Thanh niên - Lực lượng xung kích trong cách mạng Tháng Tám 1945

Ngày đăng: 02/09/2016 - 11:09
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Khởi nguồn từ Thủ đô, chiến thắng như một hiệu ứng lan tỏa khắp đất nước, Pháp - Nhật như những con bài đôminô, theo nhau sụp đổ, buộc phải chuyển giao chính quyền về tay nhân dân ta. Thắng lợi đó được hợp thành bởi nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, trong đó không thể không kể tới sự đóng góp của những người trẻ, những nam nữ thanh niên đầy nhiệt huyết trong Mặt trận Việt Minh. Phóng viên Tạp chí Nhịp cầu Tri thức đã trò chuyện cùng ông Lê Đức Vân, một trong số ít người chủ chốt của tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, hiện là Trưởng Ban liên lạc Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.
cach mang 1 1

P.V: Sau hơn 70 năm, nhắc lại những ngày mùa thu Tháng Tám sôi sục năm 1945, bác nhớ nhất điều gì?

Ông Lê Đức Vân: Dù 70 năm đã qua đi, tôi đã qua tuổi 80, nhưng trong ký ức của tôi, từng sự kiện của những tháng năm đó đều còn nguyên vẹn. Gắn bó với Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu - một tổ chức trong Việt Minh từ những ngày đầu, tham gia hoạt động không ngừng nghỉ cho đến khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, tất cả đều là những hồi ức thật đáng nhớ. Nhưng đặc biệt, những sự kiện diễn ra trong ngày 17 tháng 8 khiến tôi nhớ và ấn tượng nhất.

Ngày hôm đó diễn ra cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, và nhiệm vụ của chúng ta là phá vỡ cuộc mít tinh đó, biến nó thành cuộc mít tinh của ta để làm diễn đàn kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Mặc dù kế hoạch phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền đã được xác định tại Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại đình Tân Trào (Tuyên Quang) tháng 8-1945, nhưng Hội nghị chưa ấn định thời gian tiến hành tổng khởi nghĩa. Chính những diễn biến bất ngờ hôm 17 tháng 8 đó đã đưa đến quyết định khởi nghĩa toàn dân một cách nhanh chóng vào ngày 19 tháng 8.

Khi đó, cùng với hội viên các hội cứu quốc khác trong Việt Minh, toàn bộ đoàn viên Thanh niên Cứu quốc đều tham gia kế hoạch phá cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức ủng hộ chính phủ bù nhìn, tạo điều kiện để hai nữ đoàn viên của mặt trận là chị Từ Trang Anh và chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng lên diễn thuyết, biến nó thành diễn đàn của cách mạng.

Chúng tôi đứng phía dưới, mỗi người mang theo một lá cờ nhỏ. Sau khi lá cờ đỏ sao vàng được các đồng chí trong Đảng Dân chủ buông từ tầng 2 Nhà hát lớn xuống, mỗi người cầm lá cờ nhỏ trong tay mình phất lên và bắt đầu hô hào các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Không khí lúc này khá náo loạn.

Khi đó, Đội Danh dự trừ gian đứng ở hàng sau cùng. Anh Lê Chi, một thành viên của Đội, cũng mang theo một lá cờ khá to bằng vải. Bất ngờ, anh Chi cắm lá cờ vào cán, quay người theo hướng ngược lại (khi đó anh trở thành người đứng đầu) và hô: đồng bào theo tôi. thật bất ngờ, quần chúng tham gia cuộc mít tinh hưởng ứng và ồ ạt đi theo anh. Cuộc mít tinh đã nhanh chóng biến thành một cuộc biểu tình, tuần hành với khí thế quật khởi như thác lũ. Đoàn biểu tình nhằm hướng Tràng Tiền mà đi. Đến đâu, người dân từ hai bên đường đổ xuống, nhập vào đoàn đến đó. Mọi người vừa đi vừa hô: "Đả đảo bù nhìn! ủng hộ Việt Minh! Việt Nam độc lập!". Đoàn diễu hành sau khi đi hết phố Tràng Tiền lại qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng... Khi qua Phủ Chủ tịch (nơi Tư lệnh quân Nhật đóng), quân Nhật ở đây chỉ đứng ngó nghiêng mà không phản ứng gì. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua đường Trần Phú, Cửa Nam rồi chia thành các nhóm nhỏ đi về các phố, vừa đi vừa hô khẩu hiệu "Việt Nam độc lập!" cho đến tận 8-9 giờ tối mới giải tán. Không khí và tinh thần sục sôi của đông đảo các tầng lớp nhân dân Hà Nội ngày hôm đó cho thấy, toàn thể nhân dân Thủ đô đã đi theo lá cờ Việt Minh, ủng hộ cách mạng, và đặc biệt là đã đưa đến cuộc họp khẩn cấp được tổ chức ngay tối hôm đó của Ủy ban Quân sự cách mạng và Thành ủy Hà Nội mở rộng, quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 19 tháng 8.

Tất nhiên, dù diễn biến đó nằm ngoài dự tính của phía ta nhưng phải nói một khách quan rằng, đó chính là kết quả, hệ quả tất yếu của những năm tháng chuẩn bị và tập hợp lực lượng trước đó. Việt Minh, lúc ấy, đâu phải là một lực lượng xa lạ với đồng bào ta. Thực chất, lá cờ Việt Minh đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân và họ đã được nghe Việt Minh tuyên truyền, vận động ở nơi này, nơi khác như trường học, chợ, rạp hát, tàu điện,… từ trước đó lâu rồi.

P.V: Một trong những yếu tố được nhắc đến nhiều, đó là Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi do đã tập hợp được nhiều lực lượng tham gia giành chính quyền. Vậy thưa bác, lực lượng thanh niên đóng vai trò như thế nào?

Ông Lê Đức Vân: Mặt trận Việt Minh được thành lập năm 1941, bao gồm nhiều tổ chức bộ phận, đều lấy tên là các hội, đoàn thể cứu quốc như: Công nhân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Văn nghệ Cứu quốc,… Trong đó, đoàn viên Thanh niên Cứu quốc đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các hoạt động và các cuộc đấu tranh cách mạng. Có thể nói rằng, thanh niên chính là lực lượng xung kích trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Ngày đó, chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, đoàn viên Thanh niên Cứu quốc là những người “ăn cơm nhà, đi làm cách mạng”. Chúng tôi đã hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng như: rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ Việt Minh, ra tờ báo riêng của thanh niên, phá kho thóc cứu đói, tổ chức mít tinh, tuyên truyền vận động quần chúng, cảnh cáo việt gian, diệt trừ những tên việt gian, mật thám đầu sỏ,… Không chỉ trực tiếp tham gia, đóng góp cho cách mạng, các đoàn viên thanh niên chúng tôi còn trực tiếp vận động gia đình, họ hàng, bạn bè có hành động ủng hộ Việt Minh, giúp đỡ Việt Minh như tạo nơi ăn, chốn ở, nơi cất giấu tài liệu, đặt hộp thư, nơi hội họp, mua tín phiếu, giúp thuốc men, cảnh giới báo động hoạt động của mật thám,…

Với sự nhiệt huyết và sức trẻ, lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, chúng tôi làm được rất nhiều việc, mà sau này nghĩ lại, cũng không hiểu vì lẽ gì mà lúc đó lại có thể thực hiện được như vậy. Chỉ biết rằng, lúc ấy chúng tôi không hề nghĩ tới cái chết, không lo sợ bị bắt mà chỉ có một quyết tâm không bao giờ nao núng, đó là phải tìm mọi cách để làm được, làm tốt bất kỳ việc gì được giao.

P.V: Những hoạt động nổi bật của thanh niên, cụ thể là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu là gì, thưa bác?

Ông Lê Đức Vân: Như trên đã nói, hồi đó chúng tôi làm rất nhiều việc, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung. Có thể kể ra một số hoạt động nổi bật như:

Một là, xuất bản được tờ báo Hồn nước để tuyên truyền, vận động phong trào cách mạng. Từ tháng 3-1943, nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng trong thanh niên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp ủy: mỗi thành phố phải thành lập một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên. Tháng 8-1944, tại nhà số 46 phố Bát Đàn, Chi bộ Thanh niên Hà Nội được thành lập, đồng thời là Ban Thanh vận kiêm Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Sau một thời gian chuẩn bị, đến tháng 12-1944, báo Hồn nước ra số đầu tiên. Việc lưu hành tờ báo đã giúp phong trào phát triển rất nhanh trong các trường học. Báo ra được 6 số thì khởi nghĩa (số 6 đã in rồi còn chưa kịp phát hành). Quá trình xuất bản tờ báo cũng lắm công phu, ra được 6 số thì chúng tôi phải 5 lần thay đổi chỗ in, thay đổi phương pháp in nhiều lần, từ in thạch ban đầu, chuyển sang in đá ẩm rồi in đá.

Hai là, tuyên truyền vận động thanh niên bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Cuối năm 1944, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu được thành lập, hoạt động rất hiệu quả, có lúc thu hút tới 50 thành viên tham gia. Đội thực hiện công tác tuyên truyền bằng các hình thức rất đa dạng, từ tuyên truyền miệng tới rải truyền đơn, các báo và tài liệu bí mật, vận động thanh niên tham gia các cuộc mít tinh do Đoàn tổ chức để “mắt thấy tai nghe” các hoạt động của Việt Minh nhằm giáo dục lòng yêu nước, động viên cổ vũ thanh niên tham gia hoạt động cách mạng, đặc biệt là tổ chức tuyên truyền công khai ở những nơi công cộng, đông người như: trong chợ, trường học, xí nghiệp, rạp hát, rạp chiếu bóng, trên tàu điện,… nhằm phát huy thanh thế của Việt Minh, nhờ đó mà lúc này tiếng vang, uy tín của Việt Minh rất lớn.

Ba là, trừ việt gian. Đối với những tên việt gian, mật thám đầu sỏ thì chúng tôi lên kế hoạch tiêu diệt nhằm làm gương, làm rúng động bè lũ tay sai, tiêu biểu là đã bắn chết được tên Phó mật thám Bắc Kỳ Phán Sinh. Còn đối với những tên việt gian khác, chúng tôi sử dụng hình thức cảnh cáo chứ không diệt, mục đích để làm cho chúng run sợ và không dám phá vỡ phong trào. Công việc này do Đội Danh dự trừ gian (tách ra từ Đoàn Thanh niên Cứu quốc) đảm nhiệm.

Các hoạt động trên còn được hỗ trợ bởi Đội Tự vệ xung phong ngoại thành. Hoạt động của Đội khá đa dạng, ngoài tuyên truyền, cảnh cáo Việt gian, Đội đã phá nhiều kho thóc cứu đói.

Thời kỳ đó, dù hoạt động trong điều kiện bị địch khủng bố, đàn áp gắt gao, nhưng các phong trào hoạt động của thanh niên chúng tôi rất thông suốt, chưa từng bị địch phát hiện lần nào. Đó là nhờ sự linh hoạt, sáng tạo và đặc biệt là bảo đảm tuyệt đối nguyên tắc bí mật của chúng tôi. Có thể thấy rõ điều đó qua việc, báo Hồn nước ra được 6 số thì chúng tôi thay đổi chỗ in tới 5 lần, thay đổi phương thức in 3 lần. Hay việc rải truyền đơn cũng có nhiều sáng tạo: chúng tôi thường rải ở nhiều nơi nhưng tiến hành cùng một thời điểm; hoặc có sáng kiến đặt tập truyền đơn trên nóc xe ô tô để khi xe di chuyển, truyền đơn sẽ theo gió rải xuống đường phố.

Đối với công tác tuyên truyền, để bảo đảm không bị lộ, đàn áp, bắt bớ, chúng tôi phải thay đổi địa điểm liên tục, lúc thì tuyên truyền trên tàu, lúc thì trong xí nghiệp, lúc thì tại rạp hát, rạp chiếu bóng, đồng thời khâu chuẩn bị cũng rất công phu, chẳng hạn nếu tuyên truyền ở rạp hát hay rạp chiếu bóng thì phải tìm hiểu rất kỹ lối vào, đường ra, nơi đặt bốt điện (lúc cần sẽ cắt điện để rút)… Thời gian tuyên truyền phải thật nhanh gọn và rút cũng nhanh.

P.V: Là thế hệ thanh niên đã có những cống hiến xứng đáng cho đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bác muốn nhắn nhủ điều gì tới thế hệ trẻ thời đại ngày nay?

Ông Lê Đức Vân: Tự hào vì những cống hiến của thế hệ Thanh niên Cứu quốc đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, chúng tôi tin rằng, thế hệ thanh niên thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước của dân tộc, có nhiều đóng góp về mọi mặt để đưa nước ta ngày càng phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Đối với thế hệ Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hy vọng rằng các bạn sẽ thổi bùng ngọn lửa cách mạng sẵn có vào các phong trào tình nguyện, phong trào thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác..., tạo nên những hành động thiết thực góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và có một điều quan trọng tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn, đó là, hãy luôn suy nghĩ để làm sao thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Đoàn một cách sáng tạo và hiệu quả nhất, phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, đồng thời hãy luôn giữ vững sự quyết tâm để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, và lấy đó làm mục đích cho lẽ sống và hành động, nếu làm được như vậy chắc chắn các bạn sẽ thành công.

P.V: Xin cảm ơn bác!

Giao Linh (Thực hiện)

Bình luận