Một số giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quán triệt và học tập Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự thành công trong tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Vì vậy, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Những thuận lợi và khó khăn trong quán triệt, học tập nghị quyết
Trong rất nhiều văn kiện, Đảng ta luôn luôn đề ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng: Các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước phải thấu suốt đường lối của Đảng, kịp thời cụ thể hóa đường lối, các nghị quyết của Đại hội Đảng..., căn cứ vào đường lối và nghị quyết của Đảng mà vạch ra các kế hoạch, chính sách, biện pháp đúng đắn về xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như bảo vệ Tổ quốc...; tổ chức và động viên quần chúng tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi... Điều đó cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; và các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải coi trọng hơn nữa công tác này, bảo đảm thực tiễn sống động được đưa vào nghị quyết và nghị quyết của Đảng sớm được đưa vào cuộc sống.
Sở dĩ cần phải đẩy mạnh và nâng cao công tác quán triệt và học tập các chỉ thị, nghị quyết, vì công tác này đang đứng trước nhiều thuận lợi, song cũng không ít hạn chế, khó khăn.
Về thuận lợi:
Công tác quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến tỉnh, huyện, tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Ngay sau khi chỉ thị, nghị quyết của Đảng được ban hành, căn cứ hướng dẫn của Trung ương, các cấp, các ngành và địa phương đều xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu nghiên cứu, lựa chọn báo cáo viên, đồng thời tổ chức triển khai và xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết sát với tình hình địa phương, đơn vị.
Chúng ta có hệ thống chính trị vững mạnh; có phong trào xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được triển khai và phát huy hiệu quả ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Mặt khác, Trung ương và các cấp ủy đảng đã chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương như Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30-3-2007, của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02-3-2012, của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 22-3-2016 của Bộ Chính trị, khóa XII “về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị số 01 nêu trên.
Đội ngũ cán bộ đảng viên có trình độ văn hóa, trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn cao; có nhiều đảng viên là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đối với nhiều cán bộ, đảng viên, việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nhu cầu tự thân của mỗi người. Chính vì vậy, đội ngũ này đã chủ động nắm bắt, tiếp nhận thông tin và nghiêm túc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh những thuận lợi, việc quán triệt, chỉ thị, nghị quyết còn có những hạn chế, khó khăn như:
Khó khăn trước hết là điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị trực tuyến chưa thực sự bảo đảm, đặc biệt là ở cấp huyện và cơ sở. Hội trường nhỏ, không gian phòng họp hẹp nên số lượng đại biểu triệu tập bị hạn chế. Ở một số địa phương, đơn vị, công tác chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh những bất cập trong việc quán triệt, học tập chưa thường xuyên.
Số lượng các văn bản được ban hành khá nhiều, bởi ngoài Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, còn có các chỉ thị, quy định, quy chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,... Nhiều văn bản có nội dung còn dài, đồng thời hầu hết các văn bản đều có yêu cầu phải được phổ biến đến chi bộ. Trong khi đó, thời gian dành cho việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở không nhiều. Vì vậy, cấp ủy các cấp phải lồng ghép nhiều nội dung trong một hội nghị nên chưa dành thời gian thích đáng để cán bộ, đảng viên nghiên cứu, thảo luận, giải đáp thắc mắc trong quá trình học tập, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả việc tiếp thu nội dung nghị quyết.
Năng lực, phương pháp trình bày của một số báo cáo viên, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế; báo cáo viên chỉ mới trình bày nội dung nghị quyết theo đề cương của Trung ương hoặc của tỉnh, của đảng bộ ngành mà ít có liên hệ thực tiễn địa phương, ngành, đơn vị, nhất là những ưu điểm, khuyết điểm về các mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết.
Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng; coi nhẹ việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Bên cạnh đó, còn một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến hiệu quả việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Những yêu cầu và giải pháp quan trọng, trước mắt
Việc đổi mới học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng sao cho có hiệu quả được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng, nhưng đến nay vẫn còn khó khăn, lúng túng, nhất là ở cơ sở. Để góp phần khắc phục thực trạng nêu trên, cần thực hiện tốt một số yêu cầu và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, chuẩn bị và tổ chức thật tốt quy trình học tập theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong đó lưu ý chất lượng cuộc hội nghị triển khai trong cán bộ chủ chốt các cấp. Trong hội nghị này phải làm rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết, những vấn đề cơ bản, chủ yếu và mới; đại biểu cần thảo luận chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp, cụ thể, thiết thực của địa phương, đơn vị. Phải coi chương trình, kế hoạch này là một nội dung công tác cụ thể để thực hiện nghị quyết của Trung ương nhằm tạo một sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá về một lĩnh vực, một mặt công tác tại địa phương, ngành và cơ sở, nên phải được thông qua trong hội nghị.
Hai là, cần đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng. Đối tượng khác nhau cần có hình thức, phương pháp khác nhau. Đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra; tiếp tục tổ chức hình thức hội nghị trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, khắc phục được tình trạng ở trên làm kỹ - ở dưới làm lướt, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia. Còn các đối tượng khác, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng tham gia được nhiều nhất (có thể lồng ghép với các nội dung khác), thời gian ngắn gọn.
Ba là, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết thật sự phù hợp với đối tượng, có như thế mới hấp dẫn và thiết thực. Đối với cán bộ chủ chốt, tùy từng cấp nhưng cần tập trung đi sâu phân tích cơ sở lý luận - thực tiễn; những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, ngành, lĩnh vực..., nhất là các vấn đề bức thiết đặt ra. Đối với các đối tượng khác, nội dung học tập, quán triệt cần tập trung vào những nội dung, vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; coi trọng liên hệ tình hình nhiệm vụ ở cơ sở, giải đáp thắc mắc nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng...
Bốn là, việc nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động. Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định, do đó không được xem nhẹ. Thực tế nhiều nhiệm kỳ qua, chúng ta rất chú trọng vấn đề này nên đã tạo được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, cần phải đầu tư công sức, trí tuệ, huy động các nguồn lực để khắc phục hiệu quả tình trạng trên. Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Năm là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ báo cáo viên. Từ đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ báo cáo viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu,... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về quan điểm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp; kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết đang triển khai thực hiện. Có chế độ, chính sách động viên, hỗ trợ đội ngũ báo cáo viên hoạt động có hiệu quả hơn.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là sự tổng hợp sâu sắc thực tiễn và lý luận qua 30 năm đổi mới để tiếp tục hoàn thiện và phát triển đường lối, quan điểm đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ở các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đồng thời, gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó tiếp tục làm cho Đảng bộ và nhân dân cả nước nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.
ThS. Nguyễn Hùng Cường
Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội
(Theo Tạp chí Cộng sản)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực