Tư tưởng độc lập, tự do trong thơ Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 02/09/2016 - 11:09

Cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động, đấu tranh và hy sinh chỉ vì một mục tiêu và cũng là ham muốn duy nhất, đó là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Quan điểm và tư tưởng của Người về độc lập, tự do là di sản vô cùng to lớn, quý giá, được gói trọn trong câu nói: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Tư tưởng đó cũng chính là sợi chỉ hồng xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Người.

bac ho viet viet

Trong những năm tháng Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài, tìm đường cứu nước Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên) thì những chữ Độc lập, Tự do xuất hiện trong các bài thơ, bài ca của Bác như Việt Nam yêu cầu ca, Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi… thể hiện một khát vọng lớn lao, một ước mơ cháy bỏng. Độc lập, Tự do đối với Bác là cả một quá trình nhận thức, một quá trình thực hiện. Tại hội nghị Đảng Xã hội Pháp, sau khi bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế, ông Nguyễn1 (tức Bác Hồ sau này) đã nói với người đảng viên, nữ chiến sĩ Rônơ, chuyên ghi tốc ký trong các hội nghị của Đảng: Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu.

Khi đã có hướng, đã tìm được đường, Bác tìm cách sang Liên Xô mong gặp được Lênin, rồi về Quảng Châu (Trung Quốc) và về Tổ quốc. Trước khi rời Pari đi Mátxcơva, Bác để lại một bức thư dài cho các đồng chí Xênêgan, Angiêri, Marốc, Mangát…, những người cùng làm việc với Bác trong tòa soạn báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa tại Pháp: "Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta… Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"2.

Về nước, Bác đã làm đúng như vậy. Bác tập trung cho công việc tập hợp quần chúng, gây dựng phong trào, tổ chức lực lượng; tuyên truyền giác ngộ, vận động mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh. Ngoài những Lờikêu gọi toàn quốc kháng chiến, Thư gửi đồng bào toàn quốc, Bác viết một loạt bài ca: Hoan nghênh thanh niên đi học quân sự, Dân cày, Phụ nữ, Công nhân, Ca binh lính, Ca đội tự vệ, Ca sợi chỉ, Mười chính sách của Việt Minh, Bài ca du kích,… nhằm giải thích, cắt nghĩa nguyên nhân vì sao nước ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than và động viên, cổ vũ mọi người, mọi tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện mục đích cao cả đã được xác định. Bài thơ đề tranh in trên báo Việt Nam độc lập vang lên lời kêu gọi khẩn thiết "Việt Nam độc lập" thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta. Lúc này, độc lập, tự do không còn dừng ở khát vọng mà thực sự bắt tay thực hiện khát vọng. Độc lập, Tự do đang đứng trước vận hội lớn gắn liền với Tổ quốc hiện tại, với mọi gia đình, với mọi người dân đất Việt, trở thành lý tưởng chung của thời đại Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi/ Chiếu lá cờ độc lập, tự do! (Nhóm lửa). Toàn dân tộc ta đã "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi), làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân, đồng bào,khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố trước thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"3.

Và khát vọng ấy đã thành hiện thực, một kỷ nguyên mới của nước ta đã mở ra - kỷ nguyên độc lập, tự do. Bác mừng, cả dân tộc vui mừng, nhưng không chủ quan, không vì say chiến thắng mà quên chặng đường dài đang ở phía trước. Bởi thế, những bài thơ Bác viết ở thời điểm này lời mừng rất kín đáo, Bác dùng Lời chúc vừa truyền thống, vừa có ý nhắc nhở mà lại rất tự nhiên:

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,

Cả nước vui chung phúc cộng hòa.

Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,

Những người chiến sĩ ở phương xa.

(Mừng báo Quốc gia)

Chẳng bao lâu sau khi giành chính quyền, toàn dân tộc ta buộc phải tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rồi tiếp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đằng đẵng suốt 30 nămđể "giữ vững quyền tự do, độc lập". Trong những năm kháng chiến, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước, cứ mỗi năm mới đến, Bác đều có thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Tinh thần chủ đạo của những bài thơ chúc Tết đều là kêu gọi:

Toàn dân đại đoàn kết,

Cả nước dốc một lòng;

Thống nhất chắc chắn được,

Độc lập quyết thành công.

(Thơ chúc Tết Mậu Tý - 1948)

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, vào giai đoạn quyết định, thơ Bác như lời hịch thiêng liêng, cổ vũ quân và dân ta xốc tới giành thắng lợi hoàn toàn:

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

(Thư chúc mừng năm mới - 1969)

Thơ Bác là biểu hiện sinh động của tư tưởng độc lập, tự do, là tiếng nói đấu tranh cho độc lập, tự do. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do"5. Độc lập của Tổ quốc bao giờ cũng gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bác chỉ rõ: "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"6. Tự do là lẽ sống cao quý nhất, là quyền cơ bản thiêng liêng nhất. Tự do trong thơ Bác có nhiều hàm nghĩa, Tổ quốc tự do, dân tộc tự do và tự do của mỗi người. Đằng sau hai chữ "tự do" là cả một quá trình, ẩn tàng một sức nặng, chứa đựng một sức mạnh, một sự nhạy cảm và thiêng liêng. Mất tự do là mất tất cả. Từ những trải nghiệm, chứng kiến nỗi đau của những người cùng khổ ở khắp các châu lục đến nỗi đau riêng của bản thân, Bác tự rút ra, tự đúc kết như châm ngôn trong thơ:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,

Cay đắng chi bằng mất tự do?

(Cảnh binh khiêng lợn cùng đi - 1942)

Muốn độc lập, tự do, chỉ có con đường đấu tranh và chiến thắng các lực lượng tàn ác, thù địch với độc lập, tự do. Bác là người tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh quyết liệt cho độc lập, tự do với cái nhìn biện chứng, đi đúng đường, đánh giá chính xác thực tế và vững tin vào thắng lợi. Bác dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng nhằm đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Bác gói gọn trong một câu giản dị Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Câu nói đó đã trở thành chân lý, thành tư tưởng định hướng, cổ vũ cho mọi hành động cách mạng của mỗi người dân, của mọi lực lượng của toàn dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do.

Vì độc lập, vì tự do - từ khát vọng, đến lý tưởng và đã trở thành chân lý phổ biến trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập, tự do là sợi chỉ hồng xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Người.

Lê Xuân Đức

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

*****

1. Ông Nguyễn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập một chính Đảng ở Pháp - Đảng Xã hội.

2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 208-209; t. 4, tr. 3; t. 4, tr. 64.

Bình luận