Vai trò của biên tập viên nhà xuất bản với vấn đề chất lượng nội dung, tư tưởng của xuất bản phẩm

Ngày đăng: 07/02/2017 - 16:02

Tóm tắt: Hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng thông qua việc sản xuất, phổ biến những xuất bản phẩm đến nhiều người. Trong nền kinh tế thị trường, để thực hiện được đồng thời nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thì các chủ thể (nhà xuất bản, đối tác liên kết…) tham gia hoạt động xuất bản cần bảo đảm về nguồn nhân lực, vật lực, trong đó đội ngũ biên tập viên giữ vai trò quan trọng.

Từ khóa: hoạt động xuất bản, đối tác liên kết, biên tập viên, tư tưởng, chính trị

Trong những năm qua, kinh tế thị trường đã có nhiều tác động đến ngành xuất bản. Hoạt động xuất bản bên cạnh những mặt tích cực như: các loại sách phong phú hơn về đề tài, sách dễ mua hơn, bìa và nội dung trình bày bắt mắt hơn, đẹp hơn,… vẫn còn có mặt hạn chế rất đáng lo ngại về độ tin cậy của nội dung khoa học, nội dung chính trị và cả việc sách sau khi xuất bản vẫn còn nhiều lỗi chính tả. Do nhiều nguyên nhân mà ngành xuất bản đã gặp phải nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng xuất bản phẩm đi xuống, trong đó phải kể đến việc “sách liên kết” ngày một len chân nhiều hơn, mạnh hơn vào thị trường sách. Đối tác của các nhà xuất bản làm “sách liên kết” từ chỗ phụ thuộc vào nhà xuất bản vì không có tư cách pháp nhân (do không tư nhân hóa nhà xuất bản) dần dần theo thời gian đã trở thành nguồn sống của không ít nhà xuất bản.

Trong bối cảnh đó, việc chăm lo xây dựng nguồn nhân lực biên tập viên có trình độ, kinh nghiệm là nhiệm vụ trọng yếu đối với mỗi nhà xuất bản. Chính lực lượng biên tập viên giữ vai trò quan trọng, là “bà đỡ” cho các xuất bản phẩm, bảo đảm nội dung tư tưởng từng ấn phẩm, tạo nên thương hiệu của Nhà xuất bản.

vai tro26 3

1. Tình trạng biên tập viên xuất bản

Vào những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, ở nước ta, biên tập sách vẫn là một nghề được tôn trọng và biên tập viên được ví như là “bà đỡ” cho các tác phẩm ra đời. Tất cả các bản thảo, dù tác giả là nhà khoa học nổi tiếng hay là các nhà chính trị, khi đưa vào quy trình xuất bản đều phải qua khâu biên tập, sửa chữa, chỉnh sửa, cắt gọt và lãnh đạo nhà xuất bản chỉ duyệt và ký quyết định xuất bản khi đã có đầy đủ chữ ký của các bộ phận nghiệp vụ, trong đó nhất thiết là phải có chữ ký của biên tập viên. Trước đây, không ít biên tập viên là nhà văn hóa lớn, là nhà khoa học được nhiều người biết đến.

Những năm gần đây, Luật xuất bản quy định: trong nhà xuất bản, ban giám đốc có quyền cho hay không cho xuất bản đối với một ấn phẩm của nhà xuất bản mình phụ trách; nhưng để xem xét từng bản thảo có thể cho in thành sách hay không, cần phải có lực lượng biên tập viên. Hiện nay, trên thực tế, khá nhiều cuốn sách liên kết xuất bản được cả nhà xuất bản và phía các đối tác liên kết cùng thực hiện khâu biên tập. Theo nguyên tắc, nhà xuất bản chịu trách nhiệm đọc duyệt, sửa chữa và đồng ý nội dung sách để có thể đăng ký xuất bản cho sách; nhưng tình trạng khi bản thảo đã được phía đối tác liên kết xử lý tương đối kỹ rồi, nhiều biên tập viên chỉ đọc qua và ký xác nhận đồng ý kiến nghị xuất bản, còn ban giám đốc chỉ thông qua và cấp quyết định xuất bản vẫn tồn tại. Đối với những bản thảo như vậy, vai trò và dấu ấn của biên tập viên nói riêng và của nhà xuất bản nói chung rất hạn chế, mờ nhạt. Về phía đối tác liên kết, ngay cả những đơn vị tương đối có uy tín về làm sách hiện nay trên thị trường khi xử lý công việc mà mọi người vẫn gọi là biên tập cũng rất hạn chế. Những việc như: xây dựng bản thảo, chỉnh sửa/biên tập nội dung bản thảo, làm việc/trao đổi với tác giả/dịch giả, hay đơn giản hơn như việc bảo đảm tính thống nhất về hình thức, quy cách những chú thích, bảng chỉ dẫn… thì gần như đều là những việc quá sức đối với các nhân viên được gọi là “biên tập viên” tại các cơ sở liên kết làm sách. Ở các nhà xuất bản, đối với biên tập viên mới vào nghề, những nhiệm vụ biên tập kể trên cũng đang trở nên quá sức với họ vì kiến thức ít ỏi về biên tập, xuất bản của họ chưa đủ để làm những việc đó. Bên cạnh đó, đối với biên tập viên có thâm niên lâu hơn, thì từ khá lâu rồi, công việc biên tập đã bị đơn giản hóa: trước một bản thảo có sẵn, họ thường chỉ đọc một lượt, nắm đại ý của bản thảo, báo cáo với lãnh đạo ban biên tập và lãnh đạo nhà xuất bản vài nét chung về tác phẩm, nếu có trách nhiệm hơn, họ sẽ thêm động tác là lưu ý những trang/đoạn có nội dung được coi là “nhạy cảm” để tìm cách khắc phục ngay từ bản thảo. Còn lại, tình trạng ngôn ngữ của bản thảo thường được xem là việc của phía đối tác liên kết hoặc của nhân viên sửa bản in - đọc bông ở nhà xuất bản. Trong nhiều năm qua, ở hầu hết các nhà xuất bản, rất nhiều biên tập viên và thậm chí cả đến lãnh đạo đều có quan niệm rằng, chỉ khi sách bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng,… mới đáng lo ngại, còn những kém cỏi, vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, cả những va chạm rắc rối về bản quyền, v.v. đều không đáng ngại. Chính vì thế, vài năm gần đây, sau khi mục “Dọn vườn” gần như không còn tác dụng (do dọn không xuể), Cục Xuất bản, In và Phát hành đã không chỉ có những quyết định thu hồi hay đình chỉ phát hành vì có vấn đề về nội dung mà còn có cả quyết định yêu cầu sửa chữa, đính chính lỗi sai. Việc xuất bản theo lối vừa dựa dẫm, vừa ỷ lại nhau trong công việc biên tập của nhà xuất bản và các đối tác liên kết do chưa có bộ máy biên tập đủ năng lực đã dẫn đến tình trạng hoạt động làm sách đang được vận hành theo hướng “không bị thu hồi là được rồi” mà chưa có ý thức vận hành theo những chuẩn chất lượng cao, do đó, tình trạng sách có nhiều lỗi sai, sót cả về nội dung tư tưởng và hình thức vẫn tồn tại. Đây là thực trạng đáng báo động trong ngành xuất bản hiện nay.

Cùng với những khó khăn chung của ngành xuất bản, nhiều nhà xuất bản đang hoạt động cầm chừng và không ít nhà xuất bản phải thường xuyên bán giấy phép xuất bản làm cho vai trò của biên tập viên ở các nhà xuất bản cũng không còn được xem trọng. Trên các ấn phẩm mang tên nhà xuất bản vẫn có tên của biên tập viên chịu trách nhiệm biên tập, song thật ra vai trò “gác cửa” của biên tập viên nhà xuất bản cho ấn phẩm đã hầu như không tồn tại mà thực tế đã chuyển sang các đối tác liên kết/các nhà sách.

Bên cạnh đó, mức lương trả cho vị trí biên tập của các nhà xuất bản vô cùng ít. Biên tập viên được yêu cầu phải có trình độ tốt về kiến thức tổng hợp, ngoại ngữ,… nhưng lương cơ bản theo hệ số quy định lại thấp, chỉ vài ba triệu đồng mỗi tháng, mà mức thu nhập đó sẽ không được nâng lên nếu ngành xuất bản vẫn cứ như hiện nay.

2. Biên tập viên với chất lượng nội dung, tư tưởng của xuất bản phẩm

Bước vào thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như mọi sản phẩm hàng hóa khác, sách cũng phải đương đầu với áp lực cạnh tranh căng thẳng. Trong thực tế, khi nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ, các nhà xuất bản hoạt động theo nguyên tắc cũ, bị ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp nặng nề nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó là sự phát triển mạnh của cách thức làm sách theo cơ chế thị trường, xuất phát từ chính tác giả đến đội ngũ biên tập viên của nhà xuất bản khi chạy theo thị hiếu độc giả và bỏ qua những phẩm chất, nguyên tắc biên tập đã khiến cho thị trường sách xuất hiện không ít tác phẩm có nội dung tẻ nhạt, thậm chí là cả nội dung xấu, không lành mạnh.

Hiện nay, nhìn chung, biên tập viên của nhà xuất bản ít có điều kiện trau chuốt cho những tác phẩm mình biên tập, ít có điều kiện thực hiện đúng những quy trình biên tập như: xây dựng mạng lưới cộng tác viên theo tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản, tổ chức bản thảo, chỉnh sửa nội dung bản thảo,… Họ buộc phải lao đi tìm việc nhằm bảo đảm định mức khoán do nhà xuất bản giao. Điều này tuy giúp cho biên tập viên năng động hơn, mọi người cùng tháo gỡ khó khăn, nhưng cũng có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, nhất là trong điều kiện cạnh tranh không lành mạnh... Trên thực tế, không ít biên tập viên vì mục đích tài chính mà bỏ qua những chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất của biên tập viên mà đáng lẽ ra họ cần phải học tập và rèn luyện cẩn thận. Điều đó đã tạo nên một lượng không nhỏ biên tập viên không vững về chuyên môn, không chuyên nghiệp trong làm sách, khó bảo đảm được chất lượng nội dung chính trị, tư tưởng của tác phẩm.

Tuy nhiên, cần khẳng định và tôn vinh một điều rằng, trong ngành xuất bản Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều nhà xuất bản hoạt động nghiêm túc, hiệu quả. Ở những đơn vị này, lực lượng biên tập viên rất được coi trọng và đóng vai trò trụ cột. Thời nào cũng vậy, biên tập viên muốn phát triển được ngoài việc cần có bằng cấp, trình độ, ngoại ngữ… thì cần phải có lòng say mê, tận tâm với nghề biên tập sách. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các biên tập viên bởi mỗi biên tập viên có phong cách, cá tính, thế mạnh riêng. Muốn phát huy thế mạnh của họ, mỗi nhà xuất bản phải có những thỏa thuận, quy định phù hợp với điều kiện của mình. Điều quan trọng là làm sao để các biên tập viên phát huy hết thế mạnh của mình, làm “bà đỡ” cho các cuốn sách tốt ra đời nhằm phục vụ tốt đông đảo bạn đọc.

Là một trong những nhà xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật hàng đầu cả nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật luôn quan tâm đến lực lượng biên tập viên. Để có được một ấn phẩm bảo đảm chất lượng nội dung tư tưởng, một trong những yêu cầu cơ bản là biên tập viên của Nhà xuất bản cần phải nắm được những kỹ năng cơ bản như: (i) nắm vững đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật,… của Đảng và nhà nước; (ii) khả năng ngôn ngữ tốt, ngữ pháp chuẩn, sử dụng từ ngữ linh hoạt, chính xác, vốn từ rộng, cần biết thêm một số từ cổ, ít được sử dụng và những từ của ngôn ngữ hiện đại; (iii) biên tập sách chuyên môn nào thì biên tập viên cần có năng lực về chuyên môn đó; (iv) có tinh thần tự học/tự nghiên cứu và có lòng say mê nghiên cứu theo các chủ đề nhằm tích lũy kiến thức, tạo phông nền rộng cho quá trình biên tập; (v) có niềm đam mê đọc sách; (vi) có ý thức trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể tiếp cận dễ dàng với kho tri thức nhân loại, từ đó cho ra đời những cuốn sách có giá trị quốc tế; (vii) cẩn thận, tỉ mỉ, tâm lý, khéo léo,…  để phát hiện và sửa các lỗi trong bản thảo (dù là lỗi nhỏ), đồng thời vẫn giữ được ý của tác giả trong quá trình sửa chữa bản thảo; (viii) có đạo đức nghề nghiệp, sự khách quan, công bằng trong công tác biên tập; (ix) có khả năng làm việc theo nhóm để xử lý linh hoạt, hiệu quả trong công tác chuyên môn; (x) có trách nhiệm với công việc, theo dõi đến cùng ấn phẩm mình biên tập, lắng nghe ý kiến phản hồi để biên tập ngày một tốt hơn.

Hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vẫn duy trì quy trình làm bản thảo khá nghiêm túc. Bình thường, không kể các khâu xây dựng ý tưởng, chuẩn bị đề cương, tìm kiếm đề tài đáp ứng yêu cầu khoa học, tư tưởng chính trị, thị trường, sau khi nhận được bản thảo, biên tập viên phải đọc thẩm định nội dung khoa học, nội dung chính trị tư tưởng xuyên suốt của tác giả/tác phẩm, trao đổi với bộ phận phát hành xem khả năng tiêu thụ của đề tài đó,… Sau khi đề tài được đưa vào kế hoạch biên tập, biên tập viên tiến hành biên tập cả nội dung khoa học, tư tưởng, chính trị với sự cảm nhận nhạy bén và kiến thức của mình (trong trường hợp bản thảo có nội dung chuyên sâu hay kiến thức khoa học mới, biên tập viên có thể nhờ đến cộng tác viên, chuyên gia để được họ giúp đỡ) cũng như hình thức bản thảo đó. Nếu cần chỉnh sửa, bổ sung, biên tập viên cần trao đổi với tác giả, dịch giả để có những chỉnh sửa phù hợp nhằm bảo đảm tính lôgích của bản thảo, bổ sung những vấn đề mà người đọc đang cần, bảo đảm nội dung chính trị, song cũng phải bảo đảm không làm sai lệch ý tưởng xuyên suốt của bản thảo/tác giả. Khi tác giả thông qua, bản thảo sẽ được biên tập viên đọc lại, rồi trình lên trưởng ban biên tập duyệt nội dung. Sau khi trưởng ban ký duyệt nội dung, bản thảo được nộp cho Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập để đọc kiểm tra lần nữa trước khi trình Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập duyệt nội dung. Bản thảo chỉ được Giám đốc - Tổng Biên tập duyệt nội dung khi có đủ ý kiến về nội dung khoa học, tư tưởng, chính trị của biên tập viên, trưởng ban biên tập, Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập. Khi sang khâu sản xuất, bộ phận biên tập kỹ thuật sẽ phải đọc kiểm tra lại các bản bông, can để bảo đảm không còn sai sót, khi đó Giám đốc - Tổng Biên tập mới ký quyết định xuất bản.

Trong trường hợp bản thảo cần phải xuất bản thành sách trong thời gian ngắn, quy trình biên tập, xử lý bản thảo vẫn phải qua các bước tối thiểu như sau: (1) Biên tập viên thẩm định về mặt nội dung khoa học và nội dung tư tưởng của tác phẩm, xin chủ trương của lãnh đạo ban biên tập về việc có đưa bản thảo vào kế hoạch biên tập hay không. (2) Biên tập viên biên tập và làm việc với tác giả/dịch giả để chỉnh sửa, xử lý bản thảo nhằm đáp ứng nội dung khoa học, nội dung tư tưởng, và cả yêu cầu của độc giả (lúc này biên tập viên còn là cầu nối giữa tác giả với độc giả). (3) Biên tập viên chỉnh sửa, hoàn chỉnh bản thảo để trình lãnh đạo ban biên tập đọc duyệt. (4) Bản thảo sau khi được Ban biên tập đọc duyệt sẽ chuyển đến cấp lãnh đạo nhà xuất bản duyệt in. (5) Sau chế bản, Phòng Biên tập kỹ thuật sẽ phải rà soát lần nữa xem còn sai/sót gì trước khi đưa đến nhà in.

Các biên tập viên trong Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phải thực hiện nghiêm túc quy trình này bởi họ không chỉ phải bảo đảm nội dung khoa học, bảo đảm được tư tưởng của tác giả trong tác phẩm mà điều hết sức quan trọng là họ còn phải bảo đảm nội dung chính trị. Để các biên tập viên trẻ tích lũy được kinh nghiệm, có kiến thức, kỹ năng xử lý bản thảo và đủ tự tin, hiểu biết để làm việc với cộng tác viên, các ban biên tập của Nhà xuất bản thường phân công các cán bộ có thâm niên, giàu kinh nghiệm biên tập làm cùng cán bộ trẻ để giúp đỡ họ. Đây là việc làm rất cần thiết để đào tạo cho đội ngũ biên tập viên trẻ cả kiến thức lẫn nhạy bén chính trị, cách nắm bắt tư tưởng xuyên suốt của bản thảo/tác giả và cả sự tự tin khi làm việc.

3. Để bảo đảm chất lượng nội dung tư tưởng của xuất bản phẩm

Trong điều kiện các nhà xuất bản phải cạnh tranh gay gắt hiện nay, khi không ít ấn phẩm đang bị cơ quan nhà nước thu hồi hay yêu cầu chỉnh sửa mới cho phát hành, khi có những ấn phẩm vừa ra mắt đã bị xã hội lên án do nội dung tư tưởng lệch lạc, thì việc làm thế nào để các ấn phẩm bảo đảm được chất lượng nội dung tư tưởng là vấn đề rất cần quan tâm giải quyết không chỉ đối với các nhà xuất bản mà cả các cơ quan có trách nhiệm. Để các biên tập viên bảo đảm được nội dung tư tưởng của xuất bản phẩm, chúng ta cần chú ý hai nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý xuất bản:

- Phải coi xuất bản là nghề đặc biệt, vì vậy xuất bản cần có sự chuyên môn hóa/chuyên nghiệp cao, không thể quan niệm rằng bất cứ ai cũng được phép xuất bản sách. Việc hầu hết các sai phạm có tính chất nghiêm trọng đều tồn tại ở các ấn phẩm liên kết xuất bản đã chứng minh điều đó.

- Cần tổ chức các lớp tập huấn đào tạo định kỳ cho biên tập viên để họ được cập nhật kiến thức, nhất là kiến thức pháp luật trong xuất bản. Việc các biên tập viên nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trước pháp luật trong lĩnh vực xuất bản sẽ góp phần không nhỏ đối với việc giảm thiểu những ấn phẩm không đạt tiêu chuẩn, không bảo đảm nội dung tư tưởng ra thị trường.

- Tiêu chuẩn hóa cho các ấn phẩm khi phát hành và mức xử phạt bảo đảm tính răn đe đối với ấn phẩm vi phạm.

Thứ hai, đối với nhà xuất bản:

- Rèn luyện để biên tập viên, nhất là các biên tập viên trẻ, nắm được các kỹ năng cơ bản của nghề biên tập.

- Cần thực hiện nghiêm túc quy trình làm bản thảo theo các bước tối thiểu như thẩm định, biên tập, đọc duyệt qua các cấp. Xây dựng được phần trách nhiệm của từng bước, từng bộ phận trong quy trình.

- Biên tập viên cần được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ và thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức.

- Cử biên tập viên tham dự các lớp tập huấn do các cơ quan quản lý xuất bản tổ chức theo định kỳ.

Việc luôn bảo đảm chất lượng chính trị, tư tưởng cho các xuất bản phẩm trong điều kiện hiện nay không đơn giản. Để làm được việc này, không chỉ các biên tập viên phải ra sức học tập, rèn luyện thường xuyên mà cần có sự đồng lòng của lãnh đạo các đơn vị xuất bản, sự phù hợp của cơ chế quản lý trong lĩnh vực xuất bản và sự nghiêm khắc của cơ quan quản lý xuất bản.

TS. Đỗ Quang Dũng

Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27-01-2003 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị trong tình hình mới.

2. Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

3. Ban Chấp hành Trung ương - Ban Tuyên giáo Trung ương: Báo cáo số 40-BC/BTGTW ngày 02-10-2007 sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

4. Luật xuất bản 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ IV, năm 2012 (ngày 20 tháng 11).

5. Đề tài: “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị” do TS. Nguyễn Duy Hùng làm Chủ nhiệm (nghiệm thu năm 2009).

6. Nhiều tác giả: Xuất bản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2012.

Bình luận