Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 10/07/2016 - 07:07

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Duẩn (10-7-1986 - 10-7-2016), Trang thông tin điện tử Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhan đề “Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

10.7.2016 Lan Đồng chí Lê Duẩn-ảnh

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV (1976). Ảnh tư liệu.

Đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Quân uỷ Trung ương là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và nhân dân ta, một học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, từ rất sớm, đồng chí Lê Duẩn đã tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng như: phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), tham gia Hội Ái hữu ở Đà Nẵng (1926), Tân Việt cách mạng Đảng và sau đó đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hà Nội (1928). Vừa hoạt động, vừa học tập, đồng chí rất say mê đọc Đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đọc báo Thanh niên, đọc các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin, v.v. từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao thêm tinh thần yêu nước và cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 6-1930, Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập. Được đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành uỷ đầu tiên trực tiếp giới thiệu, đồng chí Lê Duẩn trở thành đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản. Cùng với một số đồng chí tiền bối khác, đồng chí là một trong những người thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Nội ngay từ những ngày Đảng bộ Hà Nội mới được thành lập.

Năm 1931, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ. Sau đó đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù cấm cố, lần lượt bị giam tại các nhà tù của chế độ thực dân Pháp như Hoả Lò (Hà Nội), Sơn La, Côn Đảo trong những năm từ 1931 đến 1936. Sự tàn bạo của kẻ thù đã không làm đồng chí khuất phục; trái lại, càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, làm cho đồng chí trở thành người lãnh đạo kiên cường, được nhân dân tin yêu, bạn bè đồng chí cảm phục.

Tháng 10-1936, trước phong trào đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí Lê Duẩn và nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Vừa ra khỏi nhà tù, đồng chí lại hăng say hoạt động. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, nhiều địa phương ở miền Trung, từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến Nam Trung Bộ, những nơi có phong trào cách mạng sôi nổi đều gắn với tên tuổi và hoạt động của đồng chí trên cương vị là Uỷ viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ.

Giữa năm 1939, đồng chí được điều động vào Nam Bộ cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 - một hội nghị mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam; từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân, phong kiến tay sai. Sự nhạy bén và sáng tạo của Nghị quyết Hội nghị này thể hiện ở chỗ đã chỉ ra nhiệm vụ tập trung mũi nhọn đấu tranh vào thực dân Pháp và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết của Hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ Hội nghị thành lập Đảng (1930). Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và những địa danh lịch sử như Mười tám thôn Vườn Trầu, Hóc Môn - Bà Điểm, Sài Gòn - Chợ Lớn mãi mãi gắn liền với tên tuổi của đồng chí Lê Duẩn và những người con ưu tú của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, v.v..

Bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai (1940-1945), cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, đồng chí Lê Duẩn một lần nữa, lại tỏ rõ bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình, vượt qua thử thách, một lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đồng chí Lê Duẩn và nhiều cán bộ ưu tú khác của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và nhân dân đón về đất liền. Vừa ra khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí lại hăm hở bước vào cuộc chiến đấu mới.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn luôn gắn bó với Nam Bộ thành đồng. Trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó: trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Gắn bó với đồng chí và đồng bào miền Nam trong những tháng năm khói lửa, bằng tư duy chính trị sắc sảo, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân Nam Bộ lập nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giữ vững danh hiệu "Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng.

Sau khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, đế quốc Mỹ mưu toan thực hiện ý đồ chiến lược toàn cầu phản cách mạng và miền Nam Việt Nam được chúng chọn làm địa bàn thực hiện cuộc phản kích chiến lược. Tại đây chính quyền tay sai của Mỹ được thiết lập. Những người kháng chiến cũ và đồng bào yêu nước bị đàn áp hết sức dã man. Khắp nơi đầu rơi máu chảy. Khả năng thực hiện hoà bình thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam bị kẻ thù phá hoại. Dân tộc ta lại phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt, chống chủ nghĩa thực dân mới, chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Trong những năm 1954 - 1956, theo sự phân công của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn ở lại Nam Bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi đối phương thực hiện Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam và Đông Dương. Trong điều kiện địch vây lùng và khủng bố vô cùng tàn khốc, phải hoạt động bí mật, đồng chí đã đi khắp các địa bàn Nam Bộ, khi thì ở bưng biền Cà Mau, Bến Tre, khi thì luồn sâu giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn để nắm tình hình thực tiễn, xây dựng và tổ chức lại các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Chính trong những tháng năm gian khổ hy sinh, đầy thử thách ác liệt này, trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời của đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện rõ. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và cách mạng, năm 1956, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng: Đề cương cách mạng miền Nam. Bản Đề cương chỉ rõ: chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền thực dân kiểu mới, tay sai của đế quốc Mỹ. Chính quyền đó đã chà đạp thô bạo thành quả mà nhân dân ta đã giành được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Trên cơ sở nhận định sâu sắc về bản chất của kẻ thù mới, từ thực tiễn tình hình miền Nam, Đề cương khẳng định, nhân dân miền Nam chỉ có một con đường là bằng bạo lực cách mạng vùng lên chống đế quốc Mỹ và tay sai để cứu nước, tự cứu mình, giành lại độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Ngoài con đường đó ra không có con đường nào khác. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên đã góp phần quan trọng cho sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II) và nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội công tác. Cùng với các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, v.v., đồng chí là một trong những cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ kiện toàn tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và các Hội nghị Trung ương được đồng chí thực hiện rất khẩn trương, khoa học.

Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hoạch định những vấn đề chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những những thắng lợi mới, được đồng chí viết năm 1970, là một văn kiện lý luận quan trọng tổng kết những kinh nghiệm của giai đoạn cách mạng đã qua, chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn mới, vừa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh của cả nước; vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta là một cuộc chiến tranh nhân dân cực kỳ hào hùng và sáng tạo. Chúng ta đã huy động được toàn bộ lực lượng của dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, liên tục nổi dậy, liên tục tiến công, liên tục sáng tạo, quyết tâm chiến đấu và đã giành được chiến thắng vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc triệu người như một đã anh dũng chiến đấu và đánh bại nhiều chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, từ “chiến tranh đơn phương” đến “chiến tranh đặc biệt” rồi “chiến tranh cục bộ”, "chiến tranh Việt Nam hoá” và đã giành được toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến công cực kỳ vĩ đại và rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Nó gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; gắn liền với tên tuổi và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến, người đã nhiều năm giữ trọng trách trong Bộ chỉ huy tối cao của Đảng ta và dân tộc ta.

Từ năm 1976, tiếp tục cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ước mơ cháy bỏng của đồng chí là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tại Đại hội lần thứ IV (1976) và Đại hội lần thứ V (1982) của Đảng cũng như tại các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với việc hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong những điều kiện khác nhau, cả thời điểm thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn, cả khi những vấn đề lý luận và thực tiễn đã sáng tỏ cũng như khi những tư tưởng, quan điểm đang trong quá trình tìm tòi, đồng chí luôn luôn đào sâu suy nghĩ, kiên trì nghiên cứu và thể nghiệm, một lòng trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Điều mà đồng chí luôn luôn tâm niệm và kiên trì phấn đấu là: “Tất cả vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Là một đảng viên thuộc Đảng bộ Hà Nội từ những ngày đầu mới thành lập, đặc biệt từ năm 1969 trở về sau này, trên các cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn rất gắn bó với Thủ đô Hà Nội, luôn luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nội những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Liên tiếp ba đại hội Đảng bộ thành phố: lần thứ VII (1977), lần thứ VIII (1980) và lần thứ IX (1983), đồng chí đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo sâu sát, cụ thể về tất cả các mặt. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trường, trường học, bệnh viện, hợp tác xã, các quận, huyện nội ngoại thành, nhiều đơn vị bộ đội Thủ đô đã vinh dự được đồng chí đến thăm. Một trường cán bộ Đội thiếu niên tiền phong được mang tên “Lê Duẩn”. Đó là nguồn tình cảm và động lực rất to lớn đối với các ngành, các giới, với cán bộ chiến sĩ và nhân dân Thủ đô trong công cuộc lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều mà đồng chí Lê Duẩn hằng mong muốn là Thủ đô Hà Nội phải có tầm vóc xứng đáng với lòng tin và niềm tự hào của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú, sôi nổi, trong đó có gần 30 năm giữ các cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta.

Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hoạt động không mệt mỏi, đồng chí Lê Duẩn đã in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước và luôn luôn một lòng kiên trung với dân, với Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công. Ngay trong những tháng năm bị tù đày, xiềng xích, trong những lúc cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí vẫn giữ vững chí khí cách mạng, kiên quyết đấu tranh, tìm mọi cách để đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Là nhà lãnh đạo lỗi lạc, đồng chí Lê Duẩn đồng thời là một nhà lý luận mácxít - lêninnít năng động, sáng tạo, trưởng thành từ trong hoạt động cách mạng thực tiễn, dày dạn kinh nghiệm đấu tranh, đồng chí rất coi trọng nghiên cứu lý luận, học tập lý luận, rèn luyện tư duy lý luận, trăn trở suy nghĩ nhằm tìm ra và giải quyết các vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc khác của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn là hiện thân của trí tuệ cách mạng Việt Nam.

Với đồng chí, bạn bè, đồng chí Lê Duẩn luôn son sắt thuỷ chung và luôn luôn được tin yêu, kính trọng. Với các tầng lớp nhân dân, đồng chí luôn gắn bó, thân mật, trung thực, giản dị; thường xuyên lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Là một chiến sĩ quốc tế chân chính, trong sáng, đồng chí luôn chăm lo việc tăng cường và củng cố tình đoàn kết quốc tế, đồng thời đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, đồng chí luôn cổ vũ tinh thần đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Duẩn là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao và những cống hiến to lớn của một trong những nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, một trong những học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là dịp để chúng ta học tập tấm gương cao đẹp mà đồng chí Lê Duẩn và các bậc cách mạng tiền bối đã để lại.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)


Bình luận