Ngành Thông tin và Truyền thông: Nối tiếp truyền thống, hướng tới tương lai
Lịch sử ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống Ngành Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận những thành tựu đạt được trong chặng đường 71 năm của Ngành.
Các phần thưởng cao quý nhất của Đảng, nhà nước tặng thưởng cho Ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ
Ngành Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng dân tộc
Tháng 8-2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Báo chí, Xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.
Tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày nay là các cơ quan mang đậm chất Bưu điện như: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính - Viễn thông (2002), nay là Bộ TT&TT (2007). Trải qua 71 năm xây dựng, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Ngành TT&TT đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của cách mạng được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tin tưởng giao phó.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức của ngành TT&TT đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 10.000 người con ưu tú của ngành Bưu điện và phóng viên đã anh dũng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp bước truyền thống hào hùng, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Ngành TT&TT đã dũng cảm lựa chọn hướng đi mang tính đột phá, đó là: bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hoá, tự động hóa và đa dịch vụ; lấy Viễn thông quốc tế làm đột phá khẩu, với phương châm: “lấy ngoài nuôi trong”, tự vay tự trả và tự chịu trách nhiệm, Ngành đã phá được thế bao vây cấm vận, đưa công nghệÂÂÂ hiện đại nhất vào Việt Nam.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông, bước vào thời kỳ đổi mới, Tổng cục Bưu điện đã có 2 quyết định chiến lược rất quan trọng tạo đột phá và bước ngoặt cho việc phát triển của viễn thông và internet Việt Nam. Quyết định thứ nhất là đi thẳng vào số hoá viễn thông Việt Nam với công nghệ hiện đại, cung cấp những dịch vụ tiên tiến kể cả internet để đáp ứng nhu cầu liên lạc của cả đất nước thời kỳ mở cửa và hội nhập. Quyết định thứ hai là xoá bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh với quốc tế. Với Internet là năm 1997, và với viễn thông là từ năm 2000. Nhờ có cạnh tranh mà giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Dịch vụ viễn thông và internet Việt Nam được phổ cập nhanh và rộng rãi đến đa số người dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Tiếp đó, bằng việc thực hiện thắng lợi Chiến lược tăng tốc độ phát triển hai giai đoạn từ 1993 đến năm 2000 và những năm tiếp theo, Ngành đã nhanh chóng hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, đưa bưu chính - viễn thông Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trong khu vực, đồng thời tự tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.
Đây là bước đột phá mang tính quyết định đã làm thay đổi cả chất và lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cơ sở hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam. Với việc thực hiện thành công chiến lược này, kết thúc năm 2000, các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, số lượng máy điện thoại... đều tăng trung bình 20 lần so với năm 1990. Quy mô và mạng lưới bưu chính - viễn thông được mở rộng và hiện đại hoá bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên cả nước, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lụt... Việt Nam được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất thế giới.
Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg thành lập Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT trực thuộc Chính phủ, đồng thời quyết định thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, khởi động quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông; và từ năm 2003, ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.
Ông Đỗ Trung Tá, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đánh giá: Sau khi kết thúc thành công chiến lược tăng tốc từ năm 1993 - 2000, Ngành Bưu điện Việt Nam đã thu được những kết quả rất ngoạn mục trong phát triển bưu chính và viễn thông. Đến năm 2000 Bộ Chính trị ra Chỉ thị 58/CT-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Trong Chỉ thị này nêu sẽ nghiên cứu để xây dựng một tổ chức quản lý nhà nước đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này. Đó là hai lý do thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở của Tổng cục Bưu điện.
“Sau 5 năm (1995 - 2000), có thể nói chúng ta đã rất thành công trong việc tổ chức thực hiện các chiến lược, hội nhập và phát triển, chúng ta rất thành công trong việc đẩy mạnh, phát triển như vũ bão internet ở Việt Nam để phục vụ cho người dân, cho cải cách hành chính và cũng hướng tới chính phủ điện tử, cũng như phát triển chính phủ điện tử trong tương lai. Đặc biệt, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã được giao việc quản lý cơ sở hạ tầng thông tin thống nhất quốc gia. Bộ Bưu chính, Viễn thông có thể nói là một Bộ không có doanh nghiệp, nhưng đã tổ chức được một môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp phát triển rất nhanh và tạo ra nguồn lợi cho người dùng rất đáng kể. Đặc biệt Bộ đã đề xuất Quốc hội thông qua 2 đạo luật, Luật giao dịch điện tử và Luật CNTT, đây là định hướng cho việc phát triển CNTT cho đến nay”, ông Đỗ Trung Tá nhấn mạnh.
Trở thành ngành đi đầu trong hội nhập kinh tế
Việc thành lập Bộ TT&TT vào tháng 8/2007, lịch sử Ngành TT&TT Việt Nam đã bước sang một trang mới. Kể từ khi thành lập đến nay, Bộ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Nhiều ấn phẩm của các cơ quan báo, tạp chí... được phát hành rộng rãi
Trong lĩnh vực Báo chí, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, Internet và CNTT đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền báo chí, xuất bản tiên tiến, hiện đại. Cả nước hiện có gần 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; gần 18.000 nhà báo đã được cấp thẻ.
Lĩnh vực Xuất bản cũng từng bước vào nền nếp, ổn định và phát triển. Cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, số lượng sách xuất bản hàng năm khoảng 24.000 cuốn; góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội.
Lĩnh vực Viễn thông và Internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thông tin liên lạc mọi lúc, mọi nơi đến nay Tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 126 triệu thuê bao, tỉ lệ phủ sóng di động trên toàn quốc đạt 95%. trên 44 triệu người sử dụng Internet trên toàn quốc; Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2015 đạt gần 526.132 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 48.247 tỷ đồng; đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm. Mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được hoàn thiện, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước thông suốt trong mọi tình huống.
Đặc biệt, lĩnh vực CNTT phát triển rất nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và trở thành một nền tảng không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Lĩnh vực CNTT hiện đang có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; kim ngạnh xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ USD; tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2015 đạt hơn 20 tỷ USD.
Riêng lĩnh vực Bưu chính, đến nay, mạng lưới bưu chính đã được củng cố, hiện đại hóa và mở rộng phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân. Mạng bưu chính công cộng hiện nay có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 8.184 điểm Bưu điện - Văn hoá xã; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày. Bưu chính, phát hành báo chí đảm bảo đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước, tin tức và kiến thức thiết thực đến cho đồng bào cả nước.
Cùng với đó, công tác Thông tin cơ sở, Thông tin đối ngoại được tập trung đẩy mạnh trên toàn quốc từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đến bạn bè quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng: từ khi thành lập Bộ đến nay 5 lĩnh vực được giao quản lý đều phát triển tốt và trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước.
Có thể nói, Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống Ngành TT&TT là một quyết định rất quan trọng ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 71 năm của ngành TT&TT.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Đây là lần đầu tiên toàn Ngành TT&TT có một ngày truyền thống riêng, khẳng định sự trưởng thành, phát triển và hội nhập sâu rộng của Ngành trong suốt thời gian qua. Qua sự kiện này, chúng ta cũng ôn lại những kỉ niệm của Ngành TT&TT, tri ân những thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Ngành TT&TT trong suốt thời gian qua.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong muốn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành phát huy truyền thống "Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình". Và, để làm được việc đó toàn Ngành phải phát huy tinh thần "Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển" để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và xây dựng một đất nước Việt Nam trở thành một nước cường thịnh, trong đó lấy CNTT làm nền tảng để phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT, xứng đáng với vai trò và vị trí của Việt Nam trong thời đại hiện nay.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 27/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Ngành Thông tin và Truyền thông cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các đạo luật mới vừa được Quốc hội thông qua trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả quản lý để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông xã hội; thúc đẩy lĩnh vực bưu chính, viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện phát triển; đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí của đất nước; bảo đảm để các cơ quan báo chí thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, phù hợp với xu hướng phát triển báo chí hiện đại, nâng cao chất lượng chính trị, chất lượng nghiệp vụ, giá trị văn hóa, giá trị giáo dục của báo chí. Phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của các dịch vụ bưu chính truyền thống, đồng thời nghiên cứu phát triển dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng CNTT và nền tảng thương mại điện tử. Bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững, tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Huy động mọi nguồn lực và lợi thế của đất nước, chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng dụng và phát triển CNTT; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng; nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực về CNTT theo tiêu chuẩn quốc tế... |
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực