể kể đến như tác giả Anh Khang với các tác phẩm Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ… với con số xuất bản cũng rất đáng mơ ước.

Văn chương cảm xúc khác với văn sến ở chỗ không đẩy người đọc vào cảm giác bi luỵ thái quá, tột cùng của nỗi đau, có cảm giác khó thoát ra được. Văn chương cảm xúc thì luôn thường trực những cánh cửa. Cánh cửa để khép lại buồn đau đổ vỡ, nhưng cũng lại là cánh cửa để mở ra tương lai phía trước với hi vọng điều tốt đẹp hơn sẽ đến. Đây thường là tâm trạng, cảm xúc mà con người chúng ta đều trải qua nên không xa lạ.

Về hình thức, phần lớn là thơ tự do, không có vần. Câu dài ngắn không theo quy luật. Có nhiều câu thơ dài như văn xuôi. Tên mỗi bài thơ, tên tập thơ thường rất “gợi” những chênh vênh.

Xin trích dẫn vài đoạn thơ: Phải những ai đã từng đi qua thương nhớ/ mới thấy cô đơn chưa bao giờ là thứ ta muốn chọn lựa/ ta chỉ chọn sống dưới một mái nhà nhiều lối vào và cửa sổ/ những luống hoa hồng vàng rạng rỡ/ đêm đêm nhìn trời và đoán một vì sao dành cho chúng ta sẽ hiện rõ/ mọi điều ước ao? (Phong Việt).

Còn Lương Đình Khoa thì: Có những ngày dài làm hôn lễ với cô đơn/ Giữa thành phố ồn ào sao thấy mình lạc lõng/ Một gương mặt cũ đến nhàm chán trong bộ nhớ của những người bạn thân luôn bận rộn/ Mà cuộc sống này có đến hàng vạn sự lựa chọn... Để quan tâm… Hoặc: Có phải sẽ cần thật nhiều nước mắt/ Cho một mùa lá đã trút hết duyên xanh…/ Rồi một ngày có những bước chân đi/ Chạy trốn cơn mơ, không mùa trở lại/ Rồi một ngày nẻo đường này hát mãi/ Tự bàn chân để lạc những bàn chân…

Hay Trần Việt Anh có những câu: Nắm lấy tay anh đi qua ngày gió/ Ngày cỏ cây cũng buồn khe khẽ hát tình ca/ Lối nhỏ đường xa/ Mong manh quá cái nắm tay hờ hững/ Đường còn dài mà đột nhiên đứng khựng/ Người bỏ đi rồi, phố cũng quên ta...

Một điều thú vị là, nhiều nhà thơ cũng từng có “giai đoạn” viết những vần thơ như thế này khi tuổi đời còn trẻ. Những va chạm cuộc sống, va chạm nghề nghiệp và nhiều lý do khác mà “giai đoạn” đó ngắn hay dài, thay đổi hay không.

Nếu cho rằng tập thơ từng tạo nên “hiện tượng xuất bản” là “phép thử” nhu cầu độc giả thì kết quả như thế nào đã cho công chúng thấy rõ. Vẫn biết rằng, số lượng không phải là yếu tố quyết định một xu hướng văn chương cũng như chất lượng tác phẩm. Song sự xuất hiện trước đó của văn xuôi qua những cuốn sách lên tới vạn bản, cùng với các tập thơ đã và đang ra mắt công chúng không thể khiến những người quan tâm đến văn chương không đặt ra câu hỏi, liệu có phải đang “manh nha” một dòng văn học mới hay không?

Khi bàn đến việc một số tập thơ gần đây xuất hiện có xu hướng nằm trong “văn chương cảm xúc” với vài nhà văn đi trước thì các nhà văn đều khẳng định, không phải đến bây giờ mà trước đây cũng từng có tác phẩm kiểu tạng này. Tuy nhiên, nó không thực sự phát triển mạnh mẽ, tập trung. Các nhà văn cũng chưa khẳng định, sự manh nha hiện nay liệu có thể tạo thành một dòng văn học hay không. Có lẽ còn phải chờ đợi chính sự “phát triển tự nhiên” của người cầm bút đương thời.

Hiền Nguyễn

(Theo Báo điện tử Tổ quốc)


Bình luận