Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử
Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã từng được chứng kiến và trải qua những năm tháng hào hùng và đầy kiêu hãnh của dân tộc. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những đau thương, mất mát, những nỗi thống khổ do nạn đói năm 1945 gây ra. Nỗi đau ấy đã đi vào lịch sử và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho hàng triệu đồng bào ta. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử do GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo chủ biên sẽ cung cấp cho bạn đọc một cách toàn diện, đầy đủ, có hệ thống về những nỗi đau mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử trước tội ác của phát xít Nhật.
Nạn đói năm 1945
Cuốn sách là công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993-1994, 1994-1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra.
Dựa vào khối lượng lớn tư liệu có độ tin cậy được thu thập qua điều tra thực địa bằng phương pháp xã hội học lịch sử rất sát thực với những số liệu thống kê cụ thể và tư liệu lịch sử, đồng thời phỏng vấn những nhân chứng lịch sử kết hợp với khảo sát, nghiên cứu các di tích lịch sử cụ thể và các tư liệu thư tịch như sách, báo, tranh, ảnh, bảng, biểu đồ, dựa trên cơ sở tiếp cận nghiên cứu phù hợp, công trình đã dựng lại khá đầy đủ, toàn diện, có hệ thống về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Kết quả công trình đã làm sáng rõ về số lượng hơn 2 triệu người chết đói; về thảm họa chết đói; về nguyên nhân gây ra nạn đói ở Việt Nam.
Cơn ác mộng, nỗi đau nhức nhối, khó quên
Nạn đói năm 1945 diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 trên các địa bàn chính từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc Bộ với đỉnh điểm là tỉnh Thái Bình. Theo con số ghi chép từ cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải - Thái Bình), nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66 % số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ. Từ tháng 1-1945 đến tháng 5-1945, xác người chết nằm ngổn ngang từ Quảng Trị đến khắp các tỉnh miền Bắc. Ở đâu người ta cũng nhìn thấy xác người chết đói. Nói về tính tàn khốc của nạn đói, cuốn sách đã có những tư liệu xác thực cho thấy: nạn đói 1945 vô cùng khủng khiếp. "Nó kéo dài cái chết khiến nạn nhân bị các cơn đói dày vò, đau khổ, tủi nhục. Nhìn thấy người thân chết mà không cứu được, biết đến lượt mình rồi sẽ chết mà không thoát được. Muốn tìm cái sống đã phải dứt bỏ nhà cửa, quê hương, mồ mả tổ tiên ra đi, mong sao được cứu sống, nhưng rồi lại chết gục ở đầu đường xó chợ…". Có nhân chứng kể lại: Những đoàn người lang thang thỉnh thoảng lại có người lả đi, ngã khuỵu xuống rồi chết, trẻ em nhay vú mẹ đã chết, người đi lĩnh chẩn bế đứa con trên tay nhưng con đã chết... Những nấm mồ chôn tập thể, chỗ nào cũng có trẻ em, người già, người trẻ,... chết, ngồi kêu khóc van ăn xin; những bóng người đói vật vờ trên từng con đường, góc phố, làng quê; những xác người không tên tuổi, mùi hôi thối nồng nặc nằm ngổn ngang trên đường hay những đám người cúi xuống mặt đất lấm bùn, vơ quét những hạt gạo rơi; những đám người xúm quanh đống rác để tìm bới lương thực hay chỉ để ÂÂÂÂÂ mút mút mấy cái vỏ ốc bỏ đi một cách ngon lành; hình ảnh cướp giật đồ ăn, ăn những hạt đãi được từ cứt ngựa, thậm chí ăn cả thịt người... cùng vô vàn những hình ảnh tàn tệ hơn nữa đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc của nạn đói năm 1945 ngày ấy. Những hình ảnh đau thương ấy được tái hiện lại một cách cụ thể qua những lời kể của nhân chứng đã từng sống trong những năm tháng đó và qua những tư liệu thành văn mà các tác giả cuốn sách đã thu thập được.
Tội ác chiến tranh
Hơn 70 năm đã qua đi, nhưng trong ký ức của người dân Việt Nam, nạn đói năm 1945 vẫn sẽ là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên. Trong lương tri nhân loại, đó vẫn là một sự thật lịch sử cần làm rõ, một tội ác cần lên án. Bởi nạn đói đã cướp đi sinh mạng của biết bao con người, hàng nghìn hộ chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ, hàng chục xóm, làng chết cả xóm, làng. Cuốn sách đã xác thực, thống kê một cách khá cụ thể con số, tỷ lệ người chết đói ở một số tỉnh, một số gia đình, dòng họ; trích một số bài báo làm tư liệu dẫn chứng cụ thể để thấy rõ tính rùng rợn của nạn đói năm 1945. Người đói thì phải đi ăn xin, ăn xin không được phải đi ăn cắp, đi cướp giật. Nạn đói đã chôn vùi nhân phẩm con người, làm cho con người mất nhân tính. Trong khi người Việt Nam vốn sống có đạo lý, vậy mà nạn đói ập tới đã khiến: cha bỏ con, vợ bỏ chồng, anh em bỏ nhau, đặc biệt có người còn hủy hoại cả người thân để giành lấy phần cơm mong thoát chết, nhưng cuối cùng rồi cũng chết... Đến khi chết không có chiếu mà bó xác. Chết quá nhiều, không khiêng vác xuể, người ta phải buộc dây thừng vào cổ kéo xác đi chôn, thậm chí có lúc không còn dây thừng, phải lấy dây thép buộc cổ, buộc tay kéo đi chôn, hay hất xác xuống biển,...
Để thấy rõ được tính khảm khốc của cái chết và tính dã man, tàn bạo của kẻ gây ra cái chết, các tác giả đã có sự so sánh với hai cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, Mỹ ở Việt Nam: Nếu cái chết của các chiến sĩ hay nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến là cái chết của những người dám hy sinh, xả thân vì đất nước, cái chết có khí phách, cái chết được nhân dân quý trọng thì cái chết trong nạn đói 1945 lại là cái chết kéo dài, thân xác bị dày vò, ruột gan bị cào cấu, tinh thần bị khổ đau, tình người, tình đời bị đứt đoạn, cái chết và nhân phẩm con người bị vùi dập... Cái chết trong kháng chiến là cái chết còn có sự tin tưởng, hy vọng vào tương lai vẻ vang của dân tộc, của con cái. Còn cái chết của nạn đói 1945 lại là cái chết trong vô vọng, chết trong sự lo toan thấp thỏm rằng con cháu mình có sống sót được đến ngày mai không và sẽ sống ra sao? Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp - Đức: "Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn hai triệu người...". Vì đâu? và nguyên nhân nào mà người Việt Nam lại phải gánh chịu thảm họa tàn bạo này? Đã có nhiều tư liệu khẳng định, và thực tế lịch sử cũng đã cho thấy: tội ác này là do âm mưu vô cùng thâm độc của phát xít Nhật và tay sai thực dân Pháp gây ra. Nhật vơ vét lúa gạo phục vụ chiến tranh, còn thực dân Pháp lại dự trữ lương thực phòng khi Đồng minh chưa tới mà Nhật đã yếu, trong khi thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh gây mất mùa tại miền Bắc. Bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp trong mùa lũ. Không dừng lại ở đó, Nhật còn bắt nhân dân ta phá lúa, hoa màu để trồng đay... Hàng loạt những chính sách vô cùng tàn bạo của phát xít Nhật đã dẫn đến nạn đói trầm trọng, tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Lịch sử đã qua, quá khứ đã lùi vào dĩ vàng, nhưng nỗi đau lịch sử một thời vẫn là một sự kiện muốn quên mà không thể. Sống trong thời bình, được ăn no mặc ấm, đọc Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử dường như lại càng làm cho chúng ta ngẫm nghĩ và trân trọng cuộc sống hôm nay hơn. Nếu ai chưa từng một lần được biết đến nạn đói 1945 hay đã từng nghe nói mà chưa hình dung được một cách cụ thể về thảm khốc đó thì hãy tìm đọc cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử do GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo chủ biên để biết rằng đồng bào Việt Nam ta cũng đã từng phải oằn mình gánh chịu những đau thương quằn quại mang kiếp trần tục do phát xít Nhật đã gây ra như thế nào. Ngoài ý nghĩa nhân văn cao cả ấy, cuốn sách còn như một tiếng chuông cảnh tỉnh, lên án những tội ác của chủ nghĩa phát xít, sự tàn bạo của chiến tranh, qua đó góp phần tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
Bạn đọc có thể tìm hiểu, nghiên cứu cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử tại Thư viện quốc gia và thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bùi Thu
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực