Để tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 thực chất và có hiệu quả

Ngày đăng: 09/04/2012 - 16:04

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại, phát triển để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta. Đó là sự nghiệp hết sức khó khăn, gian khổ, quyết liệt và lâu dài, không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm.

anghiquyet

V.I. Lênin đã cảnh báo: “Sai lầm cũng dạy chúng ta nhiều bài học. Trong lĩnh vực này cũng như trong các lĩnh vực khác, chúng ta nói rằng chúng ta sẽ học tập bằng tự phê bình”1. Vì vậy, trong xây dựng Đảng cũng như trong hoạt động thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng ta vừa làm vừa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, thậm chí phải đấu tranh kiên quyết với những sai lầm, khuyết điểm trong nội bộ để kịp thời đề ra nội dung, biện pháp, hình thức sửa chữa, khắc phục và tiến lên. V.I. Lênin coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Tự cao, tự đại, không thấy hết những sai lầm, khuyết điểm của mình, giấu giếm những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, của mỗi đảng viên cộng sản là một trong những nguyên nhân làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, của từng đảng viên. Vì thế, V.I. Lênin cho rằng: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”2. V.I. Lênin cho rằng: Một đảng “công khai thừa nhận sai lầm tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”3. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Người chỉ rõ: “Một đảng mà giấu giếm  khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”4. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”5.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở được kiện toàn, củng cố thêm một bước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, trong sinh hoạt và công tác, việc thực hiện tự phê bình và phê bình cụ thể, thiết thực hơn, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở không ít nơi được chú trọng hơn trước; giúp đảng viên đề ra nội dung, hình thức, biện pháp sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, với tinh thần thực sự cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc, thẳng thắn cho thấy, việc thực hiện tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, bên cạnh những kết quả, ưu điểm đạt được, cũng còn có những hạn chế, khuyết điểm chưa được khắc phục. Còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không thực hiện tự phê bình một cách nghiêm túc, chưa thực sự cầu thị tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của đồng chí, của tập thể đối với mình để chủ động có biện pháp, hình thức sửa chữa, khắc phục. 

Trong đấu tranh phê bình, nhiều cán bộ, đảng viên, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ còn dĩ hòa vi quý, phê bình đồng chí mình còn hình thức, chiếu lệ, chưa chỉ ra cụ thể thiếu sót, khuyết điểm, công việc cụ thể thực hiện chất lượng còn hạn chế; chưa góp ý, giúp đồng chí mình thấy được ưu điểm để phát huy, thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân và biện pháp để sửa chữa, khắc phục. Một số nơi có biểu hiện lợi dụng phê bình để đả kích, gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết. 

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên trong tự phê bình và phê bình, trước hết là do một số cán bộ, đảng viên, chưa thấy được mục đích, ý nghĩa, tác dụng, sự cần thiết của tự phê bình và phê bình trong Đảng; chưa chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện nghiêm nguyên tắc, chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, công tác. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt chưa lựa chọn, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nội dung, chủ đề cụ thể, sát hợp, chưa có biện pháp, hình thức điều hành tự phê bình và phê bình, chất vấn linh hoạt, sáng tạo, chưa thực sự tự giác, gương mẫu tự phê bình và phê bình trước, dẫn đến sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ còn hình thức, không bảo đảm chất lượng. 

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu... Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt”6.

Để thực hiện nghiêm và có chất lượng tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: “Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân... Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng”7; đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để tạo mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới; khắc phục được tình trạng “tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chậm được quy định cụ thể làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”; “những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán xử lý nghiêm minh”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau về tự phê bình và phê bình trong Đảng:

Một là, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tác dụng, bản chất của phê bình và tự phê bình để thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản, quy luật phát triển của Đảng nhằm tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên.

Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình “như cơm ăn nước uống và rửa mặt hằng ngày”. Coi tự phê bình và phê bình là hoạt động không thể thiếu trong hoạt động của Đảng, giúp cho cán bộ, đảng viên thấy được những ưu điểm để phát huy; thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Chỉ bằng tự phê bình và phê bình, bằng sự giác ngộ, tự giác cao của mỗi cán bộ, đảng viên và đấu tranh trên tinh thần đồng chí với ý thức xây dựng cao mới có thể giúp nhau thấy rõ ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; đồng thời củng cố Đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống và phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên. Phải thấy được tự phê bình, phê bình “một mặt để sửa chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau, để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng”. Cùng với các công tác xây dựng Đảng, phải hết sức coi trọng và thực hiện nghiêm túc, có chất lượng tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thói hư tật xấu, trước hết là trong nội bộ Đảng là một việc vô cùng quan trọng, cần thiết và cấp bách để góp phần thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Trong đấu tranh phê bình và tự phê bình đối với những cán bộ, đảng viên có vi phạm tới mức không thể tiếp tục giáo dục được nữa thì kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh. 

Hai là, xây dựng môi trường tốt để phát huy mạnh mẽ dân chủ trong Đảng, tạo cơ sở, điều kiện thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.

Môi trường tích cực đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ và quy chế chất vấn trong Đảng. Để thực hiện tốt quy chế dân chủ và công tác chất vấn, phải bảo đảm chế độ thông tin đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách và pháp luật để đảng viên, nhân dân tham gia giám sát, góp ý, phê bình cho cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng được kịp thời, chuẩn xác. Đảng viên phải được bàn bạc và tham gia ý kiến về các hoạt động kinh tế và công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương; được bàn bạc một cách dân chủ đối với những công việc có liên quan đến đời sống của nhân dân; được tham gia giám sát, chất vấn các hoạt động lãnh đạo, quản lý. Cán bộ cấp trên, cán bộ chủ chốt, từ các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy viên các cấp, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu và thực hiện tự phê bình và phê bình trước một cách nghiêm túc, tự giác; kịp thời thông báo, công khai kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cho cấp dưới biết để học tập, noi theo, thực hiện có kết quả trong toàn Đảng.

Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang phải có động cơ trong sáng và tình thương yêu đồng chí trong tự phê bình và phê bình. Phương pháp phê bình và tự phê bình phải đúng đắn, sát hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cấp ủy đảng, chi bộ, từng cán bộ, đảng viên để đạt chất lượng, hiệu quả. Phải bảo đảm lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, không để phê bình gây ra sự tự ái, hiểu lầm, dẫn đến việc thù ghét, oán trách, thậm chí có thể trả đũa, trả thù, gây hiềm khích giữa đảng viên với đảng viên, mất đoàn kết nội bộ. Việc tự phê bình phải xuất phát từ cái tâm, cái lý, cái tình trong sáng, nghiêm cấm việc lợi dụng tự phê bình và phê bình để đả kích, vu cáo, nói xấu nhằm hạ bệ, loại bỏ nhau hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng và chế độ ta. Phải có thái độ thành khẩn, trung thực, tôn trọng sự thật, lẽ phải, không giấu giếm, bao che, thổi phồng thành tích hoặc khuyết điểm, sai lầm hoặc bóp méo sự thật. Phê bình và tự phê bình phải có nội dung cụ thể, sát thực. “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa”8. 

Ba là, gắn tự phê bình và phê bình với thực hiện kịp thời, có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Nếu chỉ bằng tự phê bình và phê bình trong khi ý thức tự giác của nhiều cán bộ, đảng viên còn hạn chế, thậm chí bị tê liệt, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ bị trù dập; không ít cán bộ, đảng viên còn mang trong mình chủ nghĩa cá nhân cơ hội, thực dụng, tìm mọi cách giấu giếm khuyết điểm, sai phạm thì không thể xử lý triệt để, kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm. Việc kết hợp tự phê bình và phê bình với phát hiện các dấu hiệu vi phạm để thực hiện kịp thời công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng sẽ bảo đảm cho tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng được sát thực, có chất lượng, hiệu quả hơn. Vì vậy, gắn việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng với thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cả trong việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo ba vấn đề cấp bách trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thường xuyên, định kỳ hằng năm sau kiểm điểm trong những năm tiếp theo mới thực sự góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Chú thích:

1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 37, tr. 205-206.

2, 3. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 38; t. 41, tr. 51.

4, 5, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 261; t. 12, tr. 510; t. 8, tr. 222.

6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 174, 257-258.

Cao Văn Thống

 Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả