Cách mạng công nghệ 4.0: Báo chí cần làm gì để không bị tụt hậu?

Ngày đăng: 05/07/2017 - 09:07

25.6.2017 Lanảnh Cách mạng công nghệ 4.0 Báo chí cần làm gì để không bị tụt hậu

Quang cảnh Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Ảnh: vnreview.vn

Cách mạng công nghệ 4.0 đã đưa loài người sang kỷ nguyên của xã hội công nghiệp thông tin, xã hội tri thức và xã hội học tập. Các chiều ảnh hưởng của cách mạng công nghệ 4.0 đến nền báo chí Việt Nam bao gồm: tạo ra cuộc cách mạng và sự khuếch tán công nghệ trong nền báo chí truyền thông, sự biến đổi nghề nghiệp, đặc biệt là nghề thuộc lĩnh vực thông tin - truyền thông, sự biến đổi các dòng chảy trong “xã hội thông tin”, làm xuất hiện các chiều hướng phát triển khác nhau của lĩnh vực này ở mỗi khu vực, quốc gia và địa phương.

Về cách mạng công nghệ 4.0

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các hệ thống thông minh đã đưa loài người tiến tới một cuộc cách mạng mới, cách mạng khoa học và công nghệ 4.0. Trong cuộc cách mạng này, vai trò của các hệ thống thông minh là một phần thiết yếu và quan trọng nhất.

Cách mạng 4.0 được hiểu là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ, mà ở đó các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo, các hệ thống này có thể gồm: hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ thống nhúng (embedded system), hay các hệ thống tự động hóa, các hệ thống mạng cảm ứng (sensor networks), các hệ thống thời gian thực và các công nghệ in 3 chiều hay 4 chiều,… mà trung tâm của cuộc cách mạng này là giao tiếp giữa các nền tảng thông minh như các hệ thống thông minh di động, các hệ thống nhà máy thông minh hay các hệ thống tòa nhà dân dụng thông minh. Ngoài ra, liên kết, xử lý thông tin thông qua mạng xã hội hay nền tảng web cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên số. Các nền tảng này được xây dựng dựa trên mạng các dịch vụ, dữ liệu và con người. Các đặc trưng của cách mạng 4.0 mang trong nó nội hàm về công nghệ tri thức và công nghệ thông minh, bao gồm bốn đặc trưng sau đây:

Thứ nhất là hệ thống mạng của các thành phần thông minh. Ở đây, các kế hoạch, quy trình được hiện thực thông qua các thành phần này. Ngoài ra dữ liệu cũng được tích hợp hoàn toàn và được xử lý, tích hợp. Công nghệ mạng cảm ứng sẽ nắm vai trò quan trọng trong trợ giúp điều khiển, quản lý và thực hiện các tiến trình tự động. Vai trò của các thành phần thông minh không chỉ nằm ở các điều khiển tự động mà nó còn tham gia vào quá trình bảo trì hệ thống, ví dụ như các thanh điều khiển của tòa nhà thông minh, các điều khiển, xử lý tự động bật tắt đèn dựa trên nhận diện khuôn mặt, cử chỉ hay hành động của con người.

Thứ hai là sự tích hợp của các mạng thế hệ mới. Theo đó, vấn đề thời gian thực trở thành chức năng quan trọng nhất. Không giống với các kỹ thuật truyền thống, đặc trưng này bảo đảm cho việc truy xuất, kiểm soát và quản lý được thực hiện mọi lúc, mọi nơi theo thời gian thực như trong các điều khiển theo thời gian thực dựa trên cảm ứng độ ẩm, nhiệt độ trong các kho của các nhà máy…

Thứ ba là sự kết hợp các chuỗi giá trị giữa sản phẩm và con người. Đặc trưng này được thể hiện qua các dịch vụ tích hợp gắn kèm với sản phẩm. Các dịch vụ này sẽ được cập nhật, bảo trì và vận hành, kiểm soát và quản lý trong suốt chu kỳ của nó. Ngoài ra, sự tương tác giữa sản phẩm và con người cũng được gắn kết chặt chẽ. Các sản phẩm như tòa nhà thông minh sẽ tự động cập nhật các phiên bản mới cũng như tự động phát hiện lỗi trong suốt quá trình sử dụng là một ví dụ điển hình.

Thứ tư là sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ. Công nghệ 4.0 sẽ bao gồm các giải pháp tích hợp và tự động hóa. Sự thay đổi chóng mặt của các công nghệ thông minh nhân tạo, công nghệ cảm ứng và rô-bốt cũng thay đổi nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi của các giải pháp và kỹ thuật khác. Nói tóm lại, đặc trưng này chính là sự cập nhật các kỹ thuật mới từng giờ, từng phút. Một ví dụ điển hình cho đặc trưng này là các kỹ thuật in 3 chiều hay 4 chiều mà ở đó các sản phẩm được tạo tự động. Công nghệ rô-bốt cũng ngày càng tiến dần đến trí thông minh nhân tạo như con người…

Sự chuyển đổi tất yếu của nền báo chí thời công nghệ 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.

Cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AV), hình thành “báo nhúng” trong đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh.

Điều quan trọng là cách mạng công nghệ làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa và thay đổi cả tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí, làm biến đổi giá trị nội dung báo chí đối với nhà quảng cáo. Những bài bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng nay thiếu sức hút công chúng, thay vào đó là thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, chẳng hạn như các siêu tác phẩm số (mega-stories), các clip dạng live-stream trên mạng xã hội, hay các bản rap-news (bản tin rap)…

Khách hàng - công chúng, giá trị giáo dục, tư tưởng, giá trị kinh tế và giải trí của sản phẩm báo chí truyền thông cùng thay đổi tất yếu dẫn đến sự thay đổi của nhà sản xuất báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí, bộ phận truyền thông trong các tổ chức, các doanh nghiệp truyền thông buộc phải thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh.

Một số yêu cầu và giải pháp đổi mới báo chí truyền thông

Tốc độ và kết quả chuyển đổi của nền báo chí, truyền thông trong thời công nghệ 4.0 phụ thuộc vào mức độ đáp ứng yêu cầu của 5 yếu tố căn bản sau đây:

Một là, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông cho các cơ quan báo chí và cơ sở truyền thông theo kịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0, đồng thời phù hợp với trình độ tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh của công chúng. Cần nghiên cứu kỹ trước khi “sắm” hệ thống thiết bị, nhằm tránh việc mua thiết bị xong, chưa vận hành được đã lạc hậu, hoặc không thích hợp (chẳng hạn, khi phát triển dự án “báo chí nhúng”, phải nghiên cứu xác định rằng người đọc, nghe, xem có mua và dùng kính 3D hay không)

Hai là, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành truyền thông đáp ứng yêu cầu của khoa học công nghệ 4.0, bao gồm đồng bộ hóa đội ngũ nhà báo công nghệ 4.0 và nhà quản lý báo chí truyền thông đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương ứng.

Ba là, xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số. Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, bên cạnh báo chí chính thống còn rất nhiều “dòng chảy” thông tin khác, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Cần nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm tư vấn chính sách quản lý báo chí truyền thông trong môi trường truyền thông số một cách kịp thời và hiệu quả.

Bốn là, phát triển kinh tế báo chí truyền thông dựa trên quy luật và thực trạng quan hệ cung - cầu và đặc thù công chúng truyền thông của quốc gia và địa phương để nghiên cứu, phân tích, dự đoán, sử dụng hệ thống mạng của các thành phần thông minh. Có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm cảm biến, nhận diện giúp phân tích dữ liệu người dùng, tự động tạo và “nhảy ra” các pop-up quảng cáo phù hợp,… giúp tối ưu hóa phân tích cạnh tranh, xây dựng chiến lược truyền thông tiếp thị tích hợp, PR, quảng cáo sản phẩm truyền thông, “cá nhân hóa” sản phẩm báo chí truyền thông…

Năm là, nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán “cách mạng công nghệ 4.0”.

Trong mỗi cơ quan báo chí, nếu chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt và một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ học cách làm báo công nghệ 4.0 thì chưa đủ. Lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, nguyên tắc lọc bình luận, quản lý fanpage, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội,… thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số. Nói cách khác, mọi cơ quan báo chí truyền thông và đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước và Ban Tuyên giáo các cấp cần nhận thức đúng về cách mạng công nghệ 4.0 và tính tất yếu của sự đổi mới, có chiến lược nghiên cứu, thay đổi chính sách quản lý báo chí truyền thông trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội, truyền thông xã hội, sự ra đời của nền báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu và báo chí sáng tạo, có chủ trương đổi mới ngay, không thể chờ đợi hay chậm trễ./.


PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, TS. Trần Quang Diệu

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận