Về những mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển ở nước ta qua Văn kiện Đại hội XII (Phần I)

Ngày đăng: 21/10/2016 - 09:10

1. Nhận thức những mối quan hệ lớn trong đổi mới và phát triển - Một đòi hỏi khách quan

Đổi mới ở nước ta, xét trên bình diện lý luận, liên quan đến chủ trương, đường lối và các quyết sách chiến lược của Đảng, bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12-1986). Trên bình diện thực tiễn, đổi mới đã đi qua một chặng đường 30 năm, đã trải qua sáu kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, từ Đại hội VI đến Đại hội XI. Đại hội XII (tháng 1-2016) vừa qua mang dấu ấn lịch sử đặc biệt - tổng kết lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới, thông qua những quyết định trọng đại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng để thực hiện phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội XII kế tục các kỳ Đại hội trước đó trong thời đổi mới, không ngừng tìm tòi và phát triển lý luận, quyết tâm vượt qua “những điểm nghẽn” của phát triển bằng những đột phá để tiếp tục phát triển.

anh cho bai bac bao 2

Đại hội XII được dẫn dắt bởi những định hướng tư tưởng chính trị lớn: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, thể hiện trí tuệ, ý chí, trách nhiệm và bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trải qua lịch sử quang vinh 86 năm và đã liên tục cầm quyền hơn bảy thập kỷ, trong đó có 30 năm đổi mới, với đội ngũ 4,5 triệu đảng viên, được trên 90 triệu người dân tin tưởng, ủng hộ và đặt nhiều kỳ vọng.

Đại hội XII với sự chuẩn bị công phu, cẩn trọng, nêu cao trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của Đảng trước dân tộc và nhân dân trong công tác xây dựng Văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Diễn trình của Đại hội XII, từ phiên họp trù bị đến thảo luận, tham luận và thông qua Nghị quyết cũng như bầu cử ban lãnh đạo cấp cao của Đảng với kết quả và thành công tốt đẹp, được toàn Đảng, toàn dân vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng,… đã tỏ rõ sự trưởng thành, sự phát triển dân chủ trong Đảng, sự thực hành tập trung dân chủ - một nguyên tắc chính trị cốt tử của Đảng Cộng sản. Đại hội XII là sự tái hiện sinh động tinh thần và dũng khí của Đại hội VI - Đại hội khai sinh của đổi mới, để 30 năm sau, Đại hội XII mang tầm vóc và ý nghĩa của sự mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước, có thể ví như cuộc đổi mới lần thứ hai của Việt Nam trong lịch sử hiện đại, ở thời đương đại. Cũng như Đại hội VI, Đại hội XII ghi tiếp một mốc son chói lọi trong lịch sử biên niên của Đảng ta. Bên thềm Đại hội VI, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Cuộc khủng hoảng này của Việt Nam nằm trong tính phổ biến của khủng hoảng ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa cùng theo mô hình Xôviết, khủng hoảng về mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới - mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp và bình quân, vắng bóng kinh tế thị trường với quy luật thị trường và các quan hệ thị trường, lại phát triển đơn trị, tuyến tính, chỉ quan hệ trong một hệ thống (Xôviết), dường như không có quan hệ với phần còn lại của thế giới phương Tây tư bản chủ nghĩa - nơi có tiềm lực dồi dào về khoa học - công nghệ và có trình độ phát triển cao về kinh tế và quản lý theo nhà nước pháp quyền. Đây là cuộc khủng hoảng do thiếu động lực nội tại từ bên trong để phát triển, lại chịu tác động tiêu cực từ những khuyết tật có trong thể chế, nhất là những hạn chế về dân chủ, những suy thoái, biến dạng xảy ra trong Đảng cầm quyền, xuất hiện tình trạng tha hóa về sở hữu (trong kinh tế) và tha hóa về quyền lực (chính trị) với các dấu hiệu kéo dài - chậm phát hiện - chậm sửa chữa và đã sửa chữa một cách sai lầm trong quá trình cải tổ. Do đó, khủng hoảng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa chẳng những là phổ biến mà còn trầm trọng, kết cục là, xảy ra khủng hoảng chính trị, rối loạn, đổ vỡ như một sự tự hủy, do mất phương hướng chính trị ở thời điểm bước ngoặt.

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi xảy ra chính biến ở Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô và Đông Âu nhưng bài học có tính “bi kịch lịch sử” này vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, với giá trị cảnh báo và cảnh tỉnh các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam.

Điều đáng nói về đổi mới ở Việt Nam chính là ở chỗ, đổi mới đã trở thành sự kiện nổi bật ở nước ta vào nửa sau thập niên 1980. Đó không chỉ là sự kiện chính trị, gắn với đường lối, quyết sách của Đảng cầm quyền mà còn là bước ngoặt chuyển mình của mô hình kinh tế và chính sách, cơ chế quản lý. Đổi mới còn là tâm trạng xã hội, tâm lý xã hội có hiệu ứng hết sức rộng lớn đối với người dân, với cộng đồng xã hội, ở mọi cấp độ, từng người, từng nhà, hộ dân và gia đình, ở địa phương, cơ sở đến cả nước.

“Đổi mới” đã trở thành tiếng nói cửa miệng, hàng ngày của người dân, bởi nó là sự hối thúc của chính đời sống: “Đổi mới hay là chết?”, “Tồn tại hay không tồn tại?”, “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Từ đó, lan rộng và thấm sâu vào mọi quan hệ trong đời sống. “Đổi mới” đã định hình một từ vựng của chính trị học, của khoa học chính trị. Chính đổi mới đã sinh ra, đã đòi hỏi sự xuất hiện và phát triển khoa học này. Tư duy xã hội bắt đầu làm quen với thuật ngữ: dân chủ hóa, dân chủ và hệ thống chính trị, sau đó là nhà nước pháp quyền, là phản biện xã hội, là kiểm soát quyền lực như chúng ta thường nói hiện nay.

Để thấy rõ tầm vóc của Đại hội VI và đổi mới như một cuộc cách mạng, một quá trình cải biến cách mạng sâu xa, toàn diện và triệt để, cần nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn một cách tất yếu trong đổi mới và phát triển, cần đặc biệt chú ý tới các đặc điểm của đổi mới. Một trong những đặc điểm đó là, đổi mới ở Việt Nam là sự kết hợp giữa đổi mới từ dưới lên (ở cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn) với đổi mới từ trên xuống (ở Trung ương, đầu não của các quyết định chính trị). Sự kết hợp này, bao quát hai lĩnh vực trọng yếu kinh tế và chính trị, kết hợp cả hai nhu cầu bức xúc ở hai chủ thể: nhu cầu phải thay đổi hoàn cảnh sống của người dân và nhu cầu phải thay đổi tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Nó diễn ra đúng lúc, kịp thời, đã chín muồi, không thể chậm trễ. Chính sự cộng hưởng và tạo nên đồng thuận đến mức lý tưởng này giữa từ dưới lên với từ trên xuống mà đổi mới ra đời như một sự đón kịp thời cơ để cộng đồng trách nhiệm cùng vượt qua thách thức.

Đây thực sự là kết hợp giữa ý Đảng với lòng dân và trở thành phép nước (Phạm Văn Đồng). Đó là cơ sở xã hội sâu xa để nhận biết sức sống và triển vọng tốt đẹp của đổi mới. Cùng với điều đó, đổi mới được dẫn dắt bởi đường lối đúng, có nguyên tắc, có bước đi thích hợp, lại nhận được sự ủng hộ, tán thành, mong đợi từ lâu của nhân dân, nên Việt Nam đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, luôn giữ được ổn định, không để xảy ra khủng hoảng chính trị, nhờ đó đổi mới thúc đẩy phát triển chứ không rơi vào phản phát triển. Thành công ấy là thành công trong lãnh đạo của Đảng mà cũng là nhờ sức sáng tạo, từ công sức của nhân dân.

Đại hội VI đã mở đầu, đã khai sinh cho đổi mới, tạo lập ổn định, hướng tới phát triển cả thế và lực của Việt Nam. Đại hội VI công khai tinh thần tự phê phán, dũng cảm đối mặt với sai lầm, kiên quyết sửa chữa, nêu cao bài học lớn: dựa vào dân, dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc, nhấn mạnh cả bài học phải tôn trọng quy luật khách quan, rằng, sáng tạo phù hợp với quy luật sẽ thắng lợi, giáo điều, tả khuynh, duy ý chí, coi thường và vi phạm quy luật sẽ thất bại.

Nhờ đó, trong tiến trình đổi mới, Việt Nam đã đạt được những bước ngoặt lớn: ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ra khỏi tình trạng nước lạc hậu, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển; mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế, tự giải phóng mình ra khỏi sự trì trệ, tình thế biệt lập, khép kín trong “ốc đảo” để cùng tồn tại, cùng phát triển với cộng đồng thế giới, dù phải chấp nhận cạnh tranh, đấu tranh trong hợp tác song phương, đa phương, trong thế ứng xử với đối tác và đối  tượng.

Sau 30 năm, Đại hội XII mang nhiều nét tương đồng về bối cảnh, tình hình, về thời cơ, thách thức đặt ra với Đảng, với dân, với những dằn vặt, lo âu về vận Đảng, vận nước trong thời kỳ phát triển mới.

Âm hưởng của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, một nghị quyết lịch sử về “Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đã thấm sâu vào Đại hội XII.

Chủ đề Đại hội lần này mang ý nghĩa nổi bật của một thông điệp phát triển, đặt lên hàng đầu vấn đề “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ trọng tâm của khóa XII. Đại hội lần này nêu cao quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị của Đảng trước vận mệnh dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là điều thiêng liêng, hệ trọng bởi phát triển đất nước đã trở thành lợi ích cốt lõi của quốc gia, muốn tăng cường tiềm lực quốc gia phải ra sức phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, phải tăng cường quản lý xã hội, thực hiện đồng bộ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phát huy cao độ động lực của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân tộc cùng với dân chủ xã hội chủ nghĩa, muốn phát triển nhanh và bền vững phải sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bởi những quyết sách lớn đó mà Đại hội XII là sự mở đầu cho chặng đường phấn đấu rất cao, mới mẻ, phức tạp trong thời kỳ phát triển mới mà chúng ta có thể coi là công cuộc đổi mới lần thứ hai với những động lực mới, những đột phá mới, nhận thức và xử lý những mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển của Việt Nam.

Đại hội XII còn nêu cao dũng khí của một đảng cách mạng, như Đại hội VI đã tự phê phán những khuyết điểm, sai lầm trong chỉ đạo chiến lược, ở Đại hội XII, Đảng ta thẳng thắn nêu rõ sự thật, trên một số mặt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI chưa đạt yêu cầu, cũng như do dự báo kém, giản đơn và chủ quan mà mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp là không thể thực hiện được. Nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã chỉ rõ tại Đại hội XII, “Đảng chưa thực sự trong sạch vững mạnh”.

Cũng vì thế, lần đầu tiên trong các Văn kiện Đại hội thời kỳ đổi mới, Đại hội XII đã đề cập sâu sắc, toàn diện nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đồng thời chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa, trong đó có vấn đề cốt lõi, trọng yếu là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng trước yêu cầu mới.

Nếu Đại hội VI khởi đầu công cuộc đổi mới lần thứ nhất đã nhấn mạnh đổi mới kinh tế, tìm lối thoát cho khủng hoảng, thì Đại hội XII chú trọng đặc biệt và nổi bật đến đổi mới chính trị, thể chế và hệ thống chính trị, với điểm nhấn là xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sự không tách rời với đổi mới kinh tế. Nếu Đại hội VI chú trọng tạo lập ổn định để đổi mới và phát triển, thì sau 30 năm, Đại hội XII hướng nỗ lực vào phát triển bền vững và hiện đại hóa, đổi mới phải mạnh mẽ, hội nhập phải sâu rộng, để phát triển nhanh và bền vững.

Những đường hướng tư duy và tư tưởng như thế cho thấy, Đảng ta chú trọng vào tính hệ thống - chỉnh thể và do đó, trong hoạt động thực tiễn, tất yếu phải thông qua các mối quan hệ, giải quyết các mối quan hệ đó trong tư duy và hành động, là hiện thực hóa, thực tiễn hóa lý luận để hoạt động của chủ thể trở nên chủ động, tự giác, sáng tạo, hiệu quả. Đó cũng là làm cho quy luật của đổi mới và phát triển được thực hiện, thông qua các mối quan hệ, nội dung các mối quan hệ, điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để giải quyết các mối quan hệ đó.

Yêu cầu đặt ra không chỉ nhằm vào nhận thức mà quan trọng hơn, còn phải thực hiện nó thông qua mô hình, chính sách, cơ chế, phương thức tác động trong lãnh đạo, điều hành quản lý, tạo lập môi trường và các điều kiện cho phát triển, nhất là phát triển bền vững. Phải nhận diện nó từ hoạt động, tổ chức thiết chế, bộ máy và thể chế, cơ chế và chính sách, nguồn lực và phương thức phân bổ nguồn lực. Mọi nguồn lực, vật chất cũng như tinh thần đều xoay quanh và quy tụ vào con người, vào nguồn nhân lực chất lượng cao, vào đầu tư, phát triển, phát huy nguồn lực con người - nguồn vốn quan trọng và quyết định nhất trong tổng lượng vốn xã hội của phát triển.

Trên quan điểm tổng hợp và hệ thống, những tương tác của các mối quan hệ đó, thông qua con người - mục tiêu và động lực của đổi mới, chủ thể của phát triển và sáng tạo lịch sử - là văn hóa, là nguồn lực nội sinh do văn hóa sáng tạo ra.

Có thể nói rằng, lý luận về động lực và hệ động lực của phát triển, lý luận về các mối quan hệ lớn, về quy luật và phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển thực sự là những điểm mới có giá trị của Đại hội XII.

Nếu quy luật là khách quan, các mối quan hệ phản ánh quy luật cũng là khách quan, nhận thức đúng và xử lý tốt các mối quan hệ đó cũng là đòi hỏi khách quan của phát triển thì để giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu đó lại không thể không thông qua chủ thể - con người và tổ chức cũng như nỗ lực chủ quan của chủ thể sáng tạo.

Nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều như vậy để thấy, nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong đổi mới và phát triển, thể hiện quy luật của đổi mới và phát triển đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao tiềm lực trí tuệ, tư tưởng của mình. Yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ phát triển mới đòi hỏi Đảng ta phải chú trọng khoa học hóa, hiện đại hóa sự lãnh đạo của mình hơn nữa. Sức mạnh của khoa học, của tư duy lý luận bảo đảm cho Đảng nâng cao năng lực sáng tạo, xây dựng và phát triển lý luận đổi mới, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội, lý luận xây dựng Đảng cầm quyền. Đột phá lý luận sẽ góp phần quan trọng để Đảng ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới.

GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,1991.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986); lần thứ VII (1991); lần thứ VIII (1996); lần thứ IX (2001); lần thứ X(2006); lần thứ XI (2011); lần thứ XII (2016).

4. Ban Chỉ đạo tổng kết Đổi mới: Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới(1986-2006); qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2006 và 2016.

5. GS. TS. Nguyễn Phú Trọng (chủ biên): Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

Bình luận