Bài học về phân tích, dự báo thời cuộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh trong quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám (1941-1945)

Ngày đăng: 17/08/2016 - 09:08

Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là bài học có tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, có tầm vóc quốc tế rộng lớn, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là biểu hiện của bài học có tính quy luật trên. Một trong những điều kiện tiên quyết để có sự kết hợp đó là phải biết đánh giá khoa học tính chất của thời đại, dự báo chính xác thời cuộc để có những chủ trương đúng đắn và sáng suốt. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, nhãn quan chính trị sắc bén, khả năng phân tích, dự báo chính xác của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh - nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

cach mang 1 1

1. Phân tích bản chất và dự báo kết cục của chiến tranh Thái Bình Dương

Cuộc Chiến tranh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mở đầu bằng thảm họa của quân đội Mỹ ở quân cảng Trân Châu tháng 12-1941. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã thực sự lan rộng ra phạm vi toàn thế giới, ảnh hưởng đến vận mệnh của tất cả các quốc gia - dân tộc, trong đó có Đông Dương. Tình thế đó buộc Đảng Cộng sản Đông Dương phải có những đối sách đúng đắn, kịp thời để vừa đối phó với cuộc chiến tranh đế quốc, vừa lợi dụng tình thế có lợi cho cách mạng.

Ngày 21-12-1941, Trung ương Đảng đã ra Thông cáo Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng. Thông cáo đã phân tích bản chất của cuộc chiến tranh đế quốc: “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương đã nổ bùng... Phát xít Nhật tuyên bố vì quyền lợi của các dân tộc nhược tiểu ở Á châu nên chúng đã gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương để đuổi người da trắng ra ngoài Á châu. Nhưng sự thực chỉ vì quyền lợi ích kỷ của chúng. Chương trình “lập khu thịnh vượng chung”, chương trình Liên Álà một chương trình ăn cướp, là một chương trình đặt các dân tộc Á châu dưới xiềng xích của phát xít Nhật”[1]­.

Dự báo về diễn biến của chiến tranh, Đảng Cộng sản Đông Dương cho rằng: Trong khi Nhật đang theo đuổi “chính sách xâm lược tích cực sửa soạn lâu dài”, thì Anh, Mỹ lại “không cương quyết ngăn cản Nhật chiếm Đông Dương”, không tập trung đủ lực lượng đánh bại Nhật. Cho nên, “Nhật vẫn đủ sức đánh phá các thuộc địa Anh, Mỹ” ở giai đoạn đầu khi hải quân Nhật vẫn còn nguyên vẹn và không quân chưa mấy tổn hại. Bên cạnh đó, những cuộc chiến tranh do quân Nhật tiến hành trên chiến trường Thái Bình Dương, gần căn cứ nên có lợi thế nhiều hơn Nhật về quân sự. Chính nhờ những yếu tố đó mà ở giai đoạn đầu thắng lợi thuộc về Nhật. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Nhật sẽ thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến tranh này. Đảng ta đã dự báo rất chính xác rằng: “Nhật phải bại vì phải đối chọi với nhiều kẻ địch có đông người, nhiều của bậc nhất thế giới”[2].

Dự báo về thất bại của phát xít Nhật đến từ phân tích thực tế rằng: Nhật không chỉ đối chọi với Anh, Mỹ, Trung Quốc mà còn phải đối chọi với các thuộc địa và bán thuộc địa của Anh, Mỹ, đặc biệt là đối chọi với Liên Xô. Đồng thời, Nhật cũng gặp khó khăn khi tiến hành chiến tranh Thái Bình Dương như kế hoạch “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của Nhật không thể “bồi đắp những chỗ hụt của Nhật”, nhất là kim khí và dầu. Nhật càng chiếm nhiều bán đảo, càng chạy dài xuống miền Nam, “Nhật càng phân tán quân lực và xa căn cứ”. Mặt trận của Nhật đã quá dài, hậu phương quá rộng không thể đủ sức đề phòng. Chiến tranh kéo dài, nhân dân Nhật và các nước thuộc địa Nhật vô cùng đói khổ. Vì thế, “phong trào phản chiến sẽ sôi nổi trong nước Nhật, trong quân đội Nhật và trong thuộc địa Nhật”2.

Như vậy, trong Thông cáo tháng 12-1941, Đảng Cộng sản Đông Dương đã phân tích chính xác bản chất của cuộc chiến tranh, dự báo kết cục tất yếu của nó để kịp thời đề ra những chủ trương phù hợp, đứng về phe Đồng minh chống phát xít.

2. Dự báo quân Đồng minh vào Đông Dương và phân tích vấn đề “Hoa quân nhập Việt”

Trong bản Thông cáo tháng 12-1941, Trung ương Đảng đã phân tích vị trí chiến lược của Đông Dương: “là một căn cứ quân sự cốt yếu của Nhật trong cuộc chiến tranh này”. Vì Nhật lấy Đông Dương làm chỗ đứng “bắc đánh Hoa Nam”; “đông đánh Phi Luật Tân”; “nam đánh Mã Lai, Nam Dương quần đảo, Úc Đại Lợi”; “tây đánh Miến Điện, Ấn Độ”...[3]. Đánh giá đúng vị trí chiến lược của Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Nếu không thể không chiếm Đông Dương để đánh Anh, Mỹ, Tàu thì Anh, Mỹ, Tàu cũng không đánh vào Đông Dương để tiêu trừ lực lượng của Nhật”2. Từ đó, Đảng đã dự báo: Nếu phát xít Nhật dùng Đông Dương làm căn cứ đánh Anh - Mỹ - Trung Quốc thì trong cuộc phản công sắp tới của phe dân chủ ở Viễn Đông, quân Anh - Mỹ - Trung Quốc sẽ vào Đông Dương diệt Nhật.

Ngay sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng đánh vào biên giới Bắc Kỳ. Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Cách mạng Đông Dương và cách mạng Trung Quốc có chung một mục đích là đánh đổ ách đế quốc Nhật”[4]. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) đã khẳng định: Đảng ta phải lãnh đạo Việt Nam độc lập Đồng minh, giao thiệp với Chính phủ kháng chiến Trung Quốc để thực hiện khẩu hiệu Hoa - Việt kháng chiến chống Nhật trên đất Đông Dương. Phương châm chiến thuật của Đảng ta trong vấn đề “Hoa quân nhập Việt” là liên minh với quân Tàu đánh Nhật - Pháp theo nguyên tắc “bình đẳng tương trợ”. Đồng thời làm cho quân Trung Quốc thấy rằng: họ vào Đông Dương tức là tự giúp chính mình, để cùng với nhân dân Đông Dương chiến thắng Nhật, phá tan sức uy hiếp Hoa Nam, chứ không phải vào Đông Dương để chinh phục Đông Dương.

Còn đối với Anh - Mỹ, thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương là nhân nhượng liên hiệp có điều kiện và nếu họ chịu giúp cách mạng Đông Dương thì có thể chấp nhận cho họ hưởng một phần quyền lợi ở Đông Dương. Nếu họ giúp cho bọn Đờ Gôn, Catơru khôi phục lại chính quyền của đế quốc Pháp ở Đông Dương thì chúng ta phải cương quyết cự tuyệt, tiếp tục chiến đấu giành quyền độc lập, nhất là không nên có “ảo tưởng” rằng quân Trung Quốc và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta.

Coi việc quân Đồng minh vào Đông Dương là điều kiện khách quan thuận lợi, Đảng Cộng sản Đông Dương cho rằng: khi quân Anh - Mỹ - Trung Quốc vào Đông Dương, phải lợi dụng cơ hội để khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời giao thiệp với Anh - Mỹ - Trung Quốc để họ công nhận quyền tự do độc lập và rút ra khỏi Đông Dương sau khi cùng ta đánh bại phát xít Nhật - Pháp.

Dự báo đúng việc quân Đồng minh vào Đông Dương, đánh giá chính xác vấn đề “Hoa quân nhập Việt”, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có những chủ trương phù hợp để vận động quốc tế, giao thiệp với lực lượng Đồng minh để thực hiện mục tiêu đánh đuổi phát xít Nhật và giải phóng dân tộc. Từ sự đánh giá và dự báo đúng tình hình, Đảng Cộng sản Đông Dương đã giành được sự chủ động trong khi đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương trong mối quan hệ quốc tế. Đảng cũng nhấn mạnh rằng: cách mạng Đông Dương là một bộ phận của cách mạng thế giới, nhân dân Đông Dương đã đứng vào Mặt trận quốc tế chống phát xít xâm lược. “Cách mạng Đông Dương thắng hay bại có ảnh hưởng tới cuộc đại vận động chống phát xít trên thế giới và trái lại một sự thắng lợi cách mạng trên thế giới hay Mặt trận dân chủ chống phát xít cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách mạng Đông Dương”[5].

3. Dự báo thời điểm phát xít Nhật bại trận và phân tích tình thế cách mạng

Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh đã dự liệu thời cơ tổng khởi nghĩa là lúc Liên Xô thắng Đức; Mỹ, Anh, Trung Quốc phản công đánh bại Nhật Bản. Cần thấy rằng, dự báo này đưa ra lúc Đức chưa tấn công Liên Xô, Nhật chưa tấn công vùng đất do Mỹ, Anh kiểm soát. Nhờ phán đoán tài tình như vậy nên Hồ Chí Minh đã yêu cầu Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đình chỉ chủ trương khởi nghĩa đầu năm 1944, đồng thời phát động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị để đón thời cơ.

Ngày 1-1-1942, trên báo Việt Nam độc lập, số 114, trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào?, trong bài Năm mới, công việc mới, Hồ Chí Minh khẳng định: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại; Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”.

Trong văn kiện Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng dân tộc Đông Dươngra ngày 20-1-1942, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh giá: Hiện nay Nhật còn mạnh và “Pháp ôm chân Nhật được tương đối vững vàng”. Vì thế “Đông Dương chúng ta chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng”. Tuy nhiên, Trung ương Đảng đã xem xét tình hình từ thực tiễn của cuộc Chiến tranh thế giới và dự báo: “Rồi đây, nếu Anh, Mỹ mở mặt trận Tây Âu giúp Liên Xô thì Hồng quân có thể đem quân sang Viễn Đông đánh Nhật”[6]. Nếu Liên Xô tham dự chiến tranh Thái Bình Dương đánh thẳng vào đất Nhật và nếu Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc hợp tác chặt chẽ phản công Nhật trên khắp mặt trận thì “phát xít Nhật sẽ rớt xuống một tình cảnh vô cùng nguy hiểm là đi cướp phương xa về nhà mất chỗ chui”2. Thời cuộc đó sẽ là tình thế thuận tiện cho nhân dân Đông Dương đánh đổ Nhật và Pháp.

Tháng 2-1942, Hồ Chí Minh viết cuốn Lịch sử nước ta theo hình thức diễn ca. Cuối tác phẩm có mục “Những năm tháng quan trọng” ghi những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc, sự kiện cuối cùng, Bác viết: “1945 - Việt Nam độc lập”. Trong khi các nguyên thủ của phe Đồng minh họp tại Têhêran (năm 1943), dự tính rằng, phải đến năm 1946 mới có thể hoàn toàn đánh bại lực lượng phát xít, kết thúc chiến tranh, thì lịch sử lại diễn ra đúng như tiên đoán của Người.

Dự báo sự thất bại tất yếu của phát xít Nhật, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng đã phân tích tình thế trên đất Đông Dương sẽ có thể xảy ra một trong hai chính quyền (cũng có thể cả hai chính quyền song song tồn tại): Chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương và Chính quyền của phái Đờ Gôn, Girô, do Anh - Mỹ ủng hộ.

Từ đó, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương: nhân dân Đông Dương cần liên minh với phái Đờ Gôn chống Nhật, nhưng không được tán thành phái này lập một chính phủ thuộc địa để tiếp tục chính sách đế quốc của Pháp. Nhân dân Đông Dương phải đấu tranh cho Chính phủ cộng hòa của nhân dân Đông Dương, Chính phủ này sẽ bảo đảm tài sản và tính mệnh, quyền cư trú và tự do sinh hoạt ở Đông Dương cho những người Pháp chống phát xít. Nếu một chính phủ của phái Đờ Gôn được thành lập, nhân dân Đông Dương phải đấu tranh khiến cho chính phủ ấy phải là chính phủ chống phát xít của người Pháp và người Đông Dương, bên trong phải ban bố các quyền tự do dân chủ cho quần chúng, bên ngoài phải liên minh với Liên Xô và ủng hộ cuộc kháng chiến của Trung Quốc.

Ngày 9-3-1945, Nhật làm đảo chính lật đổ Pháp trên đất Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta(ngày 12-3-1945), phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Trung ương Đảng đã phân tích nguyên nhân dẫn đến cuộc chính biến vào 8 giờ 25 phút tối 9-3-1945: Một là, hai đế quốc không thể lâu dài cùng ăn chung một miếng mồi béo bở như Đông Dương. Hai là, Trung Quốc, Mỹ sắp đánh vào Đông Dương, trước sự phản công của các nước Đồng minh, Nhật quyết diệt trừ Pháp để giành Đông Dương cho riêng mình. Ba là, Nhật cần củng cố địa vị ở Đông Dương và sống chết phải bám lấy con đường bộ nối liền các thuộc địa miền Nam Dương với Nhật vì sau khi Philíppin bị Mỹ chiếm, đường thủy từ Nhật đã bị cắt đứt.

Đảng Cộng sản Đông Dương cũng đã đánh giá về việc Nhật đảo chính Pháp: Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, làm cho điều kiện cuộc khởi nghĩa vũ trang đi đến chỗ chín muồi nhanh chóng. Sau cuộc đảo chính, Nhật trở thành kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam, khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” được thay thế bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”.

Từ những nhận định trên, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có những chủ trương nhằm phân hóa kẻ thù, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chính. Thực dân Pháp đã mất quyền thống trị ở Đông Dương, không phải là kẻ thù trước mắt ta nữa - mặc dầu ta vẫn đề phòng cuộc vận động của bọn Đờ Gôn định khôi phục quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Sau cuộc đảo chính này, đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt, trực tiếp của nhân dân Đông Dương.

4. Chớp thời cơ giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương

Với tinh thần chủ động khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phải gấp rút chuẩn bị lực lượng để bất kỳ trong trường hợp nào cũng có thể lợi dụng khi quân Trung Quốc hay quân Anh - Mỹ vào Đông Dương mà nổi dậy giành chính quyền, tự lực xây cơ đồ của dân tộc. Tương lai Đông Dương trong cuộc chiến tranh này không phải do lực lượng bên ngoài quyết định, trái lại, cơ bản do lực lượng cách mạng của nhân dân quyết định.

Trước sự kiện Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện Liên Xô và Đồng minh (ngày 15-8-1945) đã làm cho quân đội Nhật ở Đông Dương hoang mang, rệu rã. Chính phủ bù nhìn tay sai Nhật bị tê liệt hoàn toàn. Trước tình hình đó, hai ngày trước khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp và khẳng định: “Những điều kiện khởi nghĩa của Đông Dương đã chín muồi”. Đảng quyết định lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ tay quân phiệt Nhật trước khi đế quốc Anh và quân đội Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương, trước cả khi thực dân Pháp kịp tập hợp tàn quân và đưa quân đội viễn chinh vào cướp Đông Dương một lần nữa. Đảng nhận định chính sách đối ngoại chủ yếu của chúng ta hiện nay là cần thêm bạn bớt thù, triệt để lợi dụng mâu thuẫn Pháp - Anh và Mỹ - Tưởng, hết sức tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù trong nước một lúc, phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, của nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc.

Trên thực tế, ở Đông Dương, từ giữa tháng 8-1945 đã có một cuộc chạy đua ngấm ngầm giữa các thế lực đế quốc và bọn phản động để kiểm soát Đông Dương. Giữa tháng 8-1945, quân đội Tưởng Giới Thạch đã nhận được lệnh và vội vã tiến vào miền Bắc vĩ tuyến 16, quân đội Anh cũng gấp rút thực hiện kế hoạch đổ bộ vào Nam Đông Dương. Tình thế lúc này, đòi hỏi Đảng ta phải hành động kiên quyết, linh động, mau lẹ, kịp thời.

Đứng trước tình hình đó, ngày 12-8-1945, khi được tin quân đội Xôviết đánh trận quyết định ở Đông Bắc Trung Quốc, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng ra lệnh giải phóng trong toàn khu.

Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc thành lập và ra Quân lệnh số 1hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, tại Tân Trào, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ... Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”[7]. Từ nhận định đó, Hội nghị đi đến quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đội của đế quốc Anh, bọn phản động Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương và khi thực dân Pháp chưa kịp tập hợp lực lượng quân viễn chinh vào xâm lược nước ta lần nữa.

Hội nghị cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại trong thời kỳ đầu khi giành chính quyền. Đặc biệt, Hội nghị dự báo về vấn đề Mỹ và Tưởng có thể để Pháp trở lại Đông Dương để lập Mặt trận chống Liên Xô. Ngày 16-8-1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội Quốc dân họp thông qua lệnh “Tổng khởi nghĩa” của Tổng bộ Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngay sau khi Đại hội Quốc dân vừa bế mạc, trong những giờ phút sôi sục khí thế đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy tổng khởi nghĩa giành độc lập: “... Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”[8].

Đảng Cộng sản Đông Dương cũng ra lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, với khí thế như “triều dâng, thác đổ” của quần chúng cách mạng, trong vòng 10 ngày (từ ngày 14 đến ngày 25-8-1945), cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trong cả nước.

5. Một vài nhận xét

Phân tích và dự báo thời cuộc chính xác là cơ sở để Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh đề ra những chủ trương đúng đắn, sát thực với thực tiễn cách mạng. Chiến tranh Thái Bình Dương, quan hệ quốc tế trong chiến tranh, ý đồ và tham vọng của các thế lực lớn, tác động của cuộc chiến tranh đế quốc đến phong trào giải phóng dân tộc, thời cơ cho cách mạng Việt Nam… đã được Đảng ta và Hồ Chí Minh phân tích, đánh giá, dự báo chính xác. Từ việc nắm bắt được sự vận động của lịch sử, bản chất của các thế lực đế quốc, Đảng ta đã có những bước đi phù hợp, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, từ đó tranh thủ sự hậu thuẫn quốc tế có lợi cho cách mạng. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự bất ngờ, bị động đối với các thế lực đế quốc muốn nhòm ngó và chia chác quyền lợi ở Đông Dương. Điều đó càng thể hiện sự quyết đoán, mau lẹ, sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc phân tích, dự đoán thời cuộc, chớp thời cơ để giành chính quyền.

Khả năng phân tích và dự báo thời cuộc chính xác trong quá trình vận động giải phóng dân tộc thể hiện nhãn quan chính trị sắc bén, khả năng nhìn xa trông rộng của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, là năng lực vững nắm rõ sự vận động tất yếu của lịch sử, năng lực tổng kết thực tiễn và nắm bắt xu thế thời đại. Khả năng phân tích và dự báo thời cuộc chính xác để có những chủ trương sáng suốt là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và là nhân tố quyết định đến mọi thắng lợi trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

Khả năng phân tích và dự báo thời cuộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh trong quá trình vận động giải phóng dân tộc giai đoạn 1941 - 1945 đã để lại nhiều bài học cho cách mạng Việt Nam. Một là, phải nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác dự báo khoa học bởi công tác dự báo là cơ sở quan trọng cho Đảng ta hoạch định đường lối chiến lược đúng đắn. Hai là, trong công tác dự báo phải xem xét, đánh giá tình hình thế giới, trong nước một cách khách quan, toàn diện, cụ thể và phát triển để nắm bắt chiều hướng phát triển của thời cuộc. Ba là, luôn luôn bám sát sự vận động, biến đổi của thực tiễn, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn qua đó tổng kết rút ra từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và lãnh đạo đang thu được nhiều thành tựu đáng tự hào. Nhưng tình hình thế giới và trong nước đang xuất hiện những tình thế khó lường, hơn bao giờ hết, công tác dự báo càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

TS. TRẦN VŨ TÀI*

Trích trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới,

hội nhập và phát triển", Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016


[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.238.

[2], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.241.

[3], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.242, 243.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.312.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.3, tr.236.

[6], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.3, tr.234.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.424.

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.418.

* Trường Đại học Vinh.

Bình luận