Tư tưởng đại đoàn kết trong thơ Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Là một nhà văn hóa lớn, anh hung giải phóng dân tộc, thơ ca của Người vừa phục vụ cho hoạt động cách mạng, vừa là niềm cảm hứng trữ tình cách mạng, vừa là công cụ tuyên truyền, có sức động viên đối với mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp, đồng bào trong và ngoài nước đồng tâm hiệp lực ra sức xây dựng, đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì dân, vì nước, vì nhân loại cần lao, Bác Hồ đã thực hiện và phát huy triệt để sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác coi đoàn kết là một bí quyết vạn năng - một bí quyết rất đơn giản mà tác dụng vô cùng to lớn. Bác đã đúc kết một cách giản dị nhất, thấm sâu vào lòng người và trở thành chân lý vĩnh cửu:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Năm 1925, khi đang hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ đã viết bài ca Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết đăng trên báo Thanh Niên, số 9, ra ngày 23-8-1925 (bản tiếng Pháp).
Hãy yêu thương nhau, cùng nhau ta đoàn kết
Hãy lắng nghe câu hát tự đáy lòng tôi.
Bằng những trải nghiệm thực tế, Bác ý thức một cách đầy đủ đoàn kết là nhân tố làm nên sức mạnh kỳ diệu, là tư duy chiến lược lâu dài, là hành động cụ thể tập hợp lực lượng để thực hiện những mục tiêu lớn lao của cách mạng.
Tư tưởng đại đoàn kết của Bác được thể hiện một cách đầy đủ trong các tác phẩm văn xuôi của Người. Đó là hệ thống các luận điểm, nguyên tắc, phương pháp và cách thức giáo dục, tổ chức, hướng dẫn hành động của lực lượng cách mạng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Ngoài văn xuôi, Bác còn sử dụng các hình thức, đặc biệt là thơ ca để tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng đoàn kết đấu tranh. Thơ ca của Bác được viết bằng những ngôn từ mộc mạc, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, tập trung vào ba nội dung chính: Truyền thống đoàn kết của dân tộc trong những thử thách khắc nghiệt của lịch sử; Kêu gọi mọi người, mọi tầng lớp đại đoàn kết; Tập hợp đồng bào đồng tâm hiệp lực đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1941, trước những chuyển biến của tình hình thế giới, nhận thấy rõ tình thế khẩn trương của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cũng trong thời gian này, Người đã viết một loạt các tác phẩm thơ ca như: Mười chính sách Việt Minh, Lịch sử nước ta, Bài Ca du kích và nhiều bài thơ đăng trên báo Việt Nam độc lập, với nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hội, đoàn thể cứu quốc. Tư tưởng đó của Người cũng được thể hiện đậm nét trong bài diễn ca Lịch sử nước ta với hơn 200 câu thơ được viết bằng thể thơ lục bát truyền thống; Bác đã tái hiện dòng lịch sử dân tộc, làm sống lại trong lòng người dân đất Việt những mốc son lịch sử chói lọi; nêu cao những chiến công hiển hách của cha anh, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời động viên lớp lớp con cháu noi gương các bậc tiền bối đứng lên đánh đuổi giặc thù. Kết thúc bài diễn ca, Bác nhắn nhủ mọi người:
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!
Trong bài thơ Chơi giăng, Bác khẳng định:
Nước nhà giành lại nhờ tài sắt,
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng.
Chữ đồng, chữ đoàn kết là những từ ngữ được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày nhưng trong thơ ca của Bác lại chứa đựng tư tưởng lớn với nhiều khía cạnh nội dung và cách biểu đạt cũng thật phong phú. Trong bài thơ Hòn đá, Bác nói về chữ đồng bằng hình ảnh thực, dẫn dắt người đọc từ một việc nhỏ, đến một việc lớn, từ việc nhấc hòn đá cho đến việc cứu nước:
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Chỉ một người,
Nhắc không đặng.
Nhưng khi nhiều người hợp sức lại thì:
Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhắc,
Nhắc lên đặng.
Và rút ra kết luận :
Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Làm cũng xong.
Từ đó Người dẫn dắt đến sự thành công của cách mạng:
Đánh Pháp, Nhật,
Giành tự do,
Là việc khó,
Là việc to.
Nếu chúng ta,
Biết đồng lòng,
Thì việc đó,
Quyết thành công.
Trong bài thơ Việt Nam độc lập đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 103, ra ngày 21-8-1941, Bác kêu gọi toàn dân từ “trẻ lẫn già”, đoàn kết “cùng nhau cứu nước”:
“Việt Nam độc lập” thổi kèn loa.
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta!
Thơ ca của Bác ngoài kêu gọi toàn dân đoàn kết còn có những bài thơ, bài ca hướng tới từng đối tượng cụ thể. Bác giải thích vì sao nông dân (Dân cày), công nhân (Công nhân), phụ nữ, thiếu nhi (Phụ nữ, Trẻ con), binh lính (Ca binh lính) phải sống kiếp lầm than khổ cực, không có ruộng cày, thuế nặng sưu cao, bị cúp lương, bị hành hạ, ức hiếp, bị bắt làm bia đỡ đạn cho quân thù. Ở những bài ca này, Bác chỉ ra những bất công, phân tích cặn kẽ những nguyên nhân, từ đó kêu gọi mọi tầng lớp phải đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, nắm lấy thời cơ cứu nước, cứu mình. Bác kêu gọi dân cày:
Nhịp này là nhịp trời cho,
Lo cứu nước tức là lo cứu mình.
Mai sau thực hiện chương trình:
Việt Nam nông dã tất canh kỳ điền.
Kêu gọi công nhân:
Thợ thuyền ta phải đứng ra.
Trước ta cứu nước sau ta cứu mình.
…
Bao giờ khôi phục nước nhà,
Của ta ta giữ, công ta ta làm.
Kêu gọi phụ nữ:
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân cứu nhà.
Kêu gọi thiếu nhi:
Kẻ lớn cứu quốc đã đành,
Trẻ em cũng phải ra dành một vai.
Kêu gọi binh lính:
Việc chi lợi nước thì làm,
Cứu dân cứu quốc há cam kém người!
Trong thơ ca của Bác, khi nói về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác luôn đặt quyền lợi của dân tộc, quốc gia lên trên hết. Song Bác cũng hết sức quan tâm đến quyền lợi thiết thân của mỗi người, của mọi giai tầng trong xã hội. Trong tư tưởng đại đoàn kết của Người, vấn đề dân tộc, vấn đề giai cấp, quyền lợi dân tộc, người lao động được kết hợp một cách hài hòa, gắn bó mật thiết với nhau. Chính vì vậy mà mọi người, mọi tầng lớp kết thành một khối thống nhất.
Cống hiến vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là việc Người đã nâng khối đoàn kết dân tộc từ tự phát lên tự giác. Khối đại đoàn kết dân tộc vốn xuất phát từ tình cảm tự nhiên Người trong một nước phải thương nhau cùng với triết lý nhân sinh Ba cây chụm lại thành hòn núi cao, nhưng trong thơ ca của Người lại được phát triển lên một trình độ mới, chất lượng mới - một khối đoàn kết có tổ chức, lãnh đạo. Cũng trong thời gian này, thơ ca của Bác tập trung cho chủ đề giác ngộ quần chúng nhận thức về tổ chức, tự nguyện tham gia các tổ chức nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức::
Muốn biết tự do chày hoặc chóng
Thì xem tổ chức khắp hay không
...
Tổ chức tuyên truyền càng rộng rãi
Tức là cách mạng đã thành công
(Chơi giăng)
Bên cạnh đó, Bác đưa ra lời khuyên, vận động mọi người, mọi tầng lớp gia nhập tổ chức Hội Việt Minh. Với nông dân, Bác khuyên rằng:
Muốn phá sạch nỗi bất bình,
Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào.
Với công nhân:
Cùng nhau vào Hội Việt Minh,
Ra tay tranh đấu xông pha mới là.
Với phụ nữ:
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào Hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Với thiếu nhi:
“Nhi đồng Cứu quốc” Hội ta,
Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh.
Ấy là bộ phận Việt Minh,
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã tập hợp lực lượng trong Mặt trận Việt Minh, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, tất cả đồng lòng nhất trí, anh dũng hy sinh làm nên cách mạng Tháng Tám thắng lợi.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào trái tim, khối óc, lý trí và tình cảm, biến thành hành động cách mạng của hàng triệu người dân Việt Nam.
Kháng chiến và kiến quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Bác kêu gọi đoàn kết kháng chiến, đoàn kết xây dựng đất nước. Là người đứng đầu Nhà nước, Bác nhận thức rất rõ về nhiệm vụ hết sức nặng nề mới mẻ của sự nghiệp xây dựng đất nước: "Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta (...). Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, (...) biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp"1. Bác hoàn toàn tin tưởng sự nghiệp xây dựng đất nước "Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh", nhất định thành công. Bác chỉ rõ: "Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"2.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng đất nước, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có những nội dung, hình thức khác nhau. Song ở bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, Bác đều khẳng định một cách nhất quán về hai quan điểm có tính nguyên tắc:
Thứ nhất, dựa vào dân, tin dân, phấn đấu hy sinh vì dân. Bác khẳng định: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"3. Viết Bài thơ cổ động4, sau khi nói về 6 điều không nên và 6 điều nên làm, Bác kết luận:
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Thứ hai, là hợp đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác nhận thấy:
Rằng đây bốn biển một nhà
Vàng đen trắng đỏ đều là anh em
Hay :
Rằng nay bốn biển một nhà
Cùng là bè bạn, cùng là thân yêu
(Nhật ký chìm tầu)
Tình thương, sự đồng cảm và tinh thần đoàn kết của Bác không bó hẹp trong phạm vi một nước, một dân tộc, một số ít người nào đó mà được mở rộng.
Lọ là thân thiết ruột rà
Công nông thế giới đều là anh em.
Hay:
Tinh thần quốc tế của công nhân,
Quý giá, nghìn vàng há dễ cân.
Giai cấp cần lao trong bốn bể
Một lòng tương trợ với tương thân.
(Tinh thần quốc tế của giai cấp lao động)
Từ trong ý thức, tình cảm và hành động, Bác trân trọng, nâng niu mối tình đoàn kết vô sản anh em trên toàn thế giới, mối tình hữu nghị với các dân tộc. Trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Bác chào mừng các Đảng Cộng sản và các tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân trên thế giới đến dự Đại hội Đảng ta bằng hai câu thơ chân thành xúc động:
Quan sơn muôn dặm một nhà,
Bốn phương vô sản đều là anh em!
Bác mãi mãi là hình ảnh cao đẹp về người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường trọn đời đấu tranh vì nhân loại cần lao, vì hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội; là hiện thân của tình hữu nghị, đoàn kết giữa Đảng ta với các Đảng bạn, giữa nước ta với các nước, giữa Bác với các nhà lãnh đạo của các dân tộc trên thế giới.
Càng đọc thơ của Bác càng thấy thấm thía sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những lời thơ giản dị, mộc mạc mà chất chứa sức nặng triết lý đại đoàn kết toàn dân của Người chỉ đường dẫn lối cho mỗi chúng ta, cho dân tộc, cho cách mạng. Bác Hồ là niềm tin, là biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Ngày nay nước ta đang bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thuận lợi nhiều mà khó khăn cũng không phải ít. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải tập trung trí tuệ, sức lực của toàn Đảng, toàn dân Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, đất nước, quyết tâm thực hiện cho được lời căn dặn của Bác: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công; Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
LÊ XUÂN ĐỨC
Chú thích:
1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 92; t. 12, tr. 681; t. 10, tr. 453; t. 5, tr. 502.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực