Phòng, chống “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” từ tổ chức cơ sở đảng
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện của 3 nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Đây là quyết tâm chính trị cao của Đảng nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực hiện có kết quả Nghị quyết này cần có nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ tổ chức cơ sở đảng.
Đại hội XII của Đảng chỉ rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt hàng đầu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đảng đã thẳng thắn chỉ ra 4 nguy cơ, trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến tinh vi, phức tạp. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho thấy:
Ưu điểm
Toàn Đảng đã thực hiện từ trên xuống và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị, góp phần cảnh báo, răn đe, góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, ngăn chặn trên một số mặt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã có tác động góp phần thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Đại hội XII Đảng cũng tiếp tục nhấn mạnh kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), xác định đó là chủ trương đúng đắn và kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Nghị quyết đưa ra 27 biểu hiện của 3 nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Đây là quyết tâm chính trị cao của Đảng nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hạn chế
Nội dung sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, kém hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, tê liệt. Tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, a dua, xuyên tạc, bôi đen. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình khi xảy ra sai phạm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, bổ nhiệm, chạy khen thưởng, chạy tội, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn còn phổ biến với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, giáo dục, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, có dấu hiệu dung túng bao che cho sai phạm, nặng bệnh thành tích, sợ mất thi đua, lợi dụng dân chủ bỏ phiếu kín để cố ý làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước. Đây là dấu hiệu của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Nguyên nhân
Không ít đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, số khác lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi đồng tiền, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy năng lực hạn chế trong việc cụ thể hoá, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành chương trình hành động. Kế hoạch tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị còn chung chung, làm cho có, chỉ đạo thiếu quyết liệt, nói một đằng làm một nẻo hoặc nói mà không làm, nói nhiều làm ít. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết.
Giải pháp
Một là, người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu về mọi mặt để các đảng viên noi theo và chính họ là “ảnh thật” của chiếc gương tổ chức cơ sở đảng. Họ phải nhận thức sâu sắc rằng "tự diễn biến" sẽ dẫn đến "tự chuyển hoá", từ sự biến đổi về lượng ắt sẽ biến đổi về chất và hậu quả tất yếu sẽ mục rũa từ bên trong, cấp ủy sẽ mất kiểm soát, mất vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng dẫn đến tê liệt không lãnh đạo, quản lý được. Do đó người đứng đầu cấp ủy phải là người chấp nhận hy sinh vô điều kiện cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Vai trò rất quan trọng không thể thiếu và mang tính quyết định của ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp trong công tác đề bạt, tiến cử, bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, tìm chọn người đứng đầu xứng đáng nhất.
Hai là, nhận diện chính xác các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện 27 biểu hiện để các đảng viên tự soi rọi bản thân mình và tự giác khắc phục, sửa chữa về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. "Tự diễn biến", "tự chuyển hoá" được xếp theo 3 nhóm, nhưng để chi bộ chỉ được đảng viên nào vi phạm biểu hiện nào thực sự không phải dễ. Cách nhận diện có thể qua nhiều kênh thông tin: phản ánh của người dân, báo chí, phát ngôn, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, a dua, dung túng bao che cho sai phạm, lợi ích nhóm... Khi phát hiện phải có chế tài xử lý nghiêm, cấp ủy cấp trên phải kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức kịp thời không chờ hết tuổi nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ công tác những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, kém về phẩm chất, điều hành theo lối mòn duy ý chí không sáng tạo, không chịu tiếp cận cái mới, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với đảng viên không giữ chức vụ, chi bộ nhắc nhở bằng văn bản và yêu cầu xây dựng kế hoạch khắc phục sửa chữa khuyết điểm, có lộ trình cụ thể. Nếu vi phạm lần 2 thì động viên làm đơn xin ra khỏi Đảng.
Ba là, đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.Sinh hoạt Chi bộ hằng tháng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Thường xuyên tuyên truyền các tác phẩm của chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt chú trọng 2 tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” và “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Cách tuyên truyền phải theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”, mỗi tháng chỉ học tập 1 phần nhưng phải cụ thể, sinh động có vận dụng vào thực tế đơn vị để tránh nhàm chán. Báo cáo viên phải là người am hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, có kỹ năng sư phạm, báo cáo có cơ sở lý luận và có tính thuyết phục cao. Tuyên truyền gắn với thực tiễn. Xây dựng, ban hành quy định về tự phê bình và phê bình trên tinh thần tự giác, nghiêm túc, nhằm khắc phục triệt để tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, phê bình kiểu nịnh bợ nhau, nói lấy lòng, đồng thuận xuôi chiều, tự phê bình thì quanh co che giấu sai phạm, khuyết điểm rồi đổ lỗi do khách quan… Có cơ chế bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh vì lẽ phải, vì tập thể, vì cái chung, vì mục tiêu cao cả của Đảng.
Bốn là, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, cho ra khỏi Đảng những trường hợp không còn đủ tiêu chuẩn. Chống khuynh hướng chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng. Vấn đề cốt lõi của việc xây dựng tổ chức đảng là phải xây dựng chất lượng đội ngũ đảng viên. Mọi biểu hiện xem nhẹ, thái độ không nghiêm túc, không khoa học trong phát triển đảng viên là nguồn gốc lỏng lẻo về tổ chức, giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, dẫn đến làm biến chất, tan rã Đảng. Tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Năm là, kiểm soát quyền lực, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Việc kiểm soát thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó. Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Tránh tình trạng khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể cấp ủy mà thành tích lại nhận của người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, nhất là lạm quyền trong công tác cán bộ, bổ nhiệm người nhà. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm tra của Đảng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật. Xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý.
Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Các cấp uỷ, chính quyền phải nhận thức sâu sắc, quán triệt và yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội thực hiện nghiêm Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị quy định về việc mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cấp ủy phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các đoàn thể chính trị xã hội, không được định kiến khi họ phản ánh đúng sự thật góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Ths. Phạm Đình Lương
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực