Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới
Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh bài học mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để phát huy được bài học này cần thống nhất một số định hướng: phải luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết; kế thừa tinh thần đem sức ta tự giải phóng cho ta, sức mạnh nội sinh là yếu tố quyết định; phòng chống mọi biểu hiện tuyệt đối hóa sức mạnh dân tộc hay sức mạnh thời đại.
Tiến trình phát triển của mỗi quốc gia dân tộc luôn có sự gắn bó chặt chẽ với những nhân tố quốc tế. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự kết hợp thành công nhân tố dân tộc với nhân tố thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế. Từ thực tiễn phong phú ấy, Đại hội XI của Đảng (2011) đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,rút ra những bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có bài học: “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”(1).
Nhìn lại 30 năm đổi mới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XII một lần nữa nhấn mạnh bài học “kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2).
1. Bài học này có cơ sở lý luận vững chắc trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu của phong trào cộng sản quốc tế không chỉ vì giải phóng bản thân giai cấp công nhân, mà còn và trước tiên là giải phóng dân tộc, tiến tới giải phóng toàn nhân loại khỏi mọi chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản văn minh. Nhận rõ bản chất quốc tế của sự nghiệp cách mạng vô sản, khi viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản như bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản toàn thế giới, Mác và Ăngghen đã đề ra khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”(3).
Trong điều kiện lịch sử đầu thế kỷ XX, khi “chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành một hệ thống có tính chất toàn thế giới của một nhúm nhỏ các nước “tiên tiến” đi áp bức thuộc địa và dùng tài chính để bóp nghẹt đại đa số nhân dân thế giới”(4), lãnh tụ V.I. Lênin chỉ rõ “cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ không phải chỉ là và chủ yếu là một cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cách mạng ở từng nước chống lại giai cấp tư sản ở nước mình; không phải thế, đó sẽ là cuộc đấu tranh của tất cả các thuộc địa và tất cả những nước bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, của tất cả các nước phụ thuộc chống lại chủ nghĩa đế quốc quốc tế”(5). Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Lênin thực hiện sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH đầu tiên trên thế giới. Mặc dù đối lập CNTB với CNXH trên nhiều phương diện, phê phán triệt để nhiều khiếm khuyết của CNTB, nhưng Lênin vẫn sáng suốt khẳng định: “Phải tiếp thu toàn bộ nền văn hóa do chủ nghĩa tư bản để lại và dùng văn hóa đó để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải tiếp thu toàn bộ khoa học kỹ thuật, tất cả những kiến thức, tất cả nghệ thuật. Không có những cái đó, chúng ta không thể xây dựng cuộc sống của xã hội cộng sản được”(6). Người còn cụ thể hóa: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các Tơrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ... = Chủ nghĩa xã hội”(7).
Thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của nhân tố thời đại, nhân tố quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Hệ thống quan điểm của Người về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại chứa đựng nhiều nội dung quan trọng. Ngay từ những ngày đầu của hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Cách mạng An Nam là bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả”(8). Phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản cho nhân dân lao động nước mình, làm cho tinh thần yêu nước là một bộ phận của tinh thần quốc tế. Người kêu gọi: “vì nền hòa bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức”(9). Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh giữ vai trò quyết định, còn sức mạnh thời đại là nguồn lực bên ngoài, nó sẽ làm cho sức mạnh dân tộc được tăng lên và nó cũng chỉ phát huy tác dụng thông qua nhân tố bên trong, đó là sức mạnh dân tộc. Người nhiều lần chỉ rõ: “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp mình đã”, “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được hưởng độc lập”(10). Phải kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc mình với các mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.
2. Những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, kết hợp có hiệu quả sức mạnh quốc gia dân tộc, sức mạnh nội lực với sức mạnh thời đại, nhân tố quốc tế, sức mạnh ngoại lực, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Sức mạnh quốc gia dân tộc là tổng hợp những lợi thế, những nguồn lực nội sinh của dân tộc, quốc gia bao hàm toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; truyền thống và hiện tại; dưới dạng tiềm năng và trong những biểu hiện hiện thực... Ngày nay, sức mạnh dân tộc của nước ta được tạo nên bởi quy mô và chất lượng của dân số cả nước (gần 95 triệu người, trong đó gần 45 triệu người trong độ tuổi lao động); các nguồn lực tự nhiên khá phong phú (đất đai, rừng, biển, khoáng sản...); vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế của đất nước; truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường; nền văn hóa đậm tính nhân văn, cộng đồng; đóng góp của cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới; sự ổn định chính trị - xã hội; đường lối đúng đắn của Đảng và sự đồng tình, ủng hộ của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân; sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau 30 năm đổi mới.
Sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại trong giai đoạn hiện nay được cấu thành bởi sức mạnh của các xu thế lớn, trong đó dòng chủ lưu là hòa bình, hợp tác và phát triển; sức mạnh của cộng đồng quốc tế ngày càng đồng thuận trong kiến tạo, củng cố một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dân chủ, công bằng, bình đẳng; sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì các mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển bền vững; sức mạnh của hàng trăm quốc gia phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); sức mạnh của thế giới văn minh trong kỷ nguyên của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa...
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Việt Nam đã phát huy tối đa sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại; kết hợp chúng một cách vô cùng hiệu quả với sức mạnh dân tộc. Bởi vậy, đã làm thay đổi tương quan lực lượng ngày càng có lợi trong chiến đấu và chiến thắng thực dân, đế quốc, các thế lực phản động, làm nên một trong những bản hùng ca đẹp nhất của loài người tiến bộ trong thế kỷ XX. Trong 30 năm đổi mới, một lần nữa phong cách Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại lại để lại dấu ấn đặc sắc qua các kết quả, thành tựu to lớn, bước ngoặt.
Từ chỗ bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, đến nay nước ta là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế: có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 185 quốc gia trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, trong đó có 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện, có quan hệ với tất cả các nước lớn, tham gia vào 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Từ hệ thống quan hệ kinh tế - thương mại nhất biên đảo, đến nay nước ta có quan hệ ngoại thương với trên 230 thị trường, đã ký trên 90 hiệp định thương mại tự do song phương, hơn 60 hiệp định đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần..., kim ngạch ngoại thương nhiều năm qua đạt từ 150 - 200% quy mô GDP, thu hút 270 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gần 90 tỷ USD viện trợ phát triển chính thức (ODA) được cam kết. Từ chỗ còn nhiều cách biệt với thế giới, đến nay nước ta đã tham gia hầu hết các thiết chế liên kết khu vực và toàn cầu: AFTA, APEC, ASEM, TPP, WTO...; đảm nhiệm ngày càng nhiều chức trách trong ASEAN, Liên Hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác.
Những kết quả, thành tựu đối ngoại nêu trên đã đem lại cho đất nước môi trường quốc tế hòa bình, hữu nghị và các điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế , văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Các nguồn lực quốc tế quý báu và quan trọng ấy đã được kết hợp với các nguồn lực nội sinh trong nước, tạo nên những thành tựu chung của công cuộc đổi mới: chế độ xã hội trụ vững trước các thách thức lịch sử thời kỳ hậu Xô viết; đất nước khắc phục được khủng hoảng và ra khỏi tình trạng kém phát triển; kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; xã hội ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; quốc phòng và an ninh được giữ vững; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao; sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục vững bước phát triển theo con đường XHCN.
3. Trong những năm tới, nhu cầu kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiếp tục được đặt ra một cách cấp thiết và phải được triển khai trong bối cảnh mới, vừa nhiều cơ hội, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức. Rất cần xác định kịp thời đâu là những vấn đề lớn có thể hạn chế, cản trở hoặc làm giảm sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại và việc kết hợp chúng với nhau thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước.
Trên phương diện củng cố sức mạnh dân tộc, vấn đề lớn nhất chính là nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục tụt hậu về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính ở thời điểm năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 2.000 USD (so với thế giới là 10.000 USD), đứng thứ 123/182, sau Hàn Quốc 30-35 năm, Malaixia 25 năm, Thái Lan 20 năm; đứng thứ 121/187 về chỉ số phát triển con người (HDI); đứng thứ 108/130 về chỉ số sáng chế (International Property Rights Index); đứng thứ 102/124 về mức độ ô nhiễm môi trường; đứng thứ 160/190 về chỉ số y tế; hệ số ICOR của Việt Nam là 6,99 so với 4,64 của Inđônêxia, 4,1 của Philíppin và 2,59 của Lào. Năm 1986, quy mô GDP của Việt Nam bằng 4,1% GDP của Trung Quốc; đến năm 2015, chỉ còn 1,9%. Đến năm 2035, trình độ thịnh vượng của Việt Nam vẫn chưa bằng Đài Loan, Hàn Quốc ở thời điểm 2011 và chỉ bằng 1/2 của Nhật Bản, 1/3 của Xinhgapo (Theo www.kinhtesaigononline/03.5.2015). Tỷ lệ lao động nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là 46,3%, tương đương với Thái Lan, Philíppin và Inđônêxia cách đây 30 năm. Điều đáng lo ngại nhất chính là sự tụt hậu này là hậu quả của quá trình phát triển lạc hậu kéo dài nhiều năm qua, với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chất lượng thấp, không bền vững, không có sức cạnh tranh.
Vấn đề lớn thứ hai liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nội chính... Chúng ta chưa xác lập được một hệ thống chuẩn giá trị con người, giá trị xã hội đủ sức mạnh tập hợp, động viên mọi nguồn lực tạo thành một động lực đồng tâm, đồng thuận phục vụ công cuộc chấn hưng dân tộc, kiến thiết quốc gia hiện đại. Tham nhũng, lãng phí, suy thoái của cán bộ, đảng viên còn nghiêm trọng, làm nản lòng không ít tầng lớp nhân dân và triệt tiêu nhiều sức mạnh, động lực. Nhiều bức xúc xã hội chưa rõ phương hướng giải quyết, trong đó có sự lúng túng trong xây dựng nền giáo dục, y tế, văn hóa, đạo đức,... của một quốc gia XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường. Mô hình, cơ chế, giải pháp phát huy dân chủ và củng cố kỷ cương trong Đảng và toàn xã hội trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền còn nhiều vướng mắc. Những trở ngại này, đang làm suy giảm sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh; và trong tình huống bất trắc xảy ra, sẽ tạo nên hiểm họa lớn từ bên trong, nếu không được nhận thức và xử lý kịp thời.
Trên phương diện quốc tế, bất lợi, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam chính là quá trình điều chỉnh chiến lược của các nước lớn theo xu hướng chung là ưu tiên lợi ích quốc gia dân tộc, sẵn sàng thỏa hiệp một cách hết sức thực dụng, bấp chấp lợi ích, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác có liên quan. Trong thực trạng này, mặc dù nước ta có hệ thống các mối quan hệ quốc tế đa phương, đa dạng, nhưng chưa đủ chiều sâu, sự ổn định, tính vững chắc. Tình hình càng như vậy đối với hàng chục mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân từ phía các bạn và cả từ phía chúng ta, sự quan tâm, ủng hộ, sẵn sàng hành động vì Việt Nam của cộng đồng quốc tế đương đại là rất khiêm tốn và có nhiều giới hạn, nếu so sánh với các thời kỳ đấu tranh cách mạng trước kia.
Để phát huy bài học kinh nghiệm mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong tình hình mới, rất cần thống nhất, nhất quán một số định hướng cơ bản:
Một là, phải luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết, với nội hàm cụ thể hiện nay là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia. Đây là cơ sở hàng đầu để Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại trọng đại của đất nước.
Hai là, kế thừa tinh thần “đem sức ta tự giải phóng cho ta”, phải biết “tự lực cánh sinh”, tự lực, tự cường. Sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh là yếu tố quyết định; sức mạnh thời đại, quốc tế, sức mạnh bên ngoài là yếu tố quan trọng, chỉ có tác dụng và hiệu quả khi sức mạnh bên trong được chuẩn bị kịp thời, đầy đủ.
Ba là, phòng chống mọi biểu hiện tuyệt đối hóa. Không được thần thánh hóa sức mạnh dân tộc mà xem nhẹ sức mạnh thời đại, coi việc tìm kiếm những nguồn lực quốc tế là sự lệ thuộc vào nước ngoài, là dẫn tới mất độc lập, mất bản sắc trong phát triển, từ đó dẫn tới bảo thủ, biệt lập và nhất định sẽ đi đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Cũng không được xem nhân tố quốc tế như cứu cánh cho mọi vấn đề, dẫn tới xem nhẹ sức mạnh dân tộc, lãng phí nhiều lợi thế nội sinh, vô tình bỏ rơi nhiều di sản quý báu cho sự hưng thịnh của đất nước hiện nay.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế là vấn đề chiến lược, quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung và phương thức kết hợp phải được xác định phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Trong tình hình hiện nay, cần kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của các thời kỳ trước kia; đồng thời, cần bám sát yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, lợi ích của quốc gia dân tộc và các xu thế vận động của thế giới đang đổi thay để bảo đảm cho Việt Nam có được sức mạnh tổng hợp to lớn nhất, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và CNXH, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
__________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.65-66.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.69-70.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.646.
(4), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.27, tr.389; t.39, tr.370.
(6), (7) V.I.Lênin: Toàn tập, (Tiếng Việt), Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.38, tr.67; t.36, tr.684.
(8) Hồ Chí Minh:
, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.301; t.1, tr.452; t.6, tr.522.
PGS,TS Nguyễn Viết Thảo
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực