Tám kế sách lớn bảo vệ Tổ quốc từ xa trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 07/02/2017 - 15:02

Bảo vệ Tổ quốc từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là đường lối chiến lược xuyên suốt của dân tộc ta từ khi dựng nước, lập quốc đến nay. Tám kế sách lớn mà các triều đại phong kiến Việt Nam đề ra để thực hiện thành công đường lối chiến lược đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

1. An dân, “khoan thư sức dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc

An dân, chăm lo cho dân, thực hiện “khoan thư sức dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là kế sách lớn hàng đầu mà bất cứ triều đại phong kiến nào của nước ta cũng nhận thức và thực hiện để giữ nước ngay từ thời bình. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi trả lời vua Anh Tông nhà Trần đã nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước, không còn gì hơn”1. Ông cũng đã từng can vua: “Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm, việc cần kíp của triều đình cần làm ngay không thể chậm trễ là úy lạo nhân dân. Người xưa có nói: “Chúng chí thành thành”, nghĩa là ý chí của dân chúng là bức thành kiên cố, đó mới là cái thành cần sửa chữa ngay, xin nhà vua xét kỹ”2.

Tổng kết 10 năm kháng chiến chống quân Minh và kinh nghiệm giữ nước từ xa của các triều đại trước, Lê Lợi, Nguyễn Trãi chủ trương an dân, chăm lo phát triển kinh tế, giảm bớt thuế khóa, giảm bớt hình phạt để dân có được một cuộc sống yên lành. Nguyễn Trãi từng nói: “Sửa đức để cầu mệnh trời; ngăn quyền hào để nuôi sức dân; cấm phiền hà để dân sống khá; cấm xa xỉ để dân phong túc; dẹp trộm cướp để dân ở yên; sửa quân chính để bảo vệ dân sinh… thương nuôi dân mọn”, thực hiện “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”3. Ông khái quát một quy luật lớn: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”; “chở thuyền và lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng, con cả của Hồ Quý Ly thời nhà Hồ: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” là một khái quát cao về sức mạnh của lòng dân, là sự đúc kết kinh nghiệm giữ nước từ xa trước hết phải giữ được lòng dân, xây dựng được “ thế trận lòng dân” vững chắc.

2. Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” - kết hợp kinh tế với quốc phòng, sẵn sàng động viên chiến tranh khi có họa xâm lăng

Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách “ngụ binh ư nông”4. Với chính sách này, nhà nước phong kiến luôn duy trì được một số lượng hợp lý quân thường trực để sẵn sàng cơ động và một lực lượng quân dự bị hùng hậu gửi trong dân làm nghề nông, phát triển kinh tế. Khi đất nước có họa xâm lăng, trong một thời gian ngắn, triều đình gọi số quân gửi trong dân này ra làm lính thường trực bảo đảm đủ số lượng quân theo yêu cầu thời chiến và nhanh chóng chiến đấu được ngay. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: Thời Trần, “phục binh ở nơi thuận tiện, lúc vô sự thì cho về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi ra hết” nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống quân thù”5.

Chính sách “ngụ binh ư nông” mang nhiều ý nghĩa về kinh tế - quốc phòng và an ninh; xét về góc độ bảo vệ Tổ quốc từ xa lại là một kinh nghiệm quý báu rất có hiệu quả về mặt chuẩn bị lực lượng chống giặc ngoại xâm ngay khi đất nước thời bình.

3. Chăm lo phòng bố, phòng bị đất nước trong thời bình, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, không để đất nước bị bất ngờ trong mọi tình huống

Phòng bố, phòng bị đất nước để đáp ứng các nhu cầu của chiến tranh chống ngoại xâm nếu xảy ra là quan tâm thường xuyên của các triều đại phong kiến Việt Nam. Đó là việc xây thành cao, đào hào sâu, đắp lũy dài, bố phòng các vị trí xung yếu, chăm lo huấn luyện binh sĩ, tổ chức quân đội, chế tạo vũ khí, mua sắm thuyền bè để dùng vào việc đánh giặc. Việc lo phòng bố, phòng bị đất nước từ thời bình chính là hành động giữ nước từ trước, từ xa có hiệu quả, bảo đảm cho đất nước và quân đội không bị động bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Thời Lý, vua Lý Nhân Tông căn dặn Thái tử và quần thần: “Nên sửa sang giáo mác đề phòng việc bất ngờ”. Thời Lê sơ, vua Lê Thái Tổ khi đi kinh lý vùng biên Tây Bắc đã cho khắc vào đá núi hai câu thơ thể hiện tư tưởng chủ động bảo vệ đất nước từ trước, từ xa: “Quốc phòng hảo vị trù phương lược; Xã tắc ưng tu kế cữu an”; “Biên phòng cần có phương lược tốt; Đất nước nên có kế lâu dài6. Ông di chúc lại cho con cháu: “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Vua Minh Mạng triều Nguyễn chỉ dụ cho Nguyễn Tri Phương: “… Chữa giọi cửa nhà từ lúc chưa mưa, là kế lớn của nhà nước”7.

4. Xây dựng đất nước cường thịnh về mọi mặt để làm thế ngăn ngừa từ trước, từ xa họa xâm lăng

Một trong những vấn đề có tính quy luật của công cuộc giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam là khi thế nước mạnh, giặc không dám tới; khi thế nước nhược, nhiều nước sẽ nhòm ngó kiếm cớ xâm lược. Thời Tiền Lê, thế nước rất mạnh, nhờ đó đã đánh tan quân xâm lược nhà Tống, giữ vững độc lập chủ quyền. Các triều nhà Lý tồn tại lâu dài yên hưởng thái bình là vì Đại Việt thời nhà Lý quân hùng, nước mạnh, dân giàu. Nhà Trần cũng tạo được thế ngăn đe, ngăn ngừa rất lớn đối với các nước láng giềng khi biết chăm lo phát triển đất nước giàu mạnh về mọi mặt, nội trị giỏi, ngoại giao khéo, trọng dụng hiền tài, đoàn kết trăm họ, vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, biết bỏ tình riêng, biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, quân đội không chỉ mạnh về sỹ khí mà còn giỏi về chiến lược, chiến thuật nên đã 3 lần đánh tan quân xâm lược bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, đánh bại ý chí xâm lược phục thù của nhà Nguyên đối với nước ta.

Việc phát triển đất nước về mọi mặt để làm thế ngăn đe phòng ngừa từ trước, từ xa âm mưu xâm lược của ngoại bang có thể nói thành công nhất là dưới thời nhà Lê sơ. Nước Đại Việt thời nhà Lê sơ (đặc biệt triều Lê Thánh Tông) kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, nhân dân no ấm, an ninh quốc phòng giữ vững, quân hùng, tướng mạnh đánh đâu thắng đó, là một thời cường thịnh.

Nhà Nguyễn Tây Sơn tuy chỉ tồn tại 14 năm nhưng sự nghiệp lập quốc, dựng nước, dứt Nguyễn ở Đàng trong, diệt Trịnh ở Đàng ngoài, đánh tan giặc Xiêm, đại phá quân Thanh của vua Quang Trung Nguyễn Huệ rất lừng lẫy. Thế nước ta thời vua Quang Trung rất mạnh khiến cho các nước láng giềng phải kiêng dè nể sợ, độc lập, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, đất nước được hòa bình dài lâu.

5. Vua sáng tôi hiền, vua minh quân, thần trung liệt, bộ chỉ huy tối cao đoàn kết, không chia rẽ, bè phái; quyền hành chính trị tập trung cao độ, không để tồn tại các thế lực đối lập cạnh tranh, đó là kế giữ nước từ khi nước chưa nguy

Điểm lại tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, triều đại nào có được vua sáng tôi hiền, vua thực sự là một minh quân, bề tôi thực sự là trung thần, bộ chỉ huy tối cao của đất nước thực sự đoàn kết thống nhất, biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết; trong nước chính trị tập trung không chia bè kéo cánh, không có loạn đảng, triều đại đó không những phát triển mạnh về mọi phương diện mà uy tín, vị thế cũng được đề cao khiến các nước láng giềng không dám tùy tiện động binh xâm lược hay xâm lấn đất đai, họa xâm lăng sớm được ngăn ngừa.

Ngược lại, triều đại nào vua hèn yếu, buông lỏng chính sự, ham ăn chơi, thích kẻ xu nịnh, giết hại trung thần, trong triều lắm bè, lắm phái, quyền lực bị phân tán, các đảng phái đua nhau nổi lên tranh giành quyền lực chính trị, triều đại ấy sớm muộn cũng suy vong, hoặc không phải từ bên ngoài thì từ bên trong, khó lòng cưỡng lại. Bảo vệ đất nước từ trước, từ xa không chỉ là phòng bố, phòng bị những nơi xung yếu mà còn phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất, tài năng, đức độ và sự cố kết gắn bó keo sơn của ban lãnh đạo đất nước, từ vua cho đến triều thần.

6. Sớm khẳng định độc lập, chủ quyền và thực thi quyền chủ quyền đối với cương vực lãnh thổ quốc gia để làm cơ sở pháp lý đấu tranh ngăn chặn mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang

Trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ xa, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải có cơ sở pháp lý. Cơ sở pháp lý tối cao của một quốc gia là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và việc nhà nước thực thi quyền chủ quyền đối với thần dân và lãnh thổ trong phạm vi chủ quyền đã được xác định. Thể hiện trong thực tiễn là việc các triều đại phong kiến Việt Nam sớm lập quốc, xưng đế, xưng vương, xác định quốc hiệu, định vị kinh đô, ban hành luật pháp và thực thi luật pháp, phân định biên giới với các nước lân bang, xác định chủ quyền và thực thi quyền chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ, bao gồm lãnh thổ đất liền, vùng biển, các đảo và quần đảo, tổ chức hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở, đặt hệ thống quan lại để cai trị, đặt các chính sách và chế độ để thi hành, khen thưởng kẻ có công, trừng phạt kẻ có tội, mở mang văn hóa, giáo dục, đạo đức, xây dựng quân đội, rèn đúc vũ khí, luyện tập quân sỹ. Cơ sở pháp lý này là công cụ sắc bén và hữu hiệu để đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và ngăn đe đối phương có mưu đồ phát động chiến tranh xâm lược.

7. Ngoại giao hòa bình trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

Ngoại giao hòa bình trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là kế sách quan trọng của các triều đại phong kiến Việt Nam để ngăn ngừa từ xa, từ trước âm mưu gây chiến tranh xâm lược của ngoại bang, thực hiện “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Hầu như triều đại nào, từ Ngô Vương Quyền đến nhà Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn Tây Sơn, nhà Nguyễn… cũng đều dùng hoạt động ngoại giao hòa bình để ngăn chặn họa chiến tranh xâm lược.

Trong đàm phán ngoại giao, các triều đại phong kiến Việt Nam chủ trương: Về sách lược phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt và khôn khéo, có nhân nhượng nhưng về nguyên tắc phải giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và mục tiêu ngăn chặn chiến tranh xâm lược. Khi các biện pháp ngoại giao hòa bình không ngăn được chiến tranh xâm lược, dân tộc ta mới buộc phải cầm vũ khí chống xâm lược. Thế nhưng, ngay cả khi trực tiếp đánh thắng quân xâm lược, thế như chẻ tre, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng chỉ chủ trương đánh đuổi chứ không chủ trương đánh cùng diệt tận, tạo điều kiện cho kẻ bại trận về nước để tỏ rõ chính sách nhân đạo, hòa bình của dân tộc ta, góp phần làm “tắt muôn đời chiến tranh” giữa hai nước. Sau chiến tranh, chúng ta dùng ngoại giao hòa bình, ngoại giao tại biên, ngoại giao phòng ngừa, ngoại giao trên thế thắng vừa nhu vừa cương để triệt tiêu ý chí phục thù của nước lớn, giữ vững hòa bình lâu dài cho đất nước.

8. Quân hùng tướng mạnh, thống soái tài ba, trên dưới một lòng,“phụ tử chi binh”

Lịch sử dân tộc ta luôn khẳng định, quân hùng, tướng mạnh, thống soái tài ba, trên dưới một lòng,“ phụ tử chi binh” là một nhân tố có tính ngăn đe chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình rất lớn. Các triều đại phong kiến Việt Nam nhận thức rất rõ điều đó và đã đầu tư nhiều công sức xây dựng quân đội hùng mạnh đủ sức đánh bại mọi kẻ thù, bảo vệ đất nước.

Thời Lê Hoàn, quân đội nhà Tiền Lê thực sự là một đội quân dũng mãnh đã đánh tan quân Tống xâm lược, đánh bại quân Chiêm Thành, dẹp yên loạn đảng trong nước. Nhà Lý cũng quan tâm chăm lo xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ đất nước, phá Tống, bình Chiêm, đánh Ai Lao, dẹp phản loạn, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Nhà Trần nhờ có quân đội hùng mạnh, có thống soái tài ba chỉ huy, tướng sỹ đoàn kết một lòng như cha con, nên đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông khiến chúng về sau không dám đem quân phục thù, giữ cho đất nước yên bình dài lâu. Nhà Nguyễn Tây Sơn dựng nghiệp trên lưng ngựa và chiến thắng chủ yếu bằng chiến tranh, nên quân đội nhà Tây Sơn là đội quân thiện chiến đánh đâu thắng đấy… Có được vua ấy, tướng ấy, quân ấy nên thế nước Việt ta thời ấy rất mạnh, độc lập chủ quyền của đất nước được giữ vững.

Hiện nay, tình hình thế giới, đất nước, đối tác, đối tượng tuy có những thay đổi nhưng tư tưởng của những kế sách lớn bảo vệ Tổ quốc từ xa trong lịch sử dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016), đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, làm cho “nước mạnh, dân giàu”, giữ vững ổn định chính trị đất nước, thực hiện tốt các chính sách xã hội để yên lòng dân, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế và đối ngoại, kết hợp xây dựng khu vực và thế trận phòng thủ quốc gia với “xây dựng thế trận lòng dân” vững chắc. Chủ động đấu tranh ngăn ngừa từ xa, từ trước âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bất ngờ từ mọi hướng chiến lược. Tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, gắn đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” với chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, không để hình thành các thế lực đối lập chống đối. Đẩy mạnh các hoạt động “ngoại giao hòa bình” góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển. Xây dựng cơ sở pháp lý quốc gia đầy đủ để đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời xử lý tốt các vấn đề quốc tế, khu vực có liên quan trên nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó hiện đại hóa nhanh một số lực lượng, binh chủng, đơn vị để đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lực lượng vũ trang nhân dân phải là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng và Nhà nước, được tổ chức và huấn luyện tốt, có số lượng hợp lý, tinh gọn, cơ động, sẵn sàng chiến đấu và có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị hùng hậu, có thể động viên nhanh khi chiến tranh xảy ra.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất là tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội, đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”8 để Đảng thực sự là đội tiên phong của giai cấp, của dân tộc, được nhân dân và toàn dân tộc tin theo, ủng hộ. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và làm trong sạch bộ máy Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ, không tạo kẻ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá./.

------------------------------------------

1. Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, 1968, t. 2, tr. 80.

2. Dẫn theo Phạm Ngọc Phụng: Tổ tiên ta đánh giặc, Tư liệu Học viện Chính trị quân sự.

3. Hoàng Đạo Thúy: Sát Thát, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 158, tr. 55.

4. Gửi quân ở nhà nông.

5. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, t.5, tr. 3 - 6.

6. Lê Thái Tổ (1432): Bia vách đá Chợ Bờ (Hòa Bình).

7. Phan Khoang: Việt Nam thuộc sử, Sài Gòn, 1971, tr. 94.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 47.

Đại tá,TS. Dương Văn Lượng

Nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu - Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Bình luận