Quá trình phát triển tư duy lý luận Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay

Ngày đăng: 25/08/2016 - 15:08

Trải qua 70 năm xây dựng và từng bước hoàn thiện, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang tỏ rõ là một nhà nước kiểu mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế thời đại. Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới và quá trình dân chủ hóa ngày càng mạnh mẽ, Đảng ta đang đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm cho nhà nước ở Việt Nam phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc nhận rõ sự phát triển tư duy lý luận của Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

1. Sự phát triển tư duy lý luận của Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

Quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh thực chất là một quá trình tìm kiếm mô hình, động lực và cách thức xây dựng một nhà nước kiểu mới có thể bảo đảm quyền con người và quyền dân tộc chân chính để thay thế cho mô hình nhà nước thuộc địa, nửa phong kiến đang áp bức, bóc lột nhân dân Việt Nam, cản trở sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã tìm tòi, khảo nghiệm, so sánh các kiểu nhà nước tiêu biểu trên thế giới để xác lập mô hình nhà nước phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam sau khi cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi. Theo đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta dành sự quan tâm hàng đầu đến việc xây dựng Nhà nước Việt Nam thực sự của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Những quan điểm của Người về nhà nước kiểu mới là sự vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta.

Ngay từ năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hồ Chí Minh đã ký tên Nguyễn Ái Quốc dưới bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây đòi quyền tự do tối thiểu cho dân tộc Việt Nam. Bản Yêu sách không được chấp nhận, Hồ Chí Minh đã nhận ra bản chất lừa bịp của chính quyền tư sản. Do vậy, sau khi tiếp xúc với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh đi sâu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là về Cách mạng Tháng Mười Nga. Kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm các cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới như: Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776; Cách mạng tư sản Pháp năm 1789; Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã được Hồ Chí Minh nêu ra trong tác phẩm Đường cách mệnhxuất bản năm 1927. Khi nói về hai cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu, Người khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”[1]. Nói về cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới giành thắng lợi triệt để - Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”2.

Tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và thông qua việc so sánh các mô hình nhà nước mà Người đã khảo sát, lúc đầu Hồ Chí Minh có chủ trương thiết lập nhà nước công nông binh. Tư tưởng này được thể hiện trong Chánh cương vắn tắt của Đảngdo Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Chánh cương đã nêu rõ chủ trương của Đảng là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Về phương diện chính trị, Chánh cương khẳng định: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; Dựng ra chính phủ công nông binh; tổ chức ra quân đội công nông”[2]. Đến đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị đã bàn về vấn đề chính quyền và nêu rõ: “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa, v.v..”[3].

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn xã hội Việt Nam lúc này, mặc dù nhiệm vụ của cách mạng giải phóng dân tộc là phải đánh cả đế quốc và phong kiến, nhưng vấn đề dân tộc đang là vấn đề cấp thiết đòi hỏi phải được giải quyết trước. Mặt khác, ở Việt Nam, vấn đề giai cấp không gay gắt như ở các nước tư bản phương Tây, cho nên Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi quan điểm về nhà nước. Từ chủ trương xây dựng Nhà nước công nông binh đến chủ trương xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa, nhằm tập hợp lực lượng, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân, đế quốc. Hội nghị Trung ương 8 còn quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh) - một hình thức của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đại biểu cho lợi ích chung của toàn thể dân tộc, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với tuyên ngôn và chương trình cụ thể bao gồm mười chính sách lớn về đối nội và đối ngoại, có thể coi đó như một chính phủ nhân dân trong quá trình chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Nắm chắc thời cơ cách mạng, Hồ Chí Minh tích cực chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa, đồng thời Người cũng chuẩn bị để sau khi cách mạng thắng lợi có ngay một chính phủ mới đại biểu cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Quốc dân Đại hội đại biểu cũng họp tại Tân Trào vào chiều ngày 16 và ngày 17-8-1945 với sự tham dự của hơn 60 đại biểu đại diện cho nhân dân ba miền, các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài. Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với một Ủy ban Thường trực gồm 5 người - tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, Quốc dân Đại hội đại biểu là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng vai trò như một Quốc hội lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và việc Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng đã tạo cơ sở pháp lý và tính chính đáng cho sự ra đời một Chính phủ lâm thời sau khi cách mạng thành công.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận các vấn đề quan trọng. Tại cuộc họp, Người cho rằng việc tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội, ra mắt Chính phủ lâm thời, tuyên bố Việt Nam độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa phải được làm ngay trước khi quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân Nhật. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiều ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp sau đó, trước sự chống phá của thù trong, giặc ngoài và yêu cầu của cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều hoạt động cụ thể nhằm giữ vững và xây dựng Nhà nước dân chủ mới ngày càng vững mạnh, bảo đảm tính hợp pháp và hợp hiến. Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người luôn quan tâm xây dựng, củng cố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mọi mặt, bảo đảm cho nhà nước hoàn thành tốt chức năng của mình, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Năm 1951, trong tác phẩm “Thường thức chính trị ”, Hồ Chí Minh viết: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh đổ nền thống trị tối tăm của đế quốc và phong kiến, đã đưa nhân dân ta lên con đường sáng sủa, vẻ vang. Nhà nước ta đã thành nhà nước của nhân dân”[4].

Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước dân chủ mới. Người phân tích: “Trước kia Việt Nam ta vẫn có Nhà nước và Chính phủ. Song đó là công cụ của đế quốc và phong kiến để áp bức nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới… của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”2. Nhà nước dân chủ mới là sự kế thừa và phát triển tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về nhà nước chuyên chính vô sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Do vậy, nhà nước đó khác hẳn về chất so với nhà nước phong kiến và tư sản song cũng không hoàn toàn giống nhà nước chuyên chính vô sản nói chung hay Nhà nước Xôviết nói riêng. Đó là nhà nước dân chủ nhân dân, mà nhân dân theo Hồ Chí Minh là bốn giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và các phần tử yêu nước khác.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước dân chủ mới hay nhà nước của dân, do dân, vì dân có nghĩa tương đồng. Nét đặc trưng nổi bật của nhà nước kiểu mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là: nhà nước đó phải thực hành dân chủ triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, miễn là người Việt Nam yêu nước. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cho rằng, dân chủ phải luôn đi liền với chuyên chính, vì dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Do vậy, cần phải có chuyên chính để giữ dân chủ. Để dân chủ được triệt để và rộng rãi phải thực hành chuyên chính với những hành động xâm hại đến lợi ích của quốc gia - dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân. Theo Người, chế độ nào cũng có chuyên chính, vấn đề là ai chuyên chính với ai? Mặt khác, nhà nước đó phải bảo đảm tính hợp pháp và hợp hiến, phải đề cao vai trò của pháp luật trong quản lý, điều hành xã hội và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, phải là công cụ để bảo vệ và phát triển quyền con người trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Như vậy, mặc dù Hồ Chí Minh chưa trực tiếp sử dụng khái niệm nhà nước pháp quyền song những quan điểm toàn diện và sâu sắc của Người về nhà nước dân chủ mới ở Việt Nam là cơ sở để Đảng ta vận dụng và phát triển trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Quan điểm về nhà nước dân chủ mới có một quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện cả trong tư duy cũng như trong chỉ đạo thực tiễn xây dựng nhà nước của Hồ Chí Minh. Đây là sự phát triển và sáng tạo lớn trong tư tưởng của Người về xây dựng nhà nước ở Việt Nam sau khi giành độc lập dân tộc.

2. Sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước thống nhất và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta thường dùng các khái niệm nhà nước công nông, nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa để chỉ nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản”[5]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộiđược thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng ta khẳng định phương hướng: “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”[6].

Sau gần 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và quán triệt Cương lĩnh năm 1991, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Về chế độ chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”[7]. Năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII), lần đầu tiên Đảng ta xác định việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Sau đó, tại Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII và Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, chủ trương “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam”, “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chính thức được đưa vào các văn kiện Đảng.

Đến Đại hội lần thứ IX (tháng 4-2001), Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, bản chất của Nhà nước ta, vừa thể hiện sự kế thừa các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước, vừa có sự phát triển mới để đáp ứng những yêu cầu cấp bách của việc xây dựng nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội đã khẳng định rằng, Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Sau 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu cơ bản là xây dựng một chế độ: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Đại hội IX của Đảng đã khẳng định, ngày 25-12-2001, Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Về chế độ chính trị, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[8].

Đến Đại hội lần thứ X (tháng 4-2006) của Đảng, trong phương hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Đại hội chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[9]. Tại Đại hội lần thứ XI (2011), Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo…”[10]. Đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đến đây, Đảng ta đã có bước tiến nhất định trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn xây dựng Nhà nước, có những điều chỉnh về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước theo yêu cầu của quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Nhà nước phải quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Do vậy, việc Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu thực tế của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng.

Như vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay có một quá trình lịch sử lâu dài được bắt đầu từ bản Yêu sách của nhân dân An Nam của Nguyễn Ái Quốc và được thể hiện trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước ta như: Chính cương vắn tắt của Đảng (năm 1930), Tuyên ngôn độc lập (năm 1945), đến hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các hiến pháp sau này. Quá trình đó không chỉ thể hiện sự phát triển trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh, mà còn cho thấy sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về xây dựng nhà nước ở Việt Nam.

Sau 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một thành tựu quan trọng bậc nhất về tư duy, lý luận của Đảng ta, có giá trị chỉ đạo thực tiễn rất lớn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan cần được hiện thực hóa bằng những giải pháp đồng bộ và bước đi phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền chung chung, phi giai cấp, mà thực chất là muốn đưa nhà nước về tay giai cấp tư sản.

Đại tá, ThS. NGUYỄN HỮU LẬP*

Trích trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945

với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển"

Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016



* Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

[1], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 296, 304.

[2]. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr. 127.

[4], 2. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 261, 261-262.

[5]. Xem Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr.72.

[6]. Nguyễn Phú Trọng: Cương lĩnh chính trị ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 17-18.

[7]. Xem Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, Sđd, tr.128.

[8]. Xem Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, Sđd, tr.196.

[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 126.

[10]. Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.136-137.

Bình luận