Mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế theo quan điểm Hồ Chí Minh
Quan điểm phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Theo Người, hợp tác kinh tế quốc tế bao gồm những nội dung rất rộng, phải có sự định hướng và tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
Trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam nói chung cũng như trong xây dựng đất nước nói riêng, Hồ Chí Minh thực hiện triệt để phương châm: độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và “muốn người ta giúp mình thì trước hết mình phải giúp mình đã”. Người mong muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, không lệ thuộc vào bên ngoài, dựa vào những điều kiện, tiềm năng sẵn có của dân tộc để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Thế nhưng, Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, biệt phái, cùng với việc duy trì tính độc lập, tự chủ, Người chủ trương xây dựng khối đoàn kết quốc tế, quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác kinh tế quốc tế có nội hàm rất rộng, có giá trị tham chiếu cho quá trình hội nhập quốc tế với lộ trình và bước đi thích hợp của Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
1. Nhu cầu khách quan và mục đích của hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân
Quan điểm của Hồ Chí Minh về hợp tác kinh tế quốc tế được hình thành là kết quả của sự khảo sát thực tiễn, dựa vào truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, nhận thức quy luật vận động và xu thế phát triển của thời đại. Người thấy rằng, hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước là nhu cầu khách quan có tính quy luật phổ biến của mọi nền kinh tế, là điều kiện quan trọng bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó chính là nghệ thuật kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tiến trình phát triển.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế là một tư tưởng lớn và hết sức nhất quán ở Hồ Chí Minh, ngày càng được cụ thể hóa.
Ngay từ những năm 20 thế kỷ XX, ý thức được bản chất của quá trình quốc tế hóa và xu thế của thời đại, Hồ Chí Minh cho rằng “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(1).
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, quan điểm về hợp tác kinh tế quốc tế tiếp tục được Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn” và về ngoại thương “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”(2).
TrongÂÂ Lời kêu gọi gửi Liên Hợp quốc (12-1946), Người đã tuyên bố chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên tất cả các lĩnh vực: “2-Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc….”và Người cho rằng, “Đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông”.
Ngay khi chúng ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh cũng tuyên bố rõ: “Việt Nam có nhiều phụ nguyên, chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”(3)ÂÂÂÂÂ để nhằm “Một là xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hòa kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình”(4).
Miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, hợp tác kinh tế quốc tế càng trở nên cần thiết và có điều kiện mở rộng hơn. Hồ Chí Minh xác định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cần mở rộng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp để nâng cao sức sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Chúng tôi cần nhiều dụng cụ, máy móc và hàng hoá của các nước trong đó tất nhiên kể cả nước Nhật Bản. Và chúng tôi có thể cung cấp cho những nước ấy lương thực, cây công nghiệp và khoáng sản”(5).
Tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế nhằm vào các mục đích:
Thứ nhất, thông qua giao lưu, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế nhằm thu hút ngoại lực, để bổ sung những mặt còn thiếu hụt trong nền kinh tế của nước ta;
Thứ hai, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế nhằm tăng cường củng cố quan hệ hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, nhất là đối với các nước anh em, bè bạn và các nước láng giềng;
Thứ ba, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế nhằm xây dựng và phát triển kinh tế đất nước phục vụ cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân;
Thứ tư, trong điều kiện đất nước ta vừa tiến hành xây dựng CNXH, vừa phải tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước XHCN anh em là nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
2. Nội dung và nguyên tắc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế trong xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ
Quan điểm phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, hợp tác kinh tế quốc tế bao gồm những nội dung rất rộng, phải có sự định hướng và tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
Hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế trước hết phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, loại bỏ sự áp đặt hay ép buộc trong quan hệ kinh tế bởi tác động của các mối quan hệ có liên quan đến quân sự, chính trị hay trật tự - an ninh.
Tự lực, tự cường, xây dựng tiềm lực trong nước là điều kiện để mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Theo Người, độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam: “phương châm của ta hiện nay là: tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ”(6), “ta được các nước bạn giúp, tức là có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh”(7)ÂÂÂÂÂ và “các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng cho ta, để phát triển khả năng của ta”(8). Về thực chất, Hồ Chí Minh đã xác định đúng vị trí và giải quyết chính xác phép biện chứng về mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực trong xây dựng và phát triển kinh tế; nhân tố bên trong, nội lực là chính, là quyết định; còn nhân tố bên ngoài, ngoại lực là phụ, nhưng lại rất cần thiết và quan trọng.
Trong tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh, quan điểm tự lực tự cường, tự lực cánh sinh gắn với mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế quốc dân là quan điểm hành động, nghĩa là trở thành ý chí, hành động thực tiễn không chỉ của Đảng, Chính phủ mà là của toàn dân, của cả dân tộc, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, trên mọi phương diện hoạt động và chỉ đạo kinh tế.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh phải có sự nhìn nhận khoa học về các đối tác trong mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế.
Về nguyên tắc, “Việt Nam muốn “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(9), mở rộng hợp tác với tất cả các đối tác. Tuy nhiên, do những tác động của lịch sử và các điều kiện khách quan, Hồ Chí Minh đã có những quan điểm chỉ đạo, xử lý mối quan hệ kinh tế đối ngoại phù hợp với từng đối tác cụ thể, căn cứ vào sự tương hợp về chính trị, lịch sử và địa lý. Nghĩa là có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên.
Lịch sử đã qua đi, nhưng lịch sử đã cho chúng ta một độ lùi cần thiết đủ để khẳng định quan điểm của Hồ Chí Minh về việc xác định đối tác mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế là những quan điểm đi trước thời đại và có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
3. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế đối ngoại
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm, chỉ dẫn quý báu, bổ ích, thiết thực mà ngày nay chúng ta cần vận dụng, chủ yếu tập trung vào những hướng chính sau đây:
- Xác định đúng xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, coi hợp tác kinh tế quốc tế là nhu cầu khách quan để có bước đi và tiến trình hội nhập đúng, chủ động, không chịu sức ép từ bên ngoài và tránh được những thách thức mà toàn cầu hóa đang đặt ra đối với những nước lạc hậu, đang phát triển.
- Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại trên các lĩnh vực và chính sách kinh tế đối ngoại, ưu tiên chú trọng và giải quyết quan hệ đối ngoại làm cơ sở cho quan hệ hợp tác kinh tế. Muốn đạt được điều đó, cần: (1) Xác định được thứ tự ưu tiên khi thiết lập quan hệ đối ngoại, các đối tác trên phạm vi quốc tế: các nước có cùng chế độ chính trị, các nước láng giềng, trong khu vực, các nước có tiềm lực kinh tế, công nghệ, có vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, và cuối cùng là các nước khác. (2) Quán triệt phương châm và nguyên tắc: mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác để cùng các bạn làm ăn trên tinh thần tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Vì vậy, chính sách đối ngoại phải nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, mang lại sự tăng trưởng bền vững cho đất nước. (3)Đào tạo được một đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đối ngoại mà trọng tâm là ngành ngoại giao có nhãn quan kinh tế; ngược lại, cán bộ làm kinh tế cũng là cán bộ ngoại giao.
- Mở rộng quan hệ hợp tác, quan hệ kinh tế đối ngoại là để thu hút ngoại lực, nhằm phát huy nội lực. Sinh thời, mục tiêu cơ bản mà Hồ Chí Minh kiên trì theo đuổi trong giao lưu, hợp tác quốc tế là thông qua đó mở rộng quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế, thu hút ngoại lực nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, cần giải quyết các vấn đề chủ yếu sau:
Một là, nhanh chóng hình thành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách huy động vốn trong nước, tạo nội lực làm cho nền kinh tế ổn định trước những biến động của thị trường thế giới, khu vực, đồng thời tạo điều kiện hấp thụ vốn từ bên ngoài.
Hai là, tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng cho được một đội ngũ công nhân lành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức đáp ứng nhu cầu hợp tác với nước ngoài.
Ba là, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn từ bên ngoài: môi trường hành chính pháp lý, chính sách thuế, sử dụng đất, ưu đãi đầu tư, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, tăng sức mua của dân cư…
Bốn là, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định những dự án đầu tư vốn nước ngoài trên nhiều tiêu chuẩn, trong đó, cần chú trọng tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ. Bởi vì, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đặt kế hoạch công nghệ cho đúng đắn và hợp lý là điều kiện chủ chốt trong việc tiêu dùng tiền của”(10).
______________
(1) Hồ Chí Minh:ÂÂÂ Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 9-10
(2), (3), (4), (9), Sđd, t.5, tr. 578, 156, 170, 220
(5) Sđd. t. 9, tr. 516
(6), (7), (8) Sđd, t. 8, tr. 30, 71, 30
(10) Sđd, t.6, tr. 449
ÂÂÂ
PGS,TS Phạm Ngọc Anh
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực