Đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 07/10/2016 - 16:10

Là một bộ phận của công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền có vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, cũng như công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao nhận thức cách mạng, định hướng hoạt động đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6.10.2016 Lan ảnh Đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo tư tưởng HCM

Định hướng tư tưởng chính trị là một việc làm thường xuyên của công tác tuyên truyền, đặc biệt trước bước ngoặt cách mạng. Trước những biến động phức tạp của đời sống chính trị quốc tế và trong nước, nếu không kịp thời định hướng sẽ gây ra sự hoang mang, dao động trong xã hội… Thông qua các hình thức, phương pháp tác động tư tưởng phong phú, sinh động, hấp dẫn và có tính thuyết phục cao, công tác tuyên truyền vừa thực hiện chức năng giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, lối sống, nhân cách, đồng thời vừa định hướng thái độ, hành vi của mỗi người trước một sự kiện, một hoạt động cụ thể... Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, hết lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Người xem đó là công việc quan trọng không chỉ để tạo nên lực lượng to lớn của cách mạng mà còn góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Không chỉ đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác tuyên truyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương, mẫu mực tuyệt vời trong phong cách thực hiện công tác tuyên truyền.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt. Một là, nhận thức đúng đắn về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Hai là phương pháp tuyên truyền. Ba là, những yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt trên luôn phải thống nhất, liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp hoạt động tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể. Do đó, người thực hiện công tác tuyên truyền đóng vai trò có ý nghĩa quyết định.

Về mục đích của tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”(1). Vì vậy mục đích cơ bản của công tác tuyên truyền do Đảng tiến hành là góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng chi phối, thống trị trong toàn xã hội giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, nâng cao nhận thức chính trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền như Chỉ thị 01-CT/TW, ngày 22-3-2016 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí cũng như hành động trong Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đồng thời, đợt sinh hoạt chính trị này cũng góp phần quan trọng tăng cường xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thuyết phục, chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016… Thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt sẽ nắm vững và kiên định các quan điểm có tính nguyên tắc trong quá trình đổi mới, nắm vững và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới.

Về đối tượng tuyên truyền

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết, người tuyên truyền phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Người cũng lưu ý rằng: dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.

Từ nhận thức rõ đặc điểm dân trí nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cách tuyên truyền ngắn ngọn, dễ hiểu, thiết thực để vận động giác ngộ quần chúng. Từ đó, tạo nên một phong cách tuyên truyền mang tính đại chúng. Nét đặc sắc của phong cách này được thể hiện trong các bài nói, bài viết của Người. Trong phần đầu cuốn sách Đường Kách mệnh, Người đã nói rõ: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”, “nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”(2). Nói và viết là phương pháp cơ bản của công tác tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”(3). Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác, sức lay động, lan tỏa đối với dân chúng, Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền: “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”(4). Người tuyên truyền phải học cách tuyên truyền của quần chúng. Đó là sự kết hợp của việc học trong sách vở, học trong thực tiễn công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cách tuyên truyền phù hợp nhất, có hiệu quả nhất đối với nhân dân chính là cách tuyên truyền của chính nhân dân, bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo. Theo Người: Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi nói, khi viết khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực. Muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền thì người tuyên truyền phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao, người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng… Theo Người, không nên lúc nào cũng trích C.Mác, trích V.I.Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ. Nếu nói hay mà không hiểu thì cũng không bằng nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành một phần nói về những căn bệnh thường mắc phải của cán bộ làm công tác tuyên truyền trong khi nói và viết: Đó là “thói ba hoa” mà biểu hiện của bệnh đó là: dài dòng, rỗng tuếch; có thói "cầu kỳ"; khô khan, lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp cẩu thả; bệnh theo "sáo cũ"… Những căn bệnh đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc: Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch…. Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng…(5). Người căn dặn: Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo hoặc thảo một bài diễn văn nhất định phải đọc lại ba bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại chín mười lần. Mình tự phê bình bài viết của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa vô ích bỏ đi…

Về phong cách tuyên truyền

Đặc trưng nổi bật trong phong cách tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ. Cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị và khúc triết dễ hiểu phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người luôn được mọi người cảm thụ sâu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Những thông tin trong bài nói, viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để làm sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”, đặc biệt là ưu tiên lựa chọn và sử dụng từ thuần Việt để không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Trong nhiều bài nói và bài viết trước đồng bào, đồng chí, Người thường trình bày đi thẳng vào vấn đề bằng phương pháp phát vấn (đặt câu hỏi) như: "Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Bác trả lời và giải thích ngắn gọn rằng: Không phải!... Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên”,

Trong công việc cũng như trong quá trình chuẩn bị bài nói, bài viết của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của tập thể. Người cho rằng: không ai có thể hiểu được mọi thứ, làm được mọi việc.. Người thường trao đổi bài viết, bài phát biểu của mình, lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh bài viết, bài phát biểu sao cho thật phù hợp với đối tượng người đọc, người nghe. Chúng ta còn nhớ, khi viết bài nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Người nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu: ngắn, gọn, tập trung vào chủ đề: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”, Người sửa chữa và cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia góp ý, rồi bổ sung vào bản thảo những ý kiến góp ý...

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử, thiêng liêng và bất hủ. Bản Di chúc được Người chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đầy tinh thần trách nhiệm, rất tâm huyết và trí tuệ. Suốt 4 năm vào ngày đẹp nhất, giờ đẹp nhất, Người tìm từng ý, chọn từng câu, sửa từng chữ, nêu rõ những việc cần phải làm, những điều cần phải nghĩ, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc chung đến việc riêng… thể hiện tình cảm chứa chan, một tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn.

Những lời khuyên và chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như phong cách nói và viết đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe. Vì vy, tìm hiểu học tập phong cách tuyên truyền của Người sẽ giúp cho mỗi người chúng ta nâng cao trình độ nói và viết, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân giao phó, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân như Bác Hồ mong muốn./.

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.162

(2) Hồ Chí Minh: sđd, tập 2, tr 262
(3) Hồ Chí Minh: sđd, tập 5, tr.300
(4) Hồ Chí Minh: sđd, tập 5, tr.162
(5) Hồ Chí Minh: sđd, tập 5, tr. 299

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Bình luận