Yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta trong tình hình mới

Ngày đăng: 10/05/2017 - 10:05

1.5.2017 Lan ảnh Yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo TT HCMTư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa lớn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Có thế thấy, việc làm rõ và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ góp phần làm sáng tỏ hơn lý luận về quyền lực nhà nước mà còn luận giải cho việc xây dựng một cơ chế kiểm soát thật hiệu lực, hiệu quả, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay. Để việc thực hành một cơ chế kiểm soát quyền lực được hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những phương thức:

Một là, kết hợp cách kiểm tra từ dưới lên và kiểm tra từ trên xuống. Kiểm tra từ trên xuống là “người cán bộ kiểm soát những công việc của cán bộ mình” (1). Đây là cách người lãnh đạo thay mặt tập thể kiểm tra, kiểm soát những công việc mà cán bộ dưới quyền mình được giao.
Kiểm tra từ dưới lên là “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó”, "cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc" (2). Đây là cách cán bộ và quần chúng cấp dưới bày tỏ chính kiến, thái độ của tập thể đối với người lãnh đạo thông qua sự góp ý thẳng thắn, tích cực xây dựng trong các cuộc họp, tranh luận công khai dân chủ. Người phân tích sự cần thiết phải kết hợp cả hai phương pháp kiểm tra vì mỗi cách đều có hạn chế.

Trong đó, Người nhấn mạnh “có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời” (3).

Hai là, kiểm tra “không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo mà phải đến tận nơi”, "muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành hay không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm; ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi" (4). Người ghét thói quan liêu, bàn giấy, hội họp nhiều. Người thường xuyên nhắc nhở các đồng chí cán bộ phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải xem xét người thật, việc thật. Từ đó mới có sự đánh giá đúng đắn, khách quan về cán bộ và công việc.

Ba là, kiểm soát phải có hệ thống, phải được tổ chức chu đáo. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”. Việc phái người đi kiểm soát phải được cân nhắc kỹ. Đặc biệt là phải quy trách nhiệm đối với cán bộ kiểm tra: “Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào, nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”(5). Việc quy trách nhiệm phải đi liền với xử lý vi phạm một cách nghiêm minh và khuyến khích, biểu dương những đơn vị và cá nhân làm tốt.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát với tự kiểm tra, kiểm điểm của mỗi cá nhân. Đây là nội dung chính của sinh hoạt tự phê bình và phê bình, cũng là nội dung của cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người cán bộ của Đảng giữ chức vụ trong cơ quan, tổ chức.
Khi nói về vấn đề tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”. “Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển tất yếu của một đảng”, là “vũ khí cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa sai lầm và phát triển ưu điểm”. “Mục đích của việc phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”. Còn tự phê bình là động lực giúp cán bộ, đảng viên tự kiểm soát lấy mình, là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình, là “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa” (6).

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước, chính là kiểm soát “cán bộ”. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(7). Đối với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Người luôn nhắc nhở về việc bảo đảm và thể hiện sự thống nhất về bản chất của mối quan hệ trong hệ thống chính trị. Điều này còn thể hiện tính nhất quán ngay trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Tính nhất quán đó được minh chứng bằng tính ổn định của thể chế suốt nhiều thập kỷ qua. Đó là: sự lãnh đạo, vai trò cầm quyền chỉ do một đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) nắm giữ; quan hệ kiểm soát quyền lực giữa cơ quan quyền lực với cơ quan chấp hành dựa trên nền tảng của dân chủ xã hội chủ nghĩa; quan niệm về kiểm soát, thiết kế tổ chức (trong Đảng, Nhà nước, các cơ cấu bên trong Nhà nước...), triển khai thực hành nhất quán việc kiểm soát quyền lực.

Quan điểm của Đảng về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Trước khi có Hiến pháp năm 1992, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta chưa có thuật ngữ “kiểm soát quyền lực nhà nước”. Tuy nhiên, trong Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã hình thành những quy định có nội dung này, cụ thể như Khoản 3, Điều 50, Hiến pháp năm 1959 quy định Quốc hội có quyền “giám sát việc thi hành Hiến pháp”; Khoản 3, Điều 83, Hiến pháp năm 1980 quy định Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật”; Khoản 7, Điều 100, Hiến pháp năm 1980 quy định Hội đồng Nhà nước “giám sát công tác của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”; Khoản 9, Điều 100 quy định Hội đồng Nhà nước “giám sát và hướng dẫn hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp; Điều 138, Hiến pháp năm 1980 có ghi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “kiểm soát việc tuân theo pháp luật của các bộ và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và các đơn vị vũ trang nhân dân...”;… Mặc dù Hiến pháp có những quy định nói trên, nhưng vì tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa nên quyền lực nhà nước chưa được phân công minh bạch và cơ chế kiểm soát nó chưa có cơ sở ra đời.
Sau Hiến pháp năm 1992, nhận thức về kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng và Nhà nước ta đã có sự phát triển về chất. Cụ thể, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền”. Đây là bước đột phá về nhận thức để từng bước chuyển từ tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa sang tổ chức quyền lực theo nguyên tắc phân công, phối hợp.
Đó là quá trình kế thừa, phát triển tư duy, đấu tranh với quan điểm và thói quen của mô hình tập quyền xã hội chủ nghĩa, bởi sức ỳ của mô hình này đã tồn tại nhiều thập niên, “ăn sâu, bám rễ” vào tư duy của nhiều người mà không dễ thay đổi. Từ khởi xướng chủ trương cải cách bộ máy nhà nước một cách mạnh mẽ tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác nhận, quyền lực nhà nước Việt Nam thống nhất với sự phân công rành mạch ba quyền (lập pháp, hành pháp và tư pháp); tiếp đến xác nhận “Nhà nước ta... là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”, vận hành theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” là cả một quá trình. Xét về thời gian, quá trình này tuy dài, nhưng đó là sự vận động tất yếu của nhận thức.

Tính đến nay, Đảng ta đã có quan điểm rõ ràng và thái độ cụ thể về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với cả hệ thống chính trị. Tại Nghị quyết 04/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Đảng ta đã chỉ rõ vấn đề “chậm xây dựng, hoàn thiện tổ chức và cơ chế giám sát trong Đảng và trong hệ thống chính trị, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên”, “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”.

Như vậy, quan điểm của Đảng về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả còn gắn liền với quá trình cụ thể hóa những nội dung trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đảng ta xác định kiểm soát quyền lực phải trở thành trọng tâm của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đặc biệt khi mà tình trạng tha hóa quyền lực, quan liêu, tham nhũng đang là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Kết quả là, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đã được Nghị quyết 04/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đưa ra mới đây.

Để làm cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các quan điểm của mình trong hoạt động lập pháp, một mặt nhằm giới hạn và nâng cao tính trách nhiệm của quyền lực nhà nước, buộc nhà nước phải tuân thủ pháp luật; mặt khác là để tạo cơ sở pháp lý giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Phương hướng xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đó là nâng cao hiệu quả và thực hiện sự phối kết hợp giữa giám sát trong Đảng, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội và của người dân.

Đảng đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực thật hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, liêm chính và phát huy các quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là mục tiêu của quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng một nền hành chính nhà nước trong sạch, một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân.

Yêu cầu hiện nay về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước trước nhân dân

Nhận thức về thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam và yêu cầu thực tiễn đất nước hiện nay cho thấy, vấn đề này được mọi tầng lớp nhân dân dõi theo với sự quan tâm đặc biệt và đặt ra những yêu cầu khắt khe trong việc thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước, của các chủ thể quyền lực nhà nước, bao gồm:

Thứ nhất, yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong tổ chức quyền lực của hệ thống chính trị trước nhân dân. Các quyền của người dân hoặc là trực tiếp, hoặc ủy quyền. Hiến pháp năm 2013 cũng xác định, Đảng, Nhà nước “chịu trách nhiệm” trước nhân dân.
Thứ hai, yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước theo phân công rõ ràng chức năng hoạt động. Yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước có giới hạn trong một số quan hệ quyền lực nhất định, cụ thể là các nhân tố bên trong và bên ngoài nhà nước tạo nên và duy trì cơ chế kiểm soát quyền lực. Điều này thể hiện nguyên tắc phân công các hoạt động trong việc thực hiện chức năng của các tổ chức, của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, cũng như bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước. Muốn kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả và thực chất, trước hết cần phân công rõ chức năng và thực hiện đúng chức năng. Thực thi quyền lực nhà nước không thể ôm đồm, làm thay; không lấn quyền hoặc ỷ lại, bỏ mặc. Sự phân công theo chức năng là bản chất có tính chất cố hữu vốn có trong sự tồn tại của tổ chức quyền lực.

Thứ ba, yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trước nhân dân thể hiện ở chỗ mỗi tổ chức, cá nhân có vai trò, vị trí nhất định và không làm những gì vượt quá quyền của tổ chức, của pháp nhân đó. Việc thực hiện có đúng chức năng hay không còn phụ thuộc vào năng lực xây dựng pháp luật, sự nhạy cảm nhận thức chức năng liên quan đến các nhiệm vụ thực thi của các chủ thể. Đặc biệt, không thể bỏ qua năng lực, phẩm chất đạo đức công vụ, đạo đức chính trị của con người trong thực thi công quyền. Lẫn lộn chức năng, dẫn đến sự thiếu minh bạch trong chức năng; hệ lụy là công vụ không được thực thi đúng thẩm quyền, thiếu sự chuyên nghiệp, không bảo đảm các điều kiện, phương tiện, kỹ năng của từng tổ chức để thực thi công vụ, tạo môi trường cho các căn bệnh trầm kha vốn có của Nhà nước phát triển.
Ngoài ra, yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua các mối quan hệ khác như sự tác động lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến nhau giữa các tổ chức, giữa các cấp quyền lực trong một tổ chức. Đây là loại hình tác động rất rộng và căn bản trong điều kiện của trật tự dân chủ lấy phụng sự xã hội, phụng sự nhân dân là trách nhiệm tối cao.

Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của việc thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực cần bảo đảm quyền của người dân một cách rộng rãi nhất, phù hợp với chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa./.

------------------------------------
(1), (2), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 5, tr. 288, 208, 698-699, 287, 698-699.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 300-301;

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 269, 273.

Bùi Tiến Dũng

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận