Tín ngưỡng dân gian và tâm lý hướng tâm truyền thống trong ý thức cội nguồn dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 06/02/2017 - 15:02

tin nguong 62Tóm tắt: Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển. Sự giao thoa về đời sống văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc đã tạo nên mối liên kết sâu sắc về tín ngưỡng và tâm lý hướng tâm truyền thống trong ý thức cội nguồn quốc gia đa dân tộc Việt Nam, hun đúc nên sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chiến thắng mọi kẻ thù ở mọi thời đại và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến mà đậm tính dân tộc.

Từ khóa: tín ngưỡng dân gian, ý thức cội nguồn, đa dân tộc

1. Từ ý thức cộng mệnh, cộng cảm đến tâm lý hướng tâm truyền thống trong ý thức cội nguồn của các dân tộc

Nhìn về khởi nguồn tạo lập diện mạo quốc gia, dân tộc thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang đến nay, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hệ thống các dân tộc, tộc người ở Việt Nam đ­ược phân chia theo hai nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và Mông - Dao bên cạnh các tộc ng­ười theo hệ ngôn ngữ Việt - M­ường, chiếm lĩnh mặt bằng văn hóa rộng lớn là Việt Bắc, Tây Bắc, vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Theo xác định thành phần các dân tộc Việt Nam của các nhà khoa học, phần lớn các dân tộc thiểu số thuộc hai hệ ngôn ngữ này chủ yếu sinh sống tại các tỉnh vùng núi phía bắc, trong đó, các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày - Thái gần nh­ư chiếm vị trí và vai trò chủ đạo đối với sự hình thành tộc ng­ười và nền văn hóa bản địa tại các tỉnh miền núi. Trong quá trình hình thành tộc ng­ười bản địa, các dân tộc Tày - Nùng và Mông - Dao, Cao Lan - Sán Chí... tuy có thời gian định hình sớm muộn khác nhau nh­ưng đều là những thành viên bình đẳng của quốc gia Việt Nam thống nhất, và vận mệnh của các tộc người này luôn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh sống còn của đại gia đình 54 dân tộc anh em. Đồng bào các dân tộc anh em sống trên mảnh đất này, dù là dân tộc bản địa có lịch sử hàng nghìn năm hay thuộc một số dân tộc, tộc người từ phía bắc tràn xuống tụ cư nhiều trăm năm trở lại đây, tất thảy đều tự hào về cội nguồn, truyền thống dựng n­ước và giữ n­ước của ông cha từ thời đại Hùng Vư­ơng, qua nghìn năm Bắc thuộc, dưới các triều đại phong kiến cho đến Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng lên chống ngoại xâm, bảo vệ quyền độc lập tự chủ của quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Từ đó cho thấy, tiến trình hình thành và phát triển của các tộc ng­ười luôn gắn chặt với vận mệnh dựng n­ước và giữ n­ước của cộng đồng quốc gia Việt Nam đa dân tộc.

Đứng tr­ước những thách thức khắc nghiệt của tự nhiên và lịch sử xã hội, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Sán Chay, Thái, Dao,... và các dân tộc khác chủ yếu dựa vào sự truyền dạy kinh nghiệm của thế hệ này cho thế hệ khác trong phạm vi dòng họ hay một cộng đồng làng bản nhất định, chủ yếu giới hạn trong không gian khép kín của những nhóm ng­ười dựa vào nhau mà tồn tại. Mọi hình thức tự quản và tự phát triển vư­ơn lên đều là sản phẩm sáng tạo của tập thể các thành viên trong cộng đồng, dựa theo các phong tục, tập quán, tín ng­ưỡng vốn đã sinh thành của tộc ng­ười. Chính vì vậy, môi tr­ường giáo dục truyền thống cổ xư­a của các dân tộc, tộc ng­ười chủ yếu đ­ược giới hạn bằng không gian văn hóa truyền miệng. Kho tàng văn hóa dân gian, cụ thể là các hệ thống truyện kể, tục ngữ, ca dao, dân ca và các luật tục cùng những không gian văn hóa thường dành cho thực hành tín ngưỡng tại từng cộng đồng lớn - nhỏ khác nhau, đã trở thành lịch sử, văn học, triết học, thiên văn học, đạo đức học,… của con ng­ười sống trong không gian văn hóa đó.

Đ­ương nhiên, dù gắn bó, cố kết và khép kín bao nhiêu thì đời sống văn hóa của cộng đồng tộc ng­ười vẫn không tránh khỏi những ảnh h­ưởng qua lại giữa văn hóa làng bản qua những cuộc giao l­ưu hoặc quá trình du canh, du cư­ với đặc điểm chủ yếu là định cư đan xen và nhất là qua những biến động của lịch sử. Sự trôi dạt của một tộc ng­ười hay một nhóm ng­ười nhất định, tất yếu sẽ diễn ra những chu kỳ sáng tạo, kế thừa và loại bỏ những nếp sống, thói quen, tri thức không cần thiết để hội nhập và phù hợp trong môi tr­ường sinh sống mới. Và trong tiến trình vận động để tồn tại, phát triển của từng tộc ng­ười, những yếu tố giáo dục truyền thống luôn luôn đóng vai trò then chốt, luôn đ­ược duy trì trong phạm vi gia đình, dòng họ từ đời này qua đời khác. Tính bền vững của quy trình giáo dục trong gia đình các dân tộc thiểu số nói chung và các gia đình của dân tộc thiểu số ở từng địa phương nói riêng, vì thế, luôn biểu hiện rõ nét.

Trong suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc, rồi dưới xã hội phong kiến và dưới ách thực dân nửa phong kiến với đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa và các nhóm tộc người di cư đến đã luôn luôn song hành lịch sử cùng với người Kinh (Việt) - vốn là chủ thể lớn nhất của cộng đồng quốc gia đa dân tộc. 54 dân tộc anh em đã cùng nhau trường kỳ vượt qua những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và lịch sử, chống chọi với thú dữ, bão lụt, khí hậu độc hại, đương đầu với hàng loạt nạn ngoại xâm để tồn tại. Có thể nói, vận mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam đã là sợi dây vô hình thắt chặt khối đoàn kết các dân tộc. Các dân tộc muốn tồn tại không thể tự mình sống biệt lập, tách rời các dân tộc khác. Không phải ngẫu nhiên mà đặc trưng nổi bật của đời sống dân cư các dân tộc ở miền núi phía bắc là sự cộng cư đan xen giữa các tộc người, giữa các cộng đồng dân tộc có tiếng nói, ngôn ngữ và phong tục tập quán khác nhau. Chính sự đan xen cộng cư để cùng nhau sinh tồn đó đã tạo ra sự cộng cảm, cộng mệnh và từ những ứng xử với tự nhiên, xã hội và giữa các nhóm cộng đồng, dòng họ, gia đình thuộc các dân tộc khác nhau đã hun đúc nên ý thức chung về một cộng đồng lớn, hợp lại thành sức mạnh chung toàn dân tộc. Trong lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc, tộc người trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, những mối liên kết, liên minh giữa các làng/bản của một tộc người, một dân tộc hay giữa các dân tộc khác nhau nảy sinh và hiện tồn phổ biến ở hầu khắp các vùng, miền trên cả nước. Nhiều khi, những mối liên kết, kết nghĩa, kết chạ đó vượt ra khỏi địa vực hành chính của vùng, miền hay thậm chí biên giới một quốc gia. Không khó để nhận ra quá trình nhiều trăm năm kết nghĩa của các làng bản dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam. Mối đe dọa của tự nhiên khắc nghiệt và những hiểm nguy từ kẻ thù ngoại tộc là những lý do tạo ra các mối liên kết làng bản ở hầu khắp các dân tộc, tộc người. Với dân tộc Kinh (Việt), trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, ngay từ thời Hùng Vương cho đến mãi sau này, văn hóa dân gian còn lưu lại dấu tích ngọn nguồn của những mối liên kết giữa các làng bản, vùng miền, trải rộng dài từ vùng đất Nghĩa Lĩnh, lan theo các thềm sông của đồng bằng Bắc Bộ, trở thành các liên kết hạt nhân có giá trị kinh tế, quân sự và chính trị - văn hóa. Sự liên kết này giúp hợp sức chống lại tự nhiên khắc nghiệt, đương đầu với mọi âm mưu đồng hóa văn hóa của các thế lực xâm lăng để tồn tại và phát triển, góp phần bảo vệ và xây dựng cộng đồng quốc gia đa dân tộc trong các giai đoạn lịch sử độc lập, tự chủ và xã hội chủ nghĩa sau này. Và cũng chính thực tiễn trải nghiệm qua nhiều nghìn năm đó là cội rễ sản sinh ra thứ tâm lý dân tộc chung một cội nguồn; song hành với thứ tâm lý bền chắc đó chính là các hình thức thực hành tín ngưỡng mang màu sắc riêng của từng dân tộc, tộc người.

Soi vào không gian thực hành sinh hoạt tín ngưỡng của từng dân tộc, không khó để nhận diện sự hiện tồn của một hệ ý thức dân tộc về nguồn cội. Ý thức và tâm lý về nguồn cội chung lại hàm chứa trong đó các phương diện tuy sắc thái và mức độ biểu hiện khác nhau nhưng có chung sự đồng thuận từ tâm thức đến hành vi ứng xử của bất kỳ thành viên cộng đồng nào. Đó là ý thức cội nguồn vốn đã nảy sinh trong nội tại một dân tộc; giữa một số dân tộc có cùng ngữ hệ, phong tục tập quán hoặc trong cùng một khu vực tụ cư nào đó; và của cộng đồng lớn đa dân tộc Việt Nam. Qua thực tiễn tồn tại và phát triển của các dân tộc trong cùng quốc gia nói chung, có thể nhận thấy ba ý thức trên đây đã hình thành nên thứ tâm lý dân tộc, bao hàm trong đó ba tính hướng tâm đan xen, hòa trộn: (1) tính hướng tâm nội bộ dân tộc theo quan hệ dòng máu mà mình mang tộc danh; (2) tính hướng tâm của một nhóm dân tộc trong một không gian sống nhất định theo quan hệ láng giềng trong làm ăn và sinh sống; (3) tính hướng tâm của các dân tộc thành viên đối với toàn thể cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu kho tàng truyền thuyết dân gian của gần 20 dân tộc thiểu số cư trú lâu đời tại các tỉnh miền núi phía bắc, dễ nhận ra một ý thức chung là, đa số các dân tộc đó đều cho rằng họ có chung một cội nguồn, mặc dù truyền thống văn hóa, cấu trúc tâm lý dân tộc giữa các dân tộc có sự khác biệt, thậm chí là cực kỳ khác biệt. Câu chuyện về quả bầu hoặc câu chuyện về một cây thần, một miếng thịt hay câu chuyện về nạn đại hồng thủy đều có mô típ chung là những con người cùng xuất thân từ một cội, lớn lên, mỗi người hóa ra một dân tộc, tộc người, và tất cả họ đều là anh em có cùng nguồn gốc sinh thành. Ý nghĩa từ nội dung các truyền thuyết giải thích nguồn cội của các dân tộc thiểu số đã gặp gỡ ý nghĩa nội dung của truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng của người Kinh (Việt). Tâm thức tưởng nhớ tổ tiên - thủy tổ của một tộc người, một dân tộc đã đồng thời được thể hiện qua những hành vi tín ngưỡng linh thiêng, thực hành trong các nghi lễ của từng dân tộc, ở những hình thức và cách thức khác nhau, mang màu sắc triết học - tâm linh riêng, tương đồng với các hình thức thực hành saman giáo của nhiều dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

2. Tố chất tâm lý điều hành hoạt động tín ngưỡng, bảo lưu ý thức cội nguồn

Ý thức cội nguồn của các dân tộc, từ dân tộc thiểu số đến dân tộc Kinh trong vai trò chủ thể lớn nhất của quốc gia - đại dân tộc, bất luận thuộc phạm vi, cấp độ nào, đều đã cộng hưởng để sinh thành và nuôi dưỡng những tố chất tâm lý dân tộc nói chung trong tiến trình lịch sử. Thứ tố chất tâm lý dân tộc đó được thể hiện cụ thể qua tính cách dân tộc, tinh thần dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi cả cộng đồng quốc gia đa dân tộc đứng trước thử thách đấu tranh giữ nước, chống sự đe dọa hay xâm lấn của kẻ thù bên ngoài, thì tố chất tâm lý dân tộc lại trỗi dậy tạo nên một sức mạnh khổng lồ, bảo đảm cho sự tồn tại của quốc gia - dân tộc trong thời khắc lịch sử gian truân, sống còn đó.

 Thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động/sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thông qua các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên ở từng dân tộc vẫn được bảo lưu, duy trì qua các thế hệ. Người Thái, người Tày, người Dao hay người Mông,... vẫn có những hoạt động nghi lễ riêng để phụng thờ tổ tiên đã sinh thành ra dân tộc mình. Nhưng, song hành với tâm thức truyền thống mang màu sắc đặc trưng văn hóa tộc người đó, các cộng đồng dân tộc thiểu số trong hàng nghìn, hàng trăm năm qua đã hòa kết với sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, vốn là thủy tổ của Nhà nước Văn Lang của người Việt - Mường, hình thành nên cội rễ cho cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam sau này. Hướng về nguồn cội chung đó, từng thành viên của các tiểu cộng đồng (tộc người, dân tộc thiểu số) đã thông qua niềm tin vào thực hành tín ngưỡng mà thể hiện tâm lý tự ý thức của mình đối với quốc gia - dân tộc. Và do vậy, họ luôn mang trong mình ý thức cội nguồn mãnh liệt và thân thiết. Trong phạm vi hẹp của không gian văn hóa tộc người, đó là ý thức nguồn cội của dân tộc mà họ mang danh, thể hiện qua việc sử dụng tiếng nói, chữ viết, tuân thủ phong tục, tập quán theo bản sắc riêng của dân tộc mình. Ở phạm vi rộng hơn, đó chính là ý thức về cội nguồn của cộng đồng quốc gia đa dân tộc với tâm thức hướng tâm, theo dòng chảy văn hóa truyền thống, tạo cho họ ý thức tự giác cùng tình cảm của cá nhân mình khi gắn với sự vinh nhục, thịnh suy của dân tộc - quốc gia, tạo ra ý thức đoàn kết, thân thiện, chung sống và chung trách nhiệm trước dân tộc. Đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, của ý thức cội nguồn dân tộc và đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” đã được thể hiện ở không gian thờ các vua Hùng linh thiêng trên núi Nghĩa Lĩnh. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiến trình lịch sử, không gian linh thiêng này vốn là “sở hữu” của người Việt - Mường, trải qua biến cố lịch sử, đã trở thành nơi hướng tâm của hầu khắp các tộc người, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhiều nghìn năm qua.

Do vậy, tâm lý hướng tâm truyền thống trong ý thức cội nguồn của các dân tộc ở Việt Nam vốn vẫn được bảo lưu một phần trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đã trở thành sức mạnh tinh thần để góp phần giữ vững sự đoàn kết, ổn định, mang lại sự phát triển hài hòa và sức mạnh tinh thần trong kinh tế, văn hóa và xã hội tại những không gian tụ cư sinh sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

PGS. TS. Bùi Quang Thanh

Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, 1990.

2. Leopold Cadiere: Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.

3. Hữu Ngọc (Chủ biên): Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1995.

4. Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.

5. Nguyễn Minh San: Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.

6. Viện Đông Nam Á: Việt Nam - Đông Nam Á - Quan hệ lịch sử văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

7. Viện Tôn giáo: Về tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

8. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu trường hợp thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại Việt Trì, Phú Thọ ngày 12 và 13-4-2011.

Bình luận