Nhân dân làm chủ trong quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”
Trong xây dựng chế độ dân chủ XHCN ở nước ta, một chế độ xã hội “dân là chủ và dân làm chủ” Đảng đã sớm đề cập đến mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tại Đại hội VI, Đảng đã coi “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”(1). Cơ chế đó một mặt khẳng định vai trò của ba thành tố hợp thành, mặt khác cũng chỉ ra tính biện chứng khách quan (ràng buộc, đòi hỏi có nhau và tác động, quy định qua lại với nhau) giữa chúng.
Trong quá trình đổi mới, nhận thức về cơ chế tổng thể trên ngày càng rõ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn. Về mặt thực tiễn, chúng ta cũng đã tập trung giải quyết những vấn đề mới đặt ra và có sự nỗ lực cao hiện thực hóa cơ chế đó trong đời sống xã hội. Tuy nhiên cho đến nay, trên cả hai phương diện - nhận thức và thực tiễn - mặc dầu có những bước tiến thực sự, song còn không ít các vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục giải quyết. Chính vì vậy, trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng coi mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là một trong những mối quan hệ lớn phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt.
Để góp phần giải quyết có hiệu quả mối quan hệ này, điều mấu chốt nhất trong điều kiện nước ta hiện nay là cần có sự thống nhất cao về nhận thức và thực tiễn tính hướng đích của mối quan hệ trong cơ chế tổng thể.
Ba thành tố tồn tại trong mối quan hệ biện chứng đòi hỏi có nhau, tác động qua lại với nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Trong đó nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm, bởi vì mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế thành tố nhân dân làm chủ vẫn chưa được chú trọng đúng mức, với tư cách vừa là một thành tố không tách rời trong cơ chế tổng thể, vừa là mục tiêu cao nhất khi triển khai thực hiện cơ chế đó. Thậm chí có khuynh hướng chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Từ đó, việc tìm kiếm, xây dựng những cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm cho “nhân dân làm chủ” không được quan tâm đúng mức.
Nhân dân làm chủ còn được quan niệm giản đơn chỉ như là hệ quả, là kết quả của Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý thì cơ chế đó chưa đạt mục tiêu. Bởi như vậy có nghĩa là “Đảng và Nhà nước nhân danh nhân dân làm chủ”, “Đảng và Nhà nước làm chủ thay dân”, chứ chưa đạt mục đích “nhân dân làm chủ”, nhân dân là người thực hành dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của mình. Nếu coi nhân dân làm chủ chỉ như là kết quả của Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên khó tránh khỏi tình trạng chuyển hóa từ chỗ là “công bộc”, “đày tớ” thành “ông chủ” - như C.Mác, Ph.Ăngghen và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo.
V.I Lênin đã dạy: “Không chỉ tuyên truyền về dân chủ, tuyên bố và ra sắc lệnh về dân chủ là đủ, không phải chỉ giao trách nhiệm thực hiện chế độ dân chủ cho “những người đại diện” nhân dân, trong những cơ quan đại biểu là đủ. Cần phải xây dựng ngay chế độ dân chủ bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước, không có sự “giám sát” từ trên, không có quan lại”(2).
Để xây dựng được một chế độ dân chủ cao, nhân dân phải có ý thức, năng lực và đòi hỏi dân chủ ngày càng cao. Nhân dân “phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(3). Người dân muốn làm chủ, chẳng những phải biết hưởng quyền làm chủ, mà còn phải biết dùng quyền làm chủ, đồng thời dám nói, dám làm.
Kinh nghiệm xây dựng chế độ dân chủ trong lịch sử nhân loại đã cho thấy rằng dân chủ chỉ đầy đủ và thực chất nếu đó làđòi hỏi từ cuộc sống, đòi hỏi của người dân. Dân chủ là thành quả của lịch sử nhân loại. Thành quả đó không phải tự nhiên mà có mà là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của quần chúng nhân dân. Nhân dân lao động ở các nước tư bản hiện nay được hưởng một số quyền dân chủ, đó cũng không phải cái gì khác hơn là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài và phải hy sinh biết bao xương máu mới có được.
Nước ta xây dựng chế độ dân chủ XHCN trong điều kiện chưa trải qua chế độ dân chủ tư sản, nên phần lớn quần chúng nhân dân chưa ý thức một cách đầy đủ về dân chủ. Bên cạnh đó, với những thành quả to lớn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhân dân Việt Nam tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước. Từ đó, nhân dân dễ dàng giao phó việc xây dựng chế độ dân chủ cho Đảng, Nhà nước, “khoán trắng” việc thực hiện quyền lực nhà nước cho những “người đại diện” của mình. Hiện nay, trong cơ quan Đảng và Nhà nước xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, gây ra những bức bối trong nhân dân. Nhưng nhân dân vẫn chờ đợi một sự thay đổi của Đảng, Nhà nước. Điều đó một mặt thể hiện lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, nhưng mặt khác cũng biểu hiện tình trạng bị động, thụ động của nhân dân trong xây dựng chế độ dân chủ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng mỗi khi người dân không thiết tha gì với dân chủ. Do vậy dân chủ sẽ còn tính hình thức và hạn chế.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý - xét về mặt lý thuyết là những hình thức chủ yếu của nhân dân làm chủ, Đảng và Nhà nước thay mặt nhân dân làm chủ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những hình thức đó thì không những không đầy đủ, mà còn dễ làm biến dạng chế độ dân chủ, làm tha hóa bản chất của dân chủ.
Do vậy, để đạt được mục tiêu cao nhất của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phải nâng cao ý thức, năng lực làm chủ của nhân dân. Làm điều đó dĩ nhiên không chỉ bằng giáo dục, công tác truyên tuyền mà bằng những biện pháp thiết thực. Cụ thể:
Một là, xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN làm cơ sở, nền tảng cho chế độ dân chủ XHCN.
Nền kinh tế thị trường là cơ sở, nền tảng của chế độ dân chủ tư sản. V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “như bộ Tư bản đã vạch rõ, miếng đất đã làm mọc lên những tư tưởng về tự do và bình đẳng chính là nền sản xuất hàng hóa”(4). Rằng nền kinh tế đó “đẻ ra những nguyện vọng dân chủ trong quần chúng,... làm cho quần chúng khát khao dân chủ”(5) .
Để vượt qua được hạn chế về dân chủ trong điều kiện nền kinh tế thị trường TBCN và nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, Đảng đã chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế đó, người dân được tự do lựa chọn ngành nghề, tự do, chủ động sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và đặc biệt có nhu cầu, đòi hỏi dân chủ ngày càng cao hơn. Từ đó, dân chủ trong những năm đổi mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế của nền kinh tế đó.
Hai là, đổi mới, đa dạng hóa tổ chức và hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội để thực sự là những hình thức để nhân dân làm chủ, là “trường học” giáo dục, nâng cao ý thức, năng lực dân chủ của nhân dân.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ không chỉ bằng Nhà nước, mà còn thông qua các tổ chức của mình.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò to lớn trong việc củng cố, bảo vệ Đảng, chính quyền nhà nước, hơn nữa đó là những thiết chế có vai trò quan trọng thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là môi trường, là trường học để nâng cao ý thức, năng lực và nhu cầu dân chủ cho các tầng lớp nhân dân.
Trong cách mạng dân tộc dân chủ, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đóng vai trò to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Nhưng từ khi cả nước bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng, các tổ chức quần chúng rơi vào tình trạng “quan liêu hóa”, “nhà nước hóa” hoạt động một cách hình thức, kém hiệu quả. Quyền làm chủ của nhân dân thực hiện thông qua những tổ chức này mang nặng hình thức. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho Nhà nước, chế độ dân chủ nảy sinh nhiều khuyết tật, nhược điểm, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.
Để những tổ chức này thực sự là những thiết chế dân chủ, thiết chế để các tầng lớp nhân dân tham gia công việc Nhà nước, quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước, phải đổi mới trên nhiều mặt theo hướng khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” trong tổ chức và hoạt động. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp với tính chất quần chúng và những biến động đa dạng về cơ cấu giai cấp - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Qua gần 30 năm đổi mới, các tổ chức chính trị - xã hội đã có những đổi mới quan trọng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Tình trạng các đoàn thể nhân dân hoạt động hình thức, kém hiệu quả còn khá phổ biến. Nhiều cuộc phản ứng tập thể, đình công của công nhân xuất hiện tự phát mà các đoàn thể không biết trước. Điều đó chứng tỏ các tổ chức chính trị - xã hội chưa nắm chắc quần chúng, chưa phải tất cả quần chúng đã thực sự đặt niềm tin và coi các tổ chức đó là tổ chức của mình. Các tổ chức chính trị - xã hội vẫn chưa thực sự thu hút được sự tham gia một cách chủ động, tích cực, tự giác của đoàn viên, hội viên. Sự tham gia vào các tổ chức quần chúng nhiều khi còn mang nặng hình thức, chiếu lệ. Để phát huy dân chủ, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức.
Để phát huy dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, ngoài việc đổi mới những tổ chức đã có, cần hình thành thêm những tổ chức mới đáp ứng những nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp, nâng cao hiểu biết và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hoạt động theo hướng vừa ích nước, vừa lợi nhà, tương thân, tương ái.
Một xã hội dân chủ là một xã hội không bỏ sót bất cứ một tổ chức, cá nhân nào có khả năng đóng góp vào công việc chung, đồng thời có sự phát triển cho bản thân mình. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN việc xuất hiện những tổ chức xã hội, những hiệp hội, nghề nghiệp đại biểu cho các chủ thể sản xuất kinh doanh khác nhau là một tất yếu khách quan. Vì vậy, Nhà nước cần “Sớm ban hành Luật về hội”(6) thể chế hóa quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức đó. Đảng và Nhà nước cần chủ động hướng dẫn, lãnh đạo việc hình thành những tổ chức mới, phát huy tính tích cực xã hội của các tầng lớp dân cư, đồng thời hạn chế việc hình thành các tổ chức một cách tự phát, chống việc lợi dụng dân chủ để gây ra những hành vi cực đoan, quá khích.
Hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội nước ta đã có bước phát triển tương đối phong phú, đa dạng.Ngoài các đoàn thể nhân dân có tính chất chính trị - xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nhân đạo từ thiện, các nhóm cộng đồng…và hàng trăm hội, hiệp hội được thành lập và hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ba là, Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế, chính sách tạo điều kiện và lôi cuốn các tổ chức quần chúng, các đoàn thể nhân dân và người dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia công việc Nhà nước, giám sát hoạt động của Nhà nước.
Về điều này Đảng ta đã chỉ ra rằng: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể”(7). “Đảng và Nhà nước có cơ chế , chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(8).
Những quy chế, cơ chế lôi cuốn nhân dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia công việc Nhà nước, giám sát hoạt động của Nhà nước phải cụ thể, dễ thực hiện và đặc biệt phải cho nhân dân thấy được lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện. Có như vậy mới tránh được sự tham gia một cách hình thức, chiếu lệ như vẫn xảy ra.
Một trong những cơ chế, quy chế mà gần đây được nói tới nhiều nhất là cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Về chủ trương này, tại Đại hội X Đảng đã chỉ ra : “xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(9). Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành 2 quyết định: Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội”; và Quyết định số 218-QĐ/TW “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Đó là bước tiến trong việc lôi cuốn nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia giám sát và phản biện xã hội. Dĩ nhiên cụ thể hóa và triển khai như thế nào để các tổ chức và nhân dân tham gia tích cực và có hiệu quả vẫn còn là nhiệm vụ trước mắt.
Các biện pháp trên đây chưa phải là tất cả, nhưng tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm, tìm kiếm ngày càng nhiều những hình thức đa dạng và cụ thể hóa cho thật sát với thực tế, phù hợp với sự phát triển trình độ mọi mặt của nhân dân là có ý nghĩa rất lớn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chế độ “nhân dân làm chủ” ở nước ta hiện nay.
_____________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.109.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.336-337.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.36.
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.1, tr.594.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.30, tr.92.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.130-131.
(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.87, 87.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.135.
PGS, TS Trần Thành
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực