Tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn
Đồng chí Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ tiền bối của Đảng và của cách mạng Việt Nam, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm giữ vị trí người đứng đầu tổ chức Đảng, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần quan trọng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Với lòng yêu nước sâu sắc, sự sáng suốt về trí tuệ và tư duy chiến lược cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất lớn, mang tính đột phá, thể hiện ở các quyết sách mang tầm tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình. Tiêu biểu nhất là những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn vào việc xác định chính sách mới của Đảng ở Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (năm 1939), vào đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân qua bản kiến nghị quan trọng với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951), vào việc hoạch định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam, qua bản Đề cương cách mạng miền Nam, cũng như qua việc chỉ đạo chuẩn bị Nghị quyết 15 của Trung ương (năm 1959) để tạo bước ngoặt quan trọng cho cách mạng miền Nam…
1. Dấu ấn thể hiện tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện trước hết khi đồng chí ở cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936-1939. Trong việc đấu tranh chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Duẩn đã không tán thành cả hai khuynh hướng cực đoan, đó là chỉ hoạt động bí mật hoặc hoạt động công khai; đồng chí chủ trương kết hợp hài hòa cả hai hình thức này. Đồng chí Lê Duẩn đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và chủ trì Hội nghị Trung ương 6 (ngày 6, 7 và 8 tháng 11 năm 1939), quyết định một số vấn đề quan trọng: chủ trương tạm gác vấn đề ruộng đất, đưa ra khẩu hiệu chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội dân tộc; thay khẩu hiệu thành lập chính quyền Xôviết công - nông - binh bằng khẩu hiệu lập chính quyền cộng hòa dân chủ; tập trung mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào đế quốc tay sai để “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”1.
Giải đáp về lý do dẫn tới bước ngoặt quan trọng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, đồng chí Lê Duẩn nói: Nghị quyết Trung ương 6 không phải bỗng dưng trong óc nghĩ ra mà là kết quả tổng kết phong trào cách mạng từ khi có Đảng đến năm 1939, kết quả phân tích cụ thể tình hình đất nước và thế giới khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bắt đầu và Mặt trận bình dân ở Pháp không còn tồn tại… Đảng ta sáng tạo ở chỗ, trong khi kiên trì chiến lược cách mạng phản đế, phản phong “nhưng vì tình hình lúc bấy giờ chúng ta cần đặt lại vấn đề dân tộc một cách đầy đủ hơn. Công nông phải nêu cao hơn nữa ngọn cờ dân tộc, phải đặt quyền lợi dân tộc thành quyền lợi tối cao…”2.
Nghị quyết Trung ương 6 năm 1939 với sự đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Duẩn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với từng bước thành công của cách mạng Việt Nam sau này. Kết quả của Hội nghị này cho thấy tư duy ấu trĩ ban đầu đã bị vượt xa, thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt, bản lĩnh chính trị của những nhà cách mạng.
2. Sau khi Hiệp định Giơvevơ được ký kết năm 1954, đồng chí Lê Duẩn nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại miền Nam để cùng với Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo phong trào cách mạng. Bằng nhạy bén chính trị, tư duy sắc sảo, đồng chí đã sớm dự đoán được việc Mỹ và ngụy quyền tay sai muốn phá hoại Hiệp định Giơvevơ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng trong biển máu và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Theo đồng chí Lê Duẩn, chủ trương “đấu tranh hòa bình đòi thi hành Hiệp định” của Trung ương là không còn phù hợp, nhất là khi thời hạn Tổng tuyển cử tháng 7-1956 đã qua đi. Vì thế, đồng chí đã chủ động sáng tạo, xác định hướng đi cho cách mạng miền Nam thông qua Đường lối cách mạng miền Nam Việt Nam, sau đổi thành Đề cương cách mạng miền Nam (tháng 8 năm 1956).
Trong Đề cương cách mạng miền Nam, sau khi phân tích ba nhiệm vụ của cách mạng cả nước, đồng chí chỉ rõ: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”3. Như vậy, theo đồng chí Lê Duẩn, con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhất thiết phải là con đường cách mạng chứ không phải con đường thương lượng hòa bình, con đường thi đua hòa bình hay trường kỳ mai phục. Những quan điểm mang tính chân lý của bản Đề cương cách mạng miền Nam thực sự mang tính đột phá và sau này đã trở thành kim chỉ nam hành động của cách mạng miền Nam.
Đề cương cách mạng miền Nam không những chỉ ra mục đích, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam mà còn chỉ ra phương pháp đấu tranh và khả năng phát triển của cách mạng miền Nam là phải linh hoạt, vừa chọn con đường đấu tranh hòa bình, vừa đấu tranh vũ trang. Trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng đi đến đấu tranh vũ trang toàn diện.
Mặc dù bản Đề cương cách mạng miền Nam với nhiều điểm đột phá, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu về con đường cách mạng miền Nam lúc bấy giờ nhưng không phải chân lý bao giờ cũng được chấp nhận ngay. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 6 năm 1956 đã xác định “đấu tranh chính trị không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định” và bản Đề cương cách mạng miền Nam với tinh thần tiến công mạnh mẽ đã được gửi ra Trung ương từ tháng 8 năm 1956, nhưng Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng (từ ngày 25-8-1956 đến 5-10-1956) vẫn nhấn mạnh chủ trương đấu tranh pháp lý.
Một số đầu sách về Tổng Bí thư Lê Duẩn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành
Trước những diễn biến mới, đầy phức tạp khi ngày 6-5-1959, chính quyền Sài Gòn thông qua Luật 10/59 về việc thành lập “tòa án quân sự đặc biệt” để sát hại những người cộng sản với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” gây tổn thất nặng nề cho cách mạng, Xứ ủy Nam Kỳ đã gửi ba bức điện cho Trung ương, trong đó nhấn mạnh: “Sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại đế quốc Mỹ và tay sai”4. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã họp tiếp đợt 2 (từ ngày 10 đến 15-7-1959) và lần này mới thông qua được nghị quyết. Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã đánh dấu việc xác định phương hướng cho cách mạng miền Nam và tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam trong những năm 1959-1960. Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền nhân dân. Tuy muộn, nhưng Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) cũng đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và sát với tình hình cách mạng, theo tinh thần của bản Đề cương cách mạng miền Nam. Như vậy, chính đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đề xuất Cương lĩnh chống đế quốc Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Sau này, khi tổng kết ưu, khuyết điểm của Đảng trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đảng ta chính thức thừa nhận: “Trong một thời gian khá dài, khi cả miền Nam tràn ngập trong nước sôi lửa bỏng, Đảng ta đã chậm tìm ra phương pháp đấu tranh chuyển thế để địch thẳng tay khủng bố, tàn sát, gây tổn thất không kể xiết cho nhân dân miền Nam, đưa cách mạng lâm vào tình trạng rất hiểm nghèo”5. Điều này càng cho thấy giá trị tầm nhìn xa rộng trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Suốt 15 năm (1960-1975) trên cương vị này, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào chủ trương đồng thời phải tiến hành hai cuộc cách mạng - cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Mặc dù tính chất hai cuộc cách mạng ở hai miền khác nhau nhưng lại có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ nhau nhằm mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần bảo vệ nền hòa bình thế giới.
Thời điểm này, cả trong phong trào cộng sản quốc tế và một số đồng chí lãnh đạo của Đảng ta cũng có những đánh giá trái chiều về sức mạnh của đế quốc Mỹ. Khuynh hướng đánh giá thấp sức mạnh của Mỹ dẫn đến chủ quan, nhận định coi thường kẻ thù. Trái lại, một số người lại đánh giá quá cao tiềm lực, sức mạnh của Mỹ, dẫn đến tư tưởng lo sợ xung đột khu vực sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới, muốn giữ hòa bình bằng mọi giá. Bằng tư duy chính trị sắc bén, tầm nhìn sáng suốt của nhà lãnh đạo tài ba, đồng chí Lê Duẩn đã có những đánh giá chính xác về tình hình và sức mạnh thực sự của đế quốc Mỹ, từ đó có những chiến lược, sách lược đúng đắn, khoa học để lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiens trường kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Đồng chí sớm nhận định: Mỹ giàu nhưng không mạnh và khẳng định sự tất thắng của cách mạng Việt Nam trong cuộc đụng đầu Mỹ - Việt.
Đồng chí Lê Duẩn cũng là người rất coi trọng tình đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi tính chủ động, độc lập, sáng tạo của cách mạng Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta, mặc dù ý thức rõ sự ủng hộ của Trung Quốc, nhưng đồng chí đã không rập khuôn máy móc theo sự gợi ý của bạn về con đường trường kỳ vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, “lửa đom đóm thiêu cháy cánh rừng”. Đồng chí xác định: Con đường tiến lên của cách mạng miền Nam “là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa”6, “đánh địch bằng cả hai lực lượng chính trị và quân sự, tiến tới tổng khởi nghĩa, tổng công kích để giải phóng miền Nam”7.
Tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn còn thể hiện cả ở khả năng làm chủ cuộc chiến. Nếu không biết cách điều khiển cuộc chiến thì rất có thể tuy thắng lợi ở trận chiến nhưng đại cục của cuộc chiến lại bất lợi cho cách mạng. Ngay cả trong chiến thuật vừa đánh vừa đàm cũng vậy: “Trong đàm phán nếu ta đưa ra yêu cầu có mức độ, làm cho địch thấy rằng, tuy phải thua, nhưng thua ở mức có thể chịu được, một mức thua chưa đẩy địch vào tình thế nguy khốn, thì chúng cũng phải chịu thua”8. Mục tiêu cuối cùng trong cuộc chiến của chúng ta là phải toàn thắng, nhưng nghệ thuật chỉ đạo lại phải là biết thắng từng bước cho đúng, nghĩa là biết tiến, thoái cho phù hợp, bảo đảm thắng địch theo yêu cầu trong mỗi giai đoạn, nhiệm vụ cụ thể của ta và quan trọng nhất là không được làm phương hại đến đại cục cách mạng.
Đồng chí Lê Duẩn là người biết khởi sự, điều hành tiến trình và kết thúc chiến tranh đúng lúc sao cho có lợi nhất cho cách mạng. Sau khi đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari (1973), đồng chí Lê Duẩn đã nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn... Ngoài cơ hội này không có cơ hội khác nữa, nếu để chậm, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược, can thiệp phục hồi và mạnh lên thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng...”9.
Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước là chiến công vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Đánh giá về cống hiến và tài năng lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Suốt hai mươi năm chống Mỹ, có thể nói, trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi của tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của Anh Ba”10.
3. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần cùng Trung ương Đảng làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta phù hợp với đặc điểm xuất phát và những điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Trong tư duy chiến lược về cách mạng xã hội chủ nghĩa của đồng chí Lê Duẩn, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa con người giữ vị trí hết sức quan trọng. Đồng chí cho rằng: Con người ta không chỉ sống với miếng cơm manh áo mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với dân tộc. Đồng chí Lê Duẩn, khi nói tới văn hóa, thường nhấn mạnh lao động, lẽ phải và tình thương. Đồng chí căn dặn các nhà sư phạm, các thầy cô giáo: Phải xuất phát từ những tư tưởng, tình cảm của thời đại và những vốn đã có của dân tộc và trên cơ sở ấy mà xây dựng tri thức, tình cảm cho học sinh phù hợp với giai đoạn mới của lịch sử. Đây là những quan điểm trong tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực phát triển văn hóa và con người.
Say mê trước chiến thắng, nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng nảy sinh tâm lý chủ quan, tự mãn; cộng với nhận thức sai lầm, mang tư duy, cung cách quản lý thời chiến áp dụng vào quản lý xã hội, quản lý kinh tế trong thời bình đã làm cho đất nước lâm vào trì trệ, khó khăn. Trước thực trạng đó, lại một lần nữa, tư duy sáng tạo, đổi mới của đồng chí Lê Duẩn cùng với khái niệm “bước đi ban đầu” đã in dấu ấn sâu đậm vào sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, trong không khí say sưa chiến thắng, khái niệm này đã không được ghi nhận tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976). Phải đến Đại hội V của Đảng (1982) thì tư tưởng về “bước đi ban đầu” mới được đề cập lại cùng với sự thẳng thắn trong tự phê bình về khuyết điểm chủ quan nóng vội trong xây dựng và phát triển, bảo thủ trì trệ trong quản lý kinh tế. Tư duy đổi mới đó của Đảng thể hiện bước ngoặt trong Đại hội VI của Đảng (1986). Đến đại hội VII, Đảng ta đã vạch ra đường lối chung cơ bản cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ đó chỉ đạo cho công cuộc đổi mới, với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó tư tưởng “bước đi ban đầu” dưới thuật ngữ “chặng đường đầu tiên” được đánh giá cao với nội dung có phát triển mới, và đến Đại hội VIII thì những mục tiêu của chặng đường này đã được thực hiện.
Như vậy, Đồng chí Lê Duẩn chính là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất lớn, mang tính đột phá, thể hiện ở những quyết sách mang tầm tư tưởng lớn, tầm nhìn xa rộng trong tư duy lãnh đạo. Không chỉ có vậy, đồng chí Lê Duẩn còn là người luôn nhạy bén, sáng tạo và không ngừng đổi mới. Vì thế, trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục 26 năm (1960-1986), cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo thành công các nhiệm vụ cách mạng của hai miền, xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Xuân Trung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3, tr.552.
2. Xem Những bài giải đáp của đồng chí Lê Duẩn năm 1957, lưu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
3. Lê Duẩn: Tuyển tập (1950 - 1965), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr. 98.
4. Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.208-209.
5. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 44-45.
6, 7, 8. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.31, 36, 64.
9. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.52, 53.
10. Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.26.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực