Nhìn lại những giá trị căn bản của Quần thể di tích Cố đô Huế

Ngày đăng: 13/12/2016 - 09:12

Huế là một trong những trung tâm chính trị, văn hóa - nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam. Trải qua bao biến thiên lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được “chân dung” của một kinh đô, “một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hòa quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên. Quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc.

03. Toan canh dien Thai Hoa

Toản cảnh điện Thái Hòa

Ngày 11-12-1993, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới. Ngày 7-11-2003, một lần nữa Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại. Nơi đây, sau những biến thiên thăng trầm của lịch sử, hiện đang lưu giữ trong lòng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam mang tiêu chí toàn cầu. Quần thể di tích Cố đô Huế có diện tích 3.154.815,3m2,bao gồm 16 điểm và cụm di tích được phân bố ở 4 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang và thành phố Huế với những giá trị ngoại hạng thực sự là tài sản văn hóa không chỉ của người Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại.

Về giá trị lịch sử, tôn giáo

Huế được hình thành kể từ khi hai châu Ô - Rí chính thức thuộc về Đại Việt năm 1306 (sau đám cưới của Huyền Trân Công chúa), tích tụ và phát triển lên đến đỉnh cao vào thế kỷ XIX; được thể hiện trên nhiều khía cạnh của đời sống văn hóa Huế hiện nay. Từ đó tạo nên bản sắc văn hóa Huế độc đáo và cũng là những giá trị tinh thần của Quần thể di tích Cố đô Huế, tạo nên giá trị nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông.

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và 13 vị vua triều Nguyễn. Đó là những triều đại có công lớn trong việc khai hoang, mở cõi về phía nam và đặc biệt là đã xây dựng và để lại cho chúng ta một “không gian sinh tồn và phát triển”, một lãnh thổ quốc gia rộng lớn và thống nhất, có cương vực rõ ràng với Trung Quốc, Lào, Campuchia, khẳng định chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Những di vật trong Quần thể di tích Cố đô Huế chứa đựng và phản ánh cả chiều dày lịch sử mở cõi lẫn quá trình kiến tạo đất nước, ví dụ như những chiếc vạc đồng trong Đại Nội hay ở một số lăng tẩm các vua nhà Nguyễn. Mỗi chiếc vạc đồng là một chứng tích của lịch sử, là vật chứng tiêu biểu ghi lại quá trình “Bình Di phá Trịnh” của các chúa Nguyễn. Mỗi khi đem quân đi chiến đấu với quân Trịnh từ phía Bắc đánh xuống hay trực tiếp cầm quân đi chinh phạt, bình định Man Di trở về thắng lợi, các chúa Nguyễn đều cho đúc những chiếc vạc đồng để biểu dương cho Võ công. Không những thế, mỗi chiếc vạc đồng còn là một tác phẩm độc đáo của nghệ thuật đúc đồng ViệtNam. Chúng giống như nội dung của cuốn bách khoa thư về thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam, thể hiện qua các hình ảnh đúc trên thân vạc. Nhiều loài động, thực vật đặc hữu hiện nay đã không còn tồn tại, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về chúng chỉ có thể tìm hiểu qua các cuốn “sách đồng” độc nhất vô nhị này. Ngoài ra, trong Quần thể di tích Cố đô Huế còn rất nhiều di vật đặc sắc “có một không hai” như: Cửu đỉnh; Cửu vị Thần công, Ngai vàng Hoàng đế…

Với 143 năm là kinh đô của một triều đại phong kiến có thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, Huế không chỉ là trung tâm quyền lực, mà còn là trung tâm Nho giáo lớn nhất của nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, Huế cũng là một trung tâm Phật giáo, thủ phủ của Phật giáo Đàng Trong cũng như Phật giáo Miền Trung. Bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn có hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính với kiến trúc truyền thống. Dưới góc nhìn kiến trúc đô thị, Huế không chỉ là một hình mẫu về kiến trúc sinh hoạt truyền thống, mà còn là một điển hình về kiến trúc không gian - sinh cảnh. Nơi đây chính là sự hội tụ về tinh thần của một trung tâm chính trị - văn hóa - nghệ thuật sôi động. Ở Huế, đạo Phật và đạo Nho đã thấm sâu, hòa quyện vào văn hóa truyền thống địa phương để rồi từ đó trở thành nguồn lực tinh thần nuôi dưỡng những tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý nhân văn hết sức đặc sắc.

Về giá trị thẩm mỹ, văn hóa - nghệ thuật, kiến trúc

Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới mang giá trị toàn cầu, hội tụ đủ các yếu tố theo tiêu chí số 4 của Công ước quốc tế 1972:

“- Quần thể kiến trúc tiêu biểu cho những thành quả nghệ thuật độc đáo, những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng.

- Có giá trị to lớn về kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc trong một kế hoạch phát triển đô thị hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại mọi khu vực văn hóa của thế giới.

- Một quần thể kiến trúc của một thời kỳ quan trọng.

- Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng hay tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn hay với các danh nhân lịch sử”.

Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh với những tiêu chí gắn với tính chất kinh đô và hoàng gia thời phong kiến Việt Nam. Những tính chất đó có thể là một trong những tiền đề quan trọng tạo nên các giá trị văn hóa nổi trội của khu di sản văn hóa thế giới này. Với tính chất đặc trưng như vậy, Huế được coi là một “di sản kiến trúc đô thị” tiêu biểu của nhân loại, là nơi tích hợp, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa mang tầm cỡ quốc gia.

Trong cách đánh giá của các vua triều Nguyễn, vị trí địa lý của Huế không chỉ quan trọng về mặt giao thông, có tính chất phòng thủ, mà còn hàm chứa những ý nghĩa đặc biệt về phong thủy theo quan niệm truyền thống Á Đông. Theo đó, họ tin rằng các yếu tố tự nhiên có sức mạnh chi phối đến sự thịnh suy của cả triều đại. Vì thế, dưới thời Nguyễn, các cụm công trình kiến trúc quan trọng của Huế đều được thiết kế gắn liền với yếu tố cảnh quan phong thủy, như những ngọn núi, quả đồi hay dòng sông, con suối, đặc biệt là hồ nước, đều có thể mang tư cách “tiền án”, “hậu chẩm”, “tả thanh long”, “hữu bạch hổ”,... Đó chính là “những thuộc tính văn hóa tâm linh tạo nên giá trị nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế”.

Sau những biến thiên dữ dội của lịch sử, Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay bao gồm hệ thống di tích kiến trúc thành quách, cung điện và lăng tẩm của các vua quan nhà Nguyễn ở nội và ngoại vi thành phố. Mỗi đền đài, lăng tẩm là một tổ hợp những công trình kiến trúc nằm trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Mỗi công trình kiến trúc lại mang trên mình vẻ đẹp riêng biệt như: lăng Gia Long hoành tráng; lăng Minh Mạng thâm nghiêm; lăng Thiệu Trị giản dị; lăng Tự Đức thơ mộng; lăng Đồng Khánh xinh xắn; lăng Khải Định tinh xảo... Các lăng tẩm ở Huế xứng đáng được đánh giá là thành tựu rực rỡ nhất trong các di sản kiến trúc cung đình của người Việt Nam. Quả không sai khi Cố đô Huế được các chuyên gia di sản văn hóa quốc tế ví như “một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị”.

Quần thể di tích Cố đô Huế cũng để lại cho chúng ta những bài học lịch sử hết sức sinh động về thái độ ứng xử văn hóa với môi trường thiên nhiên trong quá trình đô thị hóa. Quan niệm “thiên - địa - nhân”, thuyết “âm - dương”, “ngũ hành” và các nguyên tắc phong thủy điển hình của phương Đông đã được vận dụng khá nhuần nhuyễn trong việc xây dựng Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành cùng các lăng tẩm, đền đài, miếu mạo, chùa chiền... Từ đó đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về thẩm mỹ và cảm quan nghệ thuật cho du khách bốn phương. Các yếu tố thiên nhiên đã trở thành một phần quan trọng trong “di sản kiến trúc đô thị” Huế. Ngược lại, các công trình kiến trúc văn hóa - nghệ thuật, tôn giáo - tín ngưỡng cũng đã trở thành “Thiên nhiên thứ hai - thiên nhiên văn hóa của con người”.

Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ là một hợp thể hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc mà còn chứa đựng sự đa dạng văn hóa, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó lối sống cung đình của hoàng gia, nếp sống thanh lịch, tế nhị của cộng đồng cư dân Kinh thành đã trở thành yếu tố văn hóa cốt lõi làm nên sự hấp dẫn cho Huế xưa và nay.

Về giá trị khoa học

Trong suốt thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, diện mạo của Quần thể kiến trúc Cố đô Huế luôn được giữ gìn, tu bổ và củng cố bởi Bộ Công của triều đình Nguyễn. Việc xây dựng được định hướng trên cơ sở những điều cấm và quy định hết sức chặt chẽ, chi tiết của triều đình. Quan trọng hơn cả là những ý tưởng quy hoạch liên quan mật thiết đến phong thủy - yếu tố có tính quyết định đối với việc lựa chọn vị trí và thiết kế các công trình. Điều đó đã mang lại cho quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Huế những ý nghĩa biểu tượng quan trọng cũng như sự thống nhất trong cách thể hiện mà giá trị nhiều mặt của nó còn mãi đến hôm nay.

Quần thể di tích Cố đô Huế là điển hình nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông, được thể hiện ở tính toàn vẹn và tính chân xác của di tích.

Tính chân xác của Quần thể di tích Cố đô Huế có thể được hiểu thông qua cách bố trí thiết kế độc đáo của di sản - nơi đã trở thành kinh đô phong kiến của đế chế Việt Nam hùng mạnh nhất vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Những đặc điểm cơ bản về kiến trúc và cảnh quan của Quần thể di tích Cố đô Huế đã được duy trì nguyên vẹn kể từ lần xây dựng đầu tiên vào đầu thế kỷ XIX và kéo dài sang những năm 40 của thế kỷ XX. Hiện nay, mặc dù một số công trình đang còn là phế tích, và hầu hết các di tích quan trọng còn đang được trùng tu từng phần. Việc trùng tu đã được tiến hành thông qua sử dụng những kỹ thuật và vật liệu truyền thống theo những chuẩn mực chuyên môn quốc tế trong ngành bảo tồn để đảm bảo tính chân xác của các di tích.

Tuy nhiên, theo dòng chảy thăng trầm của lịch sử, Quần thể di tích Cố đô Huế đã và đang chịu nhiều tổn thương, mất mát từ tác động của các cuộc chiến tranh cũng như từ sự phát triển của xã hội hiện đại với việc mở rộng xây dựng các công trình kiến trúc. Mặc dù vậy, về tổng thể, Quần thể di tích Cố đô Huế vẫn được bảo tồn khá tốt. Quá trình tu bổ, xây dựng được ghi chép hồ sơ một cách chi tiết, đầy đủ.

Trên nền cảnh môi trường tự nhiên của mảnh đất sông Hương núi Ngự, quần thể kiến trúc Kinh thành, các đền đài và lăng tẩm của Quần thể di tích Cố đô Huế được bố trí phù hợp với các nguyên tắc phong thủy, thể hiện ý nghĩa biểu tượng, vẻ đẹp và tầm quan trọng của di sản. Bằng chứng là quy hoạch ban đầu trong cách bố trí này đến nay vẫn còn được duy trì. Tuy nhiên một số thuộc tính cho thấy, một số di tích có mối liên hệ rộng hơn với dòng sông Hương hiện đang nằm ngoài phạm vi ranh giới của di sản. Việc bố trí quy hoạch tổng thể đô thị trong cảnh quan của Quần thể di tích này cần được cân nhắc nhằm bảo tồn hiệu quả các giá trị của nó và bảo đảm tính khoa học trong quy hoạch đô thị.

Từ khi được vinh danh là di sản văn hóa thế giới (1993), Quần thể di tích Cố đô Huế còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể thống nhất, toàn vẹn kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, miếu, đền đài, lăng tẩm được quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc phong thủy phương Đông. Đây là quần thể di tích tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là những giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc.

Như nhận xét của các chuyên gia di sản văn hóa thế giới, Quần thể di tích cố đô Huế là một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông. Có thể coi đây là một bằng chứng xác thực nhất về tinh thần đổi mới tư duy cũng như đóng góp xứng đáng của Việt Nam cho thế giới trong tiến trình giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế thông qua hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Nguyễn Quang Huy

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Thuận An: Kiến trúc cố đô Huế, Nxb. Đà Nẵng, 2009.

2. Phan Thuận An, Tôn Thất Bình, Lê Hòa Chi: Cố đô Huế đẹp và thơ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1996.

3. Thái Văn Kiểm: Cố đô Huế: Lịch sử - Cổ tích - Thắng cảnh, Nvh. Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn, 1960.

4. Thái Công Nguyên (Chủ biên): Quần thể di tích Huế - di sản thế giới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, 1999.

5. Công cuộc bảo tồn di sản thế giới ở Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, 2003.


Bình luận