Tăng cường quản lý, tạo điều kiện phát triển xuất bản điện tử

Ngày đăng: 31/05/2017 - 08:05

Tuy mới ra đời hơn mười năm trở lại đây nhưng xuất bản điện tử đã nhanh chóng phát triển tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của loại hình xuất bản mới này mở thêm kênh phát hành cho đơn vị xuất bản, và độc giả cũng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, những vấn đề về kiểm soát, quản lý hoạt động xuất bản điện tử cũng được đặt ra nhằm bảo đảm sự lành mạnh trong môi trường xuất bản.

Do tính đặc thù cho nên sách điện tử được phổ biến rộng rãi ở những nước có trình độ cao về công nghệ thông tin. Nhật Bản là nước có số người sử dụng điện thoại di động khá lớn (hơn 110 triệu thuê bao), con số này tiếp tục tăng, kéo theo sự tăng trưởng của sách điện tử, và đưa tới sự ra đời của loại xuất bản phẩm là “tiểu thuyết điện thoại”. Do vậy, có thể nói, các thiết bị sách điện tử cầm tay như iPad (của hãng Apple, Mỹ), Kindle (của hãng Amazon, Mỹ) hay Reader (của hãng Sony, Nhật Bản) đã tạo ra cơ hội để bạn đọc ở nhiều nước có điều kiện tiếp cận gần hơn tới thị trường sách mới mẻ này. Hiện nay, một xu hướng tác động đến thị trường sách điện tử là sự kết nối ngày càng tăng giữa xuất bản trên giấy, xuất bản điện tử và các phương tiện truyền thông, được gọi là media-mix. Kết hợp như vậy đã cho phép một đầu sách có thể được phát hành dưới các dạng khác nhau, kèm theo những sản phẩm phái sinh như phim truyền hình, trò chơi trực tuyến (game-online) được chuyển thể từ nội dung các xuất bản phẩm. Xu hướng “pha trộn truyền thông” như vậy đang trở nên phổ biến ở thị trường Nhật Bản và nhiều nước phát triển, đặc biệt là với loại truyện tranh, như manga.

Một số nhà xuất bản lựa chọn hình thức cho tác phẩm ra đời dưới dạng điện tử trước khi in ra giấy. Đó là cách quảng cáo, tiếp thị nhanh nhất trong thời đại điện tử - tin học. Và hệ thống phát hành sách điện tử cũng hình thành theo cách tiếp cận đến từng người đọc qua các phương tiện, thiết bị điện tử. Đây cũng là sự khác biệt lớn so với sách in trên giấy. Kênh phát hành sách điện tử uy tín nhất hiện này là Amazon.com. Ở Nhật Bản, tập đoàn này chiếm đến hơn 50% tổng số sách phát hành trên mạng của Nhật Bản. Hàn Quốc cũng là quốc gia có ngành công nghiệp điện tử khá phát triển, với nhiều sản phẩm mới được đưa ra thị trường hằng năm, thu hút lượng khách hàng khá đông đảo. Nhờ đó, công nghiệp xuất bản điện tử ở Hàn Quốc có điều kiện phát triển khá thuận lợi, với hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Về doanh thu, thị trường xuất bản điện tử Hàn Quốc tăng trưởng khá mạnh, với mức trung bình hằng năm là 56,2%. Tuy nhiên, hai năm gần đây, trên thế giới, thị trường sách điện tử có dấu hiệu chững lại, dù vẫn giữ mức tăng trưởng gần 10%.

Có thể nhận thấy, so với sách truyền thống, sách điện tử có những ưu thế vượt trội. Đó là: quá trình sản xuất và phát hành nhanh hơn do công nghệ số tạo ra; giá thành thấp hơn do chi phí sản xuất để chuyển sang phiên bản số hóa thấp hơn so với in ra sách giấy và do khâu in ấn, vận chuyển không còn cho nên giá thành giảm, không gian lưu trữ sách của độc giả được thu nhỏ lại, việc sở hữu sách điện tử là mãi mãi; vừa có thể sản xuất linh hoạt với số lượng ít theo nhu cầu khách hàng, vừa có thể đưa vào kho sách điện tử để kinh doanh lâu dài theo các hình thức lưu trữ trên mạng, ít tốn kém. Xuất bản phẩm điện tử có nhiều tiện ích hơn sách truyền thống bởi rất nhiều phần mềm đọc sách hỗ trợ cho người dùng sử dụng sách một cách tối ưu như: giúp người đọc dễ dàng đánh dấu, ghi chép, chú thích nội dung,… Đồng thời, xuất bản phẩm điện tử có thể chứa đựng các nội dung đa phương tiện như audio, video tạo hấp dẫn cho người đọc. Khi sách in tái bản, người mua sách điện tử sẽ được tải phiên bản cập nhật, trong khi với sách truyền thống họ phải mua phiên bản mới. Việc quản lý mạng lưới người mua đối với sách điện tử có bản quyền cũng có lợi thế, vì sau khi đã mua, người dùng sẽ được cấp một tài khoản (account) dùng lâu dài, nên không cần quan tâm tới việc lưu trữ trên máy tính cá nhân bởi khi đăng nhập vào, danh mục sách điện tử đã mua sẽ xuất hiện đầy đủ với nhiều tiện ích giúp quản lý, phân loại, tìm kiếm dễ dàng. Điều đặc biệt là xuất bản và xuất bản phẩm điện tử góp phần bảo vệ môi trường, do sách tồn tại dưới dạng số hóa, sử dụng qua các thiết bị điện tử.

Bên cạnh các ưu điểm và các tác động tích cực nêu trên, xuất bản điện tử và xuất bản phẩm điện tử cũng bộc lộ những nhược điểm, rào cản cần được nghiên cứu khắc phục, như về thói quen đọc sách. Sách truyền thống đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ, trở thành một trong những chuẩn mực và là di sản có vai trò, ý nghĩa to lớn của văn hóa nhân loại. Những năm gần đây, các phương tiện hiện đại ra đời với nhiều tính năng, tiện ích đưa tới xu hướng mới của văn hóa đọc hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ nhưng phần lớn người đọc vẫn cho rằng điều đó khó có thể hoàn toàn thay thế sách giấy, vì theo họ đọc sách điện tử rất mỏi mắt. Việc cầm một cuốn sách giấy để có cảm giác chạm tay và lật giở từng trang sách vẫn là một nhu cầu tinh thần, là một thú vui không thể thiếu với nhiều người. Vì vậy, sách điện tử và sách truyền thống sẽ phải chia sẻ thị trường và cùng tồn tại. Còn về công nghệ xuất bản và hình thức phát hành, do xuất bản điện tử mới ở giai đoạn phát triển khởi đầu, nên chưa tạo được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, phát hành, giúp người đọc tiếp cận và sử dụng thành thạo sách của nhiều nhà cung cấp. Mỗi đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử sử dụng một ứng dụng đọc sách riêng (app) buộc độc giả phải cài đặt nhiều ứng dụng sao cho phù hợp với các đơn vị phát hành khác nhau. Bên cạnh đó, việc đọc sách phải thông qua thiết bị phần cứng, phần mềm làm một số sách điện tử không thật giống sách truyền thống, khiến người đọc phải mất thời gian để có thể hình thành một thói quen mới khi đọc sách. Tuy nhiên, những hạn chế này đang được các nhà công nghệ hỗ trợ để khắc phục dần. Một số hãng công nghệ đã sáng tạo phần cứng, phần mềm gần với sách in, giúp cho việc đọc sách điện tử gần gũi với đọc sách truyền thống. Đối với nội dung, có thể nói thể loại sách điện tử chưa thật sự phong phú, nhất là các sách điện tử chỉ có phiên bản điện tử duy nhất. Vì lo ngại nạn không tôn trọng quyền tác giả mà nhiều tác giả có sách bán chạy, được sử dụng và tra cứu nhiều đã không hào hứng tham gia hay cho phép sử dụng tác phẩm chuyển sang phiên bản điện tử. Hiện nay, một trong những khó khăn của xuất bản điện tử là việc xác định thể loại đề tài, hình thành đội ngũ những chuyên gia về nội dung, công nghệ và tổ chức bán hàng có tính chuyên nghiệp cao. Điều này hạn chế rất lớn đến sự phát triển của sách điện tử. Về chi phí ban đầu và phương thức thanh toán cũng có sự phức tạp, bởi muốn đọc sách điện tử, ngay từ đầu người đọc đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn so với việc mua một cuốn sách giấy vì phải đầu tư thiết bị đọc như máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Đương nhiên, ngày nay nhiều người có mức sống trung bình ở đô thị có thể sắm một trong các thiết bị nêu trên nhưng đối với nhiều người, các thao tác mua và trả tiền qua mạng để tải sách điện tử vẫn chưa thành thạo. Các hình thức thanh toán chưa thuận tiện và đồng bộ cũng là một rào cản dẫn đến tâm lý khách hàng e ngại sử dụng sách điện tử. Thêm nữa, ở những địa bàn mà sự ổn định của in-tơ-nét không cao sẽ gây khó khăn cho việc truy cập - tải về và thanh toán điện tử khi mua loại sách này.

Hiện nay, có sáu nhà xuất bản và đơn vị làm sách có sản phẩm sách điện tử với số lượng và đề tài còn rất khiêm tốn. Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng trình độ và khả năng của các kỹ sư công nghệ thông tin ở nước ta có thể sánh với khu vực và nếu có rào cản thì đó là vấn đề cơ chế, chính sách và phương thức tiêu thụ sản phẩm chứ không phải quá trình sản xuất. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In, Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2016 số tên sách đăng ký xuất bản giảm 42% so với năm 2015 nhưng số lượt mua sách điện tử lại tăng hơn 60%. Như vậy, có thể thấy số người dùng sách điện tử tăng lên nhưng số đầu sách đưa ra thị trường lại giảm. Chưa thể khẳng định ngay đây là tín hiệu tích cực hay có sự điều chỉnh của các nhà xuất bản, vì mới chỉ dựa vào số liệu của một năm; do đó cần tổng hợp, phân tích các yếu tố khác như doanh thu, lợi nhuận của nhà sản xuất, phát hành thì mới có cơ sở khẳng định được xu hướng của thị trường mới mẻ này.

Ngày 25-8-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42/CT-TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó xác định cần tổ chức “nghiên cứu thí điểm xuất bản sách điện tử”. Đây là một dấu mốc quan trọng trong hoạt động xuất bản. Từ định hướng đó, Luật Xuất bản năm 2004 khi đưa ra quy định về xuất bản phẩm, đã đề cập việc xuất bản hợp pháp thông qua nhà xuất bản để đưa lên in-tơ-nét. Tuy nhiên, quy định này còn rất sơ lược, nên Chính phủ đã cụ thể hóa qua một văn bản dưới luật để có thể thực thi. Đến năm 2012, Luật Xuất bản sửa đổi đã dành hẳn một chương quy định về xuất bản điện tử. Song, điều bất cập là trong cả hai lần ban hành nêu trên, Luật Xuất bản vẫn chưa đưa điều chỉnh hoạt động phát hành của các nhà sản xuất nước ngoài vào thị trường nước ta thông qua in-tơ-nét, trong khi người tiêu dùng vẫn có thể mua sách điện tử hoặc mua thiết bị điện tử, thiết bị đọc mà trong đó có chứa hàng nghìn cuốn sách từ các nhà phân phối nước ngoài. Đây là vấn đề không chỉ của riêng nước ta mà của nhiều quốc gia, nhưng nếu chưa dùng công nghệ để kiểm soát được hoạt động này thì vẫn cần có chế định và chế tài để xử lý về mặt pháp luật, nếu nội dung vi phạm các quy định trong Luật Xuất bản của Việt Nam. Rõ ràng, trong một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão, thì công tác quản lý nhà nước cần tăng cường hơn bao giờ hết, đặc biệt là về tính định hướng, khả năng dự báo,... để không tụt hậu so với thực tiễn vốn luôn vận động rất sinh động nhưng cũng không kém phần phức tạp.

NGUYỄN KIỂM

Theo Báo Nhân Dân

Bình luận