Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - kết tinh bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Biểu tượng chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 trong Lễ diễu binh kỷ niệm ngày thống nhất đất nước
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thời điểm đánh dấu sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi, một kỷ nguyên mới được mở ra cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Chiến công oanh liệt này là bản thiên anh hùng ca bất hủ về sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết tinh bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Với độ lùi thời gian, những nhân tố hợp thành sức mạnh để Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ càng được nhìn nhận rõ nét, sâu sắc hơn:
Đỉnh cao của trí tuệ, sức sáng tạo Việt Nam
Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sớm đề ra đường lối cách mạng phù hợp dựa trên sự phân tích khoa học tình hình thế giới và quy luật vận động của xã hội Việt Nam. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm thực hiện mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân trên cả nước, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng nhấn mạnh vai trò, vị trí chiến lược của cách mạng hai miền: “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”1.
Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, đường lối cách mạng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là một nét sáng tạo độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử, là thành công to lớn của Đảng ta. Nhờ có đường lối đúng đắn, Đảng Lao động Việt Nam đã động viên và tập hợp sức mạnh của chủ nghĩa xã hội với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, sức mạnh của hậu phương với sức mạnh của tiền tuyến, tạo nên một sức mạnh tổng hợp to lớn. Với đường lối ấy, Đảng ta đã kết hợp được lợi ích cơ bản của dân tộc với mục tiêu thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Bằng đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, Đảng đã lãnh đạo hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam xây dựng được đội quân chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, kết hợp khởi nghĩa quần chúng với chiến tranh cách mạng; hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đánh địch bằng ba mũi giáp công quân sự, chính trị, binh vận trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị. Vận dụng sáng tạo chiến tranh nhân dân và nêu cao tư tưởng chiến lược tiến công, Đảng đã phát động nhân dân cả nước thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đơn phương” (1954-1960), “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975), khi thời cơ chiến lược xuất hiện vào đầu năm 1975, tiến lên Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tổ chức, xây dựng nền tảng sức mạnh dân tộc
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã nhất tề đứng lên, nỗ lực chiến đấu không ngừng với khát vọng hòa bình cháy bỏng cùng niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Quyết tâm ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của nhân dân Việt Nam, được hun đúc, vun bồi từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.
Suốt chiều dài cuộc kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân ta đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, củng cố, nâng cao vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xóa mờ ranh giới, sự khác biệt giữa các thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, đảng phái suốt từ Nam chí Bắc để cùng hướng về một mục tiêu chung, như một người Mỹ đã nhận định: “Tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một chí thép - giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, chí thép đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”2.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là thành công của Đảng trong việc thực hiện vũ trang toàn dân, vũ trang cho công nông, sáng tạo một loại hình lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân, nhất là xây dựng quân đội nhân dân, quân đội kiểu mới của dân tộc - quân đội của dân, do dân, vì dân. Đó là sự vận dụng đúng đắn quy luật chung của mọi cuộc chiến tranh là phải đánh thắng đội quân xâm lược bằng sức mạnh quân sự trên chiến trường.
Từ những đội tiền thân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng mở rộng về quy mô, hoàn thiện về mọi mặt, hình thành những quả đấm chủ lực mạnh để thực hiện những mục tiêu chiến lược. Bằng sức mạnh của các binh đoàn chủ lực, Quân giải phóng miền Nam đã tổ chức được những trận đánh lớn, làm rung chuyển thế trận chiến lược của địch, tạo ra những bước ngoặt quyết định trong cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Từ những chiến dịch khởi đầu ở Ba Gia, Bình Giã, Ðồng Xoài trong Xuân Hè 1965 góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, quân chủ lực ta tiến lên mở các chiến dịch lớn như Plây Me, Khe Sanh, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Ðường 9 - Nam Lào, tiến công chiến lược 1972, Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên... Ðặc biệt, trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, bằng ba đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn - Gia Định của lực lượng binh chủng hợp thành, quân và dân Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.
Kế thừa, phát huy lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự Việt Nam
Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, trên cơ sở lòng yêu nước, niềm tin vào sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng và phát triển được thế trận chiến tranh nhân dân, ngày càng hoàn chỉnh và vững chắc trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị.
Thế trận chiến tranh nhân dân ở miền Nam cho phép quân và dân ta thực hành chiến lược tiến công địch rộng khắp, liên tục, ngày càng mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị, bằng nhiều hình thức, với những vũ khí có trong tay. Trước sự vây hãm của thế trận đan cài, xen kẽ, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa buộc phải dàn mỏng lực lượng để đối phó, khiến cho ưu thế về quân số, hỏa lực, sức cơ động của chúng bị hạn chế, luôn bị lâm vào tình thế giằng co, mâu thuẫn giữa chiếm đóng và cơ động, giữa phân tán và tập trung, giữa phòng giữ và tiến công, giữa “tìm diệt” và “bình định”. Trên nền của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển sâu rộng, quân và dân ta ở khắp các chiến trường, các địa phương đã sáng tạo những cách đánh đầy hiệu quả, nhằm vào những mục tiêu “yết hầu” của đối phương, như hệ thống căn cứ quân sự - hậu cần - kỹ thuật, hệ thống giao thông, các cơ quan đầu não chỉ đạo của địch ở sâu trong các đô thị trên toàn miền Nam.
Trên vùng trời, vùng biển miền Bắc, những năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân ta đã xây dựng, phát triển mạnh mẽ thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm trung và tầm cao. Dựa trên thế trận đó, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển ba thứ quân với phương thức tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng của lực lượng phòng không chủ lực, đánh bại các bước leo thang chiến tranh của không quân, hải quân Mỹ.
Hình thành và phát triển trong cuộc chiến tranh cách mạng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước được nâng lên một tầm cao mới với nội dung và hình thức phong phú. Đó là nền nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, kết hợp giữa đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, giữa các nhân tố lực - thế - thời, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Quá trình đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari là biểu hiện thành công nhất của nghệ thuật kết hợp giữa “đánh” và “đàm”, giữa “nghệ thuật quân sự” và “nghệ thuật ngoại giao”. Chính những thắng lợi quân sự đã mở cánh cửa cho đàm phán ngoại giao, tạo nên cục diện “vừa đánh vừa đàm” để đi đến ký kết Hiệp định Pari (27-1-1973), buộc Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ở thời điểm “xoay bản lề” của cuộc chiến tranh, ngoại giao trở thành một mặt trận chiến lược, bổ sung và phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chính trị - quân sự - ngoại giao, mở đường đi đến thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước.
Biết tranh thủ và kết hợp hiệu quả các nguồn lực
Trên cơ sở xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít nằm trong mặt trận thế giới đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ, Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nghĩa vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế và xem đó là một bộ phận hợp thành đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.
Ngay từ sớm, Đảng và Nhà nước ta đã xác định Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa là chỗ dựa, hậu phương quốc tế quan trọng nhất đối với sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bằng nỗ lực cao độ, những bước đi, sách lược linh hoạt, Đảng, Nhà nước ta đã thành công trong việc tranh thủ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa từng bước đồng tình, đi đến ủng hộ đường lối, mục tiêu, lập trường, quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta.
Không chỉ giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhân dân Liên Xô, Trung Quốc còn đóng vai trò là cầu nối quan trọng để Việt Nam mở rộng khối đoàn kết quốc tế, tăng cường mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Mặt trận đó bao trùm khắp năm châu, lan tỏa từ các nước xã hội chủ nghĩa tới các nước tư bản chủ nghĩa, tới các nước trung lập, liên kết rộng rãi các xu hướng chính trị - xã hội trên thế giới, kể cả một bộ phận đông đảo nhân dân Mỹ. Chiến tranh càng lan rộng và ác liệt thì sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam lại càng dâng cao mạnh mẽ.
Sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế là vô cùng quý báu nhưng để tranh thủ được tối đa hiệu quả nguồn lực đó, dân tộc Việt Nam phải tự lực, tự cường, phát huy yếu tố nội lực, từ đó, kết hợp chặt chẽ, chuyển hóa linh hoạt nhân tố quốc tế thành sức mạnh hiện thực để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Việc huy động, tiếp nhận nguồn lực quốc tế cho cuộc kháng chiến của dân tộc không chỉ dừng lại ở xu hướng tiếp nhận một chiều, thụ động, mà nó là sự phối hợp “có đi, có lại”. Chính những thắng lợi từng bước của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã tác động to lớn đến tình hình thế giới, góp phần làm chuyển biến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, bởi lẽ: “Cuộc đấu tranh vĩ đại đó là tuyến đầu của loài người tiến bộ chống đế quốc Mỹ, là một sự cống hiến to lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”3.
Biểu tượng của mối quan hệ, tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia
Trên nền tảng tình hữu nghị giữa ba nước Đông Dương, Đảng và nhân dân ta luôn ra sức vun bồi, củng cố tình đoàn kết, liên minh chiến đấu với nước bạn Lào và Campuchia. Trong quá trình này, nhân dân Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc để cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.
Đối với cách mạng Lào, Việt Nam kiên quyết ủng hộ Mặt trận Lào yêu nước và các lực lượng trung lập Lào đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh trên bàn đàm phán, làm thất bại chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào đi lên. Với sự ủng hộ của Việt Nam và các lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới, Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào được ký kết. Từ đó, Việt Nam và Lào luôn sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau một cách hiệu quả trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Thực hiện đoàn kết quốc tế với Campuchia, tuy có những khó khăn nhất định, nhưng Việt Nam luôn kiên trì ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia giành thắng lợi, củng cố, phát triển tốt đẹp mối quan hệ giữa hai dân tộc. Đặc biệt, từ năm 1970, Quân giải phóng miền Nam công khai phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia đánh trả quân Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng hòa, góp phần củng cố thêm liên minh đoàn kết, chiến đấu giữa hai nước.
Đỉnh cao của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia thể hiện qua Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương (từ ngày 24 đến 25-4-1970). Tuyên bố chung của Hội nghị trở thành cương lĩnh đấu tranh chung, hiến chương chung về quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước. Vùng giải phóng ba nước nối liền, mở rộng, hình thành thế trận liên hoàn vững chắc, tiến công trực diện vào đế quốc Mỹ.
Qua mấy mươi năm “đồng cam, cộng khổ” tiến hành kháng chiến, sự cố gắng nỗ lực và hy sinh xương máu của nhân dân ba nước Đông Dương đã được đền đáp xứng đáng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu. Đó là: “Thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”4.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đi vào lịch sử chống ngoại xâm như một trang chói lọi nhất và mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chiến thắng vĩ đại đó vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, cũng như kinh nghiệm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân để bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam.
Thượng úy, ThS. Lê Minh Nam
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 490, 475.
2. James G.Zuwalt: Chân trần, chí thép, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật - Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr. 8.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 1000.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực