Ý nghĩa nhân văn của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Ngày đăng: 30/01/2017 - 09:01

Hình tượng vua đi cày trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là thông điệp về truyền thống trọng nông, thông điệp về quan điểm vì dân, gần dân trong văn hóa của người Việt. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có từ ngàn xưa, mang đậm ý nghĩa nhân văn cùng với mục đích phát huy truyền thống khuyến nông của dân tộc.

tung bung le hoi 191

Tưng bừng Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Năm 980, vua Lê Đại Hành (941-1005) lên ngôi, lãnh đạo nhân dân ta đánh bại giặc phương Bắc, bình định phương Nam, ổn định triều chính, đồng thời thực thi nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp. Mặc dù phải giải quyết rất nhiều nhiệm vụ cấp bách nhưng vua Lê Đại Hành vẫn tổ chức nghi lễ tịch điền vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”1.

Đến đời nhà Lý, nghi lễ tịch điền được triều đình tổ chức thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Nhâm Thân năm thứ 5 (1032), mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên. Ngày ấy trở về cung.

... Mậu Dần (Thông Thụy) năm thứ 5 (1038), mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế”? Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”. Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3 vua về Kinh sư.

... Nhâm Ngọ (Càn Phù Hữu Đạo) năm thứ 4 (1042), mùa xuân, tháng 3 vua ngự ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền rồi về Kinh sư”2.

Nghi lễ tịch điền được miêu tả chi tiết, sâu sắc nhất trong các thư tịch lịch sử của triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên có ghi: “Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, kỳ lão và nông phu đều hai người dắt trâu, thị vệ hai người đỡ cày. Ca sinh hát bài “Hoa từ”, nhạc sinh múa cờ màu; nhã nhạc cử nhạc. Phủ Thừa Thiên bưng thùng lúa đi theo. Hoàng tử cùng quan bộ Hộ đều cử một người theo sau vãi lúa. Vua cày ba đường đi ba đường lại xong, ngự lên đài Quan canh. Các quan ở dưới đài chia hai bên đứng hầu. Các hoàng tử, và thần công theo cày, đều đội mũ vàng mặc áo đỏ, cầm cày cầm roi cày năm đường đi năm đường lại, kế đến văn võ đại thần chín người, văn đội mũ văn công, võ đội mũ hở đầu, đều mặc áo lam, cùng cầm cày cầm roi cày chín đường đi chín đường lại. Đều dùng thuộc lại kinh huyện đi theo sau bưng thùng lúa vãi lúa. Lễ xong, vua ngự điện cụ phục, thay mặc long bào rộng tay, lên kiệu. Đại nhạc nhã nhạc đều nổi. Các quan lại ở trong cửa phường quỳ tống”3.

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức nghi lễ tịch điền nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, phát huy truyền thống trọng nông của dân tộc. Khuyến nông thực sự trở thành quốc sách. Nghi lễ tịch điền cũng trở thành quốc lễ, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của nước nhà đối với nông nghiệp và nông dân, mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Sau khi nước ta giành được độc lập, nhất là từ khi miền Bắc giải phóng, nhân dân xây dựng hậu phương lớn, tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ cũng rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Người trực tiếp phát động phong trào “nông dân thi đua canh tác” (tháng 2 năm 1951); trực tiếp sửa chữa rất kỹ bản dự thảo Điều lệ Hợp tác xã. Đặc biệt, hình ảnh Bác xắn quần lội ruộng, tát nước chống hạn với người dân là những hình ảnh đẹp phản ánh quan niệm trọng nông, vì đời sống nông dân, luôn sống mãi trong lịch sử nước nhà.

Nhằm bảo tồn nét văn hóa tâm linh tốt đẹp này của dân tộc, phát huy truyền thống “dĩ nông vi bản”, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục hồi trở lại từ năm 2009 với nhiều nghi lễ truyền thống hấp dẫn, giàu giá trị trọng nông. Sáng mồng 7 tết Canh Dần (tức ngày 20-2-2010), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã xuống ruộng, tiến hành nghi thức cày ruộng, khai mạc Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Đây là vị Chủ tịch nước đầu tiên thực hiện nghi lễ tịch điền ở Đọi Sơn sau khi phục dựng, khai mở một năm nông nghiệp phát triển. Hình ảnh vị Chủ tịch nước trong trang phục của nhà nông, điều khiển chú trâu mộng to khỏe kéo cày với chiếc lưỡi cày sáng loáng, sắc nhọn, cày lật dứt khoát từng luống đất trên thửa ruộng xuân trong nghi lễ tịch điền làm sống dậy truyền thống văn hóa khuyến nông của người Việt Nam, tôn vinh giai cấp nông dân, khẳng định vị trí quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế chung của đất nước. Từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được coi trọng và duy trì hằng năm với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan,...

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước vẫn có 65,4% số dân sinh sống ở nông thôn, gắn bó với ngành nông nghiệp; hơn thế nữa, đứng trước tình trạng nông dân không còn mặn mà với nghề nông, bỏ ruộng đồng hoang hóa (chỉ tính riêng ở các tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình trong những năm qua đã có hơn 2.300 ha ruộng đất nông nghiệp bị bỏ hoang4) trong xu thế đất nước chuyển mình, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn có ý nghĩa như lời hiệu triệu toàn thể Nhân dân cùng vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững, toàn diện.

TS. TRẦN HỮU SƠN

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

1, 2. Viện Khoa học xã hội ViệtNam: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t. 1, tr. 224; 255, 259, 262.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch của Viện Sử học): Đại Nam thực lục chính biên, 1964, tr. 21-24.

4. Tổng cục Thống kê: Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Bình luận