Di huấn chính trị của đồng chí Trường Chinh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua bài báo “Nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam”

Ngày đăng: 13/02/2017 - 09:02

12.2.2017 Lan ảnh Di huấn chính trị của đồng chí Trường Chinh về xây dựng chỉnh đốn Đảng

Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Văn Linh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: vntv.gov.vn

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 năm ngày sinh của đồng chí Trường Chinh (09-2-1907 - 09-2-2017), nhà lãnh đạo tiền bối, kỳ cựu của Đảng và Nhà nước, bài viết này đề cập quan điểm của đồng chí qua bài báo “Nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam”, được viết cách đây 71 năm, nhưng rất có ý nghĩa đối với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đảng ta đang kiên quyết triển khai theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

1- Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta, tên tuổi của đồng chí Trường Chinh gắn liền với cách mạng Việt Nam trên trọng trách là Quyền Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương (1940 - 1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941 - 1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951 - 1957) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986) và là Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1986 - 1988). Đồng chí cũng là một Tổng Bí thư của Đảng với 2 lần góp phần trọng yếu trong đổi mới đường lối cách mạng nước ta: với cách mạng giải phóng dân tộc (năm 1941) là sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa I) và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa là Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986). Đồng chí cũng là nhà tổ chức tài năng trong công tác tổ chức, xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trước mỗi bước vận động mới của tình hình, nhiệm vụ cách mạng nước ta.

Bài báo “Nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam” được viết một năm sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, với ý nghĩa là bài cuối cùng trong một loạt bài viết đăng trên báo Sự thật trong tháng 9-1946 để kỷ niệm sự kiện trên (Bài viết đăng trên báo Sự thật, số 55, 56 ngày 27-9 và ngày 04-10-1946, dưới bút danh Trường Chinh).

Đây là bài viết sau gần một năm khi Đảng ta phải tuyên bố “tự giải tán” (ngày 15-11-1945) nhưng thực tế là rút vào hoạt động bí mật để lãnh đạo toàn dân giữ vững thành quả cách mạng vượt qua giai đoạn hiểm nghèo “ngàn cân treo đầu sợi tóc” trước sự tấn công của giặc ngoài và sự phá hoại của thù trong sau Cách mạng Tháng Tám.

Bài báo ra đời khi Hội đàm Việt - Pháp ở Phông-ten-nơ-blô thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải ký Tạm ước ngày 14-9-1946 và trở về nước để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến bắt buộc phải tiến hành của dân tộc.

Bối cảnh xuất hiện bài “Nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam” của Tổng Bí thư Trường Chinh, cho thấy tầm quan trọng trong nội dung chỉ đạo về cả tư tưởng và tổ chức của Đảng ta trước thời khắc cả dân tộc bước vào cuộc đấu tranh mới đầy khốc liệt của cuộc kháng chiến không cân sức chống lại kẻ thù hơn hẳn về sức mạnh vật chất.

Vậy những “Nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam” mà đồng chí Trường Chinh chỉ ra vào thời điểm này là gì?

Đầu tiên, đồng chí Trường Chinh xác định, để thực hiện được độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, thì nhiệm vụ cần kíp trước hết là “phải sửa chữa khuyết điểm, sai lầm hiện có”(1).

Dẫn lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Không sợ quân thù, chỉ sợ các đồng chí chúng ta làm bậy!”, đồng chí Trường Chinh khẳng định: phải kiên quyết tẩy trừ những khuynh hướng sai lầm hiện có trong Đảng. Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ phải kiên quyết tẩy trừ, gột rửa những sai lầm này hiện có, bao gồm những vấn đề cụ thể sau:

Một là, “phải tẩy trừ khuynh hướng vô chính phủ, vô kỷ luật biểu hiện ở chỗ làm ẩu, làm liều, không phục tùng cấp trên, không đếm xỉa đến mệnh lệnh của Chính phủ và kỷ luật của Đoàn thể”(2). Đồng chí Trường Chinh cho rằng khuynh hướng này bộc lộ sự hiểu lầm về dân chủ, không nhận thức được thế nào là trật tự và kỷ luật dân chủ, “tưởng rằng đã là dân chủ thì có thể bừa bãi, lộn xộn, không cần tôn trọng trật tự, trị an” và “cũng vì vô chính phủ, vô kỷ luật mà sinh ra địa phương chủ nghĩa cục bộ, quân phiệt, quan liêu”.

Hai là, phải “tẩy trừ xu hướng cô độc, hẹp hòi biểu hiện ở chỗ đối với người, đối với việc, cũng như đối với việc thi hành các chính sách của Đoàn thể, nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc”. Đồng chí Trường Chinh cho rằng: Xu hướng tai hại này “biểu thị thái độ không tin ở quần chúng và ở chính mình, đồng thời lại biểu lộ “hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách giáo điều, máy móc”.

Ba là, phải “tẩy trừ khuynh hướng chủ quan chủ nghĩa, “tả” khuynh muốn làm những việc chưa đủ điều kiện làm”; đây là khuynh hướng duy ý chí “tưởng cái gì mình cho là đúng thì quần chúng đã cho là đúng, muốn “đốt cháy giai đoạn”, không đếm xỉa đến điều kiện khách quan và trình độ thực hiện của phong trào”.

Bốn là, phải “tẩy trừ khuynh hướng bảo thủ hữu khuynh”, mà theo đồng chí Trường Chinh, nó biểu lộ ở việc “cố níu lấy cái cũ; luẩn quẩn trong lề lối cổ xưa; ôm khư khư những thành kiến, không nhìn ra cái mới một cách mau lẹ; không quả quyết tiến hành theo tinh thần tích cực, duy nhất thích hợp với thời đại cách mạng mà chúng ta đang sống”.

Năm là, phải tẩy trừ “khuynh hướng nhân nhượng vô nguyên tắc với bọn phản động”, mà theo đồng chí Trường Chinh, khuynh hướng này biểu lộ ở việc “tỏ ra thiếu sự kiên quyết giữ vững lập trường, đánh giá quá cao lực lượng địch, đánh giá thấp lực lượng cách mạng; không dám phát động quần chúng, dùng quần chúng làm hậu thuẫn”.

Sáu là, phải tẩy trừ khuynh hướng “tự mãn, say sưa” với những thắng lợi nhỏ, làm cho ta sinh ra cận thị, mất tỉnh táo, nhụt tinh thần tự chỉ trích. Theo đồng chí Trường Chinh, khuynh hướng này sẽ “làm cho ta khó tiến bộ và đẩy ta xa quần chúng”.

Bảy là, phải tẩy trừ khuynh hướng “bi quan, dao động”, mà theo đồng chí Trường Chinh, nó biểu lộ ở việc “gặp khó khăn là than phiền, chán nản; gặp thất bại là hoảng hốt, hoài nghi. Rồi sinh ra thủ tiêu đấu tranh, trốn trách nhiệm”.

Đồng chí Trường Chinh cho rằng, những khuyết điểm sai lầm trên là những hiện tượng tương đối phổ biến trong nhân dân, cán bộ, trong các đoàn thể, trong các cơ quan hành chính, quân sự, chuyên môn mà “Nếu ta không kịp thời sửa chữa, thì không thực hiện được toàn dân đoàn kết để đấu tranh vì độc lập, thống nhất, dân chủ và phục hưng của nước nhà”.

Tiếp đến, nhiệm vụ cần kíp thứ hai của Đảng mà đồng chí Trường Chinh chỉ rõ là vấn đề đào tạo cán bộ.

Quán triệt vị trí, vai trò của cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh và xác định rõ “Sau khi đã định rõ chủ trương, đường lối, chính sách, sau khi đã nhận ra những việc phải làm, thì vấn đề cán bộ là vô cùng quan trọng”, bởi cán bộ không chỉ “là những người xung phong, tích cực đem đường lối, chủ trương, chính sách đó tuyên truyền trong quần chúng, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thi hành” mà còn “làm gương mẫu cho nhân dân thi hành”, đồng chí Trường Chinh khẳng định, “một nhiệm vụ quyết định trong lúc này là làm sao để có thêm nhiều cán bộ và có cán bộ tốt”.

Để có thêm cán bộ đang còn thiếu và còn yếu, theo đồng chí Trường Chinh, trong công tác cán bộ, phải “cất nhắc một cách đúng mức và công bằng những cán bộ cũ” đồng thời “phải đào tạo một cách kiên nhẫn và có phương pháp những cán bộ mới”; một mặt, “mỗi cán bộ phải dìu dắt những người mới cộng tác với mình, gây ra bên mình những mầm cán bộ tốt”, mặt khác “phải mạnh bạo dùng họ, kiên nhẫn dìu dắt họ, nhưng không quên kiểm soát công việc của họ”.

Đồng chí Trường Chinh cho rằng trong việc “động viên tất cả sức người, sức của và tài trí của nhân dân” thì “Đừng bỏ sót một khả năng, một cố gắng nào” bởi, theo đồng chí “việc nước không phải của riêng một số người, một đảng phái hay là một giai cấp cách mạng, mà là việc chung của toàn dân”.

Để có thể thực hiện những quan điểm trên về đào tạo cán bộ, bên cạnh việc chỉ dẫn phải mở ra các trường đào tạo cán bộ hành chính, tư pháp, ngoại giao, quân sự và kỹ thuật chuyên môn, đồng chí Trường Chinh còn chỉ rõ một phương pháp mới khác để đào tạo cán bộ là: “Các đoàn thể cách mạng còn phải thường xuyên mở các lớp huấn luyện chính trị và kinh nghiệm công tác cho cán bộ, các buổi nói chuyện mở rộng cho công chúng đến nghe”.

Đồng chí chỉ rõ, ở điều kiện hiện thời, trong công tác cán bộ, chúng ta gặp mâu thuẫn là số đông những người trung thành, hăng hái, hiểu chính trị, tháo vát và quen tổ chức nhưng phần nhiều lại thất học, trình độ văn hóa thấp do điều kiện khách quan; trong khi đó những nhà kỹ thuật hoặc trí thức nói chung, tuy có trình độ văn hóa “nhưng lại ít hiểu về chính trị”. Bởi vậy theo đồng chí Trường Chinh, cần phải “xóa bỏ mâu thuẫn ấy” bằng cách tạo ra các điều kiện để nâng cao trình độ lý luận và trình độ văn hóa trong cán bộ cứu quốc; gây ra trong các tổ chức một phong trào hứng thú học tập, ham mê nghiên cứu; mặt khác “cổ động những người trí thức cũ, những chuyên gia do chế độ cũ để lại tham gia các tổ chức chính trị, đi dự các lớp huấn luyện chính trị do các đoàn thể tổ chức”.

Để có thể thực hiện được những nội dung trên trong công tác cán bộ, về tư tưởng, đồng chí Trường Chinh cho rằng cần phải chỉ trích thái độ sai lầm của một số cán bộ “coi thường những người trí thức cũ và những chuyên gia, có thành kiến đối với họ, không gần gũi họ, không giao việc cho họ và không chịu học hỏi họ những cái mà mình chưa biết”. Mặt khác, cũng phải đánh đổ quan niệm không đúng của một số trí thức cho rằng: “cán bộ… đã có công lãnh đạo cách mạng, giành chính quyền, nay nhiệm vụ của họ đã hết và bây giờ đây họ nên “rút lui” để cho những người có bằng cấp, những chuyên gia đứng ra tổ chức việc kiến thiết nước nhà”. Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Gánh cứu quốc nặng hơn, các cán bộ Việt Minh “ngày nay càng phải xung phong đi đầu”.

2- Bài báo “Những vấn đề cần kíp của dân tộc Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh viết đã hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn có tính thời sự sâu sắc bởi nội dung của nó liên hệ trực tiếp về nội dung với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vừa ra đời và đang triển khai trong thực tiễn.

Mặc dù không nêu rõ tiêu đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhưng những nội dung phải tẩy trừ, gột rửa sai lầm và đào tạo cán bộ của bài báo đã chứa đựng sâu sắc nội dung xây dựng và chỉnh đốn của Đảng ta, trong đó bao hàm cả vấn đề chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng như cách gọi của Đảng ta hiện nay. Điều đó còn cho thấy, sự xuất hiện của bài báo trong thời điểm đó, cách đặt vấn đề cũng như tính chất cần kíp trong nội dung của nó cũng có điểm xuất phát giống như cách đặt vấn đề của Đảng ta hiện nay về việc tiếp tục nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách nghiêm túc để bảo tồn sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.

Ngày nay, chúng ta phải hiểu rõ và phải tiếp tục quán triệt sâu sắc lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đồng chí Trường Chí đã dẫn trong bài báo: “Không sợ quân thù, chỉ sợ các đồng chí chúng ta làm bậy!” để kiên quyết tẩy trừ những sai lầm hiện có trong Đảng. Bảy vấn đề trước đây mà mà đồng chí Trường Chinh nêu ra, yêu cầu cần tẩy trừ, gột rửa cho tới hiện nay vẫn tồn tại dưới những hình thức khác nhau, dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế trong bối cảnh vận động không ngừng và cực kỳ phức tạp của tình hình quốc tế. Sự khác biệt trong những nội dung trên là ở mức độ, nó không chỉ ở mức “khuynh hướng tư tưởng” mà là hiện thực trong hoạt động thực tiễn đã làm trầm trọng thêm sự giảm sút uy tín của Đảng đối với nhân dân mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII đã chỉ rõ. Đó là, không chỉ dừng ở sự hiểu lầm, ở nhận thức sai (như về dân chủ, trật tự và kỷ luật...) mà là chủ tâm lợi dụng tình hình đó để mưu đồ lợi ích cá nhân thực hiện theo nhóm lợi ích; nó cũng không còn dừng lại ở việc biểu lộ thái độ “không tin vào quần chúng” hay máy móc, lý thuyết suông, duy ý chí trong chỉ đạo thực tiễn mà tệ hại hơn là sự đánh mất tính nhân văn cộng sản của người cách mạng, biểu lộ ở thái độ vô cảm trước đời sống khó khăn của nhân dân lao động, trước vận mệnh của Đảng, của chế độ, của dân tộc. Đó là sự lợi dụng sơ hở trong chế độ, chính sách để trục lợi cá nhân hoặc nhân danh sự năng động để bất chấp những quy tắc và nguyên tắc của Đảng và luật pháp của Nhà nước... Tất cả những những vấn đề cần phải chỉnh đốn, phải tẩy trừ hiện nay không còn ở khuynh hướng hay sự “hoảng hốt, hoài nghi”, “thủ tiêu đấu tranh, trốn trách nhiệm” mà là ở tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã được Đảng ta chỉ ra với 27 biểu hiện cụ thể.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng được ban hành với mục tiêu là kiên quyết “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và coi nhiệm vụ “chống” là “nhiệm vụ quan trọng cấp bách” của Đảng.

Đây là một bước phát triển mới và đi vào thực chất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với sự tập trung trước hết ở đối tượng là cán bộ lãnh đạo không ngoại trừ ở cấp nào với 4 nhiệm vụ, giải pháp liên hoàn bao gồm cả những nguyên tắc sinh hoạt đảng kết hợp với các giải pháp về tổ chức, cơ chế, chính sách, giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, thống nhất ý chí, hành động, trong sạch về đạo đức lối sống, được nhân dân ủng hộ, đứng vững và đủ sức, đủ tầm lãnh đạo nhân dân thực hiện sứ mệnh của mình.

Đó là tinh thần cộng sản trong xử lý các vấn đề của Đảng trước sự vận động của tình hình, cả chủ quan và khách quan, để giữ vững uy tín và bảo đảm trách nhiệm của Đảng trước dân tộc. Tinh thần đó có bệ đỡ từ trong quá khứ mà nhờ đó Đảng ta vượt qua các khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chắc chắn sự đúng đắn đó sẽ được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ với điều kiện Đảng tỏ rõ sự quyết tâm, kiên quyết, kiên trì.

Trong phần kết luận của bài báo trên, đồng chí Trường Chinh viết: “dân tộc Việt Nam, nhờ Cách mạng Tháng Tám đã chặt tung được xiềng xích nô lệ để bước những bước khổng lồ. Với hàng ngàn năm lịch sử đầy lao động sáng tạo và chiến đấu vẻ vang, dân tộc Việt Nam đang hăm hở đoạt lấy tương lai xán lạn. Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc dũng cảm, trẻ trung, đầy sức sống. Trước con mắt ngạc nhiên của thế giới, dân tộc ta đang phát huy tinh thần quật khởi của mình”.

Đó cũng là lời nhắc nhở tất cả những người cộng sản Việt Nam, khi đảm nhiệm vai trò tiên phong của giai cấp và dân tộc phải làm sao xây dựng, chỉnh đốn mình cho xứng đáng với giai cấp và dân tộc./.

-----------------------------------------

(1) Tất cả những chữ trong ngoặc kép (“”) của bài này trích từ bài viết “Nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam” đăng trên báo Sự thật số 55 và 56, ngày 27-9 và 4-10-1946. Xem: Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 336 - 353

(2) Chữ Đoàn thể lúc này để chỉ Đảng, vì Đảng đã tuyên bố tự giải tán để rút vào hoạt động bí mật

Phạm Hồng Chương

PGS, TS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận