Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Ngày đăng: 17/04/2017 - 09:04

Tóm tắt: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây vừa là mục tiêu, vừa là một nhiệm vụ trọng yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Quan điểm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc một lần nữa được thể hiện cụ thể và rõ nét trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Từ khóa: văn hóa, tiên tiến, bản sắc dân tộc, đại hội Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”1. Nội dung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từng bước được khẳng định, hoàn thiện, phát triển qua thực tiễn cách mạng Việt Nam và chặng đường 30 năm đổi mới.

xay dung nen van hoa176

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã không ngừng được củng cố, phát triển. Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Đời sống văn hóa của Nhân dân được cải thiện.

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của Nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người”2. Tuy nhiên, so với những thành quả trên một số lĩnh vực khác thì thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lĩnh vực văn hóa chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình để góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những lý do cơ bản đó là công tác lãnh đạo, quản lý nền văn hóa còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, do đó, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ, quyết liệt trong lĩnh vực này. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ ra: “Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải”3.

Trong thời gian tới, để quán triệt, thực hiện hiệu quả chủ trương, quan điểm Đại hội XII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức cho mọi lực lượng về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển những giá trị xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XII của Đảng chỉ ra yêu cầu: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””4. Văn hóa là sản phẩm hoạt động sáng tạo của con người. Nó là toàn bộ những giá trị bao gồm hệ thống tri thức, hành động, kinh nghiệm xã hội, tạo thành môi trường văn hóa nuôi dưỡng đời sống tinh thần, hướng con người vươn tới những lý tưởng cao đẹp và quyết tâm phấn đấu vì tương lai, hạnh phúc, nâng cao tầm vóc của dân tộc Việt Nam. Do đó, phải thường xuyên nâng cao nhận thức cho mọi lực lượng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển những giá trị xã hội chủ nghĩa. Đường lối phát triển văn hóa là hình ảnh phản chiếu bản chất của chế độ, có mục tiêu cụ thể, góp phần phát triển các lĩnh vực khác, tạo thành một hệ chính sách để ổn định và phát triển xã hội. Chính vì vậy, phát triển văn hóa chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi lực lượng về vị trí, vai trò, yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với mỗi đối tượng, đa dạng hóa, linh hoạt và mềm dẻo khi áp dụng các hình thức, phương thức tuyên truyền.

Cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động có vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nền văn hóa mới. Do vậy, mỗi người cần phải sâu sát, gần gũi, nắm được những băn khoăn lo lắng, bức xức và tâm tư, nguyện vọng của quần chúng để hướng công tác tuyên truyền vào những vấn đề họ quan tâm. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở”5.

Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.

Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với mọi hoạt động văn hóa là vấn đề có tính nguyên tắc, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa cần thực hiện theo hướng vừa bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân, đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng, sức mạnh của toàn xã hội vào việc đầu tư, lưu giữ, củng cố các giá trị văn hóa.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa”6. Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế tiến hành xã hội hóa lĩnh vực văn hóa nhằm huy động các nguồn lực, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng, tinh thần đoàn kết dân tộc. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người”7.

Ba là, Nhà nước cần có cơ chế để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội.

Chính sách phát triển văn hóa phải phù hợp với thực lực của nền kinh tế trong mỗi giai đoạn, thời kỳ của đất nước. Đại hội XII của Đảng yêu cầu phải: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”8. Do vậy, Đảng, Nhà nước cần quan tâm để giải quyết hài hòa quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng, phát triển văn hóa.

Bốn là, khi tiến hành xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người với tư cách là chủ thể của văn hóa.

Con người là chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa, đồng thời là sản phẩm của môi trường văn hóa. Phẩm chất cá nhân của con người được hình thành và phát triển trong quá trình phát triển của nền văn hóa. Do đó, việc: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển (…) tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”9.

Ngày nay, trước tác động đa chiều của kinh tế thị trường và hội nhập, văn hóa phải trở thành nhân tố thúc đẩy con người vươn lên để tự hoàn thiện mình. Văn hóa phải tham gia tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực, đào luyện nhân tài cho đất nước, “khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”10. Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo để mọi hoạt động văn hóa đều nhằm vào xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đề ra những chủ trương, giải pháp xây dựng con người Việt Nam mới, được rèn luyện, trưởng thành trong hoạt động thực tiễn. Đẩy mạnh các phong trào “người tốt, việc tốt”, “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, “xây dựng các làng bản, xã ấp, phố phường văn hóa”, “giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục”… nhằm thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thường xuyên biểu dương, cổ vũ những tấm gương điển hình, tạo thành phong trào quần chúng ngày càng sâu rộng. Đồng thời, phải tích cực, kiên quyết “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”11.

Đối với mỗi hộ gia đình cần phải quan tâm xây dựng cho được gia phong nghiêm chỉnh, làm cho gia đình không phải chỉ là tổ ấm tình cảm ruột thịt, mà còn là nơi hun đúc nhân cách, nhân phẩm của mỗi thành viên xã hội trong suốt cuộc đời.

Năm là, chủ động giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực”12. Để thâu hái những tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn có bản lĩnh vững vàng, chiến lược phát triển văn hóa đúng đắn, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ sùng ngoại, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa chỉ còn là bản sao vụng về, mờ nhạt của thứ văn hóa vay mượn, ngoại lai. Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”13.

Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là hai mặt của một quá trình, luôn kết hợp chặt chẽ với nhau. Bất cứ một sự lệch lạc nào cũng đưa đến những tổn hại cho việc xây dựng nền văn hóa mới. Trong xây dựng, phát triển văn hóa phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng. Nền tảng có vững vàng thì mới tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại; chắt lọc được những gì thực sự là tinh hoa và mới loại bỏ được những gì là phế thải của bất cứ loại phản văn hóa nào từ bên ngoài.

Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, nội sinh của dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Góp phần cùng: “toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”13.

Trung tá Đỗ Văn Trung

Học viện Chính trị,Bộ Quốc phòng

1-14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 78, 124, 126, 126, 132, 131, 128, 127, 127, 127, 130, 130-131, 219-220.


Bình luận