Vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng đã trở thành một vấn đề bức xúc ở nước ta hiện nay. Báo chí được xem là có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực ra, đó là vai trò tất yếu khách quan hay chỉ là ý muốn chủ quan? Để khẳng định điều đó, cần xuất phát từ bản thân báo chí và vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí trong đời sống xã hội.
Ảnh minh họa
Vị thế xã hội của báo chí quy định vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Ở nhiều quốc gia, báo chí được xem là “quyền lực thứ tư” trong hệ thống quyền lực xã hội (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Ý tưởng này được nhà văn Anh Emund Burke nêu ra từ năm 1787, trong bối cảnh đấu tranh đòi quyền tự do giữa báo chí với chính quyền thực dân tại thời điểm đó. Qua một quá trình đấu tranh lâu dài liên tục, các quyền tự do báo chí đã được ghi nhận trong luật pháp của nhiều quốc gia.
Đến nay, báo chí đã thực sự tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành một trong những nhân tố có vai trò quyết định trong đời sống chính trị các quốc gia. Sự tác động mạnh mẽ của báo chí đến đời sống chính trị đó là sự tác động đến hai đối tượng: dân chúng và nhà cầm quyền.
Thứ nhất, báo chí tác động lên dân chúng nhằm truyền đạt những thông điệp (chỉ thị, nghị quyết, một quan điểm hoặc ý kiến về một vấn đề nào đó) của chính quyền đến toàn bộ xã hội, qua đó định hướng tư tưởng và quán triệt ý chí của giới cầm quyền lên dân chúng. Thứ hai, báo chí trình bày ý kiến của mình, các chuyên gia, giới học thuật thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội tác động trực tiếp lên các quan chức nhà nước, những người hoạch định và thực thi chính sách. Thứ ba, báo chí là diễn đàn rộng rãi để dân chúng bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng của mình đối với chính quyền, những người thực thi công vụ. Qua đó, tác động trực tiếp vào quan điểm, lập trường của các nhà hoạch định chính sách, góp phần vào quá trình xây dựng chiến lược, chính sách phát triển của nhà cầm quyền hướng tới lợi ích quốc gia và dân chúng.
Như thế, cơ chế tác động của báo chí là cơ chế tác động hai chiều: vừa tác động lên đối tượng của quyền lực nhà nước (dân chúng), vừa tác động lên chủ thể của quyền lực nhà nước (giới cầm quyền). Điều này cho thấy cơ sở khách quan quy định vị thế độc lập tương đối của báo chí trong đời sống chính trị xã hội. Chính từ đặc trưng vị thế độc lập tương đối một cách khách quan này của báo chí, cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của nó trong đời sống xã hội nói chung, đời sống chính trị nói riêng đã góp phần khẳng định tính tất yếu khách quan của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Do nhiều nét đặc thù so với các xã hội khác nên vị thế của báo chí ở Việt Nam cũng có những đặc thù riêng. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân, báo chí có một vị thế rất quan trọng trong hệ thống quyền lực chính trị. Đó là vì, báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp họ thấu hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó dĩ nhiên bao hàm cả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định về vai trò của báo chí: Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, báo chí đã không ngừng phát huy vai trò của mình trong cuộc đấu tranh này.
Như vậy, báo chí nước ta là phương tiện hữu hiệu phổ biến, thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, báo chí còn là diễn đàn ngôn luận của nhân dân. Với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, một mặt, góp phần phát hiện, chỉnh sửa, bổ sung các chủ trương, chính sách và pháp luật phòng, chống tham nhũng cho phù hợp, đạt hiệu quả cao; mặt khác, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, phản ánh, truyền tải thông tin của quần chúng về các hiện tượng, các biểu hiện của tệ tham nhũng, tích cực góp phần tạo dư luận, áp lực xã hội đối với không chỉ đối tượng tham nhũng mà cả các cơ quan chức năng xử lý, phòng, chống tham nhũng. Qua vai trò của mình, báo chí góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa nguy hiểm, vừa cam go hiện nay.
Ảnh minh họa
Chức năng giám sát, quản lý xã hội góp phần quy định vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Báo chí có nhiều vai trò, chức năng trong đời sống xã hội. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội chính là báo chí đã thể hiện rõ nhất tính quy định về vai trò tất yếu của mình trong phòng, chống tham nhũng. Giám sát và quản lý xã hội là hai mặt của một vấn đề nhằm bảo đảm sự phát triển hợp lý và tích cực. Tính chất của quản lý và giám sát xã hội của báo chí phụ thuộc vào tính chất của quan điểm chính trị mà báo chí theo đuổi.
Chức năng giám sát và quản lý xã hội của báo chí bao gồm:
Thứ nhất, giám sát sự vận hành của các tiến trình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát hiện và cảnh báo kịp thời những nguy cơ, những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển chung. Sự giám sát của báo chí là đối với các cơ quan, tổ chức quyền lực công, các cá nhân lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Qua đó, nó không chỉ thể hiện sự phản biện xã hội mà còn tạo ra áp lực từ dự luận xã hội với tư cách là quyền lực công cộng của nhân dân.
Thứ hai, quản lý xã hội là một hoạt động vô cùng phức tạp bởi xã hội là một hệ thống chỉnh thể bao gồm trong nó nhiều hệ thống con, với các mối quan hệ tương tác với nhau và tương tác với các đối tác ngoài hệ thống. Vì thế, quản lý xã hội không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Dù có vai trò quan trọng khi tham gia vào quá trình giám sát và quản lý xã hội nhưng báo chí cũng chỉ là một trong nhiều “kênh” tham gia góp phần quản lý xã hội. Thực tế, nó đóng vai trò cung cấp thông tin, dữ liệu giúp nhà quản lý trên cơ sở xử lý thông tin đưa ra quyết định phù hợp; đồng thời, trực tiếp kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả của các chính sách; đúc rút, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để sửa đổi, bổ sung chính sách; phổ biến, tuyên truyền các chính sách mới đến cơ sở và đông đảo quần chúng nhân dân; hướng dẫn cách thức, phương pháp tổ chức thực hiện các chính sách đó…
Thứ ba, báo chí là diễn đàn để nhân dân bằng nhiều cách khác nhau tham gia giám sát và quản lý xã hội. Báo chí tạo ra diễn đàn, các cơ hội để người dân trực tiếp tham gia vào các quá trình vận động, phát triển xã hội. Đó là, báo chí: phản ánh thường xuyên, trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân trước các sự kiện, sự việc cũng như các vấn đề có liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc; là người tổ chức, là phương tiện để nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quyết định chiến lược phát triển quan trọng của quốc gia; và, phản ánh thái độ, yêu cầu của nhân dân về chất lượng hoạt động của các cơ quan quyền lực, về trách nhiệm thực thi công vụ.
Với hoạt động giám sát và quản lý xã hội như trên, rõ ràng, báo chí tất yếu đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tất nhiên, hoạt động giám sát và quản lý xã hội của báo chí được thực hiện thông qua hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình; đồng thời, cần có sự điều chỉnh sự thực hiện chức năng giám sát và quản lý xã hội của mình một cách phù hợp để đạt hiệu quả xã hội cao nhất.ÂÂÂ
Trong nền chính trị hiện đại, báo chí tham gia vào việc giám sát và quản lý xã hội đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Vì lẽ đó, nội dung của giám sát và quản lý xã hội của báo chí đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng không giống với hoạt động này của các cơ quan công quyền và các tổ chức chính trị xã hội khác. Đó là, báo chí cung cấp thông tin cho công dân, thông qua tiếng nói của công luận để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát; đồng thời, báo chí phản ánh kịp thời việc thực hiện quyền lực công, thực hiện pháp luật trong xử lý các hiện tượng tham nhũng; cũng như thực hiện giám sát đối với các cơ quan giám sát, hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội đối với quá trình xử lý các hiện tượng tham nhũng trong đời sống xã hội.
Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội, có vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình luôn tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hình thức giám sát của báo chí là thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Báo chí cũng có thể tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh này bằng cách nêu và chuyển tải những yêu cầu của công luận đến cơ quan công quyền. Đó là, một mặt, báo chí điều tra, đưa ra công luận các vụ án tham nhũng, lợi dụng quyền hạn trong thực thi công vụ; mặt khác, phản ánh những ý kiến nhiều chiều của nhân dân xung quanh hiện tượng tham nhũng và những đòi hỏi về sự liêm chính của đội ngũ cán bộ thực thi công quyền. Có thể thấy, trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí tham gia dưới hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Dĩ nhiên, cả hai hình thức này đều phải thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ở nước ta sự giám sát của báo chí đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng còn hạn chế nhất định. Điểm yếu cốt tử là quyền tiếp cận thông tin của báo chí còn rất hạn chế. Thông tin chính thống mà báo chí có được chủ yếu do các cơ quan chức năng cung cấp, do đó, để có thông tin phải phụ thuộc vào cơ quan chức năng. Chất lượng thông tin, độ xác thực của thông tin, tính cập nhật và đầy đủ của thông tin,... dĩ nhiên cũng do cơ quan cung cấp thông tin quyết định. Thực tế này, phần nào hạn chế việc thực hiện vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao Động (Ảnh minh họa)
Trách nhiệm chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội quy định vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Một trong những trách nhiệm xã hội quan trọng của báo chí là cổ vũ những nhân tố ưu tú, tích cực và phê phán các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội đó là: sự thái hóa biến chất trong đạo đức, lối sống; cơ hội chính trị, phai nhạt lý tưởng; tham nhũng, lãng phí; vi phạm pháp luật, phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội.
Đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực đang hàng ngày hàng giờ hủy hoại đời sống bình yên và tốt đẹp của nhân dân là trách nhiệm xã hội cao cả của báo chí. Phát hiện, kiên quyết đấu tranh, tạo áp lực từ dư luận xã hội đối với những biểu hiện thái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí của một số cán bộ, đảng viên là trách nhiệm của báo giới. Không ít vụ án lớn về tội phạm, về tham nhũng, lãng phí… thời gian qua đã được các cơ quan báo trí phanh phui, đưa ra ánh sáng. Báo chí đã thực sự góp phần quan trọng cùng các cơ quan chức năng tích cực đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong đời sống xã hội.
Tham nhũng là một trong những hiện tượng tiêu cực đang gây nhức nhối trong đời sống xã hội ta hiện nay, thực hiện chức năng đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, báo chí đã có những đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa đồng bộ hiện nay, vị thế của báo chí trong đời sống xã hội chưa cao và sự hiểu biết của người dân về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội còn hạn chế nên hoạt động của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn gặp nhiều thách thức, nguy hiểm. Vì thế, nhìn chung, hiệu quả xã hội của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là chưa cao, tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa còn thấp.
Ảnh minh họa
Đặc điểm của báo chí quy định vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là sự khác biệt giữa hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng của báo chí với các cơ quan chức năng khác trong hệ thống chính trị ở nước ta. Điều này góp phần quy định tính tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính đặc điểm của báo chí tạo nên nét đặc trưng của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ nhất, đối tượng công chúng đông đảo. Đặc điểm của báo chí là hướng đến công chúng đông đảo trong xã hội. Mục đích tác động của báo chí là vì công chúng xã hội phổ biến, chứ không phải là một nhóm nhỏ đặc thù. Với đối tượng công chúng lớn, khả năng tác động và gây ảnh hưởng xã hội của báo chí là rất đáng kể. Chẳng hạn, khi một hiện tượng tham nhũng được nêu trên công luận, hàng triệu độc giả, khán thính giả có thể tiếp cận hiện tượng, lĩnh hội, phân tích và bàn luận về sự kiện đó. Từ đó nó tạo nên dư luận xã hội và áp lực xã hội. Chính vì thế nó tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội một cách rộng lớn.ÂÂÂ
Thứ hai, tính công khai của báo chí. Từ một hiện tượng, một vụ việc đơn lẻ ở một địa chỉ cụ thể có thể sẽ bị sớm lu mờ nhưng khi nó được trình bày một cách công khai trên báo chí thì những thông tin về hiện tượng, sự kiện, vụ việc đó được xã hội hóa nhanh chóng trở thành sự kiện truyền thông và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Sự kiện truyền thông đó sẽ tác động vào nhận thức, thái độ và hành vi của hàng triệu người, lay động, chi phối hàng triệu độc giả, khán, thính giả. Công khai thông tin tạo nên dư luận và áp lực xã hội chính là nguồn gốc sức mạnh xã hội của báo chí.
Chính vì vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc điểm tính công khai của thông tin tiềm ẩn sức mạnh to lớn của báo chí. Một thông điệp chống tham nhũng, những dấu hiệu tham nhũng được phát giác, một vụ án tham nhũng được phanh phui trên báo chí sẽ có sức ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội tạo ra những động lực mới cho cuộc chiến chống tham nhũng.
Thứ ba, thông tin báo chí là thông tin thời sự. Đặc điểm thông tin báo chí là thông tin thời sự. Báo chí nghĩa là thông tin, giải thích và giải đáp những sự kiện, vấn đề thời sự đã và đang diễn ra liên quan mật thiết đến cuộc sống thường nhật. Thời sự nghĩa là những việc vừa xảy ra, đang xảy ra, sẽ xảy ra; cũng có thể là xảy ra lâu rồi nhưng nay mới được phát hiện. Đó là những sự việc, sự kiện liên quan tới sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tính thời sự, cập nhật của thông tin đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cả giới lãnh đạo và công chúng; nói cách khác, nó đáp ứng nhu cầu cấp thiết của mọi thành viên xã hội.
Dĩ nhiên, trong đời sống diễn ra muôn vàn sự kiện, thế thì đâu là sự kiện đời thường và đâu là sự kiện báo chí (truyền thông). Sự kiện báo chí chính là những vấn đề thời cuộc, thời sự tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và được đông đảo các tầng lớp xã hội quan tâm. Nó gây ra sự bức xúc xã hội với đòi hỏi cần được thông tin công khai, minh bạch, đầy đủ đáp ứng nhu của hiểu biết của mọi người. Với đặc điểm nêu trên, rõ ràng, tính cập nhật, thông tin thời sự đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn là một sự kiện có ý nghĩa thời sự như vậy.
Thứ tư, báo chí có khả năng tạo dựng dư luận xã hội. Với đối tượng tác động là công chúng đông đảo, với khả năng lựa chọn sự kiện, hiện tượng để thu hút sự chú ý của công chúng, với vai trò thiết lập chương trình nghị sự của mình, báo chí rõ ràng hoàn toàn có thể tạo dựng dư luận xã hội và gây áp lực đối với các hiện tượng tiêu cực như tham ô, tham nhũng.
Ngoài các đặc điểm nêu trên, dĩ nhiên, báo chí hiện đại còn nhiều đặc điểm nữa, như tính mục đích; tính định kỳ, đều đặn; tính tương tác của thông tin; tính phong phú, đa dạng, nhiều chiều; tính dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo; tính đa phương tiện… Nhưng với bốn đặc điểm của báo chí: khả năng tiếp cận đối tượng công chúng lớn; tính công khai thông tin, tính thời sự và khả năng tạo dựng dư luận xã hội đã góp phần quy định vai trò tất yếu của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay./.
PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu
(Theo Tạp chí Cộng sản)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực