Tạo ra động lực mới cho văn hóa phù hợp với giai đoạn mới của cách mạng
Văn hóa thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần nhưng một khi văn hóa được quần chúng nhân dân tiếp nhận; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng, thâm nhập vào quần chúng, nó sẽ biến thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn.
Điều này để lý giải khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn, chồng chất, trước nạn ngoại xâm, những người đứng đầu đất nước, đã kêu gọi nhân dân nhất tề đứng lên, cùng nhau quyết tâm giải quyết những khó khăn. Kể cả những lúc vận mệnh đất nước đứng trước “ngàn cân treo sợi tóc”, Hội nghị Diên Hồng; cuộc kháng chiến chống quân Minh... đã khẳng định điều đó. Trong lịch sử hiện đại, thời đại Hồ Chí Minh càng cho thấy điều đó là chân lý.
Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ vai trò của văn hóa. Ngay từ năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đưa ra “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Khẳng định văn hóa của chúng ta phải là dân tộc, khoa học, đại chúng. Sau này, Đảng ta cũng khẳng định phải phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc kết hợp với kế thừa tinh hoa văn hóa của thời đại.
Nhưng hiện nay, văn hóa, đạo đức đang có xu hướng giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản có thể nêu, đó là:
Thứ nhất, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường. Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, trong khó khăn về kinh tế, con người sống với nhau vẫn có tình có nghĩa. Người ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau thuận lợi, nhận khó khăn về phần mình hỗ trợ cho nhau, không hề tính toán hơn thiệt. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, con người năng động hơn. Kèm theo đó là vai trò của đồng tiền ngày càng lên ngôi thống trị. Quan hệ của con người trong gia đình, ngoài xã hội, trong cơ quan không còn như trước. Từng bước, mối quan hệ giữa người với người bị chi phối bởi đồng tiền. Cũng từ đây xuất hiện những khái niệm xa lạ khác trước, đó là “văn hóa phong bì”, “văn hóa gầm bàn”, lợi ích nhóm, lopby, tham nhũng... ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.
Thứ hai, thuộc vấn đề giáo dục. Trong hệ phổ thông mười năm trước đây. Học sinh phải học tất cả các môn. Cấp một, cấp hai thì học luân lý, đạo đức; lên cấp ba - lớp tám, chín, mười mới học chính trị, cùng với các môn khác về tự nhiên, xã hội,... Học sinh phổ thông phải học đều các kiến thức phổ thông về tự nhiên, xã hội. Chỉ khi vào các trường sau phổ thông mới là sự “phân ban”. Còn bây giờ, ngay từ cấp ba - phổ thông trung học đã có có sự phân ban: A, B, C, D nhằm rút ngắn thời gian đào tạo. Kết quả là các môn học khác, thực tế cho thấy ngoài phần phân ban, phần lớn chỉ học đối phó cho qua nên kiến thức bị “hổng”. Nhất là các môn xã hội bị coi nhẹ, như môn Lịch sử chẳng hạn. Trong khi ở Cu Ba, lịch sử được coi là môn học số một.
Thứ ba là công tác cán bộ. Khi có chủ trương, chính sách đúng, cán bộ quyết định sự thành bại. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi người cán bộ toàn tâm, toàn ý, có đủ tâm, đủ tầm thực hiện trọng trách được xã hội, tổ chức và nhân dân giao phó, ủy thác. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta đã làm được điều đó. Khi cách mạng chuyển giai đoạn, số cán bộ trước đây đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo/cán bộ tất yếu được đặt ra. Hiện nay, thay vì phấn đấu, cống hiến thì cán bộ đa phần chỉ phấn đấu theo chức vụ để hưởng bổng lộc; tuổi trẻ, nhưng đã đam mê quyền lực, dùng quyền lực chi phối kẻ có tiền; khi có tiền lại chi phối kẻ có quyền. Sự khiêm tốn, đạo đức, văn hóa đã bị đánh mất.
Thứ tư, chính sách, pháp luật của nhà nước chưa đồng bộ, thiếu đòn bẩy cũng như những chế tài cần thiết. Trách nhiệm cá nhân không được đề cao. Quan điểm của Đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm. Mục đích làm cho sự lãnh đạo sáng suốt, lựa chọn được nhiều phương án khác nhau để qua đó cho phép lựa chọn phương án tối ưu. Còn cá nhân chịu trách nhiệm thi hành theo trách nhiệm được giao, theo chức trách được phân công của mình. Hiện nay, có những cá nhân không bị xử lý khi làm sai, hoặc không đúng, không hết trách nhiệm của mình được giao. Chính vì vậy, dẫn tới tình trạng lãng phí, vô trách nhiệm, nhưng lại không tìm được ra “thủ phạm” cụ thể.
Thứ năm, khi đất nước chuyển giai đoạn cách mạng từ chiến tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền sang giai đoạn đã có chính quyền, xây dựng chế độ xã hội mới chưa có hiệu quả như mong muốn. Tình trạng vô trách nhiệm, lãng phí của công diễn ra nhan nhản khắp nơi. Hàng trăm, ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng chục ngàn tỷ bị chôn vùi vào những công trình không có hiệu quả? Mà lại không ai chịu trách nhiệm cụ thể trước nhân dân. Luật đã ban hành, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện - hiện Chính phủ còn nợ khoảng trên 50% văn bản dưới luật. Cho đến nay, còn trên 260 giấy phép trái quy định của các văn bản pháp luật vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điều vô lý.
Những thế hệ, những con người đã hy sinh xương máu, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, khi đó, lợi ích của từng người với lợi ích của đất nước, dân tộc là một. Kẻ thù bị đánh đuổi, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã phần nào phai nhạt lý tưởng.
Thời kỳ quá độ của Việt Nam là quá độ gián tiếp, nhiều vấn đề cần phải xem xét, trao đổi thận trọng. Mọi sự nóng vội, đốt cháy giai đoạn đều phải trả giá. Trong công tác tuyên truyền, trước đây quá đi vào cái chung, cái trừu tượng, coi nhẹ cái riêng, cái cụ thể. Bây giờ lại ngược lại, cái gì cũng phải cụ thể, “coi nhẹ” cái chung. Luôn chạy từ “cực” này sang “cực” khác.
Văn hóa cũng là đạo đức, là văn minh. Vì vậy, ngay từ khi con người còn nhỏ đã quan tâm giáo dục. Giáo dục toàn diện để góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam. Sống có đạo lý, thủy chung, không bó tay trước nghịch cảnh, luôn vượt lên những hoàn cảnh khó khăn. Chứ không phải đợi khi lớn lên mới dạy văn hóa, đạo đức cho họ. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo phải được nhận thức đầy đủ, đồng thuận với tất cả mọi ngành, mọi người, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Hệ thống văn bản pháp quy phải được xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ. Làm sao để người cán bộ dù ở bất cứ cương vị nào cũng bị chi phối bởi những biện pháp, chế tài, trước khi được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, theo đúng tinh thần, cán bộ công chức chỉ được phép làm theo quy định của pháp luật.
Trình độ dân trí hiện nay đã được nâng lên rất nhiều. Đòi hỏi bản thân những người cán bộ, công chức cũng phải đáp ứng. Văn hóa nơi công sở, văn hóa giao tiếp của những người, như Bác Hồ yêu cầu, phải là công bộc của nhân dân.
Hiện nay, tiến trình hội nhập với thế giới đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng sâu rộng. Việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cũng cần phải xem xét, chúng ta hòa nhập, chứ không hòa tan.
TS. Nguyễn Văn Bảng
Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực