Giá trị đa tầng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiêu chí của nhà nước mới ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945

Ngày đăng: 16/08/2016 - 17:08

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và thể hiện những mục tiêu cơ bản của nhà nước mới ở nước ta - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - được thành lập sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong tiến trình đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện những giá trị của tiêu chí đó trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cach mang thang tam 1111

1. Chân lý

Dân tộc - Con người, Tổ quốc - Nhân dân là mối quan hệ song tồn trong văn hóa - theo nghĩa rộng nhất - của dân tộc ta. Vì dân tộc và con người, vì Tổ quốc và nhân dân Việt Nam cũng là điểm xuất phát, là động lực và là các mục tiêu cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi hoạt động ở Pháp, trước sự đe dọa của thế lực đã áp đặt chế độ thuộc địa lên Tổ quốc của mình, Hồ Chí Minh - lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc - không ngần ngại nói rõ: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[1].

Cách mạng Tháng Tám thành công, trả lời các nhà báo nước ngoài, trên cương vị của người đứng đầu Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2].

Hai câu nói trên ở hai thời điểm và địa điểm cách xa nhau, là hai biểu cảm ở hai vị trí khác nhau của Hồ Chí Minh về một nội dung giải phóng với mục tiêu kép là giành quyền cho dân tộc và con người Việt Nam. Mục tiêu đó đã định hướng toàn bộ các hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đồng thời cũng chính là động lực tạo ra sức mạnh ý chí to lớn để Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có thể vượt qua hành trình 30 năm hết sức cam go ở đầu thế kỷ XX và trong muôn vàn khó khăn, phức tạp của phong trào cách mạng thế giới, để tìm con đường và chuẩn bị những điều kiện nhằm thực hiện cái cần nhất trên đời cũng là một ham muốn tột bậc ấy. Trên cơ sở đúng đắn của mục tiêu vì dân tộc và con người phù hợp với sự tiến hóa nhân loại, cùng với sự kiên trì, bền bỉ và sự sáng tạo không ngừng, Hồ Chí Minh đã từng bước tiến hành thành công trong thực tiễn một loạt những nhiệm vụ căn bản có ý nghĩa quyết định với cách mạng Việt Nam mà không có một lãnh tụ cách mạng nào trên thế giới có thể thực hiện được đầy đủ như vậy trong cuộc đời mình. Đó là: 1) Đi tìm và lựa chọn được học thuyết cách mạng phù hợp với sự tiến hóa của loài người để xác định con đường thực hiện mục tiêu; 2) Tiến hành truyền bá học thuyết đó vào Việt Nam; 3) Hoạch định đường lối, phương pháp thực hiện mục tiêu phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thế giới; 4) Tiến hành tổ chức xây dựng các lực lượng cách mạng (gồm Đảng Cộng sản; Mặt trận Việt Minh, Hội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; tiến hành liên minh với các lực lượng cách mạng và các lực lượng vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới) để thực hiện mục tiêu; 5) Lãnh đạo tổ chức tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám giành quyền độc lập cho dân tộc, giải phóng cho nhân dân; 6) Tiến hành thiết kế, sáng lập và lãnh đạo tổ chức xây dựng và bảo vệ thành công nhà nước dân chủ mới ở Việt Nam để thực hiện hoàn thiện mục tiêu.

Khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho đồng bào đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm con đường và cũng là ngọn đèn dẫn đường thực hiện mục tiêu giải phóng vĩ đại ấy.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Tổ quốc được độc lập, đồng bào được giải phóng khỏi ách ngoại xâm, với triết lý “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[3], Hồ Chí Minh lãnh đạo nhà nước mới thực hiện những nhiệm vụ làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc, xứng đáng với vị thế là người dân tự do, là chủ và làm chủ một nước độc lập.

Ngày 17-10-1945, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người viết: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm”[4]. Là người ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, trong phiên họp đầu tiên của ủy ban này, Người nói: “Chúng ta tranh được sự độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và chỉ thị: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”2.

Chính vì vậy, khi bắt tay xây dựng nhà nước dân chủ mới ở nước ta, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn lý do lý trí và tình cảm của Hồ Chí Minh khi xác định tiêu chí với chuỗi giá trị là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”[5]. Hồ Chí Minh đã định nghĩa và luận giải về chân lý như vậy. Theo đó, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà Người đã chỉ ra trong tiêu chí của nước Việt Nam mới chính là nội dung chân lý. Phục vụ cho sự nghiệp vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân là thực hiện và phục tùng chân lý.

2. Nền tảng

Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám mà còn là thành quả của cả quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không những thế, với chuỗi giá trị vì dân tộc, vì con người phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, nội dung tiêu chí biểu thị sự kết tinh các giá trị văn hóa tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc ta, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi vậy, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của Nhà nước mới, được tổ chức theo chế độ dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, không chỉ thể hiện khát vọng của dân tộc ta là không ngừng phấn đấu vì những giá trị cơ bản của dân tộc và con người, mà còn đồng thời thể hiện văn minh chính trị của dân tộc Việt Nam trước xu thế phát triển chung của nhân loại. Sự kết hợp giữa các yếu tố tinh hoa của dân tộc, nhân loại và thời đại chính là giá trị nền tảng hàng đầu của tiêu chí và chính điều này đã làm sáng tỏ sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập ra nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á và cũng chính là người đã nêu lên tiêu chí chân lý đó.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chỉ rõ mục tiêu phấn đấu cơ bản của Nhà nước ta - như Hồ Chí Minh nói, đó là “Cái mục đích chúng ta đi đến”. Mục tiêu đó khẳng định nhà nước mới ở Việt Nam có nhiệm vụ phải không ngừng phấn đấu thực hiện bảo đảm, hoàn thiện quyền của dân tộc là Độc lập và quyền của con người ở Việt Nam là Tự do và Hạnh phúc - những giá trị mà loài người đã, đang và sẽ tiếp tục tranh đấu để hoàn thiện. Với ý nghĩa là nền tảng tinh thần của nhà nước, tiêu chí này là cơ sở quyền lực của Nhà nước mới ở nước ta, từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, tiêu chí của Nhà nước ta là bất biến.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc biểu thị rất rõ ràng và cụ thể con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa - trong đó thủ tiêu mọi áp bức, bất công để đi tới mục tiêu với sự hoàn thiện các giá trị của Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam trong không gian sinh tồn độc lập của dân tộc mình. Với nội dung đó, tiêu chí của Nhà nước ta có tác động to lớn đến việc phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc, khơi dậy mọi tiềm năng, phát huy sức mạnh sẵn có và làm nảy nở những cái mới, cái đẹp của cả dân tộc và trong mỗi con người vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, vì những mục tiêu cao cả và thiết thực đó. Với ý nghĩa ấy, tiêu chí của Nhà nước mới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù là ở thời kỳ nào - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - luôn là động lực to lớn của cả dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh vĩ đại của cả cộng đồng dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” biểu thị lợi ích chung và lâu dài của các dân tộc sinh sống trên đất nước ta, của mọi giai tầng, của toàn thể người dân Việt Nam. Như vậy, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chính là mẫu số chung để đoàn kết tất cả người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giai tầng, tín ngưỡng... trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mẫu số chung đó chính là cơ sở để sự thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, đồng thời tạo ra hiệu ứng tích cực, phát huy lòng tự tôn dân tộc trong toàn thể đồng bào, làm gia tăng tối đa sức mạnh nội tại của dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, phục hưng dân tộc. Dân tộc đoàn kết là cơ sở cho đoàn kết quốc tế. Dân tộc nào cũng quý trọng độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân nước mình, bởi vậy, tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cũng là mẫu số chung để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế và thời đại. Trên một ý nghĩa khác, tiêu chí của nước ta chính là tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam về nguyên tắc là bạn và làm bạn với các nước. Bởi vậy, Việt Nam mở cửa và hội nhập với thế giới để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế và thời đại, phải dựa trên cơ sở và bằng nội dung của tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chỉ rõ sự gắn bó biện chứng giữa vấn đề dân tộc với giai cấp, giữa độc lập dân tộc với phát triển xã hội, giữa phục hưng dân tộc với sự phát triển của tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam. Trong hai giá trị cơ bản của tiêu chí, quyền dân tộc (Độc lập), quyền con người (Tự do - Hạnh phúc) được đặt trong mối kết ngang biểu thị mối quan hệ hữu cơ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề con người. Trong đó, quyền, lợi ích của dân tộc được đặt lên trước và biểu thị Độc lập của dân tộc Việt Nam là thiêng liêng nhất, là trên hết, trước hết và là tiền đề, là cơ sở cho Tự do - Hạnh phúc của con người Việt Nam. Không có Độc lập dân tộc không thể nói Tự do - Hạnh phúc thực sự cho con người Việt Nam. Nhưng đồng thời, tiêu chí cũng biểu thị quan hệ biện chứng giữa Tự do - Hạnh phúc của con người với Độc lập của dân tộc, trong đó Tự do - Hạnh phúc cho toàn dân Việt Nam là sự bảo đảm duy nhất cho Độc lập của nước nhà với tư cách là lực lượng, là chủ thể bảo đảm cho độc lập của dân tộc. Bởi vậy, Tự do - Hạnh phúc của con người Việt Nam chính là nội dung của Độc lập dân tộc, làm hoàn chỉnh ý nghĩa của độc lập dân tộc và độc lập dân tộc là điều kiện bảo đảm để ngày càng hoàn thiện các giá trị tự do và hạnh phúc của con người Việt Nam, như Hồ Chí Minh đã nói. Trên những ý nghĩa đó, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc biểu thị quan điểm và phương pháp Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc - giai cấp - con người.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục đích đi đến, là mục tiêu cơ bản của Nhà nước ta, nhưng ở những thời đoạn lịch sử với sự vận động của hoàn cảnh khách quan trong nước và thế giới, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã cụ thể hóa mục tiêu cơ bản đó thành các mục tiêu chiến lược phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng nước ta.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 23-9-1945, theo quân đội Anh ở miền Nam, quân đội thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai và bắt đầu với mưu toan phá hoại sự thống nhất đất nước bằng việc chia cắt Nam Bộ. Hòa bình và sự thống nhất của đất nước, độc lập của dân tộc bị đe dọa. Trước tình hình đó, trên cơ sở mục tiêu cơ bản là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu lên mục tiêu chính trị có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng nước ta là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nội dung thống nhất đất nước của độc lập dân tộc trở thành nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng Việt Nam vào lúc này. Từ đó, cuộc tranh đấu của nhân dân ta để bảo vệ độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của thực dân Pháp gắn với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chính vì vậy, trong những tháng năm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng cam go nhằm loại trừ sự chia cắt đất nước của quân Đồng minh và mưu toan của thực dân Pháp định tách Nam Bộ khỏi nước ta. Khi các giá trị về độc lập, thống nhất Tổ quốc không được tôn trọng, ngày 19-12-1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tiếng gọi của độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc đáp ứng nguyện vọng của toàn dân ta là chất liệu đoàn kết dân tộc và tạo ra tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để dân tộc ta tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh. Trên tinh thần và sức mạnh đoàn kết đó, nhân dân ta đã vượt qua mọi cam go và đã tạo nên kỳ tích Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ đã công nhận và cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ ba nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã dẫn tới sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ “phi thực dân hóa”. Cách mạng Việt Nam đã góp phần loại bỏ chủ nghĩa thực dân trên con đường tiến hóa của nhân loại.

Mặc dù là một bên tham dự Hội nghị Giơnevơ nhưng đế quốc Mỹ ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ và dùng mọi thủ đoạn hòng thay thế thực dân Pháp để xâm lược miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta, phá hoại sự thống nhất đất nước mà Hiệp định Giơnevơ thừa nhận. Một lần nữa sự thống nhất và độc lập của dân tộc bị xâm phạm. Trong điều kiện lịch sử mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu lên nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là lãnh đạo toàn dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh để đoàn kết toàn dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong cuộc tranh đấu bảo vệ hòa bình, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc. Mục tiêu chiến lược đó được khẳng định bằng ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đoàn kết toàn dân, đoàn kết các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, đã tạo ra sức mạnh vô địch đưa tới thắng lợi giải phóng miền Nam năm 1975 và tiến tới hòa bình, thống nhất của Tổ quốc năm 1976. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên được tạc vào thế kỷ XX như một chân lý vĩ đại.

Lịch sử quá trình đấu tranh của nhân dân ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến năm 1975 cho thấy: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục tiêu và là cơ sở cơ bản để hoạch định chiến lược cách mạng ở nước ta trước sự vận động không ngừng của lịch sử. Theo đó, trên cơ sở kiên trì mục tiêu chiến lược, ở mỗi thời đoạn lịch sử, việc đề ra và thực hiện sách lược với nghệ thuật (phương pháp) thắng từng bước trong đấu tranh cách mạng có phạm vi rộng để phát huy. Như vậy, mục tiêu là bất biến, nhưng nghệ thuật để thực hiện từng bước mục tiêu lại phát huy sự sáng tạo của con người. Trên ý nghĩa đó, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là cơ sở cho toàn dân ta phát huy sức sáng tạo không giới hạn của mình. Sự sáng tạo đó là lực lượng để dân tộc ta vượt qua mọi hoàn cảnh nhằm bảo vệ quyền dân tộc, quyền con người trong quá trình sinh tồn và phát triển...

Những vấn đề trên cho thấy giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua tiêu chí Độc lập - Tự do -Hạnh phúc của nước ta.

3. Định hướng

Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến năm 1976 là 30 năm liên tục nhân dân ta tập trung vào mục tiêu làm sáng tỏ nội hàm “quyền dân tộc” được nêu trong tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, trong đó khẳng định giá trị của độc lập dân tộc phải gắn với sự thống nhất của đất nước, gắn với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Những nỗ lực, hy sinh và thắng lợi trong 30 năm đó cho thấy rõ giá trị định hướng của tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong việc hoạch định và thực hiện từng bước các mục tiêu chiến lược trong cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta.

Không chỉ như vậy, tính chất cũng như giá trị định hướng của tiêu chí còn thể hiện trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Từ tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[6]. Nội dung đó được nhắc lại và khẳng định rõ trong Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[7].

Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giữ nguyên tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đã khẳng định sự bất biến và giá trị định hướng của nó.

Nó không chỉ định hướng cho thiết chế xã hội mới - xã hội chủ nghĩa mà còn định hướng trong xây dựng Hiến pháp và xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta. Tiêu chí đó cũng là nội dung hàng đầu theo tiêu chuẩn Hồ Chí Minh khi xác định đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Đó là sự trung thành của đảng viên với sự nghiệp vì độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân của Đảng. Tiêu chí đó cũng là định hướng để xác định chuẩn mực hàng đầu của con người Việt Nam mới là trung với nước, hiếu với dân. “Suốt đời đấu tranh cho Đảng và cho cách mạng”, “Trung với nước, hiếu với dân” thì phải tích cực góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc và xây dựng xã hội mới tốt đẹp, không còn áp bức, bóc lột để đưa đến tự do -hạnh phúc thực sự cho nhân dân...

Nói cách khác, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là định hướng cho tất cả mọi hoạt động của con người Việt Nam. Theo đó, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là triết lý sinh tồn của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Tiêu chí Độc lập - Tự do đã dẫn dắt nhân dân ta giành lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Ngày nay, tiêu chí đó vẫn tiếp tục thể hiện khát vọng của dân tộc ta với những mục tiêu cơ bản là giải phóng dân tộc gắn với giải phóng con người. Kiên trì với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đó cũng chính là kiên trì con đường của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa - để đem lại Tự do - Hạnh phúc thật sự cho con người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Kiên trì tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc để tạo ra nội lực và ngoại lực với sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, và dân tộc với sức mạnh quốc tế và thời đại trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mang trong mình nhiều tầng giá trị, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc thể hiện nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiêu chí đó không chỉ đã dẫn lối cho nhân dân ta trên hành trình đến thắng lợi của cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc mà còn tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta đến thành công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa - để hoàn thiện giá trị của tự do và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam.

Giương cao tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là nêu cao giá trị chân lý, là thực hiện triết lý sinh tồn và phát triển của dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là xác định hướng đi đúng đắn theo chỉ dẫn của Người trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc. Đó là sức mạnh Việt Nam đi vào tương lai sánh vai với các dân tộc khác.

PGS. TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG*

Trích trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945

với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển"

Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016


[1]. T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.15.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4 tr.187.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t4, tr. 64.

[4], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 64, 175.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 378.

[6], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 251; t.15 tr.614.

*Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bình luận