Mối quan hệ văn hóa - du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và đổi mới

Ngày đăng: 12/01/2017 - 14:01

1. Toàn cầu hóa, đổi mới và du lịch

Toàn cầu hóa là khái niệm ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX, dùng để chỉ quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng, tác động và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các quốc gia - dân tộc trên thế giới, làm biến đổi các mối quan hệ quốc tế. Trong quá trình đó, mỗi quốc gia - dân tộc chỉ có thể tồn tại và phát triển khi hòa mình trong cộng đồng thế giới, trở thành một mắt xích trong sợi dây chuyền của nền kinh tế thế giới.

Toàn cầu hóa là bước phát triển mới của quá trình quốc tế hóa. Nếu như trước đây, quá trình quốc tế hóa được chi phối và thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghiệp, thì gắn với toàn cầu hóa là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, với sự ra đời của một loạt ngành mới (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới...) đã tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia. Toàn cầu hóa chủ yếu diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, chính trị, văn hóa, xã hội.

Toàn cầu hóa về kinh tế thế giới được thực hiện thông qua việc gỡ bỏ các rào cản thương mại quốc tế (thuế quan, hạn ngạch xuất nhập khẩu), tự do luân chuyển dòng vốn... nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực thông qua phân công lao động toàn cầu; tăng tính hiệu quả của hợp tác quốc tế, chuyên môn hóa và cạnh tranh. Kinh tế quốc gia hội nhập kinh tế thế giới thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhập khẩu tư bản và phát triển khoa học công nghệ. Đây cũng là quá trình giao lưu và thẩm thấu giữa các nền văn hóa.

Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội đất nước, trong đó có văn hóa và du lịch.

Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, với mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm, hoặc với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn và những mục đích khác, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài nơi định cư. Du lịch, ngoài ý nghĩa truyền thống của bản thân loại hình này, còn có ý nghĩa kết hợp: du khách vừa tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá; vừa có thể kết hợp tìm hiểu các cơ hội đầu tư, hợp tác và phát triển.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh tại Việt Nam, đóng góp đáng kể vào việc tạo ra việc làm, nhất là cho những đối tượng khó tiếp cận thị trường lao động như phụ nữ, lao động nhập cư và cư dân nông thôn. Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, du lịch còn tạo thuận lợi cho các mối quan hệ và sự hiểu biết giữa con người và các nền văn hóa đa dạng trên thế giới, là phương tiện để tăng cường hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc, tạo môi trường thuận lợi trong các mối quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa quốc tế. Ngoài ra, du lịch còn mang ý nghĩa chính trị - xã hội, chẳng hạn du lịch mang mục đích ngoại giao, hay việc tổ chức du lịch đến những vùng lãnh thổ đang có sự tranh chấp giữa các quốc gia như một sự khẳng định chủ quyền.

Hiện nay, các loại hình du lịch ngày càng đa dạng. Xét về mục đích thông thường thì có du lịch văn hóa, du lịch nghỉ ngơi. Xét về mục đích chuyên biệt thì có du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch chữa bệnh, du lịch triển lãm thương mại, du lịch nông nghiệp, du lịch thám hiểm, du lịch khoa học, du lịch học tập, du lịch tín ngưỡng,... Một số loại hình du lịch đặc biệt như du lịch thám hiểm dã ngoại (lặn biển, leo núi, hang động...), du lịch không gian (bằng máy bay trực thăng, thủy phi cơ, khinh khí cầu...). Nếu xét về số lượng du khách có theo đoàn (tập thể), du lịch gia đình, du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch lẻ. Ngoài ra, còn có loại hình du lịch tự tổ chức, tự phục vụ.

Về mặt điều kiện, du khách đang ngày càng trở nên giàu có hơn về tài chính, dễ dàng tiếp cận thông tin về các điểm đến với sự hỗ trợ tiện lợi của công nghệ thông tin, dễ dàng di chuyển đến nhiều vùng địa lý khác nhau nhờ việc tháo bỏ các hàng rào xuất nhập cảnh và gia tăng các loại hình vận chuyển. Du khách ngày càng tỏ ra có trình độ hiểu biết cao và kinh nghiệm du lịch phong phú, nhu cầu du lịch đa dạng, nên dường như họ đang trở nên khó tính với những yêu cầu cao hơn, phong phú và chuyên biệt hơn, gắn liền sự di chuyển với những trải nghiệm, giao lưu và khám phá văn hóa đa dạng của các vùng miền, quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là tham quan, nghỉ dưỡng.

Những sự đa dạng này (về loại hình du lịch, điều kiện của du khách...) đang tạo áp lực lên nền văn hóa bản địa - nơi có hoạt động du lịch. Số lượng nhiều du khách di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ khu vực này tới khu vực khác và cơ hội tiếp xúc với người bản địa không chỉ tạo cơ hội giao lưu văn hóa, mà trong nhiều trường hợp còn gây nên những sự xâm nhập và làm xáo trộn văn hóa bản địa cũng như ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực du lịch.

2. Mối quan hệ văn hóa - du lịch trong bối cảnh hiện nay

Mối quan hệ văn hóa - du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau.

Trước hết là ảnh hưởng của văn hóa đối với du lịch.

Nền văn hóa bản địa tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, từ đó góp phần đưa hình ảnh quốc gia/địa phương đến với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, trực tiếp và sinh động. Về bản chất, du lịch là một hoạt động văn hóa cao cấp của con người. Văn hóa tiềm ẩn đằng sau du lịch là nhu cầu nội sinh thôi thúc du khách lên đường và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới.

Văn hóa là nguồn tài nguyên độc đáo của du lịch xét trên cả hai phương diện văn hóa vật thể (cảnh quan, di sản kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử, hàng thủ công mỹ nghệ, công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt, ẩm thực...) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật truyền thống, lối sống bản địa, phong tục tập quán địa phương, tín ngưỡng...). Văn hóa là nền tảng cho việc phát triển du lịch bền vững, vì nó vừa là điểm nhấn thu hút du khách, vừa là cội rễ để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng, tạo nên tính nhân văn cộng đồng.

Văn hóa còn biểu hiện trong việc kinh doanh du lịch như hành vi ứng xử và cách thức kinh doanh giữa công ty lữ hành với du khách, giữa cư dân địa phương tham gia làm du lịch với du khách, giữa con người với môi trường du lịch, thậm chí còn trong cả mối quan hệ giữa người dân không tham gia làm du lịch với du khách.

Bên cạnh đó, du lịch cũng có tác động trở lại đối với văn hóa.

Qua con đường du lịch, văn hóa bản địa được đưa đến với du khách qua những cách thức khác nhau: tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa... từ đó tăng cường sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng miền. Sản phẩm du lịch đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa vì du khách khi tới một vùng đất mới thì nhu cầu văn hóa tinh thần luôn đi đôi với nhu cầu văn hóa vật chất.

Du lịch đem lại nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế và văn hóa, nguồn thu từ du lịch được sử dụng để bảo tồn và duy tu các công trình văn hóa hiện có, xây dựng mới các công trình văn hóa,
tài trợ cho các hoạt động văn hóa, từ đó quay trở lại góp phần phát triển du lịch.

Du lịch góp phần phát huy khôi phục giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như các công trình kiến trúc văn hóa cổ, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sinh hoạt vật chất cổ xưa mang bản sắc địa phương.

Du lịch cũng góp phần tích cực vào sự đa dạng của văn hóa, mang các nét văn hóa của du khách đến với nền văn hóa bản địa, du nhập những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa bên ngoài và tôn vinh văn hóa bản địa trên phương diện vừa kế thừa vừa đổi mới.

Tuy nhiên, du lịch cũng đem lại những bất ổn đối với văn hóa, trước hết từ những thay đổi ở khu vực kinh tế.

Đối với các nước đang phát triển, quá trình toàn cầu hóa dẫn tới quá trình tư nhân hóa và sự thay đổi về cơ cấu việc làm diễn ra khá nhanh, trong khi cơ chế bảo đảm cho một sự vận hành ổn định chưa thực sự được xác lập một cách vững chắc. Khu vực kinh tế phi chính thức tăng lên nhanh chóng, đồng thời xuất hiện các hình thức việc làm phi chuẩn. Trong các nền kinh tế đang phát triển, tạo việc làm chủ yếu ở khu vực kinh tế phi chính thức, nơi có khoảng 60% số lao động tìm cơ hội việc làm. Tuy nhiên, đây cũng lại là khu vực công việc không ổn định, thu nhập thấp, không được tiếp cận phúc lợi xã hội, ít cơ hội tham gia vào các chương trình đào tạo; năng suất lao động thấp. Người lao động có trình độ học vấn thấp, lao động nhập cư, phụ nữ và trẻ em được tận dụng ở khu vực kinh tế phi chính thức, trong khi những người được đào tạo chuyên môn và nam giới chủ yếu làm việc ở khu vực kinh tế chính thức có thu nhập cao hơn.

Trong quá trình toàn cầu hóa, khu vực kinh tế phi chính thức có nhiều ưu điểm như sự năng động, linh hoạt, dễ thích nghi với thay đổi, có khả năng gia nhập và rút lui nhanh chóng, nhưng nó lại hạn chế tiềm năng của các nước đang phát triển trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế thế giới do thiếu tính ổn định và chuyên nghiệp. Tại địa bàn du lịch ở các nước đang phát triển, những công việc phục vụ cho du lịch chủ yếu dựa vào khu vực phi chính thức và nguồn nhân lực hạn chế này. Nó tạo cơ hội việc làm cho các nhóm cư dân vốn ít có cơ hội đào tạo nghề nghiệp ở trình độ cao kể cả về kỹ năng khai thác kinh tế du lịch, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ mất công bằng xã hội, làm sâu sắc thêm chênh lệch về thu nhập cũng như quyền tiếp cận bình đẳng các cơ hội giáo dục và phát triển.

Việc coi nhẹ sự bền vững và các giá trị nhân văn trong khi cung cấp dịch vụ du lịch, quá coi trọng lợi nhuận trước mắt đã làm tổn hại môi trường du lịch, làm suy giảm tính văn hóa trong phát triển du lịch. Lao động ở khu vực phi chính thức khi tham gia khai thác du lịch chưa được quan tâm đào tạo kỹ năng và khai thác đúng đắn các nguồn lợi du lịch, tận dụng được các đặc sắc về văn hóa - xã hội ở khu vực khai thác du lịch, chưa chú ý đến việc phát triển du lịch đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương và thiếu kiến thức trong việc hội nhập môi trường kinh tế du lịch đa văn hóa.

Những ảnh hưởng đối với văn hóa một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (qua đặc điểm của khu vực kinh tế phi chính thức ở các nước đang phát triển) từ du lịch gây ra những xáo trộn nhất định. Trước áp lực kinh tế và việc làm, khi một bộ phận đáng kể thế hệ sau lớn lên không tiếp tục kế thừa truyền thống văn hóa bản địa, chỉ quan tâm đến những lợi ích kinh tế trước mắt mà du lịch đem lại. Cùng với điều đó, trong quá trình giao lưu văn hóa sẽ xuất hiện sự đụng độ giữa các nền văn hóa từ du khách mang đến với văn hóa bản địa, khiến môi trường văn hóa bản địa bị tác động, ảnh hưởng. Ví dụ như ở Tây Nguyên, Sa Pa, vùng văn hóa của các dân tộc thiểu số đang bị thu hẹp bởi văn hóa của du khách và người nhập cư từ nhiều nơi mang đến, nhận thức, văn hóa, lối sống và ngôn ngữ của các thế hệ trẻ cũng xa dần tính chất bản địa truyền thống.

3. Phát triển văn hóa du lịch bền vững

Toàn cầu hóa đặt ra cả thách thức và cơ hội mới cho các lĩnh vực, trong đó có du lịch, phát triển văn hóa du lịch bền vững.

Để văn hóa du lịch phát triển bền vững, phải bắt đầu từ du lịch bền vững.

Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và người bản địa, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia, đồng thời quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo nguồn lực văn hóa - môi trường - xã hội cho phát triển du lịch trong tương lai.

Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương, được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến những nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào.

Ba trụ cột chính cho sự phát triển du lịch bền vững: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Tương tự, Mạng lưới Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (United Nation World Tourism Organization Network - UNWTO) chỉ ra rằng: du lịch bền vững cần phải đáp ứng được ba tiêu chí: 1) Về môi trường: sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu và duy trì di sản thiên nhiên cũng như đa dạng sinh học tự nhiên. 2) Về xã hội và văn hóa: tôn trọng tính chất xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng và đang sống động, đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa. 3) Về kinh tế: bảo đảm sự hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp lợi ích tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ công bằng, bao gồm cơ hội việc làm và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, đóng góp vào việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Để góp phần vào tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, ngành du lịch cần thay đổi, lấy phục vụ, trong đó vừa phục vụ chuyên biệt vừa phục vụ đa dạng làm chìa khóa cho mở cửa thị trường, thay đổi trong thiết kế các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của du khách, linh hoạt trong giá cả và phương thức phục vụ.

Bên cạnh đó, tiêu dùng du lịch ngày càng mang tính chuyên biệt, đòi hỏi nhân lực ngành du lịch phải được chuẩn hóa, chuyên sâu, thậm chí nâng lên tầm chuyên gia thay vì tính chất đại chúng của du lịch truyền thống.

Du lịch bền vững sẽ dẫn đến sự hình thành một cách tự giác mô hình văn hóa du lịch bền vững, lấy văn hóa làm hạt nhân cho du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo và ổn định.

Hướng tới vấn đề công bằng xã hội và bảo vệ môi trường đòi hỏi phải hoạch định các chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong du lịch, tạo việc làm, nâng cao trình độ người lao động thông qua việc tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng với các nguồn vốn và các kênh thông tin. Tiếp cận du lịch từ góc độ địa phương và bản sắc dân tộc để vừa đem lại sự hấp dẫn, mới mẻ cho du khách, vừa khai thác và bảo tồn các giá trị bản địa. Không một công trình xây dựng vật chất nào có thể thuyết phục và hấp dẫn du khách mạnh mẽ và lâu dài hơn là những công trình được kiến tạo bởi văn hóa tinh thần. Người dân bản địa khi tham gia làm du lịch sẽ nhận thức được lợi ích trực tiếp, lâu dài mà ngành kinh tế này mang lại, chính họ sẽ góp phần giữ gìn nguồn lợi du lịch bền vững dưới sự hỗ trợ của nhà quản lý và hoạch định chính sách.

Cũng cần quan tâm đến vai trò của giáo dục và truyền thông đại chúng trong lĩnh vực du lịch, nhận thức về phát triển du lịch bền vững. Đối với du khách, cần làm sao cho một chuyến đi không chỉ là một chuyến du lịch thuần túy, mà còn trở thành một lối sống
văn minh, với cảm hứng phát hiện cái đẹp, cái mới lạ và nhân văn ở những vùng đất đã đi qua. Đối với cư dân bản địa và nhân lực trực tiếp làm du lịch, phải coi du lịch không chỉ là ngành kinh tế để khai thác trước mắt mà còn là lâu dài, không chỉ là lợi nhuận mà còn là những giá trị nhân văn sâu sắc và bền vững.

TS. Võ Minh Tuấn

Khoa Lý luận chính trị, Học viện Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Trích trong cuốn sách "Văn hóa với động lực của sự nghiệp đổi mới"

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tháng 12-2015

Bình luận